Mị có những lúc cô độc ghê gớm nhưng cô đơn không giết nổi con người ấy…


Nhà văn Tô Hoài từng nói: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Và Tô Hoài đã thực sự thành công khi khắc họa chân thực nét riêng biệt về phong tục tập quán, về tính cách nhân vật, tâm hồn con người ở miền núi Tây Bắc qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm là câu chuyện về những người dân lao động trong cuộc sống tăm tối, kìm hãm mà phản kháng lên đi tìm tự do. Tiêu biểu cho tư tưởng này của tác giả, nhân vật Mị hiện lên làm cho độc giả không khỏi xúc động, cảm phục trước một cô “Mị có những lúc cô độc ghê gớm nhưng cô đơn không giết nổi con người ấy”.

“Thương thay thân phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ngay từ xa xưa, dưới thời phong kiến người phụ nữ đã không được hạnh phúc, họ bất hạn, họ đau khổ. Cứ nghĩ theo thời gian thì người phụ nữ sẽ bớt đau khổ. Nhưng không, đến tận thế kỉ XX, người phụ nữ vẫn không bớt đi “bạc mệnh”. Và Mị là một con người điển hình vừa chịu đau khổ về thể chất lẫn tinh thần. Vật chất thiếu thốn đã đành, ngay cả tâm hồn Mị cũng bị chà đạp một cách ghê gớm. Mị là một cô gái xinh đẹp, nết na, hiếu thảo. Lẽ ra cô xứng đáng được hưởng hạnh phúc, được hưởng niềm vui. Nhưng số phận trớ trêu đẩy cô vào địa ngục trần gian – nhà của thông lý Pá Tra. Một món nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác mà gia đình Mị nợ nhà thống lý Pá Tra đã đẩy Mị vào con đường không lối thoát. Chính món nợ ấy khiến Mị trở thành con nợ của nhà thống lý, trở thành vợ của A Sử. Món nợ kia khi trả hết Mị có thể trở về, nhưng Mị lại là con dâu nhà thống lý, há chẳng phải dù Mị có trả hết nợ thì Mị vẫn phải ở lại nơi này tối tăm, giam hãm con người này hay sao, bất hạnh, đau khổ, cô độc cứ liên tiếp ập lên vai cô gái yếu đuối. “Mị cô độc ghê gớm nhưng cô đơn không giết nổi con người ấy”. Vậy Mị đã phản kháng chống lại cái cô độc ấy như thế nào? Một cô Mị xinh đẹp tưởng chừng như yếu đuối mà vô cùng quyết liệt để chạy ra khỏi cuộc sống tối tăm.

Xem thêm:  Ma túy-hiểm họa đe dọa cuộc sống loài người

Làm dâu nhà thống lí – một gia đình giàu có, tưởng chừng như Mị sẽ có một cuộc sống đầy đủ vật chất, sống trong nhung lụa. Nhưng ta lại thường hay thấy “một cô gái ngồi quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay cõng nước dưới khe suối lên”bên cạnh cái chuồng ngựa nhà Pá Tra. “Cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”, Mị buồn, Mị đau khổ chứ, đang sống một cuộc song tự do Mị lại trở thành tù nhân trong địa ngục tăm tối ấy. Thử hỏi không đau khổ làm sao cho được. Cuộc sống làm dâu của Mị cứ tẻ nhạt như vậy diễn ra hàng ngày. Dường như Mị đã trơ lì, tầm hồn hóa đá mất rồi. Nhiều người đọc đến đây nghĩ sao Mị không trốn đi, không tự giải thoát, phản kháng mà lại cam chịu như vậy. Mĩ đã từng phản kháng, đã từng muốn chết nhưng thất bại. Bị bắt về nhà thống lí trong đêm mùa tình mùa xuân, Mị đã khóc, khóc suốt mây tháng trời. Mị khóc là phản kháng đấy nhưng khóc để làm gì, Mị vẫn phải chịu cuộc sống vậy đó thôi. Đỉnh cao của sự phản kháng ấy là Mị muốn chết. Mị hái nắm lá ngón chạy về tìm cha và định tự tử sau khi gặp cha xong. Nhưng gặp cha xong Mị lại quay trở lại nhà thống lí bởi Mị thương cha. Nếu Mị chết đi thì món nợ kia ai trả, cha già rồi làm sao trả được. Vậy là Mị phải tiếp tục cuộc sống làm trâu làm ngựa ở nhà thống lí. Tất cả những sự việc diễn ra, Mị đều một mình, một mình chịu đựng, một mình phản kháng, đau khổ tưởng chừng như chết nhưng lại không giết nổi cô gái của Tô Hoài.

Chưa dừng lại ở đó, Mị càng cô đơn, cô độc hơn trong đêm tình mùa xuân, Mĩ nghĩ về quá khứ. Mị vẫn một mình trong căn buồng tối tăm chỉ có một ô vuông to như bàn tay chiếu ánh sáng vào. Nhìn qua ô cửa đó, Mị không biết nắng hay sương, không biết là sáng hay chiều. Một con người không còn ý niệm về thời gian, không còn ý thức về sự tồn tại của bản thân thật đáng thương. Có lẽ Mị đã đau khổ lắm rồi, đau đến nỗi không còn quan tâm đến mọi thứ xung quanh, Mị phó mặc cuộc sống của mình. Quả thực sự đau khổ kia thật đáng sợ. Từ một cô gái vui vẻ, lạc quan giờ lại thành xác người còn đó, tâm hồn Mị đâu. Sự cô đơn, cô độc thật sự rất ghê gớm, đáng sợ như vậy nhưng sao không giết nổi con người Mị.

Tiếng sáo, tiêng sáo trong đêm tình mùa xuân đã đánh thức Mị bừng tỉnh khỏi chuỗi đau khổ. Mị nhớ lại ngày xưa Mị cũng vui đùa như bao người khác, cũng hạnh phúc bên người thân, bên người yêu. Mị thả hồn vào tiếng sáo, lạc theo niềm vui tự do, niềm vui hạnh phúc. Mị uống rượu, uống ực ực từng bát như để quên đi thực tại đau khổ khi mà tiếng sao kia không thể giải thoát cho cô. Càng uống càng tỉnh, Mị càng đau khổ. Và Mị muốn đi chơi. Mị đã vùng lên phản kháng như vậy đó. Mị muốn đi chơi, đi chơi ngày xuân, chẳng có lí do gì mà Mị lại ở trong căn buồng tối tăm này. Nhưng Mị đã không thể như mong muốn, Mị bị A Sử trói vào cái cột, lấy tóc quấn lại. Mị lại một mình giữa căn buồng đau khổ, một mình chịu đựng. Mị đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan biết bao sự khổ đau, biết bao uất ức và thù hận. Mị hận cuộc đời này sao trớ trêu đến vậy, đẩy Mị vào con đường không lối thoát. Mị bị trói vào cái cột – nơi mà đã có người vợ khác bị trói chết. Mị nghĩ vậy mà “sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết”. Mị ý thức được sự sống còn của mình, Mị nhận ra cái đau đớn bị dây trói xiết lại, đau dứt từng mảnh thịt. Đau khổ đấy, cô độc đấy nhưng đã giết được Mị đâu. Sự cô đơn ghê gớm không thể giết nổi Mị.

Xem thêm:  Tuyển chọn bài văn mẫu lớp 12 hay nhất (phần 2)

Đỉnh cao hơn sự phản kháng, không cam chịu của Mị để tìm đến tự do, tìm đến hạnh phúc là khoảnh khắc Mị cắt dây trói cho A Phủ. Mị đã từng nghĩ ở lại đây cũng chết nên khi cắt dây trói cho A Phủ chạy trốn, Mị đã lao theo A Phủ và nói “Cho tôi đi với”. Khoảnh khắc Mị lao đi chạy theo A Phủ cũng chính là lúc Mị tự giải thoát cho mình khỏi cuộc sống “lao tù” đau khổ. Mị tìm đến tự do, tìm đến một cuộc sống phóng khoáng mà Mị muốn. Có thể cuộc sống sau này của Mị không được sung sướng nhưng Mị có tự do, có được quyền làm chủ cuộc sống của mình, không còn làm trâu làm ngựa cho nhà thống lí. Qua bao nhiêu đau khổ, đầy rẫy cô độc, đau đớn bủa vây, Mị vẫn sống, vẫn đứng lên quyết liệt tìm đến tự do, hạnh phúc. Mị đáng thương những cũng thật đáng phục. Đây chính là ngòi bút nhân đạo của nhà văn Tô Hoài: tái hiện hiện thực chan chứa tình nhân đạo.

Khép lại thiên truyện về cuộc đời Mị, ta thấy thật tội nghiệp cho Mị nói riêng và cho người phụ nữ miền núi nói chung, đã phải chịu nhiều đau khổ, bất hạnh với nhiều hủ tục, trong đó có hủ tục “cướp vợ” – từ một nét truyền thống văn hóa đẹp trở thành một công cụ đày đọa cuộc sống người phụ nữ. Mị trở thành một hình tượng đẹp của sự không cam chịu, không khuất phục trước thực tại đau khổ, cô độc. Quả thực “Mị có những lúc cô độc ghê gớm nhưng cô đơn không giết nổi con người ấy”.

Bài viết liên quan