Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa của Nam Cao
Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa của Nam Cao
Bài làm
Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn đàn Việt Nam. Với những sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết gây được tiếng vang và ấn tượng với độc giả. Không chỉ những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống mà còn có cả những tác phẩm viết thể hiện tuyên ngôn của nhà văn về nghệ thuật. Tiêu biểu là truyện ngắn Đời thừa.
Tác phẩm Đời thừa được đăng trên “Tiểu thuyết thứ bảy” đã phản ánh đời sống khổ cực, bế tắc của người trí thức trong xã hội trước Cách mạng tháng Tám. Nhân vật chính ở đây chính là nhà văn Hộ. Vốn Hộ là một nhà văn có tài và có hoài bão lớn. Dù cuộc sống khổ cực nhưng vẫn luôn say mê lý tưởng nghệ thuật của mình. Hộ có quan niệm về nghệ thuật rất nghiêm túc: “đói rét không nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng – Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Đối với hắn lúc ấy Nghệ thuật là tất cả. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó làm mờ hết các tác phẩm khác”. Có thể nói rằng Hộ chính là người có tâm lòng chân thành, không sao nhãng công việc và đặc biệt nghiêm túc với nghề nghiệp của mình. Vốn là người tốt bụng vì Hộ đã cưu mang mẹ con Từ.
Hộ lâm vào bi kịch vỡ mộng văn chương. Đối với một nhà văn giàu khát vọng, yêu cái đẹp nhưng hoàn cảnh cuộc sống lại đưa đẩy đến với gánh nặng áo cơm khiến anh phải sống cuộc sống vô nghĩa, một cuộc đời thừa. Hộ coi văn chương là lẽ sống, tôn thờ và hết lòng vì một ngòi bút trong sáng, thiên lương mang giá trị nhân văn. Hộ luôn ước mơ, khao khát có thể viết nên tác phẩm có giá trị. Một tác phẩm có thể đạt giải Nobel về văn học, nghệ thuật. Đó là lý tưởng cao cả, mộng tưởng đẹp đẽ. Tuy nhiên đã bị vỡ tan bởi sự thảm khốc của hiện thực cuộc sống. Khi anh gặp Từ, một người đàn bà bị gã tình nhân vô liêm sỉ bỏ chị cùng đàn con và quyết định cưu mang chị và nhận nuôi cả con chị. Lúc ấy, Từ rất biết ơn và mang nặng nghĩa tình với Hộ. Cũng từ ấy trên vai Hộ còn cả gánh nặng mưu sinh, lo miếng cơm, manh áo cho vợ và cả đàn con. Hoàn cảnh túng thiếu về cả vật chất và tinh thần đè nặng lên đôi vai gầy của người trí thức nghèo. Có lẽ chính vì vậy khiến Hộ bán rẻ cái tôi trong ngòi bút của mình để tuôn ra những dòng văn nhạt nhẽo, anh chẳng còn cẩn thận trong từng nét bút nữa. Chất lượng đã bị xếp xuống dưới và anh chỉ quan tâm đến số lượng đạt được để có tiền nuôi vợ con. Việc viết văn vội vàng, cẩu thả, viết nhiều rồi cho đến khi anh đọc lại những tác phẩm của mình đã phải đỏ mặt lên vì xấu hổ, “nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn”.
Không chỉ rơi vào bi kịch khát vọng văn chương mà còn rơi vào bi kịch rạn nứt tình thương. Vốn là một người giàu tình thương người với minh chứng là cứu vớt Từ và con của Từ, rồi giúp làm tang lễ cho mẹ Từ. Với gia đình mình thì Hộ luôn cố gắng trở thành một người hoàn hảo, là trụ cột cho gia đình. Cũng vì những gánh nặng vì hoàn cảnh khó nhọc khiến anh từ bỏ, hi sinh ý thức cao cả về nghệ thuật. Nhất là khi con cái nhiều, nheo nhóc, khóc ốm, căn nhà chẳng còn được yên tĩnh, anh không còn không gian yên ắng để đọc sách để viết văn… Tất cả đã khiến một người giàu tình thương, chan hòa trở nên cau có, gắt gỏng, khó chịu. Hộ gắt gỏng với chính mình, với cả vợ con hắn. Hộ tìm đến rượu để giải tỏa mọi ưu phiền, những bực tức và khi đến với rượu thì anh lại chẳng kiểm soát nổi hành vi của mình, gây tổn thương cho vợ con. Để rồi khi tỉnh dậy anh lại thấy hối hận, đau lòng.
Tác phẩm đã xây dựng thành công về cuộc đời, về quan niệm văn chương của người trí thức nghèo trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ. Với ngòi bút hiện thực tinh tế, sắc sảo đã lên án xã hội tàn nhẫn nhưng đồng thời cũng ca ngợi tình yêu thương con người và tình cảm gia đình. Điểm đặc sắc trong tác phẩm chính là bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật được tác giả sử dụng độc đáo qua những màn độc thoại nội tâm của nhân vật Hộ. Qua đó khiến cho người đọc có phần nào thấu hiểu và cảm thông cho Hộ, một người có lý tưởng nghệ thuật cao đẹp nhưng lại bị hoàn cảnh sống đưa đẩy, đè bẹp.
Tác phẩm Đời thừa đã phác họa sự tàn khốc của hiện thực cuộc sống trong xã hội ngày đó. Đồng thời cũng làm toát lên tinh thần nhân đạo sâu sắc.