Tả cây hoa mai vàng ngày Tết
Tả cây hoa mai vàng ngày Tết
Bài làm
Tết đến xuân về, vạn vật đều khoe sắc khoe hương. Mỗi vùng miền lại chọn một loài hoa làm biểu tượng cho cái Tết của quê hương mình. Nếu miền Bắc chọn hoa đào hồng thắm thì miền Nam lại chọn hoa mai rực rỡ như nắng vàng. Mai cũng là loài cây mà tôi thích nhất trong các loài cây. Mỗi dịp xuân sang, nhìn thấy mai trong nhà, là thấy lòng không khỏi thiết tha rạo rực.
Dáng mai thường nhỏ nhắn. Cây mai nhà em chỉ cao bằng một đứa bé sáu tuổi. Những nghệ nhân chơi mai dày công tạo đủ kiểu dáng cho cây để cây mang ý nghĩa đặc biệt hơn vào dịp Tết, gọi là thế. Cây mai bố em mua về có thế thác đổ. Cả cây nghiêng về một bên như dòng thác chảy. Thế này tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sẵn sàng vươn lên dù gặp khó khăn, trắc trở. Bố luôn mong tôi cũng như cây mai này, luôn kiên trì vượt mọi khó khăn trong học tập. Cây được đặt trong chiếc chậu sứ trắng xinh xắn càng làm nổi bật sắc vàng của hoa. Chậu cây được đặt trang trọng giữa nhà như mang sức sống và cả nắng trời vào trong nhà vậy.
Gốc mai sần sùi, trồi một vài nhánh rễ lên khỏi mặt đất. Trên những nhánh rễ trồi lên đó, bố em đặt mấy bức tượng nhỏ xíu trông thật hay: nào là ông lão câu cá, nào là cậu bé gánh gủi và cả chú hổ trắng nữa,….Thân cây đổ nghiêng về bên phải như nước chảy, tỏa ra những cành nhỏ xíu, cong queo, gầy guộc. Nhưng những cành cây ấy đã được cắt tỉa gọn gàng nên trông rất thanh cao. Lá mai thon dài, hình bầu dục, nhỏ bằng hai ngón tay, màu xanh phơn phớt hồng. Nụ hoa chúm chím xen lẫn hoa. Ai cũng khen cây hoa nhà tôi đẹp vì có nhiều nụ tức là nhiều lộc. Lộc và hoa đan xen đẹp đến vậy chắc hẳn năm tới gia đình làm ăn may mắn. Tôi lấy làm vui lắm! Hoa mai cũng năm cánh như hoa đào, khác mỗi đào màu hồng, mai màu vàng, nhụy mai cũng màu đỏ hồng. Mai không mọc hoa riêng lẻ mà mọc thành từng chùm từng chùm, tụ với nhau như đốm lửa vàng. Mai được trồng nhiều ở trong Nam nên chịu rét kém hơn hoa đào ngoài Bắc. Chỉ cần một ngày nắng nhẹ, hoa đã nở bung hết nụ, phô diễn vẻ đẹp đoan trang của mình. Cây mai ngày Tết càng trở nên đặc biệt hơn bởi được treo đủ thứ: câu đối, lì xì,… Tết vì có mai mà trở nên đủ đầy sắc hương, mai vì có Tết mà trở nên đằm thắm dịu dàng. Hai thứ ấy chẳng biết tự bao giờ đã gắn chặt với nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà mai được chọn là một trong những cây đặc trưng của ngày Tết. Mai hiện diện trong những ngày này cũng bởi ý nghĩa đặc biệt của nó. Mai nở khi vạn vật còn ngủ yên vì cái giá rét, tượng trưng cho sức sống xanh tươi, mơn mởn. Tùng, trúc, cúc, mai từ xa xưa đã là bộ cây tứ quý, mang lại những điều may mắn, tốt lành, từng đi vào biết thơ văn nhạc họa:
“Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng”
(Nguyễn Trãi)
Mai muôn dáng, muốn thế mà mỗi kiểu lại hướng tới một ý nghĩa nhất định: thế trực chỉ sự ngay thẳng, thế thác đổ tượng trưng cho ý chí sống mãnh liệt, thế ngũ phúc mang lại cả năm điều tốt đẹp (sống lâu, giàu có, khỏe mạnh, đức tính, yên bình),…Dù với kiểu dáng nào đi chăng nữa, mai đều hướng tới sự mạnh mẽ, hạnh phúc tròn đầy, viên mãn của con người. Bố tôi hay nói sắc càng của mai chính là màu của sự thịnh vượng, tiền tài sáng ngời của năm mới. Tôi không hiểu nhiều đến vậy. Với tôi, thấy mai là thấy sự sum vầy, thấy hình ảnh cả nhà cùng ngồi bên nồi bánh chưng đón năm mới. Có lẽ đó là điều tuyệt vời nhất mà mai đã dành tặng tôi và mọi người. Trên nền nhà, thi thoảng vài cánh hoa rơi rụng như hạt nắng vương trên nền giữa cái giá rét của ngày đầu xuân. Có cơn gió thoảng qua là cả gian nhà lại dìu dịu hương mai khiến tinh thần như vừa được tắm mát.
Cây mai luôn mang bên mình nét giản dị riêng biệt nhưng lại đầy thanh cao, quý phái mà không phải loài cây nào cũng sánh được. Năm cánh hoa xinh xắn, nhỏ nhắn như năm ngón tay bé xinh mời gọi con cháu về hội họp trong những ngày đặc biệt. Mai đã thực hiện thiên chức cao cả của mình như thế đấy:
“Ngày mùa xuân thăm nhau
Ấp e hương tình mọng
Búp mai vàng trinh nguyên
Đang hé chào xuân mới!”
(Huỳnh Đức Tú)
Dù đời nay hay muốn đời sau, mai vẫn sẽ giữ vững giá trị cao đẹp của truyền thống dân tộc như thế. Mai cùng với đào đã trở thành nét văn hóa đặc sắc mỗi dịp xuân đến.