Phân tích tinh thần yêu nước được thể hiện trong bài thơ Nam quốc sơn hà


Phân tích tinh thần yêu nước được thể hiện trong bài thơ Nam quốc sơn hà

Hướng dẫn

Đề bài: Bài thơ thần Nam quốc sơn hà với lời lẽ đanh thép không chỉ khẳng định chủ quyền, niềm tự hào về sức mạnh dân tộc trước cuộc xâm lược phi nghĩa của giặc mà còn thể hiện tình yêu nước sâu sắc. Em hãy phân tích tinh thần yêu nước được thể hiện qua bài thơ Nam quốc sơn hà.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu về tinh thần yêu nước trong bài “Nam quốc sơn hà”: Gắn với sự kiện chống quân Tống xâm lược vào cuối năm 1076, bài thơ “Nam quốc sơn hà”- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước sâu sắc, mãnh liệt của thời đại Đông A.

2. Thân bài

– Ở hai câu thơ đầu, tinh thần yêu nước được thể hiện qua tư tưởng về chủ quyền dân tộc và ý thức độc lập tự chủ

+ Sông núi nước Nam là của người Nam.

+ Câu thơ như một lời tuyên ngôn đầy chắc nịch về chủ quyền của dân tộc:

  • “Nam quốc”- “Nam đế”: nước Nam là của vua Nam
  • đặt trong thế đối sánh, ngang hàng với phương Bắc: “Nam quốc”- “Bắc quốc” và “Nam đế”- “Bắc đế”

– Ở hai câu thơ cuối, tinh thần yêu nước được thể hiện rõ thông qua niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm

+ Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lược chính là biểu hiện tập trung và cao độ nhất của tinh thần yêu nước.

Xem thêm:  Cảm nghĩ về cây bàng trường em

+ Giặc Tống nhất định “phải tan vỡ” vì:

  • chúng đã vi phạm vào “sách trời”
  • vì đã đặt bước chân xâm lược lên bờ cõi nước Nam mãi mãi là của người Nam
  • cuộc chiến mà chúng đã gây nên nhất định sẽ bị quật ngã bởi sức mạnh của tinh thần yêu nước thời đại Đông A

3. Kết bài

Khái quát tinh thần yêu nước được thể hiện qua bài thơ “Nam quốc sơn hà”: “Nam quốc sơn hà” xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên thấm đẫm tình thần yêu nước về chủ quyền, ý thức độc lập dân tộc cùng niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Bài viết liên quan đến bài thơ Nam quốc sơn hà:

>>Phân tích bài thơ Nam quốc sơn hà để thấy được tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân ta

>>Cảm nhận của em về bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt

>>Phân tích ý nghĩa của bài thơ Nam quốc sơn hà của tác giả Lí Thường Kiệt

II. Bài tham khảo

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu cả ta” (trích “Lòng yêu nước của nhân dân ta”- Hồ Chí Minh). Câu nói của Bác đã thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về truyền thống yêu nước- sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử. Dù ở bất cứ thời kì hay giai đoạn nào, trong những trang sử hào hùng của dân tộc ta luôn ngời sáng truyền thống đó. Gắn với sự kiện chống quân Tống xâm lược vào cuối năm 1076, bài thơ “Nam quốc sơn hà”- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước sâu sắc, mãnh liệt của thời đại Đông A:

“Nam Quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Dịch thơ:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng bay nhất định phải tan vỡ”

(Theo Lê Thước và Nam Trân dịch)

Hai câu thơ đầu đã nêu lên một tư tưởng mang tính chân lí: Sông núi nước Nam là của người Nam. Ở nguyên tác chữ Hán, tư tưởng đó càng được làm nổi bật một cách sâu sắc, mãnh liệt hơn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Câu thơ như một lời tuyên ngôn đầy chắc nịch về chủ quyền của dân tộc: “Nam quốc”- “Nam đế”: nước Nam là của vua Nam, đặt trong thế đối sánh, ngang hàng với phương Bắc: “Nam quốc”- “Bắc quốc” và “Nam đế”- “Bắc đế”. Nếu như quân Tống xâm lược với tư cách là một quốc gia hùng mạnh thì nước Nam ta cũng sẽ bảo vệ đến cùng tầng tấc đất của một quốc gia tồn tại độc lập. Và điều này càng được khẳng định hơn thông qua “thiên thư”: “Vằng vặc sách trời chia xứ sở”, nghĩa là điều này tồn tại như một chân lí hiển nhiên và không ai có thể phủ nhận. Như vậy, thông qua hai câu thơ đầu, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước được thể hiện qua tư tưởng về chủ quyền dân tộc và ý thức độc lập tự chủ.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về các mùa của đất nước

Ở hai câu thơ tiếp theo, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước được thể hiện rõ thông qua niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

(Giặc dữ cớ sao phạm tới đây

Chúng bay nhất định phải tan vỡ)

Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lược chính là biểu hiện tập trung và cao độ nhất của tinh thần yêu nước. Tác giả đã vẽ nên trước mắt độc giả viễn cảnh về thất bại thảm hại của giặc Tống xâm lược, đồng thời cũng là niềm tin sắt đá vào sức mạnh của tinh thần yêu nước của nhân dân ta tạo nên. Giặc Tống nhất định “phải tan vỡ” vì chúng đã vi phạm vào “sách trời”, đi ngược lại chân lí, tạo nên một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hơn nữa, sự thất bại của chúng là lẽ tất yếu vì đã đặt bước chân xâm lược lên bờ cõi nước Nam mãi mãi là của người Nam, và cuộc chiến mà chúng đã gây nên nhất định sẽ bị quật ngã bởi sức mạnh của tinh thần yêu nước thời đại Đông A.

“Nam quốc sơn hà” xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên thấm đẫm tình thần yêu nước về chủ quyền, ý thức độc lập dân tộc cùng niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan