Phân tích Cảnh ngày hè của nguyễn trãi
Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là một nhà văn, nhà thơ lớn của nền văn học trung đại của Việt Nam, trong quá trình sáng tác của mình, ông đã để lại cho hậu thế rất nhiều những tác phẩm thơ văn hay, có nhiều giá trị về nội dung, nghệ thuật cũng như thẫm mĩ. Bên cạnh những áng văn chính luận xuất sắc có thể kể đến như “Bình ngô đại cáo”, “Tái dụ vương thông thư”…thì Nguyễn Trãi còn rất nhiều những tác phẩm thơ văn viết về cảnh sắc của thiên nhiên,đất trời. Đặc biệt là sau khi ông đã từ quan và trở về ở ẩn nơi núi rừng Côn Sơn, Chí Linh, một trong số đó có thể kể đến, đó chính là bài thơ “Cảnh ngày hè” hay còn được gọi với tên khác, đó chính là “Bảo kính cảnh giới số 43”.
Nếu tìm hiểu về sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nguyễn Trãi, ta có thể thấy sau khi về ở ẩn, nhà thơ thường có xu hướng sáng tác những bài thơ về cảnh sắc của thiên nhiên, đất trời, về cuộc sống dân dã, bình dị mà không kém phần tươi đẹp nơi nhà thơ ở ẩn. Ta cũng thấy được ở con người này một sự tài năng hơn người, khi sáng tác những áng văn chính luận thì sắc bén, chặt chẽ, với giọng điệu oai hùng, đanh thép. Thì khi viết về cảnh vật thiên nhiên của đất trời thì lại vô cùng tha thiết, tràn đầy cảm xúc, những bức tranh thơ mà Nguyễn Trãi vẽ ra trong các tác phẩm của mình có sức lôi cuốn đặc biệt đối với độc giả bởi nó quá sức chân thật, sống động.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bài thơ viết về cảnh sắc thiên nhiên ngày hè nơi mà tác giả ở ẩn. Bài thơ không chỉ cho người đọc thưởng ngoạn cảnh đẹp tươi mát, rực rỡ của ngày hè mà còn góp phần thể hiện được tâm thế, cảm xúc đầy tha thiết của nhà thơ trước cảnh đẹp ấy. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi đã tự khắc họa tư thế ung dung tự tại của chính mình, từ đó làm tiền đề cho mọi sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm trước cảnh sắc thiên nhiên:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”
“Rồi” chỉ trạng thái tự do, ung dung tự tại của nhà thơ, đó chính là thời gian nhà thơ vô cùng thảnh thơi, tự tại khi không còn phải lo chuyện chính sự, nhà thơ có thể toàn tâm toàn ý cho việc ngắm cảnh, lòng thanh bạch không một chút bụi trần. Đó chính là tâm thế của những nhà Nho khi đã lui khỏi chốn quan trường mà về ở ẩn nơi thôn dã. Và trong bức tranh thơ này, hình ảnh của chính tác giả hiện lên đầy thư thái “Rồi bóng mát thuở ngày trường”, đó là một ngày bình thường, giữa nơi thiên nhiên hoang dã, nhà thơ Nguyễn Trãi đã ngồi “hóng mát”, đón nhận những luồng không khí mát mẻ, tươi mới chứ không phải cái nóng nực, bức bối đầy bát nháo của chốn quan trường đầy thị phi.
Trong tâm thế đầy tự do, tự tại ấy Nguyễn Trãi có điều kiện thưởng ngoạn, cảm nhận và thu vào tầm mắt của mình toàn bộ những cảnh vật đẹp đẽ nhất khi thiên nhiên vào hè, đó chính là “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”, những chiếc lá hòe xanh mướt, tươi tốt đã thu hút ánh nhìn của nhà thơ. Ở đây nhà thơ đã đặc biệt sử dụng từ “đùn đùn” vừa diễn tả được sự um tùm, tươi tốt của tán lá, vừa diễn tả được sự vận động nhanh chóng của những chiếc lá hòe khi chúng cùng nhau đâm chồi, làm cho tán lá tỏa ra rộng lớn và bao phủ khắp một vùng không gian “tán rợp giương”. Không chỉ có sắc xanh lục của tán lá mà bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi còn được điểm tô bởi màu sắc đỏ rực của những bông hoa thạch lựu:
“ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Trong khung cảnh ngày hè, những bông hoa thạch lựu còn điểm xuyết cho không gian đầy tươi đẹp ấy sắc đỏ rực của những bông hoa “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”, đó chính là những bông hoa rực rỡ ở trước hiên nhà, tuy không trực tiếp miêu tả hình dáng, màu sắc và độ bung nở của hoa thạch lựu, nhưng trong cách sử dụng từ “phun” người đọc còn cảm nhận của sự lan tỏa về màu sắc hoa thạch lựu ra không gian, làm cho không gian ngày hè, rực rỡ hơn tươi đẹp hơn bởi màu sắc tươi sáng, bắt mắt này. Ngay sự xuất hiện của hình ảnh hoa thạch lựu đã gợi ngay liên tưởng cho ta đến những ngày hè, bởi hoa thạch lựu là loại hoa chỉ đơm hoa, kết trái vào ngày hè. Có thể nói Nguyễn Trãi đã rất khéo léo trong việc sử dụng và lựa chọn những cảnh vật tiêu biểu, đậm sắc để đưa vào bức tranh ngày hè của mình.
Không gian, cảnh sắc ngày hè không chỉ được gợi ra bởi sắc xanh của lá hòe, màu đỏ rực, tươi thắm của những bông hoa thạch lựu mà còn được diễn tả chân thực qua hương sen mà nhà văn cảm nhận được “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”, đó chính là hương thơm của những đóa hoa sen nơi ao, hồ. Hoa sen cũng không được nhà thơ miêu tả rõ nét, cụ thể về màu sắc hay hình dáng mà chỉ được biểu hiện, nhận biết qua mùi hương của mình. “Tiễn” là động từ diễn tả sự vận động của mùi hương thơm mát, dịu ngọt đó. Hương sen không chỉ tỏa ngát nơi ao nhà mà còn được khuếch trương, lan tỏa vào không gian, làm dịu mát tâm hồn, đem đến cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người cảm nhận.
Ta có thể thấy nhà thơ Nguyễn Trãi rất tinh tế trong việc lựa chọn đối tượng miêu tả, bởi ta có thể thấy nhà thơ không miêu tả trọn vẹn, cụ thể một cảnh vật nào mà chỉ chọn những nét đặc trưng nhất của cảnh vật ấy, mang lại hiệu quả cao về thẩm mĩ cũng như cảm nhận thị giác. Cũng trong bốn câu thơ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên ngày hè này, Nguyễn Trãi không chỉ gợi mở cho người đọc về ấn tượng thị giác mà còn cả xúc giác, thính giác, gợi ra sự liên tưởng độc đáo của người đọc, làm cho người đọc có cảm tưởng như mình được tận mắt nhìn, cảm nhận mọi thứ trực tiếp vậy.
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Cảnh đẹp của ngày hè còn được Nguyễn Trãi gắn liền với nhịp sống lao động bình thường của người ngư dân nơi thôn dã. “Lao xao” diễn tả được âm thanh huyên náo, vừa diễn tả được nhịp độ lao động của những người dân nơi đây, đó là sự tấp nập, nhộn nhịp và diễn tả được không khí khẩn trương của công việc. Đây là không gian thân quen, gần gũi của những làng làm nghề đánh bắt cá. Và trong không gian nhộn nhịp, khẩn trương ấy là tiếng “cầm ve” vang lên tha thiết, rộn rã. Đây cũng là âm thanh quen thuộc mà ta thường bắt gặp trong những ngày hè.
“Rẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Nếu các câu thơ đầu nhà thơ Nguyễn Trãi chú trọng và tỉ mỉ khi vẽ những nét đặc trưng tươi đẹp của cảnh ngày hè thì hai câu thơ cuối bài lại thể hiện được tư tưởng nhập thế của Nguyễn Trãi, dù đã ở ẩn nơi thôn dã nhưng ông vẫn mang những nỗi niềm, những khát khao rất trần thế, ông mong muốn cho người dân khắp nơi của cả nước không còn cảnh lầm than mà “dân giàu đủ khắp đòi phương”, đó là một cuộc sống no ấm, đủ đầy mà nhà thơ ước vọng. Và thể hiện sự chân thành trong mong ước của mình, nhà thơ đã sử dụng điển tích của Trung Quốc “Rẽ có ngu cầm đàn một tiếng”. “Ngu cầm” ở đây là chỉ đàn của vua Ngu Thuấn, vì khi tiếng đàn ấy cất lên thì cuộc sống của người dân vô cùng no ấm, hạnh phúc. Qua câu thơ nhà thơ cũng thể hiện được sự nhân văn, tấm lòng nhân nghĩa của mình với nhân dân, dù có lui về ở ẩn nhưng nỗi niềm, mong mỏi ấy chưa bao giờ thôi khắc khoải trong tâm trí của nhà thơ.
Như vậy, bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi đã vẽ ra một bức tranh ngày hè thật chân thực, sinh động không chỉ bằng hình ảnh mà cả âm thanh, màu sắc, không chỉ gợi liên tưởng về cảm nhận thị giác mà cả khứu giác, thính giác. Bên cạnh đó, bài thơ cũng sáng rực lên bởi những mong ước đầy nhân nghĩa của nhà thơ khi mong muốn người dân sẽ có cuộc sống đủ đầy, no ấm. Đây là khát vọng của nhà thơ có tầm vóc về tư tưởng nhân nghĩa, là con người nhập thế luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho dân, cho nước.
Nguồn: Văn mẫu