Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên qua khổ thơ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải


Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên qua khổ thơ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Hướng dẫn

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên qua khổ thơ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những thi phẩm xuất sắc của Thanh Hải. Khổ thơ mở đầu bài thơ đã để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc về vẻ đẹp thiên nhiên đất trời.

2. Thân bài

– Bài thơ được bắt đầu từ những xúc cảm trực tiếp hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Từ đó gợi cho người đọc suy ngẫm về mùa xuân đất nước.

– Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp tươi xanh của thiên nhiên xứ Huế khi vào xuân với cảnh sắc tươi đẹp, đầm ấm

+ Chữ “mọc” đã thể hiện rất chân thực sức sống muốn vươn của cỏ cây.

+ Màu tím của bông hoa vừa khéo trở thành nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động đem lại một vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế.

– Trong không gian đó, nhà thơ hướng tầm mắt lên bầu trời, nghe theo tiếng chim chiền chiện đang say mê ca hát giữa bầu trời xanh

+ Chữ “ơi” đặt trong nhịp 1-4 đã mang đến giọng điệu reo vui cho cả câu thơ. Tác giả như đang đón nhận, đang hưởng thụ vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên

+ Ý thơ còn giúp chúng ta nhận ra được nhiềm ui của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân. Nhà thơ và những cảnh sắc, âm thanh kia như đã hòa vào làm một.

Xem thêm:  Phân tích hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt – Văn mẫu lớp 9 tuyển chọn

– Chỉ bằng bốn câu thơ với những nét nghệ thuật chấm phá độc đáo Thanh Hải đã vẽ nên những nét tươi đẹp, sinh động của thiên nhiên, của con người khi xuân về.

3. Kết bài

Bằng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu cùng với những nét chấm phá vào bức tranh thiên nhiên Thanh Hải đã khiến người đọc như muốn đắm chìm vào không gian mùa xuân. Và với tất cả tình cảm mà ông đã gửi vào bài thơ chắc chắn khúc ca mùa xuân của ông sẽ luôn sống mãi trong lòng độc giả.

II. Bài tham khảo

“Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những thi phẩm xuất sắc của Thanh Hải. Khổ thơ mở đầu bài thơ đã để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc về vẻ đẹp thiên nhiên đất trời:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc,

Ơi! con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời”

Bài thơ được sáng tác giữa mùa đông rét buốt trên xứ Huế, đó là những tháng ngày cuối cùng tác giả được sống trên cõi đời này. Bài thơ được bắt đầu từ những xúc cảm trực tiếp hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Từ đó gợi cho người đọc suy ngẫm về mùa xuân đất nước.

Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp tươi xanh của thiên nhiên xứ Huế khi vào xuân với cảnh sắc tươi đẹp, đầm ấm:

Xem thêm:  Tưởng tượng em được gặp gỡ nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân và trò chuyện cùng ông về những ngày tháng đi tản cư. Hãy kể lại cuộc gặp gỡ đó

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc”

Chữ “mọc” đã thể hiện rất chân thực sức sống muốn vươn của cỏ cây. Trong cái không gian bao la rộng lớn ấy hiện lên một bông hoa màu tím biếc giữa nền xanh của dòng sông. Màu tím của bông hoa vừa khéo trở thành nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động đem lại một vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế. Cái tím biếc của bông hoa hòa vào bức tranh màu xanh rộng lớn, tươi mát đã xua đi cái đơn điệu của bức tranh nhưng lại nhuốm màu u buồn lên chính mình.

Người đọc như nhìn thấy một bông hoa đang lẻ loi trôi nổi giữa dòng nước vô định. Phải chăng dòng sông xanh đó chính là dòng đời, còn hoa lục bình là kiếp người nhỏ bé giữa dòng đời rộng lớn. Đến đây, người đọc chợt nhớ đến hoàn cảnh đặc biệt của nhà thơ khi viết nên thi phẩm này. Dường như trước lúc rời xa cuộc đời về cõi vĩnh hằng Thanh Hải đang chiêm nghiệm lại về cuộc đời mình. Nhà thơ quan niệm sống là phải đẹp, phải có ích cho cuộc đời như bông hoa tím biếc kia dù đơn độc nhưng vẫn tô điểm, làm sinh động bức tranh thiên nhiên rộng lớn.

Trong không gian đó, nhà thơ hướng tầm mắt lên bầu trời, nghe theo tiếng chim chiền chiện đang say mê ca hát giữa bầu trời xanh:

“Ơi con chim chiền chiện.

Hót chi mà vang trời”.

Chữ “ơi” đặt trong nhịp 1-4 đã mang đến giọng điệu reo vui cho cả câu thơ. Tác giả như đang đón nhận, đang hưởng thụ vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên. Cảm xúc của nhà thơ như trào dâng trong câu hỏi tu từ: “Hót chi mà vang trời”. Âm thanh vui tươi của tiếng chim như làm sống dậy một tâm hồn đang phải đối mặt với những đau đớn của bệnh tật, u ám của cái chết cận kề. Ý thơ còn giúp chúng ta nhận ra được nhiềm ui của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân. Nhà thơ và những cảnh sắc, âm thanh kia như đã hòa vào làm một. Cảm xúc từ đó mà òa ra thành lời, thật ngỡ ngàng, thật thích thú.

Xem thêm:  Cảm nhận về người lính trong bài thơ Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Chỉ bằng bốn câu thơ với những nét nghệ thuật chấm phá độc đáo Thanh Hải đã vẽ nên những nét tươi đẹp, sinh động của thiên nhiên, của con người khi xuân về. Phải có một tình yêu tha thiết với cuộc sống đến nhường nào thì nhà thơ mới có thể viết lên được những lời thơ tươi tắn và dạt dào đến thế? Khi đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác đặc biệt của nó càng hiểu, càng trân trọng thêm những giá trị của “Mùa xuân nho nhỏ”.

Như vậy, bằng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu cùng với những nét chấm phá vào bức tranh thiên nhiên Thanh Hải đã khiến người đọc như muốn đắm chìm vào không gian mùa xuân. Và với tất cả tình cảm mà ông đã gửi vào bài thơ chắc chắn khúc ca mùa xuân của ông sẽ luôn sống mãi trong lòng độc giả.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan