Bình luận Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ


Bình luận Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

Hướng dẫn

Đề bài: Anh chị hãy bình luận về câu tục ngữ: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.”

Mở bài Bình luận Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

Tấm lòng yêu thương giữ người với người trong một cộng đồng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống này được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau qua rất nhiều câu tục ngữ. Một trong số đó là “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Câu tục ngữ khuyên con người ta cần biết giúp đỡ sẻ chia với nhau trong những hoàn cảnh khó khăn.

Thân bài Bình luận Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” nghĩa thực chính là trong một đàn ngựa, khi có một con bị ốm đau không ăn được thì cả bầy ngựa cũng sẽ không ăn như để chia sẻ với con ngựa bị đau ấy. Từ hình ảnh về con ngựa như thế, có thể nói đến con người, ở đây là sự sẻ chia trong một tập thể với một cá nhân. Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh ẩn dụ một cách tài tình. Nó nhắc nhở chúng ta cách ứng xử, làm người trong cuộc sống và hướng chúng ta đến một chuẩn mực đạo đức cần có ở con người là sống đoàn kết, quan tâm lẫn nhau. Dù trong thời đại nào thì câu tục ngữ này cũng luôn luôn đúng. Khi chỉ một cá nhân trong tập thể có khó khăn thì tất cả mọi người cần nêu lên tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái với người ấy. Đây là một phẩm chất cao đẹp cần có trong mỗi người.

Vì sao chúng ta nên làm vậy? Bởi lẽ cuộc sống không bằng phẳng, những khó khăn là điều đương nhiên, để vượt được qua những khó khăn ấy không chỉ cần sự đương đầu dũng cảm của một cá nhân mà còn cần sự san sẻ của những người xung quanh. Giúp người người lại giúp mình là một nhân quả tất yếu. Sống trong một cộng đồng, cần biết san sẻ để cùng nhau vươn lên và sống tốt. Đó là mối quan tâm của cha mẹ của anh chị em đối với ta khi ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó chỉ cần là những lời động viên an ủi thôi cũng khiến cho chúng ta ấm lòng cảm thấy tự tin hơn và dường như những nỗi khó khăn cũng được vơi đi phần nào. Đó cũng là sự quan tâm của một tập thể lớp đối với một bạn trong lớp khi bạn ấy gặp khó khăn trong gia đình hay những chuyện trong cuộc sống

Xem thêm:  Phân tích bài văn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam, tinh thần giúp đỡ tương thân tương ái không phải hiếm gặp “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều.” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng.”Rất nhiều rất nhiều nữa những câu ca dao tương tự của cha ông truyền lại mang trong nó những bài học quý giá về tinh thần đoàn kết, tương trợ.

Vượt lên trên quan hệ cá nhân, câu tục ngữ còn mang ý nghĩa với cộng đồng. Đó chính là sự đoàn kết trong cả một cộng đồng một xã hội,ý thức đoàn kết cả một xã hội lại với nhau chứ không dừng lại ở một tập thể. Truyền thống quý báu này đã giúp dân tộc ta có một sức mạnh to lớn vượt qua rất nhiều gian khổ. Thời kì đất nước khó khăn, nạn đói năm 1945, cả đồng bào cùng chung tay sẻ chia miếng cơm manh áo, vực dậy từ chính những gì gian khổ nhất. Rồi lũ lụt cuốn trôi đi tất cả của miền Trung thì người dân cả nước lại hướng về miền Trung thân yêu để san sẻ những khó khăn đó. Thế mới thấy hết được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sẻ chia. Ý nghĩa của câu tục ngữ không bó hẹp trong phạm vi giữa những cá nhân với nhau mà còn rộng hơn thế.

Bên cạnh đó câu tục ngữ còn đề cập tới tình yêu thương của con người. Tại sao chúng ta phải thương yêu nhau? Cuộc sống vốn trở nên tình nghĩ hơn cũng nhờ yêu thương. Nhờ tình yêu thương mà chúng ta đối xử với nhau nồng ấm, tấm lòng rộng mở, biết san sẻ. Hãy thử tưởng tượng xem nếu không còn tình yêu thương gắn kết chúng ta nữa thì liệu sẽ ra sao? Mỗi người sẽ là một cách thể rời rạc, không biết chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu với nhau. Mất đi những cảm xúc ấy thì con người cũng chẳng khác gì đồ vật. Tình cảm cộng đồng sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn về cả vật chất và tinh thần khiến con người vượt qua bao khó khăn chiến thắng kẻ thù và hướng tới cuộc sống ấm no hạnh phúc. Những hành động nhom nhỏ giúp đỡ mọi người khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng hơn trong những ngày động giá rét xua tan đi mọi lo lắng phiền muộn khiến ta yêu thương cuộc đời yêu thương con người hơn và điều đó thật đáng quý biết bao.

Tinh thần nhân ái, sẻ chia cao đẹp này đã trở thành một đức tính trong hầu hết con người Việt Nam. Hầu hết chứ không phải tất cả, vì vậy cần phê phán những người sống thờ ơ trước nỗi đau, khó khăn của người khác. Khi thấy một em bé bị bỏ rơi, họ dửng dưng đi qua. Khi thấy một cụ già đứng trên xe bus họ quay mặt đi. Thật đáng buồn biết bao trước những hành động vô cảm ấy. Những hành động ấy là biểu hiện của sự xuống dốc của tinh thần đoàn kết yêu thương cộng đồng. Sự cảm thông chia sẻ cho nhau là nhịp cầu nối để cho mọi người đến với nhau tốt đẹp hơn. Ta cũng nên hiểu rằng khi ta giúp đỡ cho người khác tức là ta đã có cho và có nhận. bởi lẽ mỗi khi giúp được ai ta sẽ cảm thấy vui trong lòng như vậy chẳng phải ta đã nhận được hạnh phúc đó sao? Nói như vậy, không phải ta giúp người một cách bừa bãi và không suy nghĩ đâu. Giúp người thương người để ta giúp họ được khó khăn hoạn nạn là điều đáng quý nhưng giúp đỡ họ để nuôi dưỡng những thói hư tật xấu như lười biếng lao động, ỷ lại kẻ khác thì đó là điều không nên. Sự yêu thương,lòng thông cảm phải đặt đúng chỗ, đúng đối tượng thì việc làm ấy mới là nghĩa cử cao đẹp, có tác dụng tốt góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

Xem thêm:  Giới thiệu về Nguyễn Đình Chiểu – tác giả của tác phẩm Lục Vân Tiên

Để có được tinh thần yêu thương, sẻ chia, sự cảm thông là một quá trình rèn luyện. Bởi lẽ bản tình của con người khó tránh khỏi phần ích kỉ, chúng ta cần rèn luyện để vượt qua sự ích kỉ ấy, sống đẹp, sống tốt. Muốn vậy ngay bây giờ chúng ta hãy cùng giúp đỡ những người xung quanh những việc mà ta có thể làm và cần thiết. Cảm thông chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia khuyên góp từ thiện cho trẻ em nghèo hay trong các ngôi chùa cưu mang các em nhỏ không nơi nương tựa…. Những hành động nhỏ ghép lại sẽ tạo hiệu quả lớn, hãy rèn luyện chúng mỗi ngày!

Kết luận Bình luận Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

Ca dao tục ngữ vẫn luôn là một kho tàng quý giá chứa đựng những bài học bổ ích, giá trị,những lời giáo huấn đáng trân trọng. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” hay, xúc tích. Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh ẩn dụ một cách tài tình. Nó nhắc nhở chúng ta cách ứng xử, làm người trong cuộc sống và hướng chúng ta đến một chuẩn mực đạo đức cần có ở con người là sống đoàn kết, quan tâm lẫn nhau.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan