Phân tích nhân vật người vợ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân


Đề bài: Phân tích nhân vật người vợ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Bài làm

Vợ nhặt – cái tên đã nói lên tất cả. Vợ mà lại nhặt chứ không phải cưới hay lấy theo cách nói thông thường. Người ta chỉ nhặt những thứ bị rơi vãi xuống đất như đồ vật, như cỏ rác. Nhưng ở đây, lại có một hiện tượng rất bi hài là nhặt vợ. Có lẽ nào người phụ nữ ấy lại rẻ rúng tới mức để người ta nhặt lên như nhặt một cọng rơm ngoài đường ngoài chợ? Khi viết lên tác phẩm này, nhà văn Kim Lân đã chứng kiến cảnh đói thảm hại thê lương của bà con lối xóm nơi thôn quê vốn dĩ đã nghèo nàn khổ sở, nay lại càng khổ hơn khi phải chống trọi với cơn đói cơn rét từng ngày. Nhưng bên cạnh việc dựng lại hiện trường ngổn ngang những xác chết của nạn đói khủng khiếp năm 1945, Kim Lân không quên gửi vào đó những niềm tin và hi vọng vào cuộc sống tươi đẹp thông qua nhân vật người vợ nhặt.

Có lẽ khi nói đến từ nhặt người ta sẽ nghĩ ngay đến những thứ rác rưởi vương vãi ngoài đường. Với Kim Lân, người phụ nữ trong tác phẩm tuy không phải là rác rưởi, nhưng họ chịu chung số phận lênh đênh, xác xơ khi ngày này qua ngày khác phải sống vất vưởng với những xác chết vất vưởng bên lề đường. Người ta cũng quen rồi cái mùi ẩm mốc, hôi thối, tanh ngòm từ những cái xác bốc lên. Người chết như ngả rạ, có khi chẳng ai buồn chôn cất. Bao nhiêu người nằm đó, la liệt, chết vì đói vì rét được tác giả gói gọn trong hai từ còng queo. Kiếp sống mong manh, phận người nheo nhóc, có thể nằm xuống bất cứ lúc nào. Nạn đói như một làn sóng mạnh đang càn quét khắp xóm khắp làng. Ai không đủ sức chống trọi lại sẽ bị nó nhấn chìm ngay lập tức. Người phụ nữ của Kim Lân xuất hiện cùng những người dân khác trong xóm giữa lúc làn sóng đang mạnh mẽ dâng trào. Đúng lúc ấy, thị gặp Tràng. Chỉ qua hai lần nhìn thấy nhau, thị sẵn sàng đi theo Tràng về làm vợ. Hai người dắt díu nhau đi trước sự bất ngờ của mọi người trong xóm ngụ cư nghèo xác xơ.

Xem thêm:  Nghị luận về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

Có người nói thị là đứa con gái dễ dãi, lẳng lơ khi vội vàng theo không một người đàn ông xa lạ. Chỉ qua một lời hứa hẹn trêu đùa khi Tràng vô tình gặp thị bên chợ trong dáng dấp gầy gò, xanh xao, rách rưới, thị đã ghi nhận lời hẹn ấy và bắt chàng phải thực hiện đúng lời mình đã nói. Tràng ngờ nghệch nhưng cũng chẳng so đo tính toán, cho thị đi ăn một chập bốn bát bánh đúc như đúng lời mình hứa trong lần gặp trước đó. Tất cả mọi việc chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên, không hẹn thề mà lại đến với nhau, cũng chẳng mai mối cau trầu như những đám cưới bình thường theo suy nghĩ của mọi người. Có lẽ cả hai đều không chủ ý cho cuộc hôn nhân này mà chỉ là tình cờ nhặt được nhau giữa lúc đói khát, rách rưới. Trong tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc, thị đâu còn tâm tư nào để mà lẳng lơ hay dễ dãi?

Cũng có ý kiến cho rằng thị vì miếng ăn nên đã theo Tràng. Ban đầu, đúng là thị có bắt Tràng phải thực hiện lời hứa cho thị ăn nhưng đó không phải là lý do khiến thị đồng ý làm vợ Tràng một cách chóng vánh như thế. Không biết tâm tư thị thế nào, nhưng thị cũng ngượng ngùng e thẹn lắm khi mọi người đổ dồn hết ánh mắt về mình. Họ xì xào, bàn tán vì giữa cảnh đói khát này ai lại còn dắt díu nhau về. Tình yêu đã trở thành thứ quá xa xỉ với họ khi mà nạn đói đã tràn lan khắp làng khắp xóm. Ẩn sâu bên trong cái vỏ ngoài xấu xí, rách rưới, thị vẫn là một người con gái có lòng tự trọng, có ý thức rõ ràng về bản thân mình. Thị thừa hiểu bước chân mình đang đi đâu, và làm gì. Nhưng thị vẫn can đảm lắm, thị cùng Tràng bước qua những xác chết bên lề đường để về chung sống với nhau.

Xem thêm:  Kể lại và phân tích ý nghĩa của tình huống “hai bố con” gặp nhau trong truyện số phận con người của Sôlôkhốp

Ở thị, ta còn thấy tấm lòng yêu thương cao cả và nỗi niềm đồng cảm sâu sắc với người cùng cảnh ngộ là Tràng. Ngày đầu tiên về làm dâu, thị đã mang đến cho ngôi nhà cũ nát này một làn hơi ấm mới mẻ. Đầu tiên là bà cụ Tứ. Dù bà hiểu ra nhiều cơ sự phía trước nhưng sự có mặt của thị như một ngọn lửa nhóm lên cuộc đời sắp tàn của bà. Còn Tràng, Tràng tỉnh dậy sau bao nhiêu ngày chìm trong lặng thầm, u tối vì nghèo, vì đói. Không khí gia đình đã nguội lạnh từ lâu nay cũng tràn trề ánh sáng. Mỗi người đều tự ý thức vai trò của mình trong việc xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, bền lâu.

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại, chỉ có lùm rau chuối thái rối với đĩa muối để ăn với cháo. Nhưng mọi người đều ăn ngon lành. Họ nói với những những dự định về tương lai dù biết rằng tương lai rất mờ mịt và sự sống cũng rất mong manh. Nhưng thị vẫn điềm nhiên đưa từng miếng cháo vào miệng. Thậm chí, cháo hết, cả nhà phải ăn cháo cám. Thị cũng vẫn hòa mình vào cuộc sống của gia đình. Dù lòng cũng buồn tủi nhưng thị hiểu gia cảnh của nhà chồng lúc này. Đó cũng là tình cảnh chung. Ở thị ta thấy rõ sự cam chịu, hi sinh và cảm thông sâu sắc. Thị cũng như bà cụ Tứ, đều hướng tới những điều tốt đẹp ở tương lai tươi sáng. Tiếng trống thúc thuế khiến bà cụ buồn lòng, lo lắng, nhưng lại gợi lên khung cảnh phá kho thóc Nhật trong đầu thị. Có lẽ cảnh ấy cũng sắp đến rồi. Họ tin rằng một ngày không xa dân mình sẽ đoàn kết, cùng nhau đứng lên đập tan xiềng xích của quân thù.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật vợ Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Như vậy, thị đã cùng Tràng đi từ đầu cho tới cuối tác phẩm. Nếu lúc đầu họ bước đi giữa xóm nghèo tiêu điều xơ xác bên những thây người nằm ngổn ngang vì đói vì rét, thì đến cuối tác phẩm, cả hai lại cùng nghĩ tới hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới khi quân ta chiến thắng quân giặc, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Thị dù chỉ là một kiếp người cơ cực giữa rất nhiều kiếp người cùng chung cảnh ngộ khác. Nhưng khi lọt vào trang văn của Kim Lân, thị đã đại diện cho những tấm lòng, những con người biết vươn lên trong khó khăn, biết khát khao và tìm đến hạnh phúc của cuộc đời mình. Dù hạnh phúc ấy còn nhiều trông gai phía trước, nhưng họ vẫn luôn vững tin vào chính mình.

 

Bài viết liên quan