Tìm một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay” và giải thích chứng minh cho câu tục ngữ đấy
Tìm một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay” và giải thích chứng minh cho câu tục ngữ đấy
Hướng dẫn
Sống chết mặc bay là câu tục ngữ chỉ thái độ vô tâm, phó mặc mọi chuyện cho hoàn cảnh, không quan tâm đến dù nó có liên quan trực tiếp đến mình. Em hãy tìm một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay” và giải thích chứng minh cho câu tục ngữ đấy.
Dàn ý và bài văn tham khảo cho đề bài Tìm một câu tục ngữ trái ngược với “sống chết mặc bay” dưới đây sẽ là nguồn tham khảo thú vị cho người học trong việc xây dựng nội dung bài viết cho đề bài bày.
I. Dàn ý bài văn tìm và chứng minh một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay”
1. Mở bài bài văn chứng minh một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay”
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết cộng đồng. Bàn về truyền thống này, tục ngữ dân gian có câu “Thương người như thể thương thân”.
2. Thân bài bài văn chứng minh một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay”
– Câu tục ngữ gồm hai vế “thương người” và “thương thân” được đặt trong thế so sánh bởi từ “như thể”
– “thương” là thái độ yêu thương, trân trọng đối với người hoặc sự vật nào đó.
– “như thể” đặt giữa hai vế so sánh không chỉ tạo cho câu tục ngữ một hình thức cân đối, hài hòa mà còn giúp người đọc hình dung ra sự công bằng trong thái độ đối nhân xử thế
– Câu tục ngữ đã mở ra một bài học về tình thương trong cuộc sống: Hãy dành tình cảm yêu thương, quan tâm và giúp đỡ đến người khác giống như yêu thương chính bản thân mình.
– “Thương người như thể thương thân” cũng là cách để tạo nên sợi dây gắn kết giữa người với người, tạo nên niềm tin và sự cố kết cộng đồng
– Có rất nhiều những hành động, nghĩa cử cao đẹp khác thể hiện lối sống tương thân, tương ái rất đẹp đó của người Việt Nam ta: giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ trẻ mồ côi, lang thang….
– Lối sống nghĩa tình, nhân ái, “thương người như thể thương thân” đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta.
3. Kết bài bài văn chứng minh một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay”
– Thương người như thể thương thân” là lối sống đẹp, là bài học đạo lí truyền thống của ông cha ta. Mỗi người cần phải có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó
Bài liên quan đến đề bài tìm câu tục ngữ trái ngược với “sống chết mặc bay”:
>>Giải thích câu tục ngữ Hùm chết để da người ta chết để tiếng văn mẫu lớp 7 tuyển chọn
>>Giải thích câu tục ngữ Con hơn cha là nhà có phúc văn mẫu lớp 7
>>Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn bài văn hay của cô Minh Tâm chuyên văn
II. Bài tham khảo: Chứng minh một câu tục ngữ trái ngược với “sống chết mặc bay”
Tục ngữ được ví như “túi khôn” dân gian bởi đây là nơi đúc kết, chứa đựng những kinh nghiệm phong phú của ông cha ta từ ngàn đời nay. Bên cạnh đó, tục ngữ còn là tài sản tinh thần vô giá, đúc kết nên những bài học đối nhân xử thế trong đời sống tình cảm của người Việt. Vốn là dân tộc có truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết cộng đồng nên chúng ta luôn phê phán lối sống thờ ơ, vô cảm, “sống chết mặt bay”. Trái lại, chúng ta luôn đề cao lối sống được nhắc đến trong câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.
Câu tục ngữ gồm hai vế “thương người” và “thương thân” được đặt trong thế so sánh bởi từ “như thể”. Trước hết, “thương” là thái độ yêu thương, trân trọng đối với người hoặc sự vật nào đó. Từ so sánh “như thể” đặt giữa hai vế so sánh không chỉ tạo cho câu tục ngữ một hình thức cân đối, hài hòa mà còn giúp người đọc hình dung ra sự công bằng trong thái độ đối nhân xử thế: “Thương thân” mình ra sao thì cũng “thương người” như vậy. Như vậy, câu tục ngữ đã mở ra một bài học về tình thương trong cuộc sống: Hãy dành tình cảm yêu thương, quan tâm và giúp đỡ đến người khác giống như yêu thương chính bản thân mình.
Quan trọng là, yêu bản thân mình – đó là tình cảm tự nhiên, chân thành và hết lòng nhất. “Thương” khác với “thương hại”. Chúng ta giúp đỡ một cụ già ăn xin vì sự đồng cảm, sẻ chia và thực sự thấu hiểu trước hoàn cảnh của họ. Chúng ta quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung mỗi dịp thiên tai lũ lụt là vì tình yêu thương của những người đồng bào, những người anh em ruột thịt trong một nước. Vì vậy, “Thương người như thể thương thân” cũng là cách để tạo nên sợi dây gắn kết giữa người với người, tạo nên niềm tin và sự cố kết cộng đồng. Đó chính là nền tảng của một xã hội tốt đẹp, văn minh được xây dựng trên cơ sở tình thương, lòng bác ái, sự công bằng.
Trong đời sống, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những biểu hiện “thương người như thể thương thân”. Đó là sự giúp đỡ, những chuyến đi từ thiện của những nhà hảo tâm đối với các trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa; với những gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đó còn là những mái ấm tình thương được lập nên cho những trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, những cụ già neo đơn. Đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho những gia đình chịu thiệt hại chiến tranh, những trẻ em chịu ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam… Ngay trong một mái trường, sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô với những bạn có hoàn cảnh khó khăn cũng chính là một cử chỉ thể hiện tấm lòng “thương người như thể thương thân”. Còn rất nhiều, rất nhiều những hành động, nghĩa cử cao đẹp khác thể hiện lối sống tương thân, tương ái rất đẹp đó của người Việt Nam ta.
Không chỉ tồn tại trong đời sống mà trong văn học, chúng ta cũng có thể tìm thấy những biểu hiện “thương người như thể thương thân”. Đỗ Phủ trong câu kết bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” đã bày tỏ mong ước của mình:
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan
Gió mưa chẳng nao núng, vững vàng như thạch bàn”
Chịu cảnh “lều ta nát”, gió mưa từng giọt đổ xuống như trút nên phải chăng Đỗ Phủ hiểu thấm thía hơn ai hết nỗi khổ đau của kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ. Vì vậy mà ông đã bày tỏ mong ước về “căn nhà rộng muôn ngàn gian” – một mái ấm che chở cho những người đồng cảnh ngộ. Không chỉ có thế, mơ ước đó Đỗ Phủ đâu phải dành cho riêng mình, mà ông mong mỏi cho “mọi kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ”. Tình yêu thương, nhân ái của bậc thi thánh đã đạt đến độ quên mình. Mơ ước “căn nhà rộng muôn ngàn gian” đó còn gì khác là biểu hiện của tinh thần “thương người như thể thương thân”. Một nhà thơ Trung Hoa đã như vậy, ông cha ta từ ngàn xưa cũng không nằm ngoài quy luật đó khi đã đúc kết ra bài học tương thân, tương ái, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau qua những câu ca dao, tục ngữ:
“Lá lành đùm lá rách”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”
Quả thực, lối sống nghĩa tình, nhân ái, “thương người như thể thương thân” đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta.
Như vậy, “thương người như thể thương thân” là lối sống đẹp, là bài học đạo lí truyền thống của ông cha ta. Là một người Việt, chúng ta luôn phải ghi nhớ, ý thức và cố gắng hành động để phát huy được tinh thần “thương người như thể thương thân” đó của dân tộc
Theo Nhungbaivanhay.vn