Phân tích và làm rõ chất sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Phân tích và làm rõ chất sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Nguyên Ngọc là nhà văn có duyên với Tây Nguyên. Cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc, Nguyên Ngọc đã gắn bó với mảnh đất hùng vĩ và thiêng liêng này. Hai tác phẩm góp phần làm nên sự nghiệp văn học của ông là Đất nước đứng lên và Rừng xà nu. Trong đó Rừng xà nu được coi là mốc son chói lọi của văn học Việt Nam thời kì chống Mĩ, là bản anh hùng ca về tinh thần quật khởi của đồng bào Tây Nguyên. Rừng xà nu là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của nền văn học ba mươi năm kháng chiến.
“Sử thi” vốn là một thể loại của văn học dân gian. Nhưng khái niệm “Sử thi” mà ta nhấc tới ở đây hoàn toàn không phải một thể loại văn học mà đó là một khuynh hướng sáng tác, một kiểu tư duy mang những nét đặc trưng riêng. Tác phẩm sáng tác theo khuynh hướng sử thi thường viết về những sự kiện mang tính lịch sử, có tính chất toàn dân với cảm húng ca ngợi, ngưỡng mộ, tôn vinh. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là con người của toàn dân, kết tinh nhũng phẩm chất cào quý của cộng đồng. Người đọc sẽ bắt gặp trong những tác phẩm ấy một thứ ngôn ngữ trang trọng, giọng điệu hào sáng và hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cao. Rừng xà nu là truyện ngắn như vậy. Nguyễn Trung Thành đã kết hợp thành công cảm hứng sử thi và bút pháp sử thi một cách điêu luyện, tạo sức hấp dẫn, cuốn hút cho tác phẩm.
Trước hết, chất sử thi của Rừng xà nu được thể hiện ở cách chọn lọc đề tài của Nguyên Ngọc.
Nhà văn đã thông qua cuộc đời của Tnú và cuộc khởi nghĩa của làng Xô Man để khái quát nên tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Cuộc chiến đấu chống lại Mĩ – Ngụy đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhà văn. Đó là một đề tài mang ý nghĩa lịch sử, mang tính chất toàn dân. Bên cạnh đó, cốt truyện của Rừng xà nu cũng đậm màu sắc sử thi. Tác phẩm có hai câu chuyện đan xen lồng ghép: câu chuyện về cuộc đời Tnú và câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Kiểu cốt truyện lồng ghép này tạo nên sức dồn nén khái quát của truyện ngắn. Đồng thời biểu hiện môi quan hệ gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng. Đó là cách khái quát hiện thực những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi.
Không chỉ đề tài, cốt truyện mà cả cách thức trần thuật của Rừng xà nu cũng mang dấu ấn sử thi rõ nét. Câu chuyện được kể trong một đêm bên bếp lửa xà nu bập bùng gợi nhớ tới lối kể “khan” của các dân tộc Tây Nguyên. Hơn nữa, tất cả lại được kể qua lời một già làng – người đã chứng kiến, tham gia vào những biến cô của làng Xô Man vì thế câu chuyện của hiện tại được kể lại như một câu chuyện của quá khứ lịch sử với thái độ ca ngợi, ngưỡng mộ. Nó trang trọng và thiêng liêng với mọi người.
Hình tượng cây xà nu vừa mang tính hiện thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng cũng góp phần tạo nên tính sử thi cho tác phẩm. Cây xà nu giống như một nhân vật tham gia vào đời sống sinh hoạt của làng Xô Man. Nhựa xà nu, khói xà nu, lửa xà nu… cứ theo nhau xuất hiện ngót hai mươi lần trong tác phẩm. Mở đầu truyện ngắn là hình ảnh một rừng xà nu trong tầm đại bác của giặc. Kết thúc cũng là hình ảnh đồi xà nu tít tắp đến tận chân trời. Nguyên Ngọc ấn tượng và say mê với loài cây “hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã, vừa rắn rỏi mênh mông tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau ấy”. Nó là loài cây tiêu biểu cho thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ, có sức sống mãnh liệt, đồng thời cũng mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho con người Tây Nguyên. Trước hết, hình ảnh xà nu tượng trưng cho những đau thương, mất mát, cho Niềm uất hận không nguôi của đồng bào Tây Nguyên “cả rừng xà nu không có cây nào không bị thương”. Ấy là hình ảnh của làng Xô Man khi bị bọn lính của thằng Dặc kéo đến đàn áp. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, làng Xô Man bị khủng bố, hàng bao nhiêu người phải ra đi; bà Nhàn bị chặt đầu, anh Xút bị treo trên cây vả, mẹ con Mai bị tra tấn dã man cho đến chết… Tất cả ứ đọng lại thành một niềm uất hận không nguôi, nó giống như “nhựa xà nu ứ lại, đen đặc chuyển thành từng cục máu lớn”. Nhưng cậy xà nu ấy không bao giờ có thể chết bởi “Cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên”.
Xà nu còn biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của con người trong chiến tranh. Họ không sợ hi sinh, không sợ gian khổ, vẫn bền bỉ tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Cả làng Xô Man không ai khai chỗ ở của cán bộ. Làng Xô Man là một rừng xà nu dào dạt sức sống giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Xà nu không chỉ kiên cường, bất khuất mà còn khao khát tự do: “Trong rừng, ít có loài cây nào ham ánh sáng mặt trời đến thế”. Chúng “phóng lên rất nhanh”, đón lấy thứ ánh nẳng mặt trời từ trong rừng rọi xuống từng luồng thẳng tắp. Cây xà nu ham ánh nắng mặt trời để tôn tại cũng như con người Tây Nguyên phải tìm đến ánh sáng của Đảng mới có thể tồn tại, hạnh phúc. Quy luật của lịch sử thật tương đồng với quy luật của tự nhiên. Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật độc đáo thể hiện sâu sắc chủ để của tác phẩm. Đồng thời bằng ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình, giọng điệu say mê, tha thiết, tự hào, Nguyễn Trung Thành đã tái hiện sống động hình ảnh rừng xà nu, mở ra bối cảnh đậm chất sử thi cho câu chuyện.
Đọc Rừng xà nu, người đọc không thể quên bức tranh tập thể anh hùng cách mạng là sự tiếp nối truyền thống của các thế hệ trong làng Xô Man.
Tập thể anh hùng ấy, mỗi gương mặt đều có những nét riêng, số phận riêng nhưng tất cả đều kiên cường, bất khuất, quả cảm. Cụ Mết là già làng, tiêu biểu cho sức mạnh truyền thống ở hiện tại. “ông là cội nguồn, là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên, còn trường tôn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm nhưng không che lấp đi sự tiếp nối mãnh liệt và ngày càng mạnh mẽ hơn, sành sỏi và tự giác hơn của các thể hệ sau”. Cụ Mết là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Cụ là người chỉ huy trực tiếp cuộc khởi nghĩa, cuộc nổi dậy của làng Xô Man. Mỗi lời nói của cụ không chỉ là sự trải nghiệm của một đời người mà còn là kết tinh chân lí của thời đại “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Cụ Mết là người giáo dục và truyền cho thế hệ sau tinh thần yêu nước, là pho sử sống của làng Xô Man.
Tiếp nối thế hệ trước, Tnú và Mai theo đuổi lí tưởng cách mạng đến cùng. Cuộc đời của họ được lịch sử hóa, tiêu biểu cho số phận, hành trình của người dân đến với cách mạng. Tnú là nhân vật trung tâm của Rừng xà nu. Hình ảnh gây ấn tượng sâu đậm nhất về nhân vật này là đôi bàn tay. Đó là biểu tượng của một con người mạnh mẽ, cá tính, biểu tượng cho khát vọng tự do nhưng nó cũng là hiện thân cho đau thương, mất mát. Tnú bị bọn giặc ác ôn tẩm nhựa xà nu vào dẻ, quấn vào mười ngón tay và đốt. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. “Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”. Nhưng Tnú kiên quyết không kêu van bởi anh tâm niệm “Người Cộng sản không thèm kêu van”. Chảy trong huyết quản anh là dòng máu anh hùng thiêng liêng của con người Tây Nguyên được truyền lại từ Đam Săn, Xinh Nhã. Sức mạnh của anh là sức mạnh của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, cao thượng sức mạnh của dân tộc. Có thể nói cuộc đời của Tnú tiêu biểu cho các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại cách mạng,
phẩm chất của Tnú chính là phẩm chất của con người làng Xô Man: bất khuất quả cảm, gan góc.
Còn Dít và Heng? Những đứa trẻ ấy trưởng thành rất nhanh chóng. Dít đã trở thành chính trị viên xã đội. Ngay từ nhỏ, cô chính trị viên ấy đã rất gan góc. Bị bọn giặc khủng bố tinh thần, ban đạn tôm xông, cày đất xung quanh chân Dít nhưng cô bé vẫn thản nhiên, nhìn bọn giặc bằng cặp mắt bình thản lạ lùng. Chị Mai bị giết hại dã man, cả làng Xô Man ai cũng khóc, chỉ có Dít là chống, hai mắt ráo hoảnh, nuốt hận vào trong, vẫn cá tính ay, Dít lớn lên và được mọi người tin yêu, tích cực tham gia cách mạng. Còn Heng, đó là thế hệ măng non luôn háo hức tham gia cách mạng. Nó khoác trên mình bộ quần áo của người lính giải phóng. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, lớp mảng non ấy sẽ tiếp nối thế hệ cha anh. Dù là nhân vật phụ nhưng nếu khong có Heng, bức tranh tập thể anh hùng của làng Xô Man sẽ không hoàn chỉnh.
Chất sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành còn thể hiện ở ngôn ngữ và giọng điệu. Miêu tả cánh rừng xà nu đại ngàn, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình “Chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt”. Hơn nữa, nha văn đa sử dụng biện pháp cường điệu, phóng đại – một biện pháp nghệ thuật truyền thống của sử thi “Cứ thể, hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”. Bên cạnh đó, giọng điệu sử thi được biểu hiện rất phong phú trong Rừng xà nu. Ở suốt chiều dài tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đa sử dụng thành công giọng điệu ngợi ca, thành kính thể hiện thái độ ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của con người Việt Nam thời chống Mĩ. Không chỉ vậy, khi miêu tả thế hệ người Việt Nam vùng lên đấu tranh, Rừng xà nu mang giọng điệu hào hùng. Cho nên giọng trần thuật mang màu sắc sử thi đã tái hiện thành công không khí của những ngày đồng khởi trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Như vậy, ra đời trong bổi cảnh của cuộc kháng chiến chống Mĩ quyết liệt, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành mang dáng dấp của một thiên anh hùng ca. Nhà văn đã đưa không khí sử thi vào truyện, nối kết được câu chuyện với những pho sử thi trong quá khứ. Chất sử thi trong Rừng xà nu vừa thể hiện được phong cách nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành, vừa cho thấy một khuynh hướng nổi bật của nền văn học kháng chiến. Chất sử thi trong tác phẩm là kết quả tất yếu của một nền văn học tự gắn bó số phận của nó với vận mệnh của dân tộc. Bởi thế văn học 1945-1975 không chỉ tái hiện vẻ đẹp tinh thần của con người Việt Nam trong chiến tranh mà còn xứng đáng là nền văn học đi đầu trong sự nghiệp chống Đế quốc của nhân loại tiến bộ ở thế kỉ XX.
Sau nhiều năm nhìn lại, Nguyễn Trung Thành – tác giả của Rừng xà nu đã nói “Ngày ấy tôi đã viết được một quyển sách giản dị, trong sáng và đẹp”. Phải chăng vẻ đẹp ấy trước hết nằm ở chất sử thi mà nhà văn đã tạo nên.