Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm
Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã tái hiện lại cảnh đói khát, khổ sở của những nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhà văn đã dùng tình thương yêu và lòng đồng cảm sâu sắc của mình để dựng lên tình huống hài hước: “vợ nhặt” để vừa nói lên sự thật về cảnh đói thê thảm, đến mức họ không còn nghĩ tới chuyện tình yêu đôi lứa, vừa ngợi ca những khát vọng sống, khát vọng yêu của con người trong hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc. Đó cũng chính là những giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt tới người đọc.
Giá trị nhân đạo là niềm đồng cảm, sự xót thương cho những mảnh đời bất hạnh, là sự ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong tác phẩm này, nhà văn đã dựng lên cảnh đói rất thê lương. Người dân trong xóm ngụ cư ngồi la liệt bên vệ đường. Người sống, người chết nằm lẫn lộn nhau. Mùi âm ẩm, hôi thối của xác chết bốc lên lẫn với bóng tối ngập dần của trời chiều càng làm cho không khí thêm não nề, u uất. Vậy mà giữa lúc đó, Tràng và thị lại nhặt nhau về làm vợ làm chồng. Dù biết rằng cuộc đời phía trước còn biết bao nhiêu trông gai, thử thách, mà thử thách lớn nhất chính là nạn đói thảm hại đang hoành hành. Để có được cái ăn vào bụng hàng ngày đã là một nỗi lo thường trực. Nay Tràng và thị lại dắt díu nhau, liệu rằng có qua được những tháng ngày tăm tối này không? Sự quyết tâm của họ đã đã thể hiện niềm khát khao được yêu, được sống, được hạnh phúc dù cuộc đời đang lâm vào con đường bế tắc. Không đến với nhau cũng chết, mà đến với nhau dù có phải chết nhanh hơn nhưng ít nhất trước khi chết, họ cũng đã được cảm nhận thế nào là tình yêu, là hạnh phúc.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn thể hiện trong chính con người của Tràng. Tràng cũng chỉ là một kẻ nghèo khổ, lại ngờ nghệch, xấu xí. Nhưng Tràng lại có tấm lòng lương thiện và trong sáng vô cùng. Tràng thương thị bằng tình thương rất chân thật, có thể nói là theo bản năng. Trước khi đưa thị về nhà, Tràng đã đãi thị một chập bốn bát bánh đúc, dẫn thị đi ăn một bữa no nê rồi mua cho thị cái thúng con con để đựng vài thứ linh tinh. Trong cơn đói khủng khiếp, Tràng vẫn rất hào phóng với thị. Có thể cho rằng tình yêu là mù quáng, nhưng những điều Tràng dành cho thị đều xuất phát từ sự chân thành. Tràng dù có ngây ngô, nhưng Tràng cũng vẫn nhận ra thị gầy gò hơn, xanh xao hơn so với lần trước Tràng gặp. Phải là người có tình thương mới có thể nhận ra được điều đó. Thế nên, Tràng đã chẳng tiếc tiền đãi thị một bữa thật no.
Chưa dừng lại ở đó, giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm còn được thể hiện qua tình thương yêu của người mẹ già đáng kính và đáng thương của Tràng. Một người đàn bà đã gần đất xa trời, đã chứng kiến biết bao nhiêu cơ sự ở đời, đã nhìn thấy được phía trước của các con là những khó khăn thử thách vô cùng lớn. Nhưng rồi bà cũng chậc kệ giống như Tràng. Gạt bỏ hết những nỗi lo lắng, bà cũng cảm thấy mừng lòng vì con mình cuối cùng cũng đã lấy được vợ. Bà hiểu chính vì cái nghèo đã đẩy hai đứa đến với nhau. Lòng bà lão lo toan những điều sắp đến. Bà vừa thương, vừa tủi cho người “con dâu”. Cùng là thân phận phụ nữ, cùng là lấy chồng, nhưng người ta được mai mối, được tổ chức đang hoàng, đằng này, thị theo không Tràng về làm vợ. Giữa cảnh đói thế này, làm sao có thể có được vài ba mâm cơm mời họ hàng, làng xóm? Thôi thì ai cũng hiểu, ai cũng thông cảm. Hơn nữa, giữa lúc đói khát, khổ sở, chắc hẳn cũng chẳng ai nghĩ tới chuyện cưới xin.
Bà cụ nghĩ suy, bà cố giấu nước mắt, những giọt nước mắt của tình thương yêu vô bờ bến.
Nhưng thương con đến mấy, bà cũng đã kiệt sức rồi, chẳng thể làm gì giúp được hai con ngoài việc ủng hộ tinh thần cho các con. Trong bữa cơm ngày đầu tiên có con dâu, bà liên tục gợi ý những phương án làm ăn cho đôi vợ chồng trẻ. Cả gia đình sum họp, quây quần bên nhau thật ấm cúng. Dù rằng bữa cơm ngày đói chỉ có nồi cháo loãng với rổ rau chuối thái rối nhưng ai cũng ăn rất ngon lành. Còn Tràng, chưa bao giờ Tràng lại vâng lời mẹ ngoan ngoãn đến thế. Những thay đổi trong gia đình đều hướng tới một cuộc sống tốt đẹp. Nhà văn đã ngợi ca tinh thần phấn đấu của người nông dân trong lúc bế tắc nhất, khó khăn nhất.
Cháo hết. Không để cho các con hụt hẫng, bà cụ bưng lên một nồi cháo cám. Bà động viên các con rằng đây là chè khoán, trong xóm khối nhà còn không có cháo cám mà ăn. Cảnh đói, cảnh khổ của người nông dân mỗi lúc càng được Kim Lân khắc sâu. Đồng thời ông cũng thể hiện sự thương xót và đồng cảm của mình qua những câu văn chân thành nhất. Miếng cám đắng xít, nghẹn bứ trong cổ. Một nỗi tủi hờn len lỏi trong tâm trí mọi người. Không ai nói với ai câu nào nữa.
Giữa lúc im lặng, tiếng trống giục đóng thuế vang lên. Người mẹ lại buồn rầu lo lắng. Bà băn khoăn, trăn trở không biết các con có vượt qua được tao đoạn này không. Bà lại quay đi, lau nước mắt vì không muốn con dâu nhìn thấy. Nhưng thị lại nghĩ tới cảnh tiếng trống vang lên rầm rộ, ủng hộ mọi người phá kho thóc của Nhật, chia cho dân nghèo. Nhân dân có cái ăn, không còn chết đói chết khát nữa.
Hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới ở cuối tác phẩm chính là dấu hiệu cho một cuộc khởi nghĩa sắp tới. Mọi người sẽ hợp sức nhau đánh tan bọn thực dân tàn ác, bất nhân. Nhân dân sắp thoát khỏi cảnh chết đường chết chợ vì đói. Khi đó, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ sẽ được trọn vẹn hơn, ấm áp hơn.
Như vậy, qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo về cuộc nhặt vợ đầy bi hài và qua những diễn biến tâm trạng của người mẹ già nua giàu tình thương yêu, nhà văn Kim Lân đã mang đến cho người đọc một tác phẩm văn học chứa đựng giá trị nhân đạo rất sâu sắc. Đó là niềm khát khao được yêu, được sống của con người trong hoàn cảnh khó khăn nhất, là tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của những người trong cùng cảnh ngộ. Đồng thời, nhà văn cũng ngầm thúc giục, động viên mọi người hãy can đảm đứng lên để giành lấy sự sống cho chính mình.