Giải thích lời đề từ trong vở kịch Vũ Như Tô: Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm


Giải thích lời đề từ trong vở kịch Vũ Như Tô: Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm

Hướng dẫn

Đề bài: Trong lời đề tựa vở kịch Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện nỗi trăn trở “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm. Hãy giải thích ý kiến trên.

I. Dàn ý chi tiết cho đề giải thích lời đề từ trong vở kịch Vũ Như Tô

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Bàn về Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng trong lời đề tựa của vở kịch đã thể hiện sự băn khoăn: “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

2. Thân bài

– Lời đề tựa của tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện trọn vẹn bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.

– Vũ Như Tô hiện lên trong đoạn trích là người nghệ sĩ thiên tài nhưng đồng thời cũng là người tiếp tay cho bạo chúa gây nên bao cảnh lầm than, đau khổ.

–>Vũ Như Tô vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách.

– Vũ Như Tô là người nghệ sĩ có khát khao sáng tạo nghệ thuật cháy bỏng, ông mong muốn xây dựng lên một công trình nguy nga tráng lệ.

–> Giấc mộng nghệ thuật của Vũ Như Tô cao cả, đẹp đẽ –> Đáng trân trọng

– Đắm chìm trong giấc mộng của bản thân, sống hết mình cho nghệ thuật nên đến cuối cùng, Vũ Như Tô vẫn không thể nhận thức được thời thế.

– Vũ Như Tô mong muốn dựng lên một công trình tuyệt mĩ là không sai, nhưng cái sai của ông lại nằm ở chỗ vì quá chìm đắm trong mộng tưởng của bản thân mà ông quên đi rằng Cửu Trùng Đài được xây lên bằng tiền của, mồ hôi của người vô tội.

Xem thêm:  Viết lại buổi đầu em đi học thành một đoạn văn ngắn

– Vở kịch kết thúc bằng bi kịch đầy xót xa nhưng lại là kết quả tất yếu của mọi mâu thuẫn đối kháng.

3. Kết bài

Tác giả không thể nhận định ai đúng ai sai mà thừa nhận mình cầm bút là cùng bệnh với Đan Thiềm, tức là “bệnh” đam mê cái đẹp, cái tài. Mọi đúng sai phải trái sẽ để độc giả tự cảm nhận và đánh giá.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích lời đề từ trong vở kịch Vũ Như Tô

Vở kịch Vũ Như Tô nói về bi kịch đau đớn của Vũ Như Tô, người nghệ sĩ hết lòng với khát khao sáng tạo nghệ thuật nhưng trên hành trình thực hiện hoài bão cuộc đời lại vô tình trở thành kẻ đối địch, kẻ thù của nhân dân lao động để cuối cùng mộng lớn tiêu tan, cái đẹp bị hủy diệt. Bàn về Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng trong lời đề tựa của vở kịch đã thể hiện sự băn khoăn: “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

Lời đề tựa của tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện trọn vẹn bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, đó là bi kịch giữa nghệ thuật cao siêu thuần túy với lợi ích, nhu cầu thiết thực của nhân dân lao động. Mâu thuẫn này được đẩy lên đỉnh điểm trong phần cuối cùng của hồi năm, khi đám quân khởi loạn giết Vũ NHư Tô, đốt phá Cửu Trùng Đài. Tuy nhiên, bi kịch ở chỗ đến khi chết Vũ Như Tô vẫn không hiểu sau mình lại trở thành đối tượng của lòng căm thù, vẫn một mực chìm đắm trong mộng tưởng của bản thân mà chưa nhận ra sai lầm của mình.

Băn khoăn của tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng là băn khoăn chung của hàng triệu độc giả, Vũ Như Tô hiện lên trong đoạn trích là người nghệ sĩ thiên tài nhưng đồng thời cũng là người tiếp tay cho bạo chúa gây nên bao cảnh lầm than, đau khổ. Vũ Như Tô vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách.

Vũ Như Tô là người nghệ sĩ có khát khao sáng tạo nghệ thuật cháy bỏng, ông mong muốn xây dựng lên một công trình nguy nga tráng lệ, có thể sáng ngang với những công trình sau trước, trở thành niềm tự hào của đất nước. Khát vọng của Vũ Như Tô hoàn toàn là cống hiến cho nghệ thuật mà không mảy may suy tính thiệt hơn cho bản thân. Đây cũng là lí do vì sao khi bị Lê Tương Dực ép xây dựng Cửu Trùng Đài, ông dù chết chứ không chịu khuất phục, chỉ khi nghe lời khuyên của Đan Thiềm, mượn quyền lực và tiền của của bạo chúa hoàn thành mộng lớn ông mới đồng ý xây Cửu Trùng Đài.

Giấc mộng nghệ thuật của Vũ Như Tô cao cả, đẹp đẽ nên khát vọng xây dựng được công trình tráng lệ có thể “tranh tinh xảo với hóa công” của ông hoàn toàn có thể thấu hiểu, đáng được trân trọng. Đắm chìm trong giấc mộng của bản thân, sống hết mình cho nghệ thuật nên đến cuối cùng, Vũ Như Tô vẫn không thể nhận thức được thời thế, càng không thể hiểu được thái độ và hành động của đám quân khởi loạn đối với mình.

Vũ Như Tô mong muốn dựng lên một công trình tuyệt mĩ là không sai, nhưng cái sai của ông lại nằm ở chỗ vì quá chìm đắm trong mộng tưởng của bản thân mà ông quên đi rằng Cửu Trùng Đài được xây lên bằng tiền của, mồ hôi xương máu và thậm chí là cả tính mạng của bao nhiêu người dân vô tội. Do đó nên việc quần chúng giết chết Vũ Như Tô, đốt phá Cửu Trùng Đài cũng có lí đúng. Bởi nếu Vũ Như Tô không đồng ý xây dựng Cửu Trùng Đài thì cuộc sống của người lao động không lầm than, đau khổ đến vậy. Tuy nhiên, đám người giết Vũ Như Tô lại quá cuồng loạn, không chịu lắng nghe và đánh giá tường tận mọi chuyện. Họ chỉ một mực muốn giết bạo chúa, bắt Vũ Như Tô, đốt phá Cửu Trùng Đài để thỏa mãn sự phẫn nộ mà không hề hay biết rằng Vũ Như Tô tuy có tội nhưng cũng là nạn nhân đáng thương của xã hội đen tối, đốt phá Cửu Trùng Đài cũng là phá hủy đi tất cả tiền bạc, sức lực, thành quả mà họ tạo nên,.

Xem thêm:  Em hãy miêu tả hình ảnh cô giáo lúc đang say sưa giảng bài

Vở kịch kết thúc bằng bi kịch đầy xót xa nhưng lại là kết quả tất yếu của mọi mâu thuẫn đối kháng. Trong hiện thực xã hội đen tối lúc bất giời, sự xuất hiện của Cửu Trùng Đài vốn không mang lại bất cứ giá trị nào đối với nhân dân. Qua đó cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm của nghệ thuật: Nghệ thuật không thể đứng cao hơn cuộc sống, nghệ thuật cao siêu thuần túy cũng sẽ không phải nghệ thuật chân chính nếu đi ngược lại với lợi ích, nhu cầu sống còn của nhân dân.

Băn khoăn của Nguyễn Huy Tưởng cũng chính là nỗi trăn trở về mối quan hệ của nghệ thuật và cuộc đời. Tác giả không thể nhận định ai đúng ai sai mà thừa nhận mình cầm bút là cùng bệnh với Đan Thiềm, tức là “bệnh” đam mê cái đẹp, cái tài. Mọi đúng sai phải trái sẽ để độc giả tự cảm nhận và đánh giá.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan