Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử


Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Chỉ một trái táo rơi cũng đủ tạo nên “Định luật vạn vật hấp dẫn” đầy thú vị. Chỉ một ánh mắt lướt ngang cũng đủ làm con tim loạn nhịp, bồi hồi, vương vẫn mãi. Và chỉ một giây phút thăng hoa cũng đủ tạo nên những trang tuyệt bút. “Đây thôn Vĩ Dạ” đã được Hàn Mặc Tử tạo nên từ những phút giây thăng hoa như thế.

Trong thời gian chữa bệnh ở Quy Nhơn, khi sự sống dần ruồng bỏ, tử thần ngày càng tới gần. Giữa hoàn cảnh éo le, đau thương lúc ấy, Hàm Mặc Tử đã nhận được một tấm bưu thiếp với vài lời động viên của một người cũ nơi xứ Huế – Hoàng Cúc. Tấm bưu thiếp in hình của dòng sông Hương đẹp đẽ đã ngay lập tức chạm vào hồn thơ ông. Cảnh vật, con người, những kỉ niệm thanh xuân tươi đẹp bỗng ùa về, trỗi dậy, thúc giục Hàm Mặc Tử sáng tác bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Mở đầu bài thơ, trong không gian pha tạp giữa thế giới thực và mộng ảo, chẳng rõ là một câu hỏi hay một lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” đã ngay lập tức kéo tâm hồn nhà thơ quay trở về với thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân nơi xứ Huế thơ mộng.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Hình ảnh đầu tiên về xứ Huế hiện lên trong tâm trí nhà thơ là cái “nắng mới”. Đó không phải là cái nắng chói chang, rực rỡ của những buổi trưa hè cũng chẳng phải cái nắng đã tàn phai lúc xế chiều ảm đạm mà là ánh nắng đầu tiên của mặt trời ngày mới, ngả mình trên những hàng cau cao vút. Cái nắng thật tươi mát, thật dịu dàng nhưng cũng không kém phần lộng lẫy. Những tán cau xanh tươi, mát mẻ càng trở nên rực rỡ hơn, lung linh hơn khi được ánh nắng mới sọi mình, ngắm nghía. Bằng cách sử dụng điệp từ “nắng” tác giả đã thành công trong việc ca ngợi vẻ đẹp vừa tinh khôi, vừa lỗng lẫy của ánh nắng sớm trên những hàng cau xứ Huế đủ để gợi mở ra một không gian rộng rãi, trong trẻo của khu vườn “Mướt quá xanh như ngọc”. Màu xanh của khu vườn như được nâng lên một tầm cao mới, không phải đơn thuần là một màu xanh rì, cũng chẳng phải là màu xanh thẫm của cây cỏ mà đó là sự hòa quyện nhịp nhành, đồng điệu giữa ánh nắng mới chiếu vào những hạt sương sớm cộng hưởng cùng màu xanh của cây, của lá trăm loài  tạo nên một màu xanh mướt “quá”. Đó không còn là màu xanh đơn thuần mà là màu xanh trong, sáng như những viên ngọc bích quý giá bao phủ khắp không gian, cảnh vật. Thấp thoáng giữa khung cảnh thiên nhiên một gương mặt chữ điền dịu dàng, e ấp sau những tán lá trúc che ngang chẳng hề lạc lõng mà lại càng làm đậm đà hơn, sắc nét hơn hòa hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên Vĩ Dạ nơi xứ Huế mộng mơ.

Chỉ vẻn vẹn với bốn câu thơ ngắn gọn, bằng hệ thống ngôn ngữ chọn lọc, bút pháp nghệ thuật lãng mạn, tượng trưng, hình ảnh giàu sức gợi Hàn Mặc Tử đã đem đến cho độc giả một bức tranh hài hòa giữa con người và thiên nhiên Vĩ Dạ. Vĩ Dạ trong trẻo, tinh khôi nhưng cũng không kém phần lỗng lẫy, rực rỡ. Cả thiên nhiên và con người đều đủ để gợi nhớ, gợi thương nơi lòng người. Đó cũng là tiếng lòng nức nở, bâng khuâng của một tâm hồn yêu thiên nhiên, con người, yêu sự sống tha thiết.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Nếu khổ thơ đầu tác giả chỉ đơn thuần gợi nhớ, ca ngợi không gian Vĩ Dạ đẹp đẽ, động lòng người của một buổi sớm mai thì đến khổ thơ thứ hai:

“Gió theo đường gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có trở trăng về kịp tối nay?

Thoắt cái đã là cảnh sắc Vĩ Dạ trong đêm trăng huyền ảo. Vẫn là hình ảnh thiên nhiên, đất trời nhưng đâu đó lại chứa đựng cả tâm tư, tình cảm của con người, của thi nhân.

“Gió theo đường gió, mây đường mây” câu thơ như có gì đó không đúng với quy luật của tự nhiên, câu thơ như bị bẻ đôi, chia lìa. “Gió thổi mây bay”, “Nước chảy hoa trôi”, gió thổi thì mây bay, nước chảy thì hoa trôi vậy mà ở đây lại là “Gió theo đường gió” còn “Mây đường mây” hai thể vốn là thống nhất, gắn bó lại trở nên đôi đường, đôi ngả như chính hoàn cảnh chia cắt đau lòng của nhà thơ với Hoàng Cúc người con gái khi xưa của những cảm xúc bâng khuâng, yêu thưng tuổi trẻ và với Vĩ Dạ yêu thương. Tâm trạng buồn thương, tiếc nuối của Hàn Mặc Tử chẳng còn một chút dấu diếm hay che đậy gì nữa, khi dòng sông Hương vốn thơ mộng, đẹp đẽ trở nên “buồn thiu”, mất đi sự sống nhộn nhịp vốn có. Bằng biện pháp nghệ thuật nhân hóa tác giả đã khoác lên dòng sông vốn là một vật vô tri, vô giác tâm trạng của con người, biến dòng sông thành một sinh thể mang tâm trạng buồn thương của sự chia lìa. Hoa bắp cũng chỉ khe khẽ “lay”, mọi chuyển động của cảnh vật đều trở nên chậm chạp, thưa vắng, ảm đạm. Cảnh đẹp nhưng sao rời rạc, đơn độc, hắt hiu như chính tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước cuộc đời.

Hàn Mặc Tử yêu trăng, suy tư về trăng, trăng với ông như những người bạn, tri âm, tri kỉ, là nơi neo đậu của tâm hồn những năm tháng bệnh tật. Ông viết rất nhiều về trăng nhưng chưa có trăng nào đẹp, thơ mộng như trăng trong “Đây thôn Vĩ Dạ”. Trăng trong thơ ông có khi thật gắt gao, kì lạ và lả lơi làm sao:

“Trăng nằm sóng soài trên cành liễu

Đợi gió thu về để lả lơi” hay:

“Không gian dày đặc toàn trăng cả

Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”

Còn ở “Đây thôn Vĩ Dạ” trăng trở nên thật khác:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”, một không gian, một khung cảnh như chẳng phải cõi trần mà là cõi mơ, cõi tiên hư hư, thực thực đẹp đến ảo mộng. Sông nước mênh mông hòa quyện cùng ánh trăng thành một thể thống nhất tạo nên một dòng “sông trăng”, một bến đợi đẹp lung linh, kì ảo  trôi giữa hai bờ hư, thực cho những “thuyền ai”. “Có trở trăng về kịp tối nay?”, câu hỏi nghe mới xót xa làm sao. Có đứng ở vị trí của nhà thơ ta mới thấu hiểu được tại sao tác giả lại vội vã như vậy, cứ nhất định phải là “kịp tối nay” mà không phải tối mai hay một đêm nào khác. Căn bệnh phong quái ác hoành hành, sự sống của Hàn Mặc Tử chỉ có thể tính được bằng ngày, bằng giây, bằng phút. Chữ “kịp” càng làm cho khoảng thời gian “tối nay” vốn ngắn ngủi lại càng ngắn ngủi hơn. Mong ngóng, hi vọng rồi đau thương, tuyệt vọng. Những hình ảnh về thiên nhiên, con người, những kỷ niện học trò tươi đẹp ở Vĩ Dạ hiện về trong tâm hồn làm Hàn Mặc Tử khát khao cháy bỏng được quay về thăm lại cảnh cũ, người xưa, được sống những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp, rực rỡ của hi vọng và ước mơ thủa nào một lần nữa. Khát khao cháy bỏng trước sự thật phũ phàng càng làm tăng lên gấp bội nỗi đau thương, tuyệt vọng. Hai mươi tám tuổi xuân, cái tuổi còn rực rỡ, cái tuổi còn xuân tươi mơn mởn với bao dự định, hoài bão nhưng chẳng còn “kịp” thực hiện nữa rồi bởi căn bệnh quái ác, hiểm nghèo ngăn cản. Khoảng cách giữa Huế và Quy Nhơn chẳng phải xa đến nghìn, vạn dặm chẳng khó khăn gì với một người khỏe mạnh, bình thường nhưng với Hàn Mặc Tử đó là hai thế giới hoàn toàn khác biệt, một điều không tưởng đối với ông lúc này. Một chữ “kịp” thôi cũng đủ để xót xa.

Xem thêm:  Chất thơ trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Có nhà thơ đã từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thật vậy, khổ thơ thứ hai trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã thể hiện rõ tâm trạng buồn đến hiu hắt của nhà thơ thông qua hình ảnh mây, gió, sông, trăng khi nhớ về cảnh cũ, người xưa với khát khao một lần gặp gỡ nhưng không còn cơ hội vì căn bệnh quái ác, vì số phận nghiệt ngã. Tác giả vừa xót xa, tiếc nuối, ân hận, vừa tự trách bản thân đã không chịu về thăm Vĩ Dạ sớm hơn để đến khi không thể “kịp” mà chỉ còn lại tiếc nuối. Càng làm nổi bật tình cảm sâu đậm tác giả dành cho con người và thiên nhiên xứ Huế cùng khát khao cháy bỏng được sống, được cống hiến. Khổ thơ như gieo vào lòng người sự cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của thi nhân.

Tuyệt vọng nơi cõi thực thi nhân tìm niềm an ủi trong cõi mộng nhưng giấc ngủ có sâu đến đâu rồi cũng phải thức, giấc mơ có đẹp đến mấy cũng phải tỉnh. Vì thế, Hàm Mặc Tử quay trở về với cõi thực để rồi tất cả như rơi vào ảo ảnh. Bao trùm khổ thơ thứ ba là một màu sắc hư vô, thật thật, giả giả khó lòng phân tách đâu là thực, đâu là mơ.

Tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế sâu đậm, ám ảnh nhà thơ đến những giây phút cuối đời. Nhưng căn bệnh hiểm nghèo, quái ác đôi khi làm nhà thơ như không còn tỉnh táo, không phân biệt được đâu là hiện thực đâu là giấc mơ: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”, nhà thơ đang chìm trong cõi mộng, trong trạng thái vô thức “mơ”. Điệp ngữ “khách đường xa” đực lặp lại hai lần, lần sau bỏ đi chữ “mơ” khiến cho câu thơ như ẩn chứa hai tâm trạng, hai cung bậc cảm xúc khác nhau: lần đầu là khát vọng, lần sau là thực tại. Khát vọng là mơ về khách đừơng xa, mơ một lần được gặp lại người xưa, cảnh cũ nhưng hiện thực càng mơ, càng mong, càng khát khao lại càng xa, xa mãi đến vô vọng, không thể  còn một lần nào gặp gỡ.

Xem thêm:  Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

Câu thơ thứ hai: “Áo em trắng quá nhìn không ra” trong không gian hư ảo khó phân biệt đó, hình ảnh “áo em trắng quá” làm thi nhân vừa choáng ngợp, nghẹn ngào, vừa xót xa, tiếc nuối dù cố gắng, dù khát khao cháy bỏng được chiêm ngưỡng tà áo em trắng tinh khôi thủa nào, nhưng bệnh tật đã làm cho thi nhân chẳng còn tỉnh táo, lạc mất vào cõi hư không “nhìn không ra”, không rõ đấy là màu trắng của áo em hay là màu của tâm tưởng, của những kỷ niệm xưa cũ.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, “ở đây” có thể là không gian hiện thực nơi xứ Huế vốn nhiều nắng, nhiều mưa, nơi sương khói hư ảo cũng có thể lại là chính không gian tâm tưởng, không gian nơi tác giả đang đắm chìm trong đau thương, tuyệt vọng đến cùng cực để rồi thốt lên một câu hỏi chỉ để hỏi, chẳng có câu trả lời “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Một câu hỏi tu từ chứa đựng bất an, hoài nghi về tình người của con người xứ Huế. Liệu sau quãng thời gian xa cách, liệu với căn bệnh hiểm nghèo người xứ Huế vẫn thương yêu, trìu mến hay là đã lãng quên mình, xa lánh, ruồng rẫy thi nhân.

Khổ thơ cuối đượm buồn, mang màu sắc ảo ảnh vừa có chút hoài nghi, trách móc, vừa chứa chan niềm tha thiết với cuộc đời với con người của một tâm hồn cô đơn ham sống, khát khao sống đến mãnh liệt.

Với những hình ảnh thơ độc đáo, đẹp, gợi cảm, ngôn ngữ giàu tâm trạng, âm điệu, nhịp thơ trong sáng, thiết tha kết hợp với nghệ thuật nhân hóa, so sánh những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, Hàm Mặc Tử đã phác họa ra một khung cảnh thiên nhiên và con người xứ Huế đầy sức sống, một bức tranh toàn bích hòa quyện giữa cõi thực va cõi ảo, giữa tâm tưởng và ước mong qua đó bộc lộ tình yêu mãnh liệt của thi nhân với thiên nhiên, với con người cùng niềm ham sống, khát khao sống đến mãnh liệt của nhà thơ. Sáng tác bài thơ trong hoàn cảnh cái chết cận kề.Song cái ta bắt gặp vẫn là tình yêu, niềm gắn bó tha thiết với thiên nhiên, con người và sự sống. Càng làm ta đồng cảm, mến phúc trước nghị lực sống phi thường vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã của bao nhiêu phũ phàng, ruồng rẫy để sống, để cống hiến. “Tôi xin hứa hẹn với mọi người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.

Giữa giây phút cận kề với cái chết, của sự hoảng loạn và tuyệt vọng nhưng với khát khao cháy bỏng Hàn Mặc Tử đã để lại, đã cống hiến cho đời những dòng thơ hoàn mĩ đến tuyệt bích “Đây thôn Vĩ Dạ”. Ra đời cách nay đã gần trăm năm nhưng những vẫn thơ đầy suy tư, khắc khoải ấy vẫn làm hàng triệu trái tim độc giả cùng thổn thức, cùng xót xa và cùng hoài niệm với thi nhân. Thật vậy, chỉ một giây phút thăng hoa cũng đủ để tạo nên một trang tuyệt bút.

Bài viết liên quan