Cảm nghĩ về nhận định Thơ Bác đầy trăng văn tham khảo lớp 8
Cảm nghĩ về nhận định Thơ Bác đầy trăng văn tham khảo lớp 8
Hướng dẫn
Hồ Chí Minh là nhà chính trị, đồng thời cũng là nhà văn nhà thơ lớn của Việt Nam, trong thơ Bác hình ảnh ánh trăng xuất hiện rất nhiều lần. Bằng những hiểu biết của mình, anh chị hãy trình bày cảm nghĩ về nhận định “Thơ Bác đầy trăng”.
I. Dàn ý cho đề bài cảm nghĩ về nhận định thơ Bác đầy trăng
1. Mở bài cho đề cảm nghĩ về nhận định thơ Bác đầy trăng
Hình ảnh ánh trăng xuất hiện nhiều lần trong thơ Hồ Chí Minh đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của Bác, đồng thời cho thấy sự hòa hợp giữa tâm hồn người nghệ sĩ và người chiến sĩ cách mạng.
2. Thân bài cho đề cảm nghĩ về nhận định thơ Bác đầy trăng
– Trong thơ Bác, những hình ảnh thiên nhiên này cũng thường xuyên xuất hiện, đặc biệt hình ảnh “trăng” luôn xuất hiện hết sức tự nhiên.
– Qua song sắt nhà tù, đôi mắt người chiến sĩ cách mạng- người thi sĩ tài hoa hướng ra ngoài cửa sổ ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên giản dị mà chân thực.
– Hình ảnh ánh trăng hiện lên trong sự đối thoại với tâm hồn người thi sĩ
– Bác xem trăng như là tri kỉ, có sự thấu hiểu, đồng cảm trong nghịch cảnh ngục tù cho thấy tinh thần lạc quan của Người cùng tình yêu thiên nhiên và quê hương đất nước.
– Ánh trăng ngập tràn giữa đêm khuya trở thành người tri âm tri kỉ với người chiến sĩ cách mạng.
– Trăng trở thành hình ảnh trung tâm trong đêm rằm mùa xuân.
– Ánh trăng ngập tràn trong từng con chữ đã cho thấy trăng là biểu tượng cho tinh thần lạc quan cách mạng
3. Kết bài cho đề cảm nghĩ về nhận định thơ Bác đầy trăng
Trăng đã trở thành một trong những hình tượng thiên nhiên trung tâm và nổi bật trong thơ của Bác. “Thơ Bác đầy trăng”- ánh trăng đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của Người.
Bài liên quan đến hình ảnh trăng trong thơ Bác:
>>Soạn văn Cảnh khuya và rằm tháng riêng của Hồ Chí Minh
>>Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng bài văn đạt điểm 9 trong kì thi học sinh giỏi
>>Soạn văn Ngắm trăng đầy đủ chi tiết
II. Bài tham khảo cho đề bài ” cảm nghĩ về nhận định thơ Bác đầy trăng”
Bác Hồ– vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam không chỉ là người chiến sĩ cách mạng tài ba đã tìm ra con đường cứu nước mà còn là người nghệ sĩ lãng mạn để lại nhiều tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học. Bàn về thơ văn của Người, nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét: “Thơ Bác đầy trăng”. Điều này đã được minh chứng qua sự nghiệp thơ văn của Người nói chung và qua một số thi phẩm như “Cảnh khuya”, “Rằm tháng giêng”,… nói riêng. Hình ảnh ánh trăng xuất hiện nhiều lần đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của Bác, đồng thời cho thấy sự hòa hợp giữa tâm hồn người nghệ sĩ và người chiến sĩ cách mạng.
Trăng là một trong số những hình tượng thiên nhiên quen thuộc trong thơ ca. “Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông,…” là những chất liệu và là nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ. Trong thơ Bác, những hình ảnh thiên nhiên này cũng thường xuyên xuất hiện, đặc biệt hình ảnh “trăng” luôn xuất hiện hết sức tự nhiên.
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
(“Ngắm trăng”– Hồ Chí Minh)
Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh ngục tù tăm tối vào khoảng thời gian Bác bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam. Dù đang ở trong nghịch cảnh “không rượu cũng không hoa” nhưng tâm hồn Người vẫn ung dung bầu bạn với thiên nhiên. Qua song sắt nhà tù, đôi mắt người chiến sĩ cách mạng- người thi sĩ tài hoa hướng ra ngoài cửa sổ ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên giản dị mà chân thực. Hình ảnh ánh trăng hiện lên trong sự đối thoại với tâm hồn người thi sĩ: “Người ngắm trăng soi”- “trăng nhòm khe cửa”. Điều này cho thấy song sắt nhà tù chỉ có thể trói buộc thân xác chứ không thể kìm kẹp tâm hồn người thi sĩ. Bác xem trăng như là tri kỉ, có sự thấu hiểu, đồng cảm trong nghịch cảnh ngục tù cho thấy tinh thần lạc quan của Người cùng tình yêu thiên nhiên và quê hương đất nước. Không chỉ dừng lại ở đó, trăng còn xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau, thậm chí là trong lúc Người đang “lo nỗi nước nhà”:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
(“Cảnh khuya”- Hồ Chí Minh)
Bằng những nét chấm phá, bức tranh thiên nhiên hiện lên vừa có nhạc, vừa có họa. Đó là cảnh đêm khuya tĩnh lặng, trong trẻo với “tiếng suối”, “trăng”, “hoa. Lúc này, ánh trăng ngập tràn giữa đêm khuya trở thành người tri âm tri kỉ với người chiến sĩ cách mạng. “Người chưa ngủ” hiện lên trong bức tranh ngập tràn ánh trăng cho thấy sự hòa hợp giữa phong thái của người chiến sĩ cách mạng và tâm hồn của người nghệ sĩ. Ngay cả lúc “bàn bạc việc quân” thì ánh trăng vẫn xuất hiện:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
(“Rằm tháng giêng”- Hồ Chí Minh)
Bài thơ đã phác họa không gian rộng lớn bao la và ngập tràn ánh trăng. Đặc biệt, đó còn là ánh trăng tròn đầy đặn của ngày rằm, của mùa xuân. Trăng trở thành hình ảnh trung tâm trong đêm rằm mùa xuân. Cả bầu trời và dòng nước đều nhuộm ánh trăng rằm, “lồng lộng trăng soi”: trời trăng, sông trăng và con thuyền chở trăng (“trăng ngân đầy thuyền”) khiến cho cảnh vật tràn đầy sức xuân. Trong bối cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình đó là bối cảnh con người đang “bàn bạc việc quân”:
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Trong khung cảnh thiên nhiên ngập tràn ánh trăng, hình ảnh con thuyền đang chở những người chiến sĩ cách mạng đồng thời cũng chở đầy ánh trăng rằm tràn đầy sức xuân xuất hiện. Ánh trăng rằm tràn đầy sức xuân “ngân đầy thuyền” đã đem đến một cách cảm nhận đặc biệt về con thuyền. Đó chính là con thuyền cách mạng chứa đựng niềm tin vào chiến thắng của những người chiến sĩ về sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tình yêu thiên nhiên đã quyện hòa cùng tình yêu nhân dân, tình yêu đất nước và hun đúc thành quyết tâm, lời hứa hẹn về ngày chiến thắng. Ánh trăng ngập tràn trong từng con chữ đã cho thấy trăng là biểu tượng cho tinh thần lạc quan cách mạng, vàngười thi nhân đang ngắm trăng, thưởng thức cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình hiện lên kì vĩ hơn trong vai trò là người chiến sĩ cách mạng.
Như vậy, trăng đã trở thành một trong những hình tượng thiên nhiên trung tâm và nổi bật trong thơ của Bác. “Thơ Bác đầy trăng”- ánh trăng đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của Người. Đó là người thi sĩ lãng mạn, tài hoa nhưng đồng thời cũng là người chiến sĩ cách mạng với tinh thần “thép”. Trăng trong thơ Người không chỉ là ẩn dụ cho tình yêu thiên nhiên mà còn thể hiện tinh thần yêu nước cùng quyết tâm giải phóng dân tộc.
Theo Nhungbaivanhay.vn
Từ khóa tìm kiếm:
- https://nhungbaivanhay vn/cam-nghi-ve-nhan-dinh-tho-bac-day-trang-van-tham-khao-lop-8 html