Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Bài làm
Thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ độc đáo mà kỳ diệu lắm. Đọc “Chí Phèo” ta cảm cái tài của Nam Cao, tình huống truyện xây dựng lại xảo diệu đến thế. Lại nhớ đến cảnh Tràng nhặt Thị cũng oái oăm không ngờ hay cái tràn cảnh từ tự hào đến không dám tin lẫn xấu hổ của ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân. Và chưa bao giờ văn học khiến ta phải “ngẫm” đến thế, phía sau cái đẹp ngỡ ngàng là thảm cảnh đớn đau lòng người cũng phẫn uất lắm trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiên phong của nền văn học Việt Nam hiện đại. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một áng văn xuất sắc mang bao suy ngẫm, triết lí nhân văn sâu lắng. Đặc biệt, phải kể đến tình huống truyện độc đáo được dựng xây từ tài hoa và nhiệt tình của nhà văn.
“Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu sáng tác vào tháng 8 năm 1983. Truyện mở đầu với lời văn giản đơn rất đỗi thông tục. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng vì muốn chụp một tấm ảnh biển buổi sớm có sương mù cho bộ lịch năm mới, trong dịp về thăm Đẩu, anh đã ghé qua vùng biển từng là chiến trường cũ của mình năm xưa, phục kích mấy buổi sáng, cuối cùng anh cũng chụp được một tấm ảnh “rất ưng”. Trong cảm nghĩ của Phùng thì nó như “một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”, “một vẻ đẹp toàn bích” và “cái đẹp chính là đạo đức”. Quả là tiên cảnh có một không hai trên đời! Nhưng oái oăm thay khi tiên cảnh dần hiện ra trước mắt là hai kiếp người lam lũ, nghèo khổ bước ra từ con thuyền. Rồi một loạt cảnh bất ngờ ập đến khiến Phùng như không tin vào mắt mình, cảnh chồng đánh vợ, con đánh bố, bố tát con, cảnh người đàn bà nhẫn nhục, chấp nhận bị hành hạ vũ phu. Mọi thứ cứ ùa đến phá tan mọi suy tưởng tốt đẹp của Phùng. Tình huống truyện chỉ có thể dùng hai chữ “bất ngờ” để hình dung. Rồi nối tiếp là sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên lẫn không tin nỗi. Phùng cho rằng mình đã chụp được một vẻ đẹp của sự hoàn thiện và đó là cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Anh là một người say mê cái đẹp, đồng thời cũng phẫn nổ trước cái ác, cái xấu. Nhưng thực tế phũ phàng đã nói cho Phùng biết cái đẹp không phải lúc nào cũng đạo đức. Giây phút ấy, anh vỡ lẽ hiểu được về sự cách biệt giữa “nghệ thuật” và “cuộc đời”. Dù chúng có mối quan hệ mật thiết nhưng cũng chứa đầy sự mâu thuẫn và nghịch lý, thứ nghệ thuật hoa mĩ anh hằng đeo đuổi chỉ là “hoa trong gương” “trăng trong nước”, nó chưa bao giờ chân chính lột tả được những ẩn khuất, mặt trái đằng sau cuộc đời. Giữa “nghệ thuật” và “cuộc đời” còn cách nhau một khoảng rất xa và không phải ai cũng nhìn thấu điều đó. Từ tình huống nhận thức độc đáo này, Phùng sâu sắc cảm nhận rõ nghệ thuật chân chính là thứ nghệ thuật có thể phơi bày nguyên vẹn, chính xác bề nổi cũng như bề chìm của cuộc sống.
Không dừng ở đó, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu luôn chứa bao châu ngọc ở những góc khuất không ngờ. Ba hôm sau, cũng trong làn sương sớm Phùng lại chứng kiến thấy cảnh chồng đánh vợ, cảnh cô chị tước đoạt con dao mà đứa em trai định dùng làm vũ khí bảo vệ mẹ, không thể nín nhịn hơn Phùng xông ra ngăn lão, anh bị đánh và được đưa về trạm y tế toà án huyện. Ở đây, anh được nghe câu chuyện về người đàn bà hàng chài với bao sự cảm thông, ngỡ ngàng và nhạc nhiên. “Đây là lần thứ hai người đàn bà được Đẩu mời lên vì công việc gia đình”. Và Nguyễn Minh Châu lại cho ta thấy một người vợ nhún nhường, cố chấp đến khó hiểu dù bị đánh đập hành hạ vũ phu cũng kiên quyết không bỏ chồng. Chính thế, Đẩu đã phải giận dữ bộc thốt lên những lời đầy bất bình “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”, “Chị không sống nổi với lão đàn ông vũ phu ấy đâu!”. Không riêng gì Đẩu, Phùng cũng có cách nhìn tương tự, anh cho rằng người đàn ông là kẻ man rợ và độc ác. Anh cảm thông sâu sắc cho hoàn cảnh khốn cùng của chị và chân thành muốn giúp đỡ chị. Nhưng “Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”, đó là điều Phùng không tài nào hiểu nổi ở người phụ nữ đáng thương ấy. Hẳn, nhìn rõ âu lo lẩn suy tư trên nét mặt của hai chàng trai, người phụ nữ kể lại câu chuyện đời mình. Chị có ngoại hình xấu xí, thua thiệt người ta, không ai dám lấy, chỉ có lão dám lấy chị, lão lúc đầu cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập chị. Lão không như đàn ông thuyền khác rượu chè, cờ bạc, … lão thương vợ, thương con nhiều lắm. Nhưng ngặt vì nghèo túng, con ngày một đông, thuyền thì chật, lại có khi “ông trời làm động biển suốt hàng tháng cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Đói nghèo, túng quẫn, sự bất lực vì không thể lo chu toàn cho vợ con, trách nhiệm nặng nề đè ép trên vai người đàn ông ngày một nặng dần, nó như gông xiềng xiết chặt lão, mỗi lần nghĩ đến lão đau tưởng như không nở nổi. Bởi thế, mà mỗi lần đau là lão xách chị ra đánh. Nhưng than ôi! Con người nào phải cỏ cây sao có thể vô tâm vô tình được. Bao lần đánh chị, lão cũng ân hận, nghẹn ngào, tự trách “tảng lưng khum khum càng có vẻ cuối thấp hơn”. Nhân vật người đàn ông bên ngoài cái vẻ xấu xí, thô kệch ấy không ngờ lại có một nội tâm mềm yếu, đáng thương xen lẫn đau đớn, thống khổ, dằn vặt thế đấy. Đó cũng là một trong những điều kì diệu, nhân văn của ngòi bút Nguyễn Minh Châu. Có thể thấy, chính đói nghèo khốn khổ túng quẫn trong sinh hoạt và đời sống đã biến một người đàn ông hiền lành chất phát trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo nhưng chúng ta cũng không nên vì điều đó mà phán xét tất cả. Người đàn ông là một nhân vật “rất chân thực” trong đời sống. Sự bất đắc dĩ, nỗi thống khổ nơi người đàn ông cũng chính là nỗi thống khổ chung của rất nhiều con người khốn khổ, bất hạnh khác. Không chỉ thế, tình huống truyện nơi toà án huyện càng đi sâu càng khiến người đọc không khỏi cảm thán, suy ngẫm sâu xa. Qua lăng kính của người đàn bà hàng chài mà dường như thấu hiểu mọi lẽ đời ấy ta thấy được sự cảm thông, thấu hiểu, thương xót người đàn ông dù chính chị vô số lần bị lão đánh đập dã man. Còn trong cảm nhận của Phùng, Đẩu hay thằng bé Phát (con lão) thấy lão là một kẻ độc ác, tàn nhẫn và man rợ. Để chứng thực điều đó Phùng bất giác hỏi “Lão ta hồi trước có đi lính nguỵ không?”, bởi anh cho rằng chỉ có lính nguỵ mới tàn bạo đến thế. Nhưng “Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn vì trốn lính”. Có thể thấy, người đàn ông không hoàn toàn xấu xa như Phùng đã nghĩ. Một người mà thà chấp nhận đói nghèo, túng quẫn dù cùng đường cũng quyết không cầm súng chĩa vào đồng bào mình thì sao có thể độc ác, man rợ được. Người đàn ông vùng biển chẳng qua là một kẻ đáng thương tìm đến bạo lực chỉ để giải toả phần nào áp lực cuộc sống, xong lại đáng hận vì lão trút nó lên người những người thân yêu của mình. Tổn thương lại càng tổn thương. Mỗi lần đánh là lão lại ân hận, dằn vặt, tự trách bản thân. Hành động đó chẳng những không khiến lão thoải mái hơn mà càng làm lão chìm sâu vào thống khổ vô bờ, nỗi tâm chịu nặng. Cuối cùng, chính lão cũng là nạn nhân của đói nghèo tuyệt vọng và không thể phủ nhận lão là một người cha có trách nhiệm.
Có thể thấy, tình huống truyện nơi toà án huyện là một tình huống vô cùng tinh tuý, triết lí hàm xúc nhiều quan niệm sống, bài học quý báu. Từng nhân vật đều có vai trò nhất định dẫn đến sự thành công của tác phẩm. Ai cũng có nét riêng độc đáo của mình. Từ câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã chỉ rõ sự thiếu hụt trong kinh nghiệm sống của Phùng và Đẩu dẫn đến việc hai anh đánh giá sự việc phiến diện, sai lệch. Qua đó, Nguyễn Minh Châu muốn khẳng định không được nhìn nhận, đánh giá con người bằng đôi mắt giản đơn, hời hợt và đầy định kiến phải “cố tìm mà hiểu” để có thể đánh giá chính xác bản chất của con người. Và sự nhẫn nhục, cam chịu của người đàn bà hàng chài không phải chỉ là sự cảm thông, thấu hiểu, bao dung không thôi mà còn vì nuôi nấng đàn con khôn lớn, như Đẩu đã nói “Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu”, “trên thuyền phải có một người đàn ông…dù hắn man rợ, tàn bạo?”. Chị cần có một người chèo chống con thuyền mưu sinh giữa cuộc đời đầy giông tố. Dưới ngòi bút xiết bao yêu thương của nhà văn, Người đàn bà vùng biển hiện lên là một người giàu lòng cảm thông, vị tha, thấu hiểu lẻ đời và có tình yêu thương con vô bờ. Nhân vật Thằng bé Phác vừa đáng thương, đáng hận, nhưng lại đáng trân trọng. Cậu là nạn nhân của đói nghèo và bạo lực gia đình, là hiện thân cho số phận và tương lai của những đứa trẻ hàng chài. Còn hai nhân vật Phùng và Đẩu là những con người nhân hậu thiết tha giải phóng con người khỏi đói nghèo, bạo lực nhưng vẫn còn lý thuyết suông thiếu chiêm nghiệm thực tế, nhìn đời bằng đôi mắt giản đơn, định kiến, phiến diện. Chính thế, “Chiếc thuyền ngoài xa” dù xa hay gần đều khiến cho con người phải nghiền nhẫm, suy tư nhiều lắm. Bởi nó chính là mặt trái tàn khốc, chân thật của cuộc đời. Xưa hay nay điều thế cùng lắm chỉ là biến đổi thể hiện bằng một hình thức khác nhưng tính chất vẫn không thay đổi.
Kết lại, bằng ngôn ngữ dung dị đời thường, linh hoạt trong biến tấu tình huống truyện, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nguyễn Minh Châu đã khắc hoạ nhân vật rất tài tình, rất thực. Xây dựng cốt truyên vô cùng khéo léo, tuyệt diệu. Từ đó, nhà văn muốn phơi bày những nghịch lý của cuộc đời, góc khuất, mặt trái đắng cay cùng những suy ngẫm về con người. Để rồi, đưa ra lời khuyên chân thành chớ vội kết luận bất kì sự việc gì bằng một góc nhìn mà hãy mở rộng tầm nhìn đa diện xen xét mới có thể nhận thức rõ vấn đề để không tạo nên những sai lầm đáng tiếc. Và “truy tìm hạt ngọc tâm hồn” chính là phong cách nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu luôn khát khao, mong mỏi.