Giải thích và bình luận câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Từ đó em rút ra bài học gì cho bản thân?


Giải thích và bình luận câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Từ đó em rút ra bài học gì cho bản thân?

Bài làm

A. TÌM HIỂU ĐỂ

1. Kiểu bài

Đây là để bài làm văn giải thích và bình luận kèm theo phát biểu cảm nghĩ.

2. Nội dung

– Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của “đói”, “rách”, “sạch”, “thơm” để tìm ra nghĩa của câu tục ngữ là đề cao và khẳng định một lí tưởng sống trong sạch.

– Các em có thể đặt ra những vấn đề sau để bình luận: Tại sao người ta phải “sạch”, “thơm” trong hoàn cảnh “đói”, “rách”? Nếu như người ta không “đói rách” nữa thì có cần phải “sạch thơm” nữa không?

3. Phương hướng làm bài

– Các em đi tìm nghĩa đen của “đói”, “rách” là tượng trưng cho cuộc sống nghèo nàn, cùng cực về mặt vật chất. “Sạch”, “thơm” tượng trưng cho sự cao đẹp của phẩm giá con người. Từ đó các em sẽ thấy ý nghĩa của cả câu tục ngữ.

– Các em cũng đặt ra câu hỏi. Tại sao con người ta phải giữ gìn nhân cách trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là hoàn cảnh khó khăn? Trả lời câu hỏi này tức là các em bàn luận sâu vào vấn đề nhân cách. Nhân cách là gì? Phải làm gì mới có nhân cách đẹp? Phải giữ gìn nhân cách ra sao?

– Để cho vấn để bàn luận có sức thuyết phục, các em nên chọn các dẫn chứng trong văn học hay trong đời sống lịch sử để minh họa.

– Phần bài học rút ra nên dựa vào ý nghĩa câu tục ngữ, tránh sáo rỗng, ồn ào.

B. DÀN Ý

1. Mở bài

Câu tục ngữ khẳng định lí tưởng sống trong sạch của con người, dù phải sống trong khó khăn.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm văn 11

2. Thân bài
– Ý nghĩa của câu tục ngữ
+ “Đói”, “rách” tượng trưng cho cuộc sống nghèo nàn cùng cực.
+ “Sạch”, “thơm” tượng trưng cho sự cao đẹp của phẩm giá con người.
+ Ý nghĩa cả câu: Đưa ra một quan niệm sống, dù người ta có thể phải sống trong “đói rách” nghèo khổ nhưng phải biết giữ trọn phẩm giá và khí tiết của mình.
+ Minh họa: Trần Bình Trọng, Nguyễn Khuyến…
– Tại sao con người ta phải giữ gìn nhân cách trong mọi hoàn cảnh?
+ Nhân cách là cái đáng quý nhất.
+ Nhân cách phải qua rèn luyện.
+ Phải cảnh giác trước mọi cám dỗ.

3. Kết bài
– Câu tục ngữ vừa là một triết lí sông vừa là tiêu chuẩn để đánh giá một con người.
– Sức sống trong sạch, lành mạnh là nền tảng đạo đức.

C. GỢI Ý LÀM BÀI

Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” đã khẳng định lí tưởng sống trong sạch, thanh cao của con người ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là ở hoàn cảnh khó khăn.

“Đói”“rách” tượng trưng cho cuộc sống nghèo nàn, vất vả, cùng cực về mặt vật chất. “Sạch”“thơm” tượng trưng cho sự cao đẹp của phẩm giá con người. Từ chuyện “ăn mặc”, dân gian nói đến chuyện người: người ta có thể phải sống trong “đói rách” nhưng phải biết giữ trọn phẩm chất và khí tiết của mình. Đó là một quan niệm sống hết sức sâu sắc của cha ông ta. Câu tục ngữ làm ta liên tưởng tới bài ca dao “Con cò mày đi ăn đêm”:

“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cố xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thi xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.

“Con cò” dù có phải chết cũng chết trong “nước trong”, không chịu chết trong “nước đục”. Đấy là một triết lí sống “chết trong còn hơn sống đục” của dân gian, rất gần gũi với ý nghĩa của câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Lịch sử dân tộc ta đã ghi lại những tấm gương nhân cách sáng ngời: Trần Bình Trọng, vị tướng giỏi đời Trần bị giặc Nguyên bắt, kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc, ông thà chịu chết chứ không chịu nhục: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Sau này, các nhân cách lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… thà chịu sống nghèo mà thanh cao trong sạch còn hơn là làm quan với triều đình đầy sự ô danh giả dối. Các vị đó là những mẫu mực của đạo lý người Việt Nam: Giữ trọn phẩm chất và khí tiết trong bất kì hoàn cảnh nào.

Xem thêm:  Soạn văn Đức tính giản dị của Bác Hồ ngữ văn 7

Tại sao con người ta lại phải giữ gìn nhân cách trong mọi hoàn cảnh? Vì nhân cách con người là cái đáng quý nhất. Người có nhân cách là người có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng tự trọng cao, có bản lĩnh, sống bằng sức lao động của chính mình, luôn biết tìm tòi, sáng tạo. Người không có nhân cách, thì ngược lại, sống vị kỉ, ỷ lại, sống bằng mồ hôi nước mắt của người khác, chạy theo dục vọng của riêng cá nhân mình. Người mất nhân cách khác nào loài vật.

Nhưng nhân cách không phải tự nhiên mà có. Nhân cách phải qua rèn luyện mới có được. Phải qua lao động “một nắng hai sương” ta mới biết quý trọng sức lao động, quý trọng người lao động và biết nâng niu sản phẩm lao động. Phải qua vất vả, gian nan ta mới tôi luyện được bản lĩnh thêm vững vàng. Có nhân cách nhưng con người phải cảnh giác trước những cám dỗ thấp hèn dễ làm mất nhân cách. Con người ta ví như đoá hoa sen thanh khiết kia, dù có “gần bùn” mà chẳng chịu “hôi tanh mùi bùn”.

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ta có thể còn phải sống trong cảnh nghèo, ta có thể còn thiếu thốn nhưng ta quyết không dựa dẫm, trông chờ vào một ai. Để nhân cách mình ngày một hoàn thiện hơn ta phấn đấu sao cho cuộc sống ngày càng đàng hoàng, đầy đủ. Một cuộc sống hạnh phúc do chính mình tạo ra cũng là thước đo một nhân cách đẹp. Cha ông ta ngày xưa “đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) nhưng không hề chịu hạ thấp nhân cách, trái lại, vẫn giữ vẹn nguyên phẩm giá cao đẹp của mình. Phát huy truyền thống đạo lí ấy, ngày nay chúng ta đã sống trong cuộc sống ngày một ấm no hơn, phải luôn trau dồi tư cách đạo đức để sống đẹp hơn.

Xem thêm:  Viết về ảnh Bác Hồ mà em được thấy

Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” không những là một triết lí sống mà còn là tiêu chuẩn đúng đắn để đánh giá một con người: giá trị của mỗi người chủ yếu thể hiện qua cốt cách, phẩm hạnh của người đó. Sống trong sạch, lành mạnh là nền tảng đạo đức của tất cả chúng ta.

Bài viết liên quan