Cảm nhận bài thơ ‘Đàn ghita của Lor-ca’ của Thanh Thảo – Văn mẫu lớp 12
Cảm nhận bài thơ ‘Đàn ghita của Lor-ca’ của Thanh Thảo – Bài số 1
Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Sau năm 1975, Thanh Thào là một trong những nhà thơ dành nhiều tâm huyết trong việc đổi mới thơ Việt Nam. Một mặt, Thanh Thảo không ngừng trăn trở, thể nghiệm để làm mới hình thức biểu đạt của thơ. Mặi khác, ông luôn kiếm tìm “chất người” ở những nhân cách thanh cao, bất khuất, những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do, sẵn sàng sống, chiến đấu và hi sinh cho lí tưởng mà mình đã chọn. Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca đã cho thấy điều đó. Đặc biệt, trong đoạn thơ trích sau đây, Thanh Thảo đã làm nổi bật vẻ đẹp bi tráng của nhân vật Lor-ca:
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
…
tiếng ghi – ta ròng ròng
máu chảy.
Đoạn thơ đã tái hiện lại giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời của Ga-xi-a Lor-ca. Đó là khi ông bị bọn phát xít giết hại rồi ném xuống giếng để phi tang. Như chúng ta đã biết Gar-xi-a là nhà thơ lớn nhất Tây Ban Nha ở thế kỉ XX. Thơ của ông gắn bó máu thịt với mạch nguồn văn hóa dân gian, hồn nhiên, phóng khoáng, thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc mình. Vì vậy, ông là cái gai trước mắt của phe phát xít Phrang-cô và chúng đã thủ tiêu ông.
Trong đoạn thơ này, Thanh Thảo đã bộc lộ niềm thương cảm đầy kính phục và tái hiện sinh động hình ảnh cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca với hai hiện pháp nghệ thuật nổi bật: phép đối lập và phép nhân hóa. Trước tiên, ta thấy nhà thơ đã đem hình ảnh một con người của tự do, thích sống một cuộc sống phóng khoáng của nghệ sĩ đối lập với bản chất dã man, tàn bạo, đê hèn của phát xít; đối lập giữa tiếng hát yêu đời, vô tư với hiện thực phũ phàng, đắng cay, đẫm máu:
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
áo choàng bê bết đỏ
chàng đi như người mộng du
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
Và đó chính là sự đối lập giữa tình yêu cái đẹp với sự dã man, làn bạo.
Bên cạnh phép đối lập, nhà thơ Thanh Thảo còn sử dụng khá thành công và độc đáo phép nhân hóa:
tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy
Tiếng đàn ở đây không còn là tiếng đàn bình thường nữa mà nó trở thành thân phận của Lor-ca, thân thể và tâm hồn của Lor-ca một linh hồn, thân thể vả tâm trạng đang quằn quại, đau đớn trong tận cùng nỗi xót xa trước những cái xấu xa, tàn bạo. Thanh Thảo mô tả tiếng đàn của Lor-ca cũng giống như Nguyễn Du mô tả tiếng đàn của Thúy Kiều đánh cho Hồ Tôn Hiến nghe:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay…
Tiếng đàn của Lor-ca hay tiếng đàn Thúy Kiều ở đây đã làm lay động cả không gian, lắng sâu vào tâm tưởng của người đọc, gợi lên trong lòng người đọc một tình cảm vừa yêu thương, vừa thông cảm, vừa kính phục trước nhân cách thanh cao của những con người luôn khao khát yêu tự do, yêu cái đẹp nhưng bị thế lực bạo tàn dùi dập; vừa gọi lên trong lòng người đọc sự căm phẫn trước những thế lực xấu xa, bỉ ổi tàn bạo.
Ngoài ra, trong Đàn ghi-ta của Lor-ca tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ trong cách miêu tả: dùng “tiếng hát” để chỉ Lor-ca, dùng hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” để nói về cái chết của Lor-ca. Hơn nữa, trong đoạn thơ này, tác giả còn dùng nhiều hình ảnh so sánh như mang tính ẩn dụ sâu sấc như “tiếng ghi-ta nâu ”, “tiếng ghi-ta lá xanh”, “tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan”. Những hình ảnh so sánh này là những hình ảnh ẩn dụ về tình yêu, về cái đẹp, về cuộc sống, về cái chết, về nỗi đau và niềm uất hận.
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy.
Tóm lại, trong đoạn thơ trên, nhà thơ Thanh Thảo đã sử dụng khá nhiều biện pháp nghệ thuật như đối lập, nhân hóa, hoán dụ, so sánh, ẩn dụ để thể hiện những xúc cảm của mình đối với Gar-xi-a Lor-ca. Những biện pháp nghệ thuật này có khi tách biệt, có khi đan xen vào nhau, thẩm thấu lẫn nhau để tái hiện giây phút bi phẫn nhất trong đời Lor-ca. Điều đó đã cho thấy sự ngưỡng mộ và xúc động sâu sắc của Thanh Thảo trước nhân cách cao đẹp cùng số phận oan khuất của người nghệ sĩ Tây Ban Nha đầy tài hoa ấy. Đàn ghi-ta của Lor-ca đã truyền cảm xúc của mình đến với người đọc. Đúng là “ Thơ mở cửa từ trái tim và làm rung động trái tim ” như có người đã từng nói.
Cảm nhận bài thơ ‘Đàn ghita của Lor-ca’ của Thanh Thảo – Bài số 2
Chất siêu thực, tượng trưng đã thẩm thấu vào thơ ca Việt Nam từ thời Thơ mới và kết tinh ra nhiều kiệt tác trong thơ của Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, kể cả Xuân Diệu… Giai đoạn 1945–1975, thơ Việt Nam tập trung vào mảng thơ tạm gọi là hiện thực, tất cả phục vụ cho lợi ích chung nên những âm điệu, hình sắc thăng giáng bí ẩn của chủ nghĩa siêu thực, tượng trưng có vẻ không phù hợp. Và từ sau giải phóng đến nay, đời sống văn học dần trở lại sự đa dạng đáng phải có của nó, chất tượng trưng, siêu thực lại tái sinh trong sáng tác của các thi sĩ đương đại. Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca đã được nhà Thanh Thảo vận dụng chất ma mị, biển ảo ấy một cách khá “nhuyễn tay”. Điều này không mới nhưng là một hiện tượng đáng ngợi khen cho sự nỗ lực làm phong phú thêm hình thức thơ ca, giúp tư duy nghệ thuật ngày càng thay da, đổi thịt.
Chủ nghĩa siêu thực hướng đến tạo lập tính lạ hóa của ngôn từ nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật. Thủ pháp “lạ hóa” có khuynh hướng phối hợp những yếu tố ngôn ngữ có vẻ không liên hệ gì nhau để tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ mới mẻ, những tổ hợp ngôn từ “xiên lệch” thậm chí méo mó, khác thường… Nó hướng đến tác động đến trực giác, chạm đến tiềm thức của con người. Cũng như vậy, sản phẩm thơ ca của chủ nghĩa tượng trưng không thể được lĩnh hội bằng lí trí.
Thơ tượng trưng là thơ giàu nhạc tính. Hình ảnh thơ đầy ấp biểu tượng đòi hỏi sự giải mã và quá trình lấp đầy khoảng trắng, khoảng trống ở người đọc. Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca đã được Thanh Thảo kiến tạo một cách rất thành thục trong sự vận dụng thủ pháp của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực một cách tinh tế, tài hoa:
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li – la li – la li – la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Chủ nghĩa siêu thực tước bỏ hết những tính hiệu ngôn từ để người đọc có thể lí giải về nó theo “đường thẳng”. Mở đầu bài thơ là hình ảnh mang đậm tính siêu thực, lẫn tượng trưng: những tiếng đàn bọt nước. Tiếng đàn là âm thanh, là không hình hài, không màu sắc được phối hợp với bọt nước – có hình hài, đường nét. Những tiếng đàn tượng trưng cho tài hoa và sinh mệnh của Lorca. Tiếng đàn ấy được cảm nhận là có đường nét, có hình khối. Bọt nước thì mong manh, dễ vỡ, chỉ tồn tại trong một lóe sáng… Dòng thơ đầu tiên này vừa gợi tả tiếng đàn kì lạ của Lorca vừa ngầm dự cảm về số phận bất trắc của ông. Tiếng đàn của Lorca ngân vang như một dòng suối lạ trên đời, Lorca đến với cuộc đời này như một huyền thoại. Nếu ai đó tinh ý sẽ thấy dòng thơ thứ hai đối lập gay gắt với dòng thơ đầu: Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt. Nếu như ta thay thể từ Tây Ban Nha bằng một chủ ngữ chỉ người nào khác thì tứ thơ không có gì khó hiểu, chả lẽ lại cắt nghĩa là cả đất nước Tây Ban Nha đang choàng áo đỏ? Chủ nghĩa siêu thực cho phép nhà thơ kiến tạo ngôn từ mang hình sắc khác thường như vậy. Áo choàng đỏ gắt là hình ảnh tượng trưng gợi ra tư thế của những đấu sĩ bò tót. Tây Ban Nha trong cảm nhận của Thanh Thảo là một đấu trường khổng lồ, một đấu trường khắc nghiệt bạn lực và đẫm máu. Những tiếng đàn kì diệu của Lorca, người nghệ sĩ tài hoa Lorca lại bị đặt trong một bối cảnh thời đại tàn khốc và đầy rẫy hiểm nguy ấy. Đó chính là sự đối lập gay gắt. Dòng thơ thứ ba mô phỏng âm điệu ngân vang của tiếng đàn Lorca, như trêu ngươi, như thách thức. Ba dòng thơ tiếp không hề có chủ ngữ, xây dựng chân dung và tư thế của Lorca một cách mờ ảo, khác thường:
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Người nghệ sĩ Lorca trên con đường đi tìm chân lí và cái đẹp là một kẻ lẻ loi, cô đơn. Lorca đi giữa thời đời đẫm máu, đường đầu với nó trong tư thế độc mã, đơn thương. Chân trời mà ông hướng tới cũng không hề có dấu chân của bạn đồng hành, đó là chân trời đơn độc. Cái lang thang, cái đơn độc của Lorca còn được hiểu ở một tầng nghĩa khác: không ai sánh được với ông. Trên con đường vinh quang đi tìm tự do và công lí, Lorca ngự ở một tầm cao chói lọi. Điều đó vừa là vinh quang, vừa là bi kịch. Thanh Thảo vừa ngợi ca vừa thương cảm. Bạn đồng hành của ông có chăng chỉ là vầng trăng chếnh choáng. Xuân Diệu từng viết: cho chếnh choáng mùi hương / cho đã đầy ánh sáng. Từ láy chếnh choáng diễn tả trạng thái động và biến bảo liên tục của ánh sáng. Lorca đi trong ánh sáng ma mị, biến đổi đến chóng mặt của vầng trăng kì bí. Hình ảnh của Lorca trở nên lung linh, mơ màng. Ông đi như một huyền thoại.
Giữa thời đại bão tố và khốc liệt ấy, người nghệ sĩ dù đơn độc vẫn đường hoàng, không chỉ đi mà còn cất tiếng hát:
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
Liên kết hai dòng thơ lại, không phải là cả đất nước Tây Ban Nha đang hát nghêu ngao. Dòng thơ đầu đóng vai trò gợi bối cảnh. Câu thơ thứ hai là hình ảnh của Lorca. Ông vẫn tiến về phía trước và cất tiếng hát đầy kiêu hãnh như chòng ghẹo, như thách thức và bất chấp. Và tại họa đã giáng xuống:
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Hình ảnh áo choàng bê bết đỏ không phải là hình ảnh tượng trưng hay hoán dụ, nó gợi tả quá rõ ràng cái chết đẫm máu của Lorca. Thanh Thảo chỉ lướt qua nỗi đau ấy bằng một chi tiết nói về cái chết. Bọn phát xít đến bắt, giết chết lorca và ném xác ông xuống giếng để phi tan. Ta chú ý đến tư thế được gợi tả của Lorca: chàng đi như người mộng du. Bước chân của kẻ mộng du là bước chân của vô thức, bước chân không chủ đích. Chỉ có thân xác của Lorca bị bọn phát xít đày đến pháp trường, tâm hồn của Lorca không thể bị trói buộc và đưa đến mồ chôn hủy diệt.
Và rồi những cung bậc của thơ siêu thực thăng hoa đến cao trào, mọi hình hài hiện thực được chứng kiến bằng đôi mắt đều chìm lấp, chỉ còn lại âm thanh ám ảnh của tiếng đàn:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng đàn có hình sắc, tiếng ghi ta nâu, tiếng đàn trở nên trầm buồn, u ám. Chen giữa bản đàn sầu não ấy lại là một hình ảnh có sắc thái đối lập gay gắt: bầu trời cô gái ấy. Thơ siêu thực vượt khỏi những logic thông thường của ngôn từ để xây dựng nên cấu trúc chứa đầy khoảng mờ. Ta chẳng biết cô gái ấy là ai, là nàng thơ của thi sĩ hay tình nhân ta chỉ cảm giác được được là dòng suối trong, gợi ra khoảng trời tươi sáng, ấm áp. Tâm hồn Lorca lóe lên một tia hi vọng gì chăng? Màu xanh của bầu trời, màu xanh của tiếng ghi ta lá xanh…màu xanh của hi vọng, màu của tương lai bỗng chuyển sắc bi thương:
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Những tiếng đàn bọt nước ở khổ thơ đầu đã trở thành tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan. Sự dự cảm đã chuyển thành biến cố. Sinh mệnh của Lorca được biểu trưng trong hình ảnh tiếng đàn bọt nước vỡ tan. Những tiếng đàn ấy ngân vang mà nghe như máu chảy, ròng ròng. Máu của Lorca như chảy mãi, không bao giờ ngừng cạn. Nỗi đau của cả dân tộc Tây Ban Nha về cái chết của người nghệ sĩ vĩ đại là một vết thương không bao giờ lành lại. Vết thương của tinh thần. Tiếng đàn của Lorca là tiếng đàn đổ máu, tiếng đàn đau nhói trái tim.
Nhưng với một nghệ sĩ như Lorca, cái chết không phải là sự kết thúc:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Kẻ thù có thể bắn chết Lorca và ném xác ông vào giếng nhưng tiếng đàn không thể hủy diệt. Sinh mệnh của con người Lorca nằm ở thân xác bị bắn chết nhưng sinh mạng của người nghệ sĩ Lorca đã hóa thân vào tiếng đàn bất tử. Tiếng đàn như cỏ mọc hoang, tiếng đàn không bị hủy diệt mà còn sinh sôi mãnh liệt. Cái chết ấy được tưởng niệm bằng một biểu tượng đẹp. Nếu như ở khổ thơ đầu, vầng trăng chếnh choáng là người bạn đồng hành của Lorca thì đến khổ thơ này vầng trăng là kẻ khóc thương. Vầng trăng – biểu tượng của hòa bình, của sự bình yên. Vầng trăng vừa tạo ra thứ ánh sang ma mị thêu dệt nên những bước chân huyền thoại của ông đi đến cuộc đời này; vầng trăng cũng là người bạn tiễn đưa, là vầng sáng diễm lệ bên thi hài Lorca. Kẻ thù giết ông và ném xác xuống giếng, từ nơi ấy không hực lên tử khí và sự căm hờn mà lóe lên tia sáng và giọt nước mắt long lanh của đất trời thật đẹp. Cái chết của Lorca rất bi thương mà cũng rất huy hoàng.
Và con người ấy đã “trở về” trong tư thế của kẻ giải thoát:
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di – gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
li – la li – la li – la
Sinh mệnh của cuộc đời một con người kết thúc nhưng sinh mệnh của một nghệ sĩ là trường bất tử. Lorca bơi sang sông cùng chiếc đàn ghi ta là một hình ảnh đậm chất tượng trưng, siêu thực. Dòng sông đó là dòng luân hồi, là cõi đời ta bà này. Cây đàn là phương thiện giải thoát. Nghệ thuật của Lorca là cứu cánh đưa ông vượt khỏi giới hạn của sự sống và cái chết. Lorca đứng ngoài vòng luân hồi nghiệt ngã ấy. Lorca chết đi không giận hờn, không tiếc nuối. Hành động ném lá bùa thể hiện sự bất cần. Ông không cần sự cứu giúp, ông không cần một phép màu. Lorca là đã đến với cuộc đời như một huyền thoại và ra đi thật thanh thản, siêu thoát vượt khỏi mọi định mệnh. Lorca là con người đứng ngoài vòng định mệnh.
Có lẽ vì vậy mà Thanh Thảo đã chọn câu thơ khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn làm câu thơ đề từ. Lorca là con người không tiếc nuối không sợ hãi và chấp nhận sự lãng quên. Ông không muốn những thành tựu nghệ thuật của mình là đỉnh cao áng ngữ sự phát triển của nghệ thuật đời sau. Lorca đã đến rất kiêu hãnh và ra đi thật nhẹ nhàng.
Bằng việc sử dụng tinh tế chất tượng trưng siêu thực Thanh Thảo đã khắc họa thành công chân dung Lorca: Người nghệ sĩ đơn độc kiêu hãnh, cái chết bi kịch nhưng huy hoàng và sự bất tử, siêu thoát uy nghiêm.
Cảm nhận bài thơ ‘Đàn ghita của Lor-ca’ của Thanh Thảo – Bài số 3
Thanh Thảo là nhà thơ với tài năng thơ ca mà đã đem đến cho thơ ca thời đó tiếng nói trung thực của một thế hệ tình nguyện cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Dù vẫn là cái tôi công dân đầy nhiệt huyết nhưng thơ Thanh Thảo nghiêng về phản ánh tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở trước các vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại. Thơ Thanh Thảo cũng chưá đựng những nét tài hoa và mang tính liên tưởng cao. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca in trong tập Khối vuông ru-bic, là một trong số đó, và được dư luận đánh giá là thành công về nhiều mặt.
Bài thơ viết về cái chết a Lor-ca (1898 – 1936), một thi sĩ, nhạc sĩ, nhà biên kịch thiên tài người Tây Ban Nha. Chính vì dòng máu nóng bỏng nhiệt tình thôi thúc nhà thơ cất cao tiếng đàn, tiếng hát, lời thơ để ca ngợi tự do bất diệt, phản đối bản chất tàn bạo, xấu xa của bè lũ phát xít Phơ-răng-cô. Lorca đã bị sát hại khi tuổi chỉ mới 38. Cả đất nước Tây Ban Nha khóc thương ông, một thiên tài của đất nước.
Cái chết của Lor-ca là sự kiện gây chấn động dư luận không những ở Tây Ban Nha mà còn trên toàn thế giới, chính vì vậy khi Thanh Thảo yêu mến khí phách cũng như tài năng của Lor-ca nên đã dành tâm huyết để viết nên bài thơ giống như dựng một tượng đài sừng sững về Lor-ca trong tâm tưởng những người mến mộ.
Qua tiếng đàn người đọc cũng cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng Lor-ca và biểu tượng nghệ thuật Lor-ca trong mạch cảm xúc và suy tư đa chiều, vừa sâu sắc, vừa mãnh liệt của tác giả. Được cảm nhận từ nhiều góc độ và đa chiều Lorca hiện ra với hình tượng yêu tự do và ông là một nghệ sĩ cô đơn. Bài thơ “ Đàn ghi ta của Locar” đã làm sống lại huyền thoại về một con người, một nghệ sĩ, một chiến sĩ của đất nước có truyền thông âm nhạc, thi ca và những vũ điệu nóng bỏng, flamenco…
Bài thơ được mở đầu với sự cất lên tiếng đàn rộn rã đầy hứng khởi, nó tượng trưng cho tâm hồn sôi nổi, mạnh mẽ, yêu đời của Lor-ca nói riêng và của dân tộc Tây Ban Nha nói chung. Những nét chấm phá vẽ ra hình ảnh Lor-ca – một nghệ sĩ tự do và đơn độc một cách đầy ấn tượng.
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Những nét đặc trưng của Tây Ban Nha ngay từ đầu đã được khơi gợi một cách khóe léo, đó la màu áo choàng đỏ gắt nhắc tới một nét độc đáo trong đời sống văn hóa của người dân Tây Ban Nha. Áo choàng đỏ khiến người ta liên tưởng tơi đấu bò môt nét văn hóa ở tây Ban Nha, vừa giúp chúng ta hình dung khá cụ thể về Lor-ca. Các chàng đấu sĩ nổi bật giữa đấu trường với chiếc áo choàng đỏ thắm trên vai và mảnh vải đỏ trong tay. Những đấu sĩ với áo choàng đỏ bằng sự sáng suốt, khéo léo và lòng dũng cảm sẽ hạ gục chú bò tót to lớn, hung dữ trong một hiệp đấu ngắn ngủi trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả.
Chuyển mạch cảm xúc từ sự sống bừng bừng đột ngột chuyển sang cái chết bi thảm chỉ trong khoảnh khắc, một khoảnh khắc nghiệt ngã, kinh hoàng. Đó là cái chết của Lorca khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc và ám ảnh:
Tây Ban Nha hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Thanh Thảo dường như đã thực sự hóa thân vào nhân vật trữ tình để cảm nhận thấm thía nỗi đau đớn và thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ của trái tim, của ngòi bút như rướm máu. Bằng cách sử dụng các điệp từ, điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đa nghĩa và đối lập được tác giả khai thác triệt để nhằm thể hiện bi kịch của Lor-ca. Từ đó đoạn thơ đã làm nổi bật sự đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với bạo lực tàn ác của bọn phát xít giữa niềm lạc quan yêu đời với hiện thực đẫm máu.
Tiếng hát tượng trưng trong đoạn thơ “hát nghêu ngao” bỗng dưng tắt lịm. Biểu hiện cho sự sống bỗng nhiên tắt trước cái chết khủng khiếp hiện diện qua hình ảnh gây ấn tượng rùng rợn: áo choàng bê bết đỏ. Lorca đã bị bắn máu chảy thành dòng và rướm cả vào áo choàng và cây đàn ghita. Những câu chư trong thơ tạo nên hình khối, thành dòng máu chảy, góp phần nêu bật ý nghĩa tiếng đàn ghi ta ở những cung bậc khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Mỗi so sánh là một ẩn dụ về cái đẹp, tình yêu, nỗi đau, cái chết tương ứng với tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh biết mấy, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng – máu chảy.
Tiếng ghi ta ròng ròng – máu chảy không đơn thuần chỉ là nghệ thuật nhân hóa mà cao hơn thế, nó là linh hồn của Lor-ca, là một hình ảnh gây ấn tượng và ám ảnh sâu đậm, day dứt khôn nguôi.
Sự bất tử của tiếng đàn Lor-ca còn biểu hiện tập trung ở những khổ thơ cuối. Sự khâm phục chân thành và lòng tiếc thương vô hạn của nhà thơ Thanh Thảo đối với Lor-ca. Câu thơ như tiếng nấc có âm điệu ngắt quãng giống như tiếng khóc nghẹn ngào, thổn thức:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt
vầng trăng long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…
Thanh Thảo vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp so sánh và ẩn dụ tượng trưng để khắc đậm niềm tin.,vì quá thương tiếc mà nhà thơ dùng những hình ảnh ẩn dụ cho cái chết cảu Lỏca Cùng với ý không ai chôn cất tiếng đàn, hình ảnh đường chỉ tay là ẩn dụ về số phận, về định mệnh nghiệt ngã. Các hình ảnh tượng trưng như giọt nước mắt vầng trăng long lanh trong đáy giếng, dòng sông, lá bùa, chiếc ghi ta màu bạc,… đều được sáng tạo tượng trưng ám chỉ cõi chết, nơi siêu thoát. Và hành động ném lá bùa, ném trái tim mình cũng có ý nghĩa tượng trưng cho sự giã từ vĩnh viễn, một sự lựa chọn của Lor-ca.
Và chính vì sự bất tử của Lorca thì tinh thần của ông và nghệ sĩ tài năng như ông đã có sức lan tỏa tới người đọc, tới những con người yêu chuộng tự do và hòa bình yêu lạc quan. Tiếng đàn của ông cứ thế lan tỏa không ai có thể chế ngự và cất lên những âm thanh vang vọng: không ai chôn cất tiếng đàn – tiếng đàn như cỏ mọc hoang… người mà ông suốt đời theo đuổi. Đấy là cái đẹp không bạo lực nào có thể hủy diệt nổi.
Nó sẽ sống mãi, truyền lan mãi, giản dị mà kiên cường như cỏ dại. Qua đây cũng góp phần thể hiện nỗi xót thương trước cái chết bi thảm của một thiên tài; trước hành trình cách tân nghệ thuật dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha. Và nó còn chứa đựng cả tâm trạng của người nghệ sĩ đọng lại thành những hình ảnh đẹp và buồn: giọt nước mắt vầng trăng – long lanh trong đáy giếng,… như giọt nước mắt khóc thương người nghệ sĩ chân chính của nhân dân.
Cây đàn ghi ta quen thuộc gắn bó với Lor-ca như hình với bóng giờ đây đã trở thành con thuyền đưa linh hồn ông sang thế giới bên kia. Cuộc đời, số phận của Lor-ca đã kết thúc nhưng tiếng đàn và sự ảnh hưởng của ông vẫn ngân nga, vang vọng mãi: li-la li-la li-la.
Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca là bài thơ dồi dào nhạc tính, được sáng tạo với chủ ý tô đậm hình Lor-ca – nghệ sĩ hát rong vĩ đại. Bằng chính tiếng đàn ghi ta để giãi bày nỗi đau buồn và khát vọng yêu thương của nhân dân mình. Nhạc tính của bài thơ từ vần và nhịp, các thủ pháp láy từ, điệp từ, sự kết hợp ngẫu hứng giữa các từ ngữ tạo nên những giai điệu mang tính chất âm nhạc khiến người đọc bị cuốn hút vào.
Bài thơ “ Đàn ghi ta của Lorca” đã nhắc tới Lor-ca, những người yêu mến ông nhớ ngay đến câu nói nổi tiếng bộc lộ tính cách của một nghệ sĩ chân chính: Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn. Bằng rung động mãnh liệt của cảm xúc, bằng tấm lòng “liên tài” rất đáng trân trọng Thanh Thảo đã thể hiện sự mến mộ đồng cảm của mình qua những dòng thơ đầy cảm xúc và nước mắt cùng với đó là những sáng tạo nghệ thuật tinh tế, phong phú và đa dạng.
Cảm nhận bài thơ ‘Đàn ghita của Lor-ca’ của Thanh Thảo – Bài số 4
Nhà thơ được công chúng đặc biệt chú ý bởi những bài thơ mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến không ai khá ngoài Thanh Thảo. Là một trong số những cây bút đi đầu trong việc cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm kiếm tìm các hình thức diễn đạt mới. Tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo là tác phẩm "Đàn ghi ta của Lorca.
Bài thơ viết về cái chết của Lorca nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu thiên tài Tây Ban Nha. Với tấm lòng tri ân đầy xót thương, niềm ngưỡng mộ, Thanh Thảo đã tái hiện thời khắc bi tráng ra đi của Lorca trong tác phẩm này.
Có thể chia tác phẩm làm bốn phần với bốn nội dung: hình tượng Lorca trên nền văn học Tây Ban Nha – hình ảnh bi tráng của Lorca trên pháp trường – Nỗi niềm dang dở của khát vọng cách tân nghệ thuật – suy tư về sự ra đi của Lorca.
Bài thơ ấn tượng bởi âm thanh "li – la li-la li-la" xuất hiện trong tác phẩm. Câu thơ tạo cho toàn bài một giai điệu âm nhạc như tiếng đàn Tây Ban Cầm – loại nhạc cụ là biểu tượng nghệ thuật của Tây Ban Nha. Mỗi phần với nội dung khác nhau đem đến cho người đọc cái nhìn đa chiều và sâu sắc. Sáu câu thơ đầu là bản tiền tấu của bản độc tấu ghita mang tên Lorca. Những giai điệu đầu tiên vút lên hào hùng và mạnh mẽ. Những câu dưới khoảnh khắc lắng xuống day dứt mong manh. Hai khổ thơ tiếp theo lại là hình ảnh bi tráng của Lorca trên pháp trường. Lúc này Lorca đã hóa thân thành tiếng đàn. Mọi cung bậc cảm xúc đều được thể hiện trong từng sắc thái của tiếng đàn: "tiếng ghita nâu", "tiếng ghita lá xanh biết mấy", "tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan", "tiếng ghita ròng ròng máu chảy". Điểm đặc biệt trong phong cách nghệ thuật của bài thơ này là độ dài ngắn, số câu chữ trong một câu thơ. Nó không theo một qui tắc nhất định nào. Nó tự do, phóng khoáng, tùy theo mạch cảm xúc của nhà thơ. Tác phẩm mang dáng dấp của một bài thơ, nhưng dường như nó là một bài văn xuôi ngắn. Mạch cảm xúc của tác phẩm không hề bị đứt quãng. Nó liền mạch, tạo cho người đọc một cảm giác cũng hòa nhập vào cảm xúc chung của tác giả. Hơn nữa, với đặc điểm này, bàu thơ còn trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ khắc sâu vào lòng người đọc.
Giá trị nội dung sâu sắc nhất của tác phẩm chính là tâm nguyện, bài học từ cái chết của Lorca. Đó là phải biết sáng tạo nghệ thuật vượt lên trên những thế hệ đi trước. "Không ai chôn cất tiếng đàn – Tiếng đàn như cỏ mọc hoang". Gắn với di chúc của Lorca, câu thơ thể hiện một nỗi thất vọng lớn, bởi dường như không ai hiểu được những suy nghĩ của một bậc thiên tài gửi cho hậu thế. Lorca đã mất đi nhưng sáng tạo nghệ thuật vẫn mãi mãi trường tồn. Những giá trị nghệ thuật đích thực và những sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ. Nhà thơ đã diễn tả sự ra đi của Lorca thảm khốc nhưng cũng nhẹ nhàng. Phải là người hiểu, trân trọng, ngưỡng mộ người nghệ sĩ thiên tài, tác giả mới có những hình ảnh sáng tạo sâu sắc. Kết thúc bàu thơ âm thanh "lila lila lila" lại vang lên một lần nữa như một bài ca bất tử của con người. Thanh Thảo đã cấy nhạc vào thơ tạo cấu trúc của bản giao hưởng có phần đệm của đàn ghita. Âm thanh cuối tác phẩm như một khúc vĩ thanh, là vòng hoa đặt lên ngôi mộ Lorca.
Bằng sự kết hợp hài hòa hai yếu tố thơ và nhạc về cấu tứ cùng với sức gợi mở đa dạng, phong phú về hình ảnh và mới mẻ về ngôn từ, "Đàn ghita của Lorca" đã thổi một làn gió mới vào nền văn học Việt.
Vũ Hường tổng hợp