Nguyễn Tuân và tập tùy bút Sông Đà
Nguyễn Tuân và tập tùy bút Sông Đà
Hướng dẫn
- Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (1910 – 1987), quê ở Hà Nội, là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20.
Đến với văn chương từ những năm 20 của thế kỉ, Nguyễn Tuân đã thử bút qua nhiều thể loại: thơ, bút ký, truyện ngắn hiện thực trào phúng và cố gắng tìm kiếm thành công. Nhưng mãi đến đầu năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với các tác phẩm: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua…
Trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tuân Nổi tiếng với những tác phẩm viết về chủ đề “xê dịch” (Một chuyến đi, Thiếu quê hương,..); cái đẹp trong quá khứ (Vang bóng một thời,..); hoặc cuộc sống trụy lạc (Chiếc lư đồng mắt cua). Dù ở đề tài nào, ông cũng khao khát tìm kiếm, phát hiện và chiêm ngưỡng cái đẹp ẩn khuất trong cuộc sống.
Chủ nghĩa xê dịch vốn là một quan niệm sống của phương Tây, được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỉ 20 và được nhiều người tiếp nhận. Xê dịch có nghĩa là luôn luôn thay đổi, rất phù hợp với lý tưởng sống của tuổi trẻ, hoặc những người có lối sống tự do, thích khám phá. Nguyễn Tuân đã tìm đến lý thuyết “chủ nghĩa xê dịch” này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về “chủ nghĩa xê dịch”, Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và phong vị của đất nước mà ông đã ghi lại được bằng một ngòi bút đầy trìu mến, yêu thương và tài hoa (Một chuyến đi).
Không những “xê dịch” trên khoảng không gian địa lí, Nguyễn Tuân còn thực hiện “xê dịch” vượt thời gian lịch sử. Không tin tưởng ở hiện tại và tương lai, Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp của quá khứ còn “vang bóng một thời”. Ông mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã. Tất cả được thể hiện thông qua những con người thuộc lớp người nhà Nho tài hoa bất đắc chí, tuy đã thua cuộc nhưng không chịu làm lành với xã hội thực dân (như Huấn Cao Chữ người tử tù).
Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống trụy lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật “tôi” hoang mang bế tắc. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao (Chiếc lư đồng mắt cua).
Cũng như các nhà văn khác, thời kì này, Nguyễn Tuân chưa tìm thấy lý tưởng cách mạng và niềm tin hướng về tương lai. Ông đã rất nỗ lực vận động nhưng đành bất lực. Mỗi tác phẩm là một nỗi đau thương, quằn quại, bế tắc tột cùng, càng gắng gượng càng thấy mịt mù hơn. Ông chủ trương xê dịch là để thoát khỏi cái hiện thực tối tăm, tìm kiếm một nguồn sống mới mẻ an dưỡng tinh thần. Đôi khi ta thấy Nguyễn Tuân sa đà vào trụy lạc nhưng rồi ông sực tỉnh và thay đổi mình, tìm kiếm mình trong những giá trị thanh cao của tinh thần.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Tuân sớm hòa nhập với cuộc sống mới. Ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước (Tùy bút Sông Đà), ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất (Tùy bút kháng chiến, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi).
Có thể khẳng định Nguyễn Tuân là một nhà văn độc đáo, tài hoa và uyên bác. Ông luôn trân trọng những truyền thống văn hóa của dân tộc và có tình yêu thiết tha đối với thiên nhiên, đất nước và con người. Trong suốt thời gian hơn nửa thế kỉ cầm bút, Nguyễn Tuân đã xó nhiều thể loại văn học khác nhau. Nhưng sở trường hơn cả vẫn là tùy bút. Với thể văn này, ngòi bút Nguyễn Tuân như được tung hoành, phóng túng, và bộc lộ đầy đủ nhất những nét tài hoa, uyên bác, cũng như cái “ngông” của mình
Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật.
Quá trình chuyển đổi phong cách, đề tài sáng tác trước và sau cách mạng diễn ra mạnh mẽ. Ông không đối lập giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn Nguyễn Tuân thì bao giờ cũng vậy, vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại. Ông chủ động tiếp nhận chủ nghĩa xê dịch là để tìm kiếm những cảm xúc mới mẻ cho ngòi bút. Bởi thế, văn của ông lúc nào cũng có những cảnh tượng phi thường, những cảm xúc mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội,…
Dù đã thử bút trên nhiều thể loại nhưng Nguyễn Tuân vẫn có thế mạnh trong tùy bút rất phù hợp với phong cách tự do phóng túng của ông. Thiên nhiên trong tùy bút Nguyễn Tuân được miêu tả bằng một tình yêu trìu mến thiết tha và sự thấu hiểu sâu sắc, biểu lộ tinh tế và đọc đáo vẻ đẹp của sông núi, cỏ cây trên đất nước mình. Văn ông còn có giọng khinh bạc nhưng chủ yếu để ném nỗi giận dữ vào kẻ thù cướp nước với niềm căm hận tột cùng.
- Tùy bút Sông Đà
Tập tùy bút: Sông Đà gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ phác thảo; trong đó, đặc sắc hơn cả là tùy bút “Người lái đò sông Đà”.
Tập tùy này là kết quả chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Nguyễn Tuân những năm 1958 – 1960. Trở lại vùng đất đã từng gắn bó với ông những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, Nguyễn Tuân như được sống lại với những kỉ niệm thân thuộc và cảm xúc nghệ sĩ lại dâng trào trong tâm hồn ông.
Cảnh vật và con người Tây Bắc đã có một sức hấp dẫn cuốn hút đặc biệt đối với Nguyễn Tuân. Ông say mê trước vẻ đẹp thơ mộng trữ tình và cả cái hoang sơ dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc. Nhưng đề cập đến vẻ đẹp của lòng người, tình người. Trong tùy bút Người lái đò sông Đà. Nguyễn Tuân đã tự nhận mình là người “đi tìm thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc”. Nhất là thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí mỗi con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và thêm bền vững.
* Hình ảnh con sông Đà:
Sông Đà được miêu tả như một nhân vật có nguồn gốc, lai lịch rõ ràng (khai sinh ở huyện Cảnh Đông, Vân Nam, Trung Quốc và xin nhập tịch vào Việt Nam với tên gọi Bả Biên Giang hoặc Ly Tiên, ngày nay gọi chung là Sông Đà).
Sông Đà cũng được miêu tả có tính cách độc đáo vừa hung bạo, dữ dội, vừa rất thơ mộng, trữ tình.
Tính cách hung bạo: có địa hình hiểm trở ghê gớm (hút nước sâu thẳm, ghềnh thác hiểm trở, vách núi vút cao đầy ghê rợn,.. sóng nước cuồn cuộn ngày đêm gầm thét, Sông Đà ẩn chứa trong mình những nguy hiểm tột cùng của đội quân hùng mạnh nước và đá.)
Tính cách trữ tình, thơ mộng, hiền hòa: Nhìn từ trên cao, hình dáng con sông Đà giống như một dải lụa mềm mại vắt qua núi rừng, như mái tóc của người thiếu nữ mượt mà thả dài. Màu sắc sông Đà thay đổi theo mùa, lúc xanh như ngọc bích, lúc lại đỏ lừ như da mặt người bầm đi vì rượu, lúc trong vắt như nhìn thấy đáy. Cảnh sắc hai bên bờ hiền hòa, hoang sơ và tĩnh lặng như một bờ tiền sử, một nỗi niềm cổ tích xưa.
Hình ảnh thiên nhiên sông Đà đi vào lòng người, khơi gợi mãnh liệt cảm xúc bâng khuân, xao xuyến như được gặp lại cố nhân, như đắm mnihf vào không khí thơ mộng, cổ kính của Đường thi, như bất chợt được gặp một người tình chưa quen biết. Tất cả gợi cho ta một cảm giác trác việt, hiếm ó trên đời.
Nguyễn Tuân đã nhìn nhận sông Đà như một tuyệt tác của tự nhiên, một công trình nghệ thuật của tạo hóa. Ca ngợi vẻ đẹp con sông Đà thể hiện sâu sắc tình yêu mến của nhà văn đối với quê hương đất nước.
* Hình ảnh người lái đò trên Sông Đà:
Nếu thiên nhiên sông Đà được tô đậm đến mức phi thường thì hình ảnh người lái đò trên sông Đà cũng được miêu tả trong tư thế kì vĩ nhất.
Ông lái đò người Lai Châu, quê ngã tư sông cát tỉnh, đã xuôi ngược sông Đà suốt mười năm liền. Giữa ông và dòng sông có một mối gắn kết đặc biệt sâu sắc, nó vừa là kẻ thù số một, sẵn sàng quật ngã, nhấn chìm vừa là người bạn hết sức thân thiết đối với ông. Những thương tích sau mỗi cuộc chiến đấu ác liệt còn in đậm trên cơ thể ông như những chứng tích oai hùng vừa đau thương lại vừa rất đáng tự hào.
Ông lái đò là người rất am hiểu về dòng sông. Ông hiểu sông Đà như hiểu chính bản thân mình. Ông nắm chắc từng nguồn mạch, từng ngọn thác, từng khe đá,.. Ông nắm vững quy luật của dòng sông và luôn có phương án tốt nhất trong mỗi cuộc chiến với dòng sông này.
Mỗi cuộc vượt thác đối với ông là một chuyến đi tràn đầy cảm hứng. Sự nguy hiểm đầy chết chóc của dòng sông trở thành niềm đam mê bất tận trong suốt cuộc đời ông. Ông muốn chiến đấu và chiến thắng con quái thú ấy nhiều lần, làm thỏa mãn khát vọng chinh phục. Bởi thế, trên nền sông nước Đà giang hùng vĩ ông lái đò hiên lên với tư thế của một dũng tướng tài năng và phong thái của một nghệ sĩ tài hoa trong cuộc vượt thác. Sau mỗi cuộc vượt thác ngoạn mục, ông lại thơi thả neo thuyền và ung dung đốt lửa trại, bàn tán về cá anh vũ.
Qua nhân vật người lái đò trên sông Đà, Nguyễn Tuân đã khắc họa đậm nét bức chân dung của con người lao động với niềm hiên ngàng, khí phách, oai hùng, kì vĩ, vừa tài hoa vừa hiền lành, dung dị trong cuộc sống nơi miền núi thẳm.
Nguồn: Vietvanhoctro.com