Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài Sóng thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ


Đề bài: Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài “Sóng” thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ” (Nhà thơ Việt Nam hiện đại, GS Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, Nxb KHXH,1984)

Bằng hiểu biết của em về bài thơ Sóng, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Bài làm:

“Tình yêu chứa nhiều sự tò mò, một cuộc dò dẫm bên trong đối phương nhằm đi tìm một mảnh của bản thân…” (Trọn vẹn con người tôi – Anna Funder). Thi sĩ cố gắng đi tìm câu trả lời thông qua những vần thơ. Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng? Đến với trang thơ của Xuân Quỳnh ta nghe được điệu tình đang ngân vang trong những lời thơ mà ở đó chất chứa cả những nhịp đập của trái tim thi sĩ. Một trái tim giàu lòng trắc ẩn, nồng nàn khao khát và luôn thành thực với tình yêu. GS. Phong Lê trong cuốn “Nhà thơ Việt Nam hiện đại” cũng khẳng định rằng: “Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài “Sóng” thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ”.

Nhà thơ Đức – H.Heiner từng khẳng định “Thế giới chẻ làm đôi. Vết nứt xuyên qua trái tim nhà thơ”. Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ đã trở thành một phần của thế giới nội tâm, thăng hoa trong thế giới của cảm xúc. Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống. Tóe lên ở những nơi giao nhau của tâm hồn với ngoại vật, trước hết là những cảm xúc. Ở thi sĩ Xuân Quỳnh ta bắt gặp tiếng thơ của một người phụ nữ vừa hồn nhiên, yêu đời, vừa tươi tắn, chân thành, đằm thắm luôn da diết khát vọng tình yêu bình dị sâu sắc nhưng cũng đầy lo âu, trăn trở. Chình vì vậy mà, “những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả.” Chị là người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, có sức mạnh phi thường như “cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc vắt kiệt mình để nở những chùm hoa tuyệt quý cho đời”. “Sóng” là bông hoa trong tập “Hoa dọc chiến hào” xinh xắn mà thi sĩ hái được nhân chuyến đi tới vùng biển Diêm Điền Thái Bình năm 1967. Bài thơ ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt và bản thân Xuân Quỳnh cũng đã nếm trải vị đắng của một cuộc tình tan vỡ. Thông qua hình tượng sóng và em thi sĩ đã giãi bày những cung bậc cảm xúc và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Thi nhân đã huy động tất cả các giác quan, thu thập cảm giác mới bắt trọn làn sóng tín hiệu chuyện giao trong tâm hồn mình rồi hòa điệu chúng thành những vần thơ có khả năng “Thiêu cháy cả rừng cây, khô cạn dòng suối, làm nhũn đi từng ý nghĩ và mê hoặc cả gỗ đá vô tri”(Tạ Ty).

Tình yêu là một nguồn thơ dường như bất tận của Xuân Quỳnh. Bài thơ tình nào của nữ sĩ cũng đầy say đắm, khát khao, mãnh liệt, đầy hy sinh và dâng hiến không chút mặc cảm bị coi thường vì tình yêu. Trong xã hội phương Đông có nhiều yếu tố nam quyền, người con gái thường phải đóng vai trò bị động với tình yêu, nếu chủ động tỏ tình, dễ bị coi thường. Nhưng thơ Xuân Quỳnh bộc lộ tình yêu quyết liệt, chân thành, tự nhiên của người con gái. Những câu thơ sau đây của Xuân Quỳnh tự chúng đã nói lên điều đó.

“Em đi hết lòng em

Lại gặp lời hát đó

Hoa ngâu ở nơi nào

Em cũng không biết nữa

Em chỉ biết tình em

Như ngâu vàng vẫn nở.”

(Bao giờ ngâu nở hoa)

Nếu như Xuân Diệu mạnh mẽ, cuồng nhiệt với khát khao luyến ái “Muốn uống tình yêu dập cả môi”, nếu như Nguyễn Bính “chân quê” chỉ ngập ngừng e thẹn: “Hình như họ biết chúng mình với nhau” thì Xuân Quỳnh đã góp thêm một tiếng nói về tình yêu trên thi đàn bằng sự có mặt của “Sóng”. Bằng lối thơ diễn tả cụ thể, “giọng điệu hết sức thơ, hết sức tự nhiên, bài “Sóng” thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ.” Với nhà thơ Xuân Quỳnh, tình yêu là cứu tinh và cũng là cứu cánh. Tình yêu của người nữ sĩ miền La Khê ấy trước nhất, cao nhất và sâu xa nhất, không thể là gì khác hơn một “sự gắn bó giữa hai người xa lạ”.

Xuân Quỳnh có một phong cách nghệ thuật độc đáo, rất nữ tính lại vừa mãnh liệt nồng nàn vừa dịu dàng đằm thắm, rất nhạy cảm và luôn suy tư trăn trở. Nghệ thuật ấy đặc biệt thể hiện qua giọng điệu – chi phối đến các phương diện hình thức, được bộc lộ qua những tín hiệu có tính hình thức. “Giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên” không hiện ra chắp vá, rời rạc mà được toát ra từ những mao mạch nhỏ bé, li ti của tác phẩm. Việc biểu hiện nó còn nhờ cậy vào cách xây dựng nhịp điệu và khả năng điều phối các kỹ thuật sử dụng hình ảnh, gieo vần, dùng từ… tạo thành mối quan hệ bên trong, góp phần làm nên sự thống nhất cơ bản của thi phẩm. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn. Đó là nhịp điệu hình thành của những cảm xúc, hình ảnh, liên tiếp hòa hợp, mà những tiếng và chữ gọi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ. Và với “Sóng”, nữ sĩ Xuân Quỳnh bắt đầu hành trình “tìm ra tận bể” để lí giải cho tình yêu, cho những khao khát chẳng bao giờ lặng im của một hồn thơ lúc nào cũng băn khoăn, xao động. Bởi thuộc phương thức trữ tình, thơ lấy điểm tựa là sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim thi sĩ trước cuộc đời. “Giọng điệu hết sức tự nhiên” ở chỗ thơ bằng nhạc điệu để bộc bạch những trạng thái tâm hồn. Bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

Nhà thơ Hoàng Minh Châu khẳng định: “Thơ khởi phát từ tâm hồn, vươn lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng của người viết”, ở “Sóng” và Xuân Quỳnh ta nhận thấy giá trị ấy được chưng cất lên từ tiếng nói của một trái tim đa sầu, đa cảm và tinh tế trước cuộc đời. Ở “Sóng”, nhà thơ đã cho thấy cái xôn xao của biển cả và cái rạo rực của tình yêu. Đặc biệt hơn, trong hai khổ thơ đầu, sóng là sự hóa thân của em mà sóng cũng là phương tiện, là đối tượng để em truyền tải khát vọng tình yêu của mình. Hai hình tượng “sóng” và “em” khi tách ra, khi nhập vào để thể hiện một tình yêu vừa truyền thống muôn thuở lại vừa hiện đại, mới mẻ. Khổ một vừa mở ra đã dập dềnh bao cung bậc của sóng mà cũng là bấy nhiêu cung bậc của tình yêu. Qua sóng, em – người con gái đang yêu đã tìm thấy sự đồng điệu, em đã cảm nhận được tâm tình của tình yêu qua tâm tình của những con sóng:

Xem thêm:  Thuyết minh Bình Ngô Đại Cáo

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.”

Qua thủ pháp liệt kê và hai cặp từ đối lập, nhà thơ đã miêu tả chân thực những đặc tính của sóng biển. Những trạng thái đối cực của sóng được thể hiện qua các từ “dữ dội” – “dịu êm” với “ồn ào” – “lặng lẽ”. Sóng “dữ dội”, “ồn ào” khi bão tố, phong ba; khi cuồn cuộn dâng trào với cường độ giao động mạnh. Đại dương bao la có vô vàn những con sóng ở đủ mọi dạng thức, khi gió yên biển lặng, sóng êm đềm dịu dàng ru bờ cát trắng; nhưng khi biển có bão tố phong ba, cồn cào dữ dội. Sóng cũng như trái tim yêu luôn song song tồn tại dung hòa những đối cực đầy phức tạp và bí ẩn, “em” đã đồng điệu mình với sóng, qua sóng để bộc lộ tình yêu của mình, một tình yêu cháy bỏng mãnh liệt hết mình nhưng cũng đầy nữ tính; mềm yếu bao dung. TS. Chu Văn Sơn đã cho rằng: “Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Ở đó, trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên.” Ẩn đằng sau những cung bậc trạng thái khác nhau của sóng là cái tôi trữ tình của nhà thơ, đó là những cung bậc cảm xúc của em – một trái tim đang yêu đầy nét nữ tính của người phụ nữ Á Đông. Độc giả sẽ nhận ra một điều: Những hình ảnh đối lập mà Xuân Quỳnh lưu vào trang thơ của mình vốn dĩ là của nhau, chúng vừa là bản chất vừa là đặc sắc nghệ thuật.

Viết về tình yêu, Xuân Quỳnh không phải là nữ sĩ duy nhất, lại càng không phải là thi sĩ đầu tiên mượn hình ảnh sóng biển để nói lên nhịp lòng của người đang yêu. Mà trước đó, ông hoàng của thơ tình – Xuân Diệu cũng đã ngân lên những âm điệu vô cùng mê đắm:

“Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi”

Tình yêu là đề tài muôn thuở. Nhưng cái hay của Xuân Quỳnh là chị viết về cái cũ nhưng không hề lặp lại người khác và cũng không lặp lại chính mình. Xuân Quỳnh là một nhà thơ hiện đại, hiện đại trong cách nghĩ, cách tư duy và cả cách thể hiện. Tại một bài phỏng vấn tiểu sử văn học, thi sĩ bộc bạch về cảm hứng sáng tạo: “Một là vì thích thú. Hai là cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa”, quan trọng hơn là khi chị làm thơ không đơn thuần nằm ở việc mang chữ xếp thành vần mà Xuân Quỳnh đã mang cảm xúc xếp thành quan niệm. Đối với nữ sĩ, tình yêu thật sự là nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp chị và gia đình vượt qua những khó khăn một thời. Tình yêu của chị có tính chất mãnh liệt, dâng hiến, thể hiện cả trong thơ và ngoài đời thường vốn không thơ một chút nào. Đến với hai câu thơ sau, chị mượn hành trình vươn tới biển lớn của sóng để thể hiện một quan niệm mới mẻ trong tình yêu: Yêu là tự nhận thức, là chủ động vươn tới những điều cao cả, rộng lớn.

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

“Sông” là không gian, là môi trường tồn tại của sóng. Nhưng “sông” lại không hiểu, không thấu cảm được nỗi lòng cũng như những mong muốn thầm kín của sóng. Với sức sống và khát vọng không lúc nào nguôi ngoai, yên định, sóng quyết “tìm ra tận bể”. “Bể” là “biển”, là biểu tượng cụ thể của không gian rộng lớn. Tại đây, sóng có thể thỏa sức vùng vẫy với những khao khát phóng khoáng và man dại, tự do khẳng định sức mạnh của mình với mức tần số dao động mạnh hơn. Ngoài ra, việc nhân hóa hành trình sóng từ sông vươn ra biển cũng được coi là một hình ảnh độc và lạ trong tư duy nghệ thuật của Xuân Quỳnh. Cái hay của Xuân Quỳnh là làm cho những hiện tượng tưởng chừng như vô tri, vô giác trở nên có cảm xúc, có khát vọng. Và đó cũng chính là khao khát của người phụ nữ hiện đại khi yêu, của nhân vật trữ tình em, hay chính là quan niệm yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh: không cam chịu giới hạn hay chấp nhận một tình yêu nhỏ bé, chật hẹp, tù túng mà luôn cháy bỏng, cháy hết mình cho tình yêu. Đây là một quan niệm mới mẻ mà Xuân Quỳnh đã gửi vào trong ý thơ của mình. Không kín đáo, e dè, người con gái mang suy nghĩ hiện đại khi yêu, phải tự nhận thức về tình yêu của mình, phải chủ động, rộng mở và bao dung hơn, phải thành thật với cảm xúc và những mong muốn đang loạn nhịp trong trái tim nhỏ bé kia. Quan niệm này được thể hiện thành công là nhờ vào biện pháp nghệ thuật nói nhấn mạnh, nhấn mạnh những hành động manh tính quyết liệt “không hiểu nổi”, “tìm ra tận”.

Sóng vẫn thế, vẫn khao khát vươn tới đại dương bao la để thỏa sức vùng vẫy, để được là chính mình. Ở Xuân Quỳnh, khát vọng về cuộc sống, về tình yêu, hạnh phúc, về sáng tạo rất mạnh mẽ, sôi nổi “Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng.” Nhà thơ đã khai thác rất thành công các đặc điểm có thực của sóng biển để liên tưởng, hình dung vẻ đẹp mạnh mẽ, rộng lớn, thủy chung, vĩnh cữu của tình yêu lứa đôi. Bởi khi đã yêu thì sóng tình sẽ nổi và con người luôn muốn đi đến tận cùng của biên giới tình yêu. Đó là nguyên do để:

“Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Tuổi trẻ là quãng thời gian ta khao khát tình yêu đến mức cuồng si, ta cháy bỏng nhất với những khát vọng, tim ta loạn nhịp với những rung cảm đầu đời. Thán từ “ôi” ở đầu câu thơ đã diễn tả tinh tế niềm xúc động trào dâng khi em phát hiện ra quy luật tự nhiên của sóng, cũng là quy luật của tình yêu. Con sóng ngày xưa hay con sóng ngày sau cứ hết lặng lẽ lại ồn ào, hết dịu êm lại dữ dội. Hai cụm từ “ngày xưa, ngày sau” đã trở thành sự đúc kết về một hiện tượng bất biến của tự nhiên và cũng là sự bất biến của tình yêu. Trái tim tuổi trẻ không ngừng khao khát cũng như những con sóng không ngừng xôn xao đã được nhà thơ khẳng định qua cụm từ “vẫn thế”. Đứng trước biển cả bao la với vô vàn những con sóng, “em” lắng nghe nhịp đập của trái tim mình, sóng đã nói hộ em niềm khao khát, những cảm xúc “bồi hồi” đan xen. Cách miêu tả của nhà thơ đã cho thấy cái xôn xao của sóng biển và cái xôn xao của sóng lòng. Tuy đồng điệu nhưng sóng biển luôn dạt vào bờ, còn những cơn sóng trong lòng vẫn đang lạc lõng tìm một bến bờ hạnh phúc của riêng mình. Trong một bài thơ khác, Xuân Quỳnh đã từng viết như một sẻ chia:

Xem thêm:  Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mỵ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) trong đêm cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho chính mình

“Lại bắt đầu từ những trang giấy trắng
Lại ngọn đèn, màu mực những câu thơ
Lại nhịp đập bắt đầu, tim rạo rực
Trước biết bao nao nức với mong chờ.”

Đó là cuộc đời yêu và sống trong thơ của người. Cái rạo rực, cái mong chờ ấy sẽ chẳng bao giờ ngủ yên ở một tâm hồn lúc nào cũng phấp phỏng bồi hồi. Khát vọng tình yêu luôn thường trực, dù ngày nay hay mai sau:

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
– Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

Tôi luôn nghĩ mỗi một bài thơ đều chứa đựng một tâm hồn. Tâm hồn của người đã viết nên nó, của những người đã đọc, sống và mơ ước cùng nó. Cầm trên tay thi phẩm của Xuân Quỳnh, cảm nhận được những rung động thường trực của người nữ sĩ ấy, thấy rực cháy trong mình khát khao về một tình yêu muôn thuở như thi nhân dạo nào. Phải là một tâm hồn đẹp đẽ tinh tế, nhà thơ mới có thể tìm thấy trong những đợt sóng tưởng như lẽ thường tình sự đồng điệu với hai chữ tình yêu. Khi tình cảm chính là yếu tố sinh mệnh của thơ ca, “thiếu tình cảm thì trở thành người thợ làm những câu thơ có vần chứ không làm được nhà thơ.” (Jose Marti). Tình cảm mãnh liệt ở đây không phải là thứ tình cảm kêu gào, khóc cười ồn ào bên ngoài mà là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò, chấn động trong tâm hồn. Em – người con gái đang yêu không chỉ “ôm lấy mạn thuyền anh” mà cũng biết lắng nghe nhịp đập trái tim của mình, để rộng mở tâm hồn, để nhận thức, để khám phá những kì diệu của tình yêu thổn thức. Cũng như biển phải có sóng, tình yêu cũng là lẽ sống tự nhiên của con người, của trái tim tuổi trẻ. Trong bối cảnh chiến tranh cam go lúc bấy giờ, “Sóng” đã thắp sáng nên những hy vọng thành thực. Nó là một lời khẳng định đề cao văn chương chân chính mà giống như cái cách Napoleon đã từng nói: “Trên thế giới có hai loại sức mạnh: thanh gươm và cây bút. Thanh gươm thì đoạt thành chiếm đất, cây bút thì chinh phục lòng người. Rốt cuộc, cây bút mạnh hơn thanh gươm”. Cây bút của Xuân Quỳnh cũng đã chinh phục lòng người từ những khát vọng thành thực và khao khát được sống, được yêu mãnh liệt như thế.

Giờ đây, đứng trước bể lớn mênh mông, cảm nhận mình nhỏ bé và lọt thỏm trong cảm giác tình yêu mênh mông, người con gái ấy nghĩ về bản thân mình, về người yêu, về biển lớn và tự hỏi chính bản thân mình:”Từ nơi nào sóng lên?”. Tình cảm ấy xuất phát từ nơi nào, từ chính bên trong mỗi người hay từ cộc sống muôn màu muôn vẻ bên ngoài? Khi yêu, ai cũng như ai, đều muốn phân tích và định nghĩa từng trạng thái tâm lí, từng biểu hiện cụ thể để đi đến định nghĩa và giả thích về nó. Sáng tạo trong cách thể hiện, trong cách định nghĩa, nhà thơ nữ trẻ đã giải thích những điều khó hiểu ấy bằng những hình ảnh quen thuộc, nhẹ nhàng:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Tình yêu là thứ tình cảm kì diệu nhất mà tạo hoá ban tặng cho loài người, nhưng con người lại tỏ ra bất lực trong việc hiểu được tình yêu. “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” (Xuân Diệu) không chỉ là băn khoăn của ông hoàng thơ tình mà còn là câu hỏi có lẽ mãi mãi nhân loại không có lời giải đáp trọn vẹn. Đơn giản vì: tình yêu là một thế giới vô cùng, vô tận mà hiểu biết của con người lại là hữu hạn. Nhà thơ Tagore đã thể hiện nghịch lí ấy đầy ấn tượng trong “Bài thơ số 28” nổi tiếng:

“Nhưng em ơi đời anh là một trái tim

Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết gì về biên giới của nó đâu”

Hay tình yêu được thể hiện trong một bài thơ  khác:

“Nhưng em ơi trái tim anh lại là tình yêu

Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên

Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”

Nỗi nhớ là biểu hiện của tình yêu khi xa cách.Nỗi nhớ ấy được Xuân Quỳnh diễn tả thật mãnh liệt, thường trực cả mọi lúc, khi thức cũng như khi ngủ. Những tình cảm chôn chặt trong lòng, tình cảm tràn ngập trong tim muốn bộc lộ nhưng không thể nói lên thành lời, chỉ biết tìm đến trong nỗi nhớ mãnh liệt, cồn cào và da diết. Như những con sóng cuồn cuộn, triền miên, vô tận, nỗi nhớ ấy đã chảy vào từng nhịp sống, trong cả tiềm thức là những giấc mộng đêm về. Sóng khao khát tới bờ, còn em thì khao khát đến với anh.Tình yêu của người con gái lúc thiết tha, mãnh liệt nhưng vô cùng nữ tính, ý nhị và sâu xa, chân thành.

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Trải qua bao trắc trở gian lao, bao biến cố ngược xuôi, khó khăn gian khổ, dù không gian địa lí cách trở, thời gian xa xôi nhưng lòng người con gái vẫn “hướng về anh- một phương”, không bao giờ thay đổi. Điều đó thể hiện được sự chân thành, chung thuỷ trong tình yêu của người phụ nữ, luôn gửi tình yêu của mình đến một người, chỉ một người thôi nhưng đầy ăm ắp. Hình ảnh ấy biểu tượng cho “dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ”. Những con sóng đại dương dù bão tố vùi dập nhưng vẫn trở về với bờ, hoà nhập vào miền cát ấm nóng. Và ở đây, “em” cũng tự dặn lòng mình, hứa với tình yêu của mình sẽ đến với bờ bến hạnh phúc dẫu xa xôi, dù muôn vàn cách trở:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dẫu muôn vàn cách trở

Khát vọng mãnh liệt, tình yêu chân thành sâu sắc nhưng trong trái tim trẻ kia vẫn ý thức được rằng đó là thứ mong manh khó giữ, có thể trơn tuột khỏi tay:

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về hiện tượng nói tục chửi thề trong giới trẻ hiện nay

Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rồi

(Nói cùng anh)

Trăn trở, băn khoăn liệu tình yêu ấy có vượt qua được bể lớn của cuộc đời, liệu có thoát khỏi quy luật cuộc sống, những đổi thay không ai nói trước được. Cuộc đời dài đấy, năm tháng dẫu đi qua, mây vẫn bay, biển vẫn rộng, sóng vẫn vỗ bờ nhưng rồi tất cả sẽ vào cõi xa xăm vô định. bể lớn cuộc đời, bể lớn tình yêu là vô hạn nhưng cuộc đời con người là hữu hạn, làm sao có thể vượt thoát ra khỏi giới hạn ấy? Xuân Quỳnh đã đặt nỗi trăn trở ấy trải dài theo những con sóng tình cảm lo âu, để rồi nó trở nên thôi thúc, bùng lên thành khát vọng được trở thành những con sóng mãi trường tồn, mãi dâng lên và tìm đến bờ:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Người con gái ở đây không hề có mặc cảm tự ti khi thổ lộ tình yêu. Vấn đề là đã nói ra được thành lời những tâm sự trào dâng như sóng. Khát vọng yêu hết mình, yêu dâng hiến, chân thành, mãnh liệt này có thể bắt gặp trong bài thơ nổi tiếng “Thuyền và biển”. Chúng ta còn có thể thấy hình ảnh thổ lộ tình yêu đầy e ấp, kín đáo rất truyền thống, rất phương Đông trong bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn rất khác với cách bộc lộ mãnh liệt, sôi nổi của người con gái trong thơ Xuân Quỳnh:

“Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.

Tình yêu ấy “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người thiếu nữ đoan trang e thẹn chẳng dám mở lời. Chỉ một từ “ngập ngừng” thôi mà như diễn tả được bao nét ngại ngùng, bẽn lẽn của người thiếu nữ dịu dàng. Khác hẳn với sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hòa nhập, lúc sự phân thân của “em” – người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, sôi nổi. Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng của người con gái.

Nhìn chung, bài thơ “Sóng” là một đóng góp của Xuân Quỳnh cho lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Sự mạnh dạn của ý tưởng thơ, sự chân thành và mãnh liệt của cảm xúc, việc khai thác sự vô cùng , vô tận của vũ trụ (không gian và thời gian) qua hình tượng sóng, gió, bờ, mây, trời đã đem đến ấn tượng về sự cao cả, đẹp đẽ, vĩnh cửu của một tình yêu chân thành, nồng cháy. Trong đại dương nghệ thuật mênh mông, có những viên ngọc ngàn đời bất tử, nhưng cũng có những con thuyền nghệ thuật đắm chìm khi chỉ vừa ra khơi. Và sự tồn tại của “Sóng” là một viên ngọc ngàn đời bất tử như thế. Bởi lẽ, những giá trị của Sóng không chỉ dừng lại ở tình yêu lứa đôi, mà còn như một đốm sao trời sáng lấp lánh niềm tin về một tương lai tươi sáng trong những đêm đen của lịch sử dân tộc. Chính điều đó đã khiến bài thơ vượt qua được sự băng hoại về thời gian, vẫn vẹn nguyên và làm bao trái tim thổn thức xúc động. Tình yêu luôn hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người, giúp cho tâm hồn thêm nhạy cảm, tinh tế và biết tin vào những điều tốt đẹp. Với Xuân Quỳnh, tình cảm ấy- những con sóng lòng từ ngàn xưa đến nay và đến tận mai sau vẫn không bao giờ ngừng chảy. Sóng” sống và tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ vào quan niệm mới mẻ, cái nhìn tiến bộ xuất phát từ mong muốn trực tiếp bày tỏ những khao khát mãnh liệt của người phụ nữ. Với “giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên”, cách ngắt nhịp linh hoạt đồng thời ngôn ngữ rất gần gũi, tự nhiên và bình dị như lời giãi bày, lời tâm tình trong cuộc sống hàng ngày nhưng bài thơ đã “thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ.”

Đọc những vần thơ nhẹ nhàng sâu lắng của Xuân Quỳnh tôi cứ nghĩ đó mềm mại trong trẻo như “lời ru trên mặt đất” dẫn dắt con người ta vào thế giới của những cung bậc thiết tha, dẫn dắt con người ta vào những miền đất mà ở đó người dành biết bao niềm chân cảm…”Nếu đúng như cách nói của Nguyễn Duy “Mây trôi bằng gió của trời/ Là ta, ta hát những lời của ta” thì trên văn đàn, người đọc có thể bắt gặp vô số lời ca và tiếng hát như thế. Trong khúc ca về tình yêu muôn đời, thấy bóng dáng ai kia như là nữ sĩ Xuân Quỳnh. Trên dàn đồng ca rạo rực ấy, giai điệu về tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vẫn có âm vực riêng. Thơ hay không chỉ là sự trau chuốt mà còn là thơ có cảm xúc, tình cảm phải đưa người đọc đến cung bậc cảm xúc đặc biệt, một cảm xúc thực sự mới có thể len lỏi vào trong trái tim của bạn đọc, tạo được thế đứng vũng chắc trong tâm trí bạn đọc. Bằng những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học”, người nghệ sĩ mới có thể xứng đáng với lòng yêu quý và trân trọng của mỗi người đọc chúng ta, xứng đáng với thiên chức của người nghệ sĩ. Như vậy, trong quá trình cầm bút cần phải tạo được tiếng nói riêng, âm sắc riêng. Nó đòi hỏi anh luôn miệt mài trên con đường sáng tạo, không ngừng nghỉ, không lùi bước. Một âm vang tha thiết, đặc sắc giữa cõi văn chương, ấy là sức sống của anh, là ấn tượng trong lòng người đọc. Và tiếng nói tri âm giữa người đọc và người viết là điều văn học dân tộc nào, thời đại nào cũng hướng tới. Để đánh giá một tác phẩm không chỉ chú ý đến hình thức ngôn từ mà phải khám phá ra chiều sâu tư tưởng, tình cảm mãnh liệt mà tác giả gửi gắm.

Một bài thơ hay như một con ốc nhỏ bé mà khi ta áp tai vào đó ta nghe được tiếng sóng dập dờn của cuộc đời, tiếng sóng của tình yêu con người và cả những chiêm nghiệm thâm trầm, sâu xa. Qua “Sóng” của Xuân Quỳnh ta đã được khám phá những cung bậc cảm xúc và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Đó là thứ tình cảm vừa chân thành, vừa hồn hậu, vừa ước muốn hóa thân mãnh liệt với thời gian, không gian cống hiến tận cùng cho tình yêu. Phải chăng đó cũng là tiếng lòng của “tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ” ?

Bài viết liên quan