Phân tích tấm lòng lương thiện của Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao


Phân tích tấm lòng lương thiện của Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Có thể nói Chí Phèo của Nam Cao là một trong những tác phẩm xuất sắc và chân thực viết về những con người khốn khổ trong xã hội cũ. Họ khổ đến nỗi phải trà đạp lên cả nhân cách và tâm hồn mình mà sống. Như Chí Phèo từng là một anh thanh niên hiền lành, chịu khó nhưng vì lòng người gian ác và xã hội bất công đưa đẩy, anh vào tù ra tội rồi trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhưng may thay, trong khi không một ai còn coi Chí là người thì lại có một Thị Nở xuất hiện, làm thay đổi cả cuộc đời Chí. Xây dựng hình ảnh người phụ nữ nhưng không hiểu là vô tình hay cố ý mà Nam Cao đã dành cho Thị một hình hài xấu xí vô cùng, xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn. Nhưng trong sâu thẳm cái vỏ bọc bên ngoài ấy lại chính là một tấm lòng lương thiện rất cao quý. Cả làng Vũ Đại không ai xấu như thị nhưng cũng không ai tốt bằng thị.

Thị – một người đàn bà ế chồng, dở hơi nhưng tấm lòng thẳng thắn, trong sáng. Thị gặp Chí trong một đêm ngủ quên bên bờ ao. Hai con người cùng khổ quấn lấy nhau trong đêm trăng thanh gió mát. Rồi tự dưng tình yêu cũng đến. Thị lần đầu tiên biết đến một người đàn ông, lần đầu tiên trông thị có duyên đến lạ. Chí cũng vậy, hắn chưa từng được chăm sóc bởi bàn tay một người đàn bà. Ngay cả mẹ, Chí cũng không hề biết là ai thì làm sao biết thế nào là sự săn sóc, là đàn bà.

Thị đến với Chí phần vì dở hơi, không nhận thức được Chí là ai, phần vì nhu cầu sinh lí. Thị cũng đã ba mươi tuổi rồi, chưa từng đụng chạm với bất kỳ người đàn ông nào. Nhưng sau khi thỏa mãn, Thị không vội vã quay đi mà còn có tình cảm với Chí. Trong thứ tình cảm ấy còn có cả tình thương và sự cảm thông, chia sẻ. Bởi nếu không thương, không yêu, thị sẽ không bao giờ nấu được cho Chí một bát cháo hành ngon đến thế. Nếu không yêu, thị sẽ không nghĩ ngợi gì cho sức khỏe của Chí, sẽ mặc kệ Chí dù hắn ôm đau bệnh tật. Nhưng thị không làm vậy, lòng lương thiện đã mách bảo thị hãy săn sóc, yêu thương hắn. Dù hắn có là quỷ dữ đi chăng nữa, nhưng trước mắt thị giờ đây là một anh Chí hiền lành, tử tế. Một người đàn ông thực sự đã tỉnh dậy sau một cơn say dài triền miên. Có thể thị dở hơi, nhưng cũng chính vì dở nên thị không so đo tính toán. Giữa lúc nghèo đói thiếu thốn như vậy, thị vẫn dám “cả gan” nấu cho Chí một bát cháo hành thật ngon. Nếu bà cô ngoa ngoắt của thị mà biết thì thị lại bị ăn một trận chửi té tắt, thậm chí là đòn roi như mưa. Thị biết điều đó chứ, nhưng giờ sức khỏe của Chí quan trọng hơn. Thị còn biết ăn cháo hành sẽ ra mồ hôi, giúp cơ thể đỡ mệt hơn. Mọi người nhìn thị dở hơi, cũng có lẽ thị dở thật. Vậy một người dở hơi làm việc tốt có được coi là lương thiện không? Tất nhiên là có. Vì lòng lương thiện đã ở sẵn trong con người họ, nó bộc phát theo bản năng một cách tự nhiên nhất, chân thành nhất.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến – Bài văn của cô Vân Anh chuyên văn

Tấm lòng lương thiện cao quý ấy đã đánh thức một con quỷ dữ bấy lâu nay thoát khỏi cơn say mê muội kéo dài. Lần đầu tiên Chí tỉnh, Chí cảm nhận mọi thứ xung quanh mình, từ những điều giản dị nhất, mộc mạc đơn sơ nhất, như tiếng mái chèo gõ cá, tiếng người đi chợ nói chuyện lao xao… Lòng lương thiện của thị còn đánh thức cả một khoảng trời ước mơ của Chí. Ước mơ ấy đã tưởng chừng như bị nhấn chìm và nhạt nhòa trong men rượu, nhưng giờ đây, men tình của thị đã làm nó quay trở lại. Chí ước có một gia đình nhỏ, có những đứa con thân yêu, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải thêu thùa. Cả hai chăm lo cho con, cùng sống bình yên và hạnh phúc. Một ước mơ thật đẹp, không cao sang nhưng vô cùng cao quý. Vậy mà sự tàn ác, bất công của xã hội đã cướp mất ước mơ ấy của Chí tự bao giờ. Không phải Chí không có bản lĩnh, mà thế lực của thống trị quá lớn, một mình Chí không thể nào chống lại được. Đã thế, Chí lại còn bị đẩy xuống tận cùng cái đáy của xã hội. Không một ai coi Chí là người. Cho đến bây giờ, chỉ có thị dở hơi mới nhìn nhận Chí, cho Chí những khoảnh khắc yêu đương mặn nồng, cho Chí tỉnh lại giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã. Lòng lương thiện của con người dở hơi ấy đã có sức mạnh bật lại cả những nỗi oán hận nặng nề hằn sâu trong tâm trí Chí. Bởi lúc này, Chí chỉ mong được hoàn lương, được trở lại làm người bình thường. Chí sẽ không uống rượu nữa, không chửi bới nữa. Mọi sự hận thù trong Chí đã được thị xua tan. Vừa là tình yêu mà cũng vừa là tình người đã cứu sống được kẻ đang thoi thóp nơi đáy vực thẳm của tội lỗi quay trở về với bến bờ của thiện lương.

Xem thêm:  Ấn tượng của anh chị về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Không những thế, lòng thương cảm của thị còn là một hồi trống đánh vào tâm khảm tất cả mọi người trong làng Vũ Đại. Nhưng cũng không thể trách họ vô tâm hay ích kỉ được, bởi Chí chính là người đã gây ra những rắc rối trước. Nếu có trách, thì cha con nhà Bá Kiến và các bà vợ của hắn là đáng trách nhất. Chính họ đã làm Chí trở thành con người tàn tạ như bây giờ. Cũng may trong cả cuộc đời dài dằng dặc của Chí đã được một lần yêu, một lần hạnh phúc, một lần quan tâm và sẻ chia. Dù cho tình cảm ấy chẳng trọn vẹn được bao lâu, nhưng “thà huy hoàng một phút rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm”. Không biết, người đàn bà ế chồng, xấu xí, dở hơi ấy có điều gì đặc biệt mà lại gây ra sự ảnh hưởng lớn lao như vậy cho một con người đã trai sạn và trây lì như Chí. Điều kỳ diệu ở người đàn bà ấy chính là lòng lương thiện – điều mà mọi người trong làng Vũ Đại này đều không ai chịu bố thí dù chỉ một ít dành cho Chí. Thị bao dung, rộng lượng, thị là tấm gương cho mọi người noi theo nhưng không ai nhận ra tấm gương ấy. Thị đứng giữa cuộc đời Chí, giữa những hận thù và khổ đau đã xâm lấn tâm hồn trong trẻo ngày nào của Chí.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận

Thị là nét đẹp tự nhiên nhưng cũng đầy éo le giữa trang văn não nề của Nam Cao. Đang yêu thương, đang cảm thông và xót xa cho Chí như một bản năng của lòng lương thiện, thị bỗng chững lại, để về hỏi bà cô của mình đã. Bị bà chửi cho một trận, thị tức giận trút hết giận lên đầu Chí, rồi cự tuyệt Chí. Mặc cho Chí có níu tay giữ lấy thị. Thị không ác, nhưng bị chi phối bởi bà cô không chồng của mình. Lòng lương thiện của thị tuy đã mang đến sự thay đổi lớn cho Chí nhưng giờ đây, chính thị cũng không giữ được mình khi có sự can thiệp của bà cô. Giây phút đau buồn ấy khiến Chí tuyệt vọng. Nỗi tuyệt vọng của một kẻ thất tình đang trào dâng mãnh liệt. Chí đau đớn, mùi cháo hành lại thoang thoảng đâu đây, lẫn với mùi rượu khiến Chí càng uống càng tỉnh. Chí chỉ say tình, say thị mà thôi. Lòng lương thiện thị dành cho Chí trong phút chốc tắt ngấm ngầm. Lại một lần nữa, Chí bị rơi vào vực thẳm của hận thù và khổ đau.

Dù thế nào đi nữa, tấm lòng lương thiện của thị vẫn là một điểm sáng chói giữa làng Vũ Đại. Thị mang đến cho người đọc thông điệp rất ý nghĩa và sâu sắc: làm người hãy biết cảm thông, sẻ chia và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Dù là ai đi nữa, dù là kẻ tội lỗi hay xấu xa, khi nhận được tình thương thật lòng, nhất định sẽ được cảm hóa và cứu vớt. Thị đã góp phần rất lớn vào thành công của Nam Cao khi viết nên tác phẩm này. Mỗi người trong chúng ta hãy sống rộng lương hơn, thứ tha nhiều hơn và yêu thương nhiều hơn nữa tới những cuộc đời dẫu lầm lỡ hay tội lỗi.

Bài viết liên quan