Chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh


Chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Hướng dẫn

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sâu sắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam mà đây còn là tác phẩm mang tính chính luận mẫu mực của nền văn học Việt Nam. Bằng những hiểu biết của mình sau khi học xong tác phẩm tuyên ngôn độc lập, anh chị hãy chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập bằng những dẫn chứng cụ thể.

Để có nhiều thông tin hữu ích nhất cho quá trình viết bài các bạn hãy cùng tham khảo dàn ý chi tiết và bài văn tham khảo cho đề chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập mà vanmau12 tuyển chọn và giới thiệu dưới đây nhé!

I. Dàn ý chi tiết cho đề bài chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập

1. Mở bài cho đề chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập

Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị về mặt chính trị, nó còn là một tác phẩm có giá trị đối với văn chương – nó được coi là áng văn chính luận mẫu mực của dân tộc.

2. Thân bài cho đề chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập

– Bản Tuyên ngôn độc lập được ra đời vào ngày 26 tháng 8 năm 1945

– Văn kiện này là tấm lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, sự khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam ở Người.

– Tuyên ngôn độc lập được coi là áng văn chính luận mẫu mực.

+ Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng là một áng văn mẫu mực của văn xuôi chính luận Việt Nam vì tác phẩm này Người đã đưa ra những lý lẽ sắc sảo và đanh thép.

+ Người đưa ra cơ sở thực tế của chủ quyền dân tộc Việt Nam, đồng thời có những kết luận đanh thép kết tội thực dân Pháp.

– Người khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền trên đất nước mình.

– Nghệ thuật lập luận chặt chẽ, thuyết phục người đọc

– Câu văn uyển chuyển, sinh động, theo nhịp của giọng điệu bản Tuyên ngôn Độc lập; có những câu đơn, nhưng phần lớn là câu phức, nhiều mệnh đề.

3. Kết bài cho đề chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập

Tuyên ngôn độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh như có lần Người từng tâm sự.

Bài liên quan đến tác phẩm Tuyên ngôn độc lập:

>>SGiới thiệu về tác gia Hồ Chí Minh chi tiết đầy đủ nhất 2017

>>Giới thiệu tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đầy đủ nhất

>>Soạn văn Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

II. Bài tham khảo cho đề chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

Có lẽ sẽ không sai khi nói rằng, khi Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” cũng là lúc nước Việt Nam ta được khai sinh lại một lần. Thế mới biết, áng văn chính luận ấy có giá trị biết chừng nào với con dân đất Việt. Bản Tuyên ngôn ấy không chỉ có giá trị về mặt chính trị, nó còn là một tác phẩm có giá trị đối với văn chương – nó được coi là áng văn chính luận mẫu mực của dân tộc.

Bản Tuyên ngôn độc lập được ra đời vào ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, người soạn thảo bản Tuyên ngôn và sau đó, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Văn kiện này còn là tấm lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, sự khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam ở Người. Không chỉ vậy, Tuyên ngôn Độc lập tuy là văn kiện chính trị, chứa đựng những nội dung chính trị, nhưng đây không phải là tác phẩm khô khan, trừu tượng. Về hình thức, đây là tác phẩm thuộc thể văn chính luận. Đặc trưng văn chính luận là hệ thống lập luận chặn chẽ, với những lí lẽ sắc bén và những bằng chứng thuyết phục. Và, Tuyên ngôn độc lập được coi là áng văn chính luận mẫu mực.

Trong bài bác xác định rõ đối tượng viết của mình là đồng bào dân tộc, mở đầu bài văn này, bác đã dùng những từ mang đậm tính chất rằng đối tượng ở đây chắc chắn phải là nhân dân: Hỡi đồng bào cả nước, mục đích của bản tuyên ngôn này là tuyên bố lí do, nhưng khi nhìn sâu vào trong bài này chúng ta có thể thấy đối tượng ở đây không chỉ là nhân dân Việt Nam mà còn dành cho nhiều người trên khắp thế giới, khi trong bản tuyên ngôn của Việt Nam cũng chưa đựng những bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp và Mĩ, khi đối với hai cường quốc đầu xỏ này thì việc trích dẫn vào nó mang một ý nghĩa to cáo mạnh mẽ.

Xem thêm:  Giới thiệu sơ lược về Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc

Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng là một áng văn mẫu mực của văn xuôi chính luận Việt Nam vì tác phẩm này Người đã đưa ra những lý lẽ sắc sảo và đanh thép. Tác phẩm của Bác nhằm khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh Tuyên ngôn Độc lập ra đời, lời khẳng định đó không đơn thuần là một sự tuyên bố. Trái lại, để có ngày quốc khánh 2. 9. 1945, nhân dân ta đã phải làm cuộc tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền từ tay thực dân, đế quốc. Và, con đường của dân tộc đang đứng trước biết bao thử thách khắc nghiệt. Bởi vậy, Hồ Chí Minh phải tranh luận, phản bác với những luận điệu của kẻ thù hòng phủ nhận quyền độc lập tự chủ đó.

Trước hết, Hồ Chí Minh xây dựng một cơ sở pháp lí của chủ quyền dân tộc Việt Nam. Cơ sở ấy là hai bản tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp được tác giả trích dẫn nội dung cốt lõi: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc (tuyên ngôn của Mĩ) và Người ta sinh ta tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi (tuyên ngôn của nước Pháp). Từ những nguyên tắc ấy, Hồ Chí Minh suy rộng ra rằng “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và khẳng định đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Như vậy, trích dẫn tuyên ngôn của các nước, Hồ Chí Minh nêu lên quyền độc lập tự do của các dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam, là lẽ phải trong quan hệ quốc tế. Lẽ phải ấy không phải do người Việt Nam nghĩ ra, mà chính là do các nước lớn đó xác lập.

Tiếp đến, Người đưa ra cơ sở thực tế của chủ quyền dân tộc Việt Nam, đồng thời có những kết luận đanh thép kết tội thực dân Pháp. Chúng cai trị nước ta không phải với luận điệu khai hóa, văn minh mà là đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện, chúng thực hiên chính sách ngu dân hòng dễ cai trị. Bằng một loạt luận điểm và dẫn chứng rõ ràng, Bác đã vạch trần bản chất phi nghĩa của chúng. Chúng không hề mở mang, khai hóa mà chúng đã nhấn chìm chúng ta vào bóng tối của sự ngu dốt, nghèo. Một loạt tội ác của Pháp được liệt kê một cách chân thực dưới ngòi bút sắc bén của Hồ Chí Minh với những lập luận xác đáng, thuyết phục. Hành động của chúng vô cùng độc ác, vô nhân đạo, cay nghiệt đáng lên án.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cẳn việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Xem thêm:  Trình bày cảm nhận về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh – Bài văn của cô giáo Thu Huyền chuyên văn Nguyễn Huệ

Về mặt kinh tế, chúng bóc lột sức lao động của người dân, chúng cướp ruộng đất, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí nhằm bào mòn cả thể chất, sức cùng lực kiệt của dân Việt. Người đã phơi bày bản chất dã man, tàn bạo của thực dân Pháp ra ánh sáng, mang bộ mặt giả đội lốt người “khai hóa, bảo hộ” đến nhân dân thế giới, khơi dậy lòng căm thù giặc, tinh thần chiến đấu xả thân cứu nước của nhân dân ta.

Giọng văn ở phần này thay đổi linh họạt được Người vận dụng một cách triệt để. Nếu như ở phần liệt kê tội ác, việc làm xấu xa của thực dân Pháp, Người dùng giọng đanh thép, mỉa mai, căm thù quân địch thì khi tới miêu tả hậu quả mà dân ta phải chịu, phải gồng mình lên gánh chống đỡ thì giọng văn lại chuyển sang nhẹ nhàng, đau xót, thương cảm. Đọc đọan kết tội ấy, ta lại nhớ tới Nguyễn Trãi, ông cũng từng viết:

“Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi”

Hồ Chí Minh không luận tội mà kết tội trực tiếp những việc làm kinh khủng mà thực dân Pháp đã tạo ra. Dường như, Người như một vị quan tòa anh minh đang lột tả tộc ác của kẻ cầm đầu phơi bày bộ mặt ra cho thế giới chiêm ngưỡng, ném gạch.

Người đã lột lớp mặt nạ đểu cáng của thực dân Pháp xuống. Điệp từ “sự thật là..” lặp lại để thể hiện chiến thắng của quân ta. Ta giành lại nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Để rồi kết: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” ngắn gọn và súc tích, nghe như một lời reo vui. Tự do mà ta giành được thật đáng trân trọng. Bản tuyên ngôn gần như chỉ xóay sâu vào 2 trọng điểm lớn: một là, phủ nhận hoàn toàn quyền liên quan đến thực dân pháp, hai là khẳng định quyền độc lập và ý thức bảo vệ mãnh liệt quyền độc lập đã giành được ấy: “tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Với những luận chứng rõ ràng, rành mạch đã đưa ra, thực dân Pháp đã không còn quyền gì đối với Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng. Sau đó, Người khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền trên đất nước mình. Để khẳng định quyền ấy, Hồ Chí Minh đưa ra ba luận chứng:Trái với thủ đoạn vô nhân đạo của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam mới là người bảo hộ đối với người Pháp. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản của họ. Nếu so sánh với cách đó không lâu, trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng thì sự thật càng rõ hơn ai bảo hộ cho ai, ai là kẻ phi nhân, ai giàu lòng nhân đạo. Thứ hai, trước khi Nhật đến, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Nhưng từ mùa thu 1940, Việt Nam đã là thuộc địa của phát xít Nhật. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân ta, cả nước ta đã nổi đậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Như vậy, dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp… Thực dân Pháp đâu còn quyền gì ở Việt Nam? Và nữa, Pháp là quốc gia nằm trong khôi Đồng minh, nhưng lại phản bội Đông minh. Còn nhân dân Việt Nam, dưới lá cờ Việt Minh, đã tự nguyện đứng về phe Đồng minh, đánh đuổi kẻ thù của Đồng minh là phát xít Nhật.

Điệp từ “sự thật là” lặp lại như một điệp khúc, làm tăng âm hưởng hùng hồn, đanh thép, chắc chắn cho bản tuyên ngôn. Vì sức mạnh của chính nghĩa bao giờ cũng là sức mạnh của sự thật. Đó là một thành công trong nghệ thuật lập luận chặt chẽ, thuyết phục người đọc của HCM. Thực dân Pháp không có công khai hóa, bảo hộ Việt Nam, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, Pháp không thể vin cớ gì để quay trở lại Việt Nam. Đây là một lập luận hết sức chặt chẽ, kín kẽ; một lí lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục của HCM. Qua đó, ta càng công nhận Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận sắc sảo, hùng hồn.

Xem thêm:  Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Từ những cơ sở pháp lí và cơ sở thực tế hết sức đầy đủ, chặt chẽ, rò ràng, Hồ Chí Minh đã đi đến tuyên bố độc lập. Lời tuyên bố ấy bao gồm: Thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng… quyết không thể không công nhận chủ quyền độc lập của dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có quyền độc lập, tự do: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp suốt 80 năm nay, mộ tị dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Không chỉ mẫu mực trong lí lẽ, trong cách lập luận Tuyên ngôn Độc lập còn là áng văn xuôi chính luận mẫu mực về cách chọn trình bày dẫn chứng. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu của văn chính luận khi đưa ra những dẫn chứng rất đa dạng, có cơ sở từ kho tàng văn học nhân loại. Đó là những nguyên lí có giá trị như một chân lí, nó gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu. Những dẫn chứng được trình bày rất khoa học khiến cho người nghe, người đọc dễ theo dõi.

Tuyên ngôn Độc lập được viết bởi bàn tay điêu luyện của một bậc thầy về ngôn ngữ. Sự điêu luyện về ngôn ngữ thể hiện ở nhiều mặt. Câu văn uyển chuyển, sinh động, theo nhịp của giọng điệu bản Tuyên ngôn Độc lập; có những câu đơn, nhưng phần lớn là câu phức, nhiều mệnh đề. Ví dụ: câu Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị là một câu phức nhưng hết sức ngắn gọn, mỗi mệnh đề đánh dấu một sự kiện, thể hiện được sự thay đổi mau lẹ của thời cuộc. Bên canh đó, tác giả còn sử dụng hàng loạt cấu trúc trùng điệp: Trùng điệp về từ, ngữ: Dân ta.. Dân ta.. Chúng tôi… Chúng tôi.. Một dân tộc”. Một dân tộc… Trùng điệp về câu: Chúng thi hành… dã man; Chúng lập ba chế độ… đoàn kết; Chúng lập ra nhà tù…; Chúng ràng buộc… Trùng điệp về nội dung theo chiều hướng tăng tiến ở nhiều cấp độ: Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Hoặc: Từ đó dân ta xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta cho Nhật, (…) Ngày 9 tháng 3 năm nạy, nước Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng.

Hơn thế, mặc dù đây là áng văn chính luận nhưng có nhiều hình ảnh đậm chất văn, đầy ám ảnh: thẳng tay chém giết; tắm các cuộc khởi nghĩa… bể máu; bóc lột đến xương tuỷ; nước ta xơ xác, tiêu điều; ngóc đầu lên; quỳ gối đầu hàng…

Tuyên ngôn Độc lập quả thực xứng đáng là áng văn xuôi chính luận mẫu mực những lí lẽ sắc sảo, đanh thép, lập luận chặt chẽ, khoa học với dẫn chứng được chọn lọc xác đáng. Đây cũng chính là đặc sắc nghệ thuật đã giúp Bác thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị trước mắt, tuyên bố chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Nó là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập trước mắt và sau này.

Tuyên ngôn độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh như có lần Người từng tâm sự. Giây phút xúc động, thiêng liêng khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ta có thể thấy trong câu thơ của Tố Hữu:

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan