Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải văn lớp 9
Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải văn lớp 9
Hướng dẫn
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÂN TÍCH BÀI THƠ “MÙA XUÂN NHO NHỎ” LỚP 9
Mùa xuân đến mang đến cho tâm hồn người một sức sống dồi dào mãnh liệt. Không nằm ngoài cảm hứng ấy, nhà thơ Thanh Hải đã đem đến làng thơ Việt Nam một bài ca “Mùa xuân nho nhỏ” với tình yêu cuộc sống và khát vọng hiến dâng mãnh liệt. bài thơ được viết năm 1980, 5 năm sau khi đất nước được hoàn toàn giải phòng và cũng được viết trong một hoàn cảnh rất đặc biệt : khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh.
Nhan đề bài thơ gợi ra cho người đọc nhiều sự tò mò. Ta từng nghe “xuân xanh, xuân ý, xuân tình” hay “mùa xuân chín” nhưng ở đây nhà thơ lại gán cho mùa xuân một cái gì đó “nho nhỏ” – liệu có phải đó là mùa xuân nho nhỏ của con người đang hòa cùng mùa xuân lớn của đất trời hay không?
- “Mọc giữa dòng sông xanh
- Một bông hoa tím biếc”
Hai câu mở đầu đem đến cho người đọc một khung cảnh thiên nhiên tươi sáng. Đảo ngữ “Mọc” khiến cho bông hoa trở nên đầy sức sống, sức vươn cao. Ta như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một dòng sông trải đầy màu xanh của cây lục bình, điểm xuyết vào thảm xanh đó là sắc tím rất Huế của bông hoa lục bình. Hoa tím nhưng phải là “tím biếc”, cái màu tím gợi lên vẻ mượt mà, như ánh lên sức sống, sức vươn dậy của mùa xuân.
Trong không gian đất trời vào xuân, tác giả cất lên tiếng gọi con chim chiền chiện :
- ”Ơi con chim chiền chiện
- Hót chi mà vang trời?”
Biện pháp nghệ thuật nhân hóa khiến con chim trở nên có linh hồn như một người bạn hòa vào niềm vui sướng của nhà thơ mà cất lên tiếng hót. Tác giả sung sướng “hứng” từng giọt long lanh rơi. Đó là giọt sương rơi trên cành lá hay là “giọt tiếng hót” của chú chim chiền chiện kia? Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác khiến âm thanh tiếng chim trở nên có hình hài, đường nét và hình khối. Bức tranh thiên nhiên xứ Huế hiện lên trong màu sắc tươi sáng tràn đầy sức sống, lại được khắc họa trong âm thanh của tiếng chim ngân nga thánh thót, lại được miêu tả trong hình khối của giọt tiếng chim. Cảnh được miêu tả chỉ vài nét chấm phá mà hiện lên với tất cả linh hồn.
Từ mùa xuân của đất trời, tác giả đi vào mùa xuân của đất nước. Đất nước hiện lên trong mùa xuân của người cầm súng và người ra đồng – hình ảnh hoán dụ về người chiến sĩ và người nông dân, cung là hình ảnh của chiến tuyến và hậu phương hiện lên trong lộc non của đất trời. Người chiến sĩ ra trận đem theo tấm áo ngụy trang bằng lá xanh, lộc non như đang nở đầy trên lưng họ. Người lao động ra đồng làm việc và lộc non của cây mạ xanh cứ trải dài theo từng bước chân họ đi. Tất cả nhịp sống như hối hả, như đang được đẩy lên cao nhất. Bằng nghệ thuật điệp ngữ, điệp cấu trúc câu, tác giả đã tạo ra sức sống trùng điệp của mùa xuân đất nước. Điệp ngữ “Tất cả như” và thủ pháp nghệ thuật so sánh khiến nhịp câu thơ trở nên nhanh, rất phù hợp với không khí của mùa xuân bấy giờ. Ta như thấy sức sống xuân thì đang len lỏi vào từng tâm hồn người.
Theo nhịp xuân, tác giả hồi tưởng về lịch sử của dân tộc :
- “Đất nước bốn nghìn năm
- Vất vả và gian lao”
Lịch sử đất nước đã trải qua bốn nghìn năm – thời gian trôi qua đã lâu và chứng hết hết thảy mọi mệt nhọc và gian lao mà nhân dân ta đã xây dựng. Đất nước được nhân hóa trong tinh thần của con người đã mang sức khái quát cho cả một chiều dài lịch sử. Nghệ thuật so sánh “Đất nước như vì sao” khiến hình anh đất nước bừng sáng như một ngôi sao trên bầu trời. Nó thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, nhất là việc tác giả sử dụng từ “cứ” càng tăng thêm sắc thái biểu cảm cho câu thơ này. Đến đây thì niềm tin yêu của tác giả về tương lai của đất nước đã được bộc lộ một cách rõ nét.
Từ cái “tôi”, tác giả hòa mình vào cái “ta” chung của nhân loại. Đầu tác phầm nhà thơ xưng “tôi” để bày tỏ cảm xúc riêng tư của mình về mùa xuân đất trời nhưng đến giờ cái tôi ấy đã bị phá vỡ để nhà như hòa nhập vào cái ta, cái của mọi người. Đó phải chăng cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả khi bày tỏ mong muốn rằng khát vọng hiến dâng kia là của mọi người? Nhà thơ ước mình là con chim để hót vui cho đời, ước làm một cành hoa để phô sắc tỏa hương và làm một “nốt trầm” để vang lên thanh âm cuộc sống – là “nốt trầm” chứ không phải âm sắc thanh cao bởi tác giả quan niệm chỉ cẩn một nốt trầm ấy của mình có thể làm nên bài ca cuộc sống.
- “Một mùa xuân nho nhỏ
- Lặng lẽ dâng cho đời
- Dù là tuổi hai mươi
- Dù là khi tóc bạc”
Tác giả ước mình trở thành một “mùa xuân nho nhỏ” để góp vào mùa xuân lớn của dân tộc, chỉ cần là một mùa xuân “ lặng lẽ” cống hiến không để lệ tuổi tên. Phải chăng ông nghĩ rằng sự dâng hiến của con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi họ dâng hiến một cách hoàn toàn tự nguyện và không đòi hỏi vật chất tầm thường? Biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, điệp cấu trúc câu một lần nữa được tác giả sử dụng, bày tỏ niềm quyết tâm của tác giả với sự cống hiến ấy. Ta như nghe thấy tiếng tác giả reo lên vì vui mừng và đầy quyết tâm khi khẳng định con người cần dâng hiến một cách hoàn toàn tự nghiệp ngay khi trẻ hay đã về già. Đoạn thơ tuy ngắn mà chứa đựng những triết lí sâu xa của tác giả về sự cống hiến: Mỗi con người chúng ta hãy tự biến trách nhiệm của mình là phải sống hết mình để cống hiến một cách hoàn toàn tự nguyện, tự giác ngay cả khi còn trẻ hay thậm chí là khi đã về già. Bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đoạn thơ khép lại tác phẩm như một khúc ca tác giả dành tặng cho thiên nhiên mùa xuân xứ Huế. Những làn điệu âm nhạc đậm chất Huế vang lên:
- “Mùa xuân ta xin hát
- Câu Nam ai, Nam bình”
Ta như nghe thây tiếng phách kêu nhịp nhàng, tiếng sênh tiền vang vào nhau và giọng hát của người ca nữ vang lên. Bài thơ đậm dặc chất Huế trong từng màu sắc, đường nét nhỏ xinh và cả trong những làn điệu dân ca trữ tình. Trong tiếng ca đó, tác giả thấy đất nước thật tình tứ làm sao! Nước non ngàn dặm trữ tình là đất nước của nhân dân, của chính con người mình vang lên từ những phách tiền đất Huế.
Bài thơ được tác giả viết khi ông đang nằm trên giường bệnh. Thế nhưng ở đó ta không hề thấy bóng dáng của sự bi quan, của niềm đau khổ mà trái lại, bài thơ đầy màu sắc tươi sáng, âm thanh vui tươi qua những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt là thông điệp mà nhà thơ đem lại: Hãy sống và cống hiến hết mình vào mùa xuân của dân tộc khi bạn còn có thể.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH “MÙA XUÂN NHO NHỎ” CỦA THANH HẢI
Trong dòng văn học Việt nam nếu ta đã từng biết đến một mùa hạ với bao nỗi vui buồn trước sự chia ly của tuổi học trò ; hay những mùa thu với bao nỗi buồn bâng khuâng không hiểu nguyên do trong những câu thở của Chế Lan Viên hay Hữu Thỉnh. Một mùa đông với cái xe lạnh của đất trời hòa quyện trong hơi ấm của tình người trong những áng văn của Thạch Lam. Thì ta không thể không nhắc đến một mùa xuân của nhà thơ Thanh Hải. Qua bao nhiêu năm, bài thơ vẫn để lại trong lòng người đọc bao dư âm.
Bài thơ mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải được sáng tác vào tháng 11 năm 1980 khi đất nước đã đi qua chiến tranh khói lửa được 5 năm, chiến tranh biê giới vừa kết thúc. Cả nước bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tran vừa tái thiết đất nước. Công cuộc ấy diễn ra rộn ràng nhưng cũng có muôn vàn gian lao vất vả. Không chỉ vậy, đây còn là khoảng thời gian nhà thơ đang năm trên giường bệnh ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Song điều đó không ngăn được niềm vui và niềm tin của nhà thơ vào tương lại đất nước của Thanh Hải.
Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ mang đậm cảm xúc về thiên nhiên đất trời. Với bút pháp gợi tả chấm phá nhà thơ đã dựng lên trước mắt chúng ta không gian mùa xuân mở rộng dần từ xa tới gần, từ thấp lên cao, qua những hình ảnh tín hiệu mùa xuân: dòng sông xanh, hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện. Hình ảnh dòng sông xanh gợi lên một dòng sông trong, không gian mùa xuân rộng, tươi tắn với dòng sông trong xanh phẳng lặng hiền hòa, phải chăng đó là dòng sông Giang quê ông nước xanh lam ngọc bàn bạc dịu dàng thơ mộng mền mại quấn lấy Huế như một dải lụa hài hòa tuyệt diệu với thiên nhiên lững lờ trôi qua Đông Ba vĩ dạ, soi bóng Thiên Mụ cổ kính, rêu phong, in hình Tràng Tiền trầm mặc. Giữa một không gian bao la thoáng đạt của dòng sông xanh ấy, nổi bật một bông hoa tím biếc. Nói đến hoa mùa xuâ người ta thường nhắc đến hoa mai, hoa cúc, hoa đào hay những bông hoa thược dược rực rỡ,…còn ở đây thanh hải chọn sắc hoa tím biếc. Sắc tím dịu dàng đặc trưng của Xứ huế ; hình ảnh thân quen của cánh hoa lục bình hay bông súng bông chang mà người ta thường gặp ở ao hồ, sông nước. Ý thơ làm ta liên tưởng đến những câu thở của Nguyễn du : “ Hoa trôi man mác biết là về đâu”. Những hoa của Nguyễn Du là hoa trôi thì hoa của Thanh Hải là hoa mọc. Tác giả đã vô cùng tinh tế khi đảo từ ‘ mọc’ lên đầu câu gợi sự ngỡ ngàng khi nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên đồng thời cũng giúp ta cảm nhận được sức sống chàn chề mãnh liệt vươn lên trỗi dậy của bông hoa. Thương thường một vật nhỏ bé đặt giữa không gian bao la luôn gợi cảm giác lẻ loi lạc lõng những ở đây dòng sông xanh lại làm nền cho bông hoa khoe sắc vật sinh động như đang diễn ra trước mắt. Màu xanh của nước với màu tím của hoa tạo nên một nét chấm phá nhẹ nhàng sống động đem lại vẻ đẹp tự nhiên hài hòa đặc trưng của xứ Huế.
Bức tranh ấy không chỉ tạo nên bởi màu sắc( là họa) mà còn được dệt nên bởi những âm thanh ( là nhạc ). Hình ảnh cánh chim thường được xuất hiện trong thơ xuân : đó là tiếng chim yến anh nơi lầu son gác tía bên bóng liễu rủ yêu kiều. Còn ở đây tiếng chim trong thơ Thanh Hải là tiếng chim chiền chiện- loài chim của đồng quê, của mùa vàng gần gũi bình dị với tiếng hót trong trẻo vút cao giữa không gian khoáng đạt. Trước âm thanh trong trẻo của tiếng chim chiền chiện cảm xúc của nhà thơ như cất thành tiếng gọi thân thương tha thiết ‘ ơi- chi’ lời gọi ấy không cất lên từ tiếng nói mà từ sâu thẳm tình yêu thiên nhiên , cất lên từ tiếng lòng của nhà thơ trước sắc xuân tươi đẹp. Chính sắc màu âm thanh của bức tranh xuân, chất họa và chất nhạc của thiên nhiên mùa xuân đã chắp cánh cho cảm xúc của nhà thơ tiếp tục thăng hoa : ‘ Từng giọt lonh lang rơi / Tôi đưa tay tôi hứng’. Hình ảnh từng giọt long lanh rơi gợi lên những cảm giác thú vị "Đưa tay… hứng" là một cử chỉ bình dị trân trọng, thể hiện sự xúc động sâu xa. "Giọt long lanh" là sự liên tưởng đầy chất thơ. Là giọt sương mai, hay giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện? Sự chuyển đổi cảm giác (thính giác – thị giác) đã tạo nên hình khối thẩm mĩ của âm thanh.
Bốn câu thơ tiếp theo nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, tác giả đã chuyển cảm nhận về mùa xuân của cuộc sống, nhân dân và đất nước. Với hình ảnh "người cầm súng" và "người ra đồng", biểu tượng của hai nhiệm vụ: chiến đấu bảo vệ tổ quốc và lao động tăng gia để xây dựng đất nước với những câu thơ giàu hình ảnh và mang tính gợi cảm:
- "Mùa xuân người cầm súng,
- Lộc giắt đầy trên lưng.
- Mùa xuân người ra đồng,
- Lộc trải dài nương mạ.
- Tất cả như hối hả,
- Tất cả như xôn xao…"
Hình ảnh mùa xuân của đất trời đọng lại trong lộc non đã theo người cầm súng và người ra đồng, hay chính họ đã đem mùa xuân đến cho mọi miền của tổ quốc thân yêu.
Tác giả đã sử dụng biện pháp điệp từ, điệp ngữ như nhấn mạnh và kết thúc một khổ thơ bằng dấu ba chấm. Phải chăng dấu ba chấm như còn muốn thể hiện rằng: đất nước sẽ còn đi lên, sẽ phát triển, sẽ đến với một tầm cao mới mà không có sự dừng chân ngơi nghỉ.
Sức sống của "mùa xuân đất nước" còn được cảm nhận qua nhịp điệu hối hả, những âm thanh xôn xao của đất nước bốn ngàn năm, trải qua biết bao vất vả và gian lao để vươn lên phía trước và mãi khi mùa xuân về lại được tiếp thêm sức sống để bừng dậy, được hình dung qua hình ảnh so sánh rất đẹp:
- "Đất nước bốn ngàn năm
- Vất vả và gian lao
- Đất nước như vì sao
- Cứ đi lên phía trước"
Đó chính là lòng tự hào, lạc quan, tin yêu của Thanh Hải đối với đất nước, dân tộc. Những giọng thơ ấy rất giàu sức suy tưởng và làm say đắm lòng người.
Từ cảm xúc của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng; với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng cân thành và tha thiết:
- "Ta làm con chim hót,
- Ta làm một cành hoa.
- Ta nhập vào hoà ca,
- Một nốt trầm xao xuyến"
Lời thơ như ngân lên thành lời ca. Nếu như đoạn đầu Thanh Hải xưng tôi kín đáo và lặng lẽ thì đến đoạn này ông chuyển giọng xưng ta. Vì sao có sự thay đổi như vậy? Ta ở đây là nhà thơ và cũng chính là tất cả mọi người. Khát vọng của ông là được làm con chim hót, một cành hoa để hoà nhập vào "mùa xuân lớn" của đất nước, góp một nốt trầm vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời. Hiến dâng "mùa xuân nho nhỏ" nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ bé của mỗi người cho cuộc đời chung cho đất nước. Điều tâm niệm đó thật chân thành, giản dị và tha thiết – xin được làm một nốt trầm trong bản hoà ca của cuộc đời nhưng là "một nốt trầm xao xuyến".
Điều tâm niệm của tác giả: "lặng lẽ dâng cho đời" chính là khát vọng chung của mọi người, ở mọi lứa tuổi, chứ đâu phải của riêng ai. Thanh Hải đã thể hiện hết mình vì lòng tin yêu cuộc sống và khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, cho cuộc đời, bởi vậy, xuất phát từ tiếng lòng thiết tha, nhỏ nhẹ, chân thành của tác giả nên lời thơ dễ dàng được mọi người tiếp nhận và chia sẻ cho nhau:
- "Một mùa xuân nho nhỏ
- Lặng lẽ dâng cho đời
- Dù là tuổi hai mươi
- Dù là khi tóc bạc".
Đã gọi là cống hiến cho đời thì dù ở tuổi nào đi chăng nữa cũng phải luôn biết cố gắng hết tâm trí để phục vụ và hiến dâng cho quê hương, đất nước mến yêu của chính mình. Già – cống hiến tuổi già, trẻ – cống hiến sức trẻ để không bao giờ thất vọng trước chính bản thân mình.
Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. "Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và bài thơ này là một trong những bài thơ cuối cùng. "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi.
Kết thúc bài thơ bằng một âm điệu xứ Huế: điệu Nam ai, Nam Bình mênh mang tha thiết, là lời ngợi ca đất nước, biểu hiện niềm tin yêu và gắn bó sâu nặng của tác giả với quê hương, đất nước, một câu chân tình thắm thiết
- "Mùa xuân ta xin hát
- Câu Nam ai, Nam Bình
- Nước non ngàn dặm tình
- Nước non ngàn dặm mình
- Nhịp phách tiền đất Huế"
Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực sự, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất… và bài thơ này cũng chính là những điều đúc kết cả cuộc đời của ông. Ông đã giải bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó Thanh Hải đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được cùng nhau, hiểu nhau và giải bày cho nhau.
Lời ca như vang vọng, gợi mở ra một cái tình nhỏ bé trong cái ngàn dặm rộng lớn, mênh mang nhưng vẫn rất gần gũi, tràn đầy yêu thương và ấm áp. Tiếng hát đằm thắm hiền hoà xen với những tiếng phách giòn giã, tươi vui đã kết lại bài thơ. Bài thơ khơi lên là dòng sông là tiếng chim hót vang trời xứ Huế. Kết thúc lại là nước non và tiếng hát tươi vui cả tình yêu nước non ngàn dặm, tình yêu quê hương đất nước.
Bài thơ được viết theo thể thơ năm tiếng, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha gần gũi vừa thể hiện nguyện ước chân thành, tha thiết vừa như dựng lên một lẽ sống cao đẹp, cống hiến hết mình, bền bỉ mà âm thầm, lặng lẽ.