Tìm hiểu và phân tích Thăng Long hoài cổ
Đề bài: Em hãy tìm hiểu và phân tích bài thơ Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan- văn mẫu lớp 10
Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng của nền văn học trung đại Việt Nam, cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã làm nên những nét đặc sắc, mang cá tính của những người phụ nữ hay nói cách khác nhà thơ đã góp phần to lớn trong việc khẳng định vai trò của những nhà thơ nữ trong văn học trung đại, những người mà thường không được xã hội đương thời coi trọng. Nhưng nếu như Hồ Xuân Hương là một hồn thơ đầy cá tính với phong cách thơ sắc sảo, chua cay khi đả phá những định kiến, những giai cấp trên của xã hội thì Bà Huyện Thanh Quan lại ngược lại, thơ của bà hồn hậu, đằm thắm mà không kém phần da diết, khắc khoải. Bài thơ “Thăng Long hoài cổ” là một bài thơ tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan, thể hiện nỗi lòng xót xa, đau khổ của nhà thơ trước sự hoang tàn của cố đô đất Bắc đồng thời cũng thể hiện được sự hoài cố về quá khứ tươi đẹp, huy hoàng của mảnh đất này.
Bà Huyện Thanh Quan sống trong một giai đoạn lịch sử có đầy biến động, đó là sự thăng trầm của đất nước, các thời đại liên tiếp được lập lên rồi lại sụp đổ. Nên, với một con người có lòng yêu nước thiết tha như nhà thơ thì cũng không tránh khỏi cảm giác buồn, xót xa trước thực trạng hoang tàn, biến động ấy. Ngay trong những câu thơ mở đầu, Bà Huyện Thanh Quan cũng thể hiện rõ ràng cảm xúc của mình trước những thực trạng của xã hội, của đời sống, qua đó thể hiện được một con người luôn quan tâm đến những biến động của đời sống, cùng với tình yêu tha thiết đối với cuộc sống ấy.
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”
“Tạo hóa” ở đây là những gì thuộc về tự nhiên, cũng là những cái vốn có, tồn tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người nên dù có muốn thì con người cũng không sao thay đổi được. “Hí trường” dùng để chỉ sân khấu, nơi diễn ra những trờ mua vui cho người đời, nơi những câu chuyện thật giả đều được khắc họa, tái hiện. Nhưng nếu chỉ là một sân khấu, mọi viễn cảnh trên sân khấu ấy chỉ là một vở kịch được dàn xếp, sắp đặt thì còn có thể thay đổi, nhưng nó lại là thực tế của đời sống thì sao có thể đổi thay “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, đây là sự trách móc nhẹ nhàng, tế nhị của Bà Huyện Thanh Quan, trước hiện thực cuộc sống đầy biến loạn, bà trách tạo hóa sao đã quá vô tình, sao có thể gây ra bao nhiêu sầu khổ cho con người như vậy.
Viễn cảnh của cuộc sống hiện thực cứ thăng trầm, niềm vui thì ít mà nối buồn thì nhiều cứ thế trải dài, miên viễn chưa thấy điểm kết thúc. Hai tiếng “gây chi” vừa là lời trách móc song cũng là lời than thở của nhà thơ, thời gian cứ vô tình chảy trôi, guồng quay của lịch sử đã làm đổi thay bao cảnh vật, nơi địa danh được xem là mảnh đất đô hội, là kinh đô của bao triều đại- Thăng Long ấy cũng trải qua bao đổi thay, cũng chỉ là diện mạo, tên gọi mà những thăng trầm của lịch sử cũng vô tình để lại những dấu vết, những kí ức không bao giờ phai. Ta có thể nhận thấy, những vần thơ là tâm sự chân thành, tha thiết của Bà Huyện Thanh Quan, đó là một nỗi lòng buồn, da diết khi gửi gắm vào lời thơ những tâm sự buồn, cái nhìn xa vắng mênh mông, cùng với đó là sự tiếc nuối mơ hồ và cái thở dài đầy ngao ngán.
“Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”, thời gian cứ vô tình chảy trôi, sự tuần hoàn ấy khiến cho con người không hề hay biết, để khi quay mặt nhìn lại thì không khỏi bàng hoàng, xót xa. Thăng Long trong kí ức của nhà thơ là một mảnh đất tươi đẹp cùng với những hào quang chói lọi của lịch sử, nhưng đã qua rồi cái thời hoàng kim ấy, cái quay đầu của nhà thơ chỉ đón nhận lại những hoài niệm đầy xót xa, bởi hiện thực bây giờ đã đổi khác, thời thế biến loạn, người dân đau khổ, còn đâu nữa những kí ức tươi đẹp. Trong cảm nhận của nhà thơ, thời gian cũng chảy trôi vô tình, ta cũng bắt gặp quan điểm, cách cảm nhận thời gian này trong thơ của Nguyễn Du “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Xưa kia, nơi mảnh đất đô hội này nhộn nhịp bởi người đi kẻ lại, những lối đi tấp nập, những xe ngựa rộn ràng qua lại, đây là xe của những người có chức tước, địa vị, hoặc cũng có thể là xe của những thương nhân, của những lái buôn qua lại chở đầy hàng hóa. Ở đây nhà thơ không kể ra cụ thể đối tượng của những chiếc xe mà gợi ra được không khí vui tươi, nhộn nhịp, đây chính là biểu hiện của một cuộc sống đang phát triển, nơi mà những người dân sống trong yên bình, độc lập. Nhưng, đó cũng chỉ là những hồi tưởng của nhà thơ, những hình ảnh của cuộc sống đang lên đó cũng chỉ là tồn tại trong kí ức sống động của nhà thơ, còn thực tại thật khiến người ta đau lòng, “hồn thu thảo”, đó là những ngọn cỏ tàn úa của mùa thu,không gian mùa thu gợi ra không khí của sự chia li, của phút giây li biệt.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Bà Huyện Thanh Quan sử dụng hình ảnh thu thảo ở đây, bởi nó chính là lời li biệt của đất trời, thể hiện sự tiếc thương của thiên nhiên, vũ trụ đối với sự ra đi mãi mãi của những miền kí ức, và càng xót xa hơn nữa khi đó lại là những kí ức tươi đẹp, hằn sâu vào trong kí ức của mỗi người. “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, xưa kia, mảnh đất Thăng Long là nơi đóng đô của bao nhiêu triều đại, đây cũng là nơi phát triển nhất, sầm uất nhất của đất nước. Đây cũng là nơi vua chúa ở, và nơi ở đó chính là những lâu đài, những cung phủ đầy nguy nga, tráng lệ, vừa thể hiện được sự cao quý, uy nghiêm của bậc vương giả, lại vừa điểm to cho mảnh đất rồng thiêng.
Nhưng giờ đây những lâu đài, đình điện đó cũng trở nên u buồn khuất sau ánh tịch dương, câu thơ cũng thể hiện được sự thất thế của các triều đại, sự thay đổi liên tục các triều đại trong một thời gian ngắn cũng phần nào làm cho không khí nơi đây giảm bớt đi sự uy nghi, bệ vệ. Cùng với sự thay đổi của cảnh vật nơi kinh thành Thăng Long là sự cố định của những vật thể gắn bó, nhưng sự tồn tại cố hữu này lại mang một vẻ tang thương đến đau lòng, nó không còn vẹn nguyên như lúc ban đầu nữa:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương”
Ở đây, đối lập lại với sự chảy trôi của thời gian, sự đổi thay của cảnh vật thì “đá” và “nước” là những yếu tố còn sót lại của hồi ức tươi đẹp ấy, trong sự cảm nhận của nhà thơ thì những vật thể này không phải là những vật vô tri, vô giác của tự nhiên mà lại mang những suy tư như những con người thực thụ. Sự đổi thay của cảnh vật không làm cho những viên đá này thay đổi hay di dời, bởi nó kiên cường tồn tại “trơ gan cùng tuế nguyệt”, câu thơ thể hiện được sự kiên cường song cũng không giấu đi được cái buồn thương, vô hạn của nó. “Nước còn chau mặt với tang thương”, dòng nước luôn hiện lên với biểu tượng của sự chảy trôi, thay đổi nhưng trong cái nhìn của Bà Huyện Thanh Quan thì nó lại là một nhân chứng của lịch sử, trước những thăng trầm thì nó cũng chỉ biết chau mặt đầy bất lực, đó là sự bất lực trước những tang thương.
“Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
Hai câu thơ kết của bài, Bà Huyện Thanh Quan bộc lộ trực tiếp nỗi niềm, tâm sự của mình trước sự đổi thay, chảy trôi vô tình đó. “Nghìn năm gương cũ soi kim cổ”, đây là sự hoài cố về kí ức tươi đẹp trong quá khứ, bởi dẫu có bao nhiêu đổi thay của thực tại, thì những kí ức tươi đẹp về mảnh đất đô hội ấy mãi mãi không bao giờ mất đi, bởi nếu nó tồn tại trong thế giới vật chất thì có thể mất đi, nhưng khi sống trong tâm thức của con người thì không một điều gì có thể xóa nhòa. Tuy khẳng định sự bền vững, chắc chắn về quá khứ tươi đẹp, nhưng trước thực trạng có quá nhiều đổi thay này thì nhà thơ cũng không tránh được cảm giác đau đớn, tang thương “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”.
Như vậy, bài thơ “Thăng Long hoài cổ” là sự hoài niệm về thời gian, kí ức tươi đẹp của Bà Huyện Thanh Quan về mảnh đất rồng thiêng, kinh thành Thăng Long, đó là sự xót xa, đau đớn trước thực trạng biến động, nhiều đổi thay, đặt nó trong dòng hồi ức xưa thì cảm giác mất mát được đẩy lên cao độ, làm cho bài thơ nặng trĩu những nỗi niềm, tâm sự của chính nhà thơ, thể hiện được con người tha thiết với tình yêu đất nước, luôn theo sát từng bước đường của lịch sử nước nhà.
Nguồn: Văn mẫu