Sức mạnh nào giúp con người bớt đi những lo âu, sợ hãi và đau khổ? – Văn mẫu lớp 12
Sức mạnh nào giúp con người bớt đi những lo âu, sợ hãi và đau khổ? – Bài số 1
Lo âu, sợ hãi và đau khổ không thế giúp chúng ta tìm ra được những giải pháp lâu dài cho các vấn đề của mình.
Lo âu, sợ hãi và đau khổ không thế giúp chúng ta tìm ra được những giải pháp lâu dài cho các vấn đề của mình. Nếu ta có sức mạnh để đáp ứng một tình huống với thái độ bình tĩnh và thoải mái, thì chúng sẽ không thành vấn đề nữa.
Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta loại bỏ những tư tưởng và cảm xúc đó? Làm sao chúng ta có thể duy trì được những cảm xúc tích cực, khi có quá nhiều chuyện sai trái xảy ra với thế giới này và với chính bản thân chúng ta. Nếu chúng ta yếu ớt, những cảm xúc đó sẽ ngự trị trong tâm chúng ta. Nhìn vào nguồn gốc mà nói, mỗi chúng ta đều mạnh mẽ một cách tự nhiên. Sức mạnh trong bối cảnh nội tâm đó, có ý nghĩa giống như người Pháp nói “Joie de vivre”. Nghĩa là niềm vui của sự sống. Nó có ý nghĩa là có dự trữ đầy đủ về năng lượng, tư duy và cảm xức tích cực, biết làm thế nào để sử dụng và duy trì những kho dự trữ đó có một cách có hiệu quả, và bổ sung chúng từ nguồn nội tâm. Trong trạng thái mạnh mẽ như thế, chúng ta cảm nhận có tình thương đối với bản thân, đối với người khác và đối với cuộc sống.
Khi bạn bắt đầu tư duy tích cực, cũng là lúc bạn bắt đầu tích lũy sức mạnh. Lòng tự tin và tính hiệu quả của bạn tăng lên. Nếu bạn để cho tư tưởng tiêu cực xuất hiện, thì tình hình giống như cái bình tâm hồn có một lỗ hổng đang khoét rộng. Cảm xúc tiêu cực cũng khiến bạn bị tổn thất. Bạn không thể cùng một lúc vừa tiêu cực, vừa tích cực. Nếu bạn bị sa lầy vào những tư tưởng nghi ngờ và phê phán, đối với bản thân hay đối với người khác, bạn sẽ bị cạn kiệt hết sức mạnh ở trong con người bạn. Những tư tưởng và cảm xúc như vậy khiến bạn bối rối, mê mờ rồi có thể bị chán nản. Bạn sẽ mất ý niệm về điều hình như bạn đang làm, và làm như thế nào. Bạn có cảm giác mình là một người khác xa lạ trong thế giới này, không bạn bè, không mục đích. Thế nhưng, khi bạn nhận ra và tự hỏi: “Suy nghĩ và cảm xúc ấy ảnh hưởng như thế nào đến tôi, đến thái độ của tôi, cách nhìn của tôi đối với những người khác? Suy nghĩ và cảm xúc ấy đang hủy hoại tôi?”. Đó có thể là một nhận thức đau đớn, những kinh nghiệm cho thấy đó là bước thứ nhất tiến tới gây dựng lại sức mạnh. Bạn cảm nhận là bạn phải nâng cao mình lên, không những vượt qua lên trên những tư tưởng tiêu cực, mà cả những tư tưởng tầm thường và vô ích nữa. Vì những tư tưởng như thế làm khuấy đảo sự bình tĩnh nội tại của bạn, mà sự bình tĩnh nội tại là cần thiết để bạn có thể thu hút năng lượng và tích lũy sức mạnh.
Khi mặt nước hồ bị khuấy động, nó không phản chiếu được đồi núi hay bầu trời bao quanh. Nếu gắng nhìn vào đấy, bạn sẽ không thể thấy gì ngoài sóng và những nếp lăn tăn và mặt nước hình như tối mò. Nhưng khi mặt nước yên lặng, bạn có thể nhìn thấy đáy sâu cúa nó, và chỉ cần chuyển nhẹ tầm nhìn, bạn còn thấy được cả cái đẹp phản chiếu từ cảnh vật xung quanh. Cái ta cũng vậy. Trước khi bạn có thể mở rộng tình thương, hay phát triển sự quan tâm sâu sắc đối với cái ta nội tại, thì bạn cần xem xét ý nghĩ của bạn. Bạn phải làm cho những tư tưởng đó trở nên bình tĩnh và trong sáng, dù chỉ là tạm thời.
Tư tưởng và cảm xúc cùa bạn cần phải thanh tịnh, trong sáng. Muốn được thế, cần phải tự tách mình khỏi những giận hờn và va chạm quá khứ, ít nhất là trong một khoảng thời gian đủ cho ngọn đèn được thắp sáng. Những lo âu và ham muốn về tương lai cũng phải đặt sang một bên. Cũng như vậy, một cách có ý thức, bạn hãy thôi không nghĩ tới người khác trong một thời gian. So bì, ganh tị và phê phán tạo ra những cơn bão táp cảm xúc gây khó khăn cho việc thắp sáng ngọn đèn. Trái lại, hãy nhớ kĩ giá trị của sự bình lặng, tự chủ, để hướng đến hiện tại, bỏ qua mọi xung đột và rối loạn mê mờ.
Ý nghĩa và cảm xúc tích cực như sự bình tĩnh, hạnh phúc, sự chịu dựng và lòng mến chính là nguồn nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn.
Sức mạnh nào giúp con người bớt đi những lo âu, sợ hãi và đau khổ? – Bài số 2
Nhiều người trong chúng ta khao khát có được một địa vị cao trong xã hội bởi vì chúng ta sợ phải là một kẻ vô danh tiểu tốt. Xã hội chi phối bởi vật chất đã cổ suý và quá coi trọng những người có địa vị cao, giàu có… Do vậy, ai cũng thầm mong có một chiếc “ghế” nào đó trong xã hội và muốn được mọi người tôn trọng. Khi đã phấn đấu để có cái “ghế” đó rồi thì họ tìm mọi cách để giữ cho bằng được, họ rất sợ phải mất nó vào tay kẻ khác. Và chính cái “ghế danh lợi” đó làm người ta phải tranh đấu và lo sợ suốt bao năm tháng. Để bảo vệ nó người ta phải dùng đến nhiều biện pháp khác nhau kể cả phải cầu khẩn đến sự phò trợ giúp đỡ của thầy cúng, phong thủy, thần thánh v.v… Bằng chứng là họ phải chọn hướng theo mấy ông thầy, họ tới đền phủ như đền Trần để xin “Ấn” làm thứ bùa hộ mệnh cho mình. Nhiều người hàng năm tìm tới đây để nhằm mưu cầu sự “phù hộ” cho con đường thăng quan tiến chức của mình. Họ cho rằng sự anh linh của một triều đại hào hùng trong quá khứ sẽ giúp cho họ đạt được những mong cầu cá nhân trong xã hội hiện tại. Đó thực sự là mê lầm, ảo tưởng và si muội!
Do ảnh hưởng của tâm lý đám đông cùng quan niệm lệch lạc đã tạo ra một loại “bệnh tưởng”, nó lây thành một “đại dịch” lan rộng trong xã hội và người ta không xin nữa mà đi tranh, đi cướp, mua bán “Ấn” để có thứ bảo hộ tâm linh, để cảm thấy an tâm hơn. Vì sao? Vì trong sâu xa họ sợ, họ thiếu niềm tin vào chính mình nên cần đến sự giúp đỡ của thần linh, tha lực, nó chính là hệ quả tất yếu được sinh ra từ sợ hãi và sợ hãi là con đẻ của vô minh. Khi còn vô minh ta còn tà kiến, si mê và sợ hãi, và còn sợ hãi thì còn niềm tin mù quáng vào những điều huyễn hoặc, còn bám víu vào những quan niệm, định kiến nhằm thỏa mãn những ảo tưởng được bản ngã dựng lên.
Không chỉ đến đền miếu để tìm kiếm sự “giúp đỡ”, rất nhiều người còn đến chùa với cả đống lễ vật để cúng tế, van vái và cầu xin. Họ không hề biết rằng đó chỉ là hình thức tín ngưỡng thể hiện bản chất mê tín, nó xa rời những điều được dạy trong chánh pháp của đức Phật Thích Ca là trí tuệ và từ bi. Nhiều người tới chùa trong lòng đầy ắp mong cầu, tham lam, sân hận và si mê, họ đốt một bó nhang thật lớn, nhét tiền vào bất kỳ chỗ nào hoặc rải khắp nơi mà không biết để làm gì?! Họ thực sự không hiểu biết đầy đủ về đạo Phật nên hành động với tâm thế của một kẻ sợ hãi đang đi kiếm tìm người “bảo kê” cho mình. Họ “hối lộ” ông Phật để mong được bình an, mong được làm ăn phát tài, phát lộc…
Trong cuộc sống hôm nay, rất nhiều người tìm cách trốn chạy những nỗi sợ hãi của mình trong đời sống. Họ trốn chạy bằng cách đi tìm những cảm giác trong thế giới ảo, trong rượu bia, ma túy… Sợ hãi làm nhiều người co rúm lại và không bao giờ dám thay đổi suy nghĩ, thay đổi nhận thức và tất yếu họ chấp nhận mình trong thói đạo đức giả để vừa lòng xã hội, vừa lòng mình. Thế giới thật đầy rẫy lo âu và sợ hãi thì thế giới ảo cũng không kém. Tuổi trẻ trong thời đại của khoa học công nghệ không còn được gần gũi với thiên nhiên, không được sống trong một bầu không khí trong lành của tự nhiên vĩ đại. Họ chôn vùi cuộc đời mình vào những thú vui trên mạng xã hội ảo, vào những trò chơi nhằm khỏa lấp đi nỗi sợ hãi và tự giết chết những hạt giống “trí tuệ” nơi mình.
Hầu hết chúng ta đều sợ mình bị lừa dối nhưng thử nghĩ xem có khi nào vì sợ hãi và hèn nhát mà chính ta không dám nói ra sự thật. Chắc chắn trong đời sống chúng ta không ít lần làm như vậy. Chúng ta có thể bao biện rằng sự dối trá đó không gây ảnh hưởng tới ai, nếu nói ra sự thật có thể làm đổ vỡ hoặc mất mát nhiều thứ. Như vậy, ẩn đằng sau sự thật hoặc sự dối lừa vẫn là nỗi sợ hãi bao trùm, ta sợ cái lâu đài xây trên cát sẽ bị sóng cuốn trôi.
Con người được sinh ra, cái thân xác luôn biến đổi từng giây phút sẽ bị mất đi cái vẻ đẹp, sự trẻ trung được ưa thích. Sự già đi là quá trình tất yếu và chẳng có cách nào ngăn nó dừng lại. Trên thực tế có một số người quá trình lão hóa đó diễn ra khá chậm chạp nên thường được ngưỡng mộ và cũng làm họ chết dính với những ảo tưởng về thân xác của mình. Có nhiều người thấy mình già đi quá nhanh thì tìm cách điều chỉnh, ngăn chặn như uống thuốc, thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, “bơm vá” v.v… Tất cả những điều đó chỉ nó lên rằng họ đang sợ hãi, họ lo mất đi sự ngưỡng mộ, mất đi tình yêu của người đời, họ muốn có được sự khen nịnh từ những người khác. Tuy nhiên, tất cả sẽ phải chấm dứt vào một ngày đẹp trời nào đó!
Khi cơ thể già đi kéo theo sự suy giảm về sức khỏe và bệnh tật liên miên. Đây cũng là một trong những điều đáng sợ nhất của con người vì không có sức khỏe thì họ chẳng thể làm gì cho mình và cho đời. Nhưng cũng vì có quá nhiều lo âu và sợ hãi nên chính ta đã làm trầm trọng thêm bệnh tật khi luôn sống trong tình trạng tâm lý căng thẳng kéo dài. Chúng ta thường chỉ biết sợ sự già nua, bệnh hoạn nhưng “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là cái quy luật tất yếu của đời sống mà ta chẳng làm gì để trốn tránh nó được. Sợ hoặc không sợ cũng chẳng giúp cái tiến trình đó ngừng lại. Khi ta bệnh tật và đau đớn thì bác sĩ cùng với thuốc men hoặc phương tiện nào đó có thể giúp ta tạm thời bớt đau nhưng cái đau, nỗi sợ hãi sẽ luôn tái diễn và không ai có thể giúp ta chấm dứt nguyên nhân của sự đau đớn và sợ hãi ngoại trừ bản thân mỗi người chúng ta, chính chúng ta mới có thể đoạn trừ nguồn gốc của sự đau đớn, lo âu và sợ hãi. Đoạn trừ bằng cách nào, theo quý vị?
Liệu có ai không sợ khi tử thần đến mời mình đi? Ta thực sự không biết lúc nào ông ta đến nhưng có lẽ mỗi người đều bị ám ảnh với nỗi sợ hãi khi đối diện thần chết. Sợ chết là sợ mình không giữ được cái sống. Tuy nhiên, ta hãy nhớ lại xem có lúc nào mình không sống không? Rất nhiều giây phút trong cuộc đời chúng ta không thực sự sống hoặc thậm chí chưa bao giờ sống! Chúng ta vẫn luôn mặc định cho rằng mình đang sống giữa cuộc đời trên trái đất xinh đẹp này nhưng thực ra chỉ là sự “tồn tại vật vờ”, ngắn ngủi của cái thân xác vật lý đầy tham muốn dục lạc mà “cái biết” không hề hiện hữu. Ta vật vờ với những hình ảnh phóng chiếu trong ký ức từ quá khứ và tưởng tượng phóng tới tương lai, ta chưa một lần thấy được cái “đang là” trong thực tại không có sự phân chia.
Thân xác vật lý của chúng ta được sinh ra do duyên nghiệp và cái chết đến với “nó” là tất yếu. Ta sợ cái chết do không muốn mất đi những khoái lạc của cuộc sống, không muốn mất đi những thứ mà ta đã khổ công xây dựng, đeo đuổi như công danh, địa vị, tiền bạc… Có nhiều người trong chúng ta bị cái chết ám ảnh đến độ hễ nghe đến từ “chết” là nổi da gà, hồn xiêu phách lạc. Sở dĩ ta sợ chết là vì người ta còn chấp thủ, còn luyến ái, còn dính mắc vào cái thân xác cũng như không muốn nếm mùi khổ đau do sự quằn quại thân xác trong giờ phút lâm chung. Càng dính mắc, càng luyến ái ta càng khổ đau và dễ dàng kẹt vào cảnh giới xấu với “thần thức” đầy vọng tưởng và sân hận.
Chúng ta lo lắng và sợ hãi do chính quá trình tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm từ cuộc sống, do những tác động của điều kiện và hoàn cảnh sinh hoạt mà ở đó tạo ra các phản ứng khó chịu, khiến người ta cảm thấy bất an và sự tiếp xúc dần dần với điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt đó cũng là nhân tố gây nên sự sợ hãi. Những đối tượng, hoàn cảnh chúng ta tiếp xúc hàng ngày, tất cả những tác nhân bên ngoài tác động, ảnh hưởng đến chúng ta đều để lại dấu ấn trong tâm thức của mình. Nói cụ thể hơn là chúng được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta, những thứ được lưu giữ trong tàng thức này sẽ tồn tại khá lâu, có thể là vài năm, và chục năm, thậm chí là vài trăm năm, hoặc kéo dài từ đời này sang đời khác, và chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chúng ta.
Dấu ấn càng sâu đậm thì sự lưu trữ càng lâu dài và càng khó bị phai mờ trong tâm thức của chúng ta. Điều này giúp cho chúng ta hiểu được tại sao những sang chấn tâm lý, những tổn thương tinh thần có thể hình thành nên sự sợ hãi và chúng ám ảnh chúng ta mãi. Tại vì những sang chấn, tổn thương ấy đã tạo ra dấu ấn trong tâm thức của chúng ta, và chúng được lưu trữ trong tàng thức, khi gặp cảnh thì những dữ kiện được lưu trữ ấy sống dậy, toàn bộ những gì đã diễn ra liên quan đến sự sang chấn, tổn thương trước đó được tái hiện lại trong tâm trí chúng ta như là một bộ phim quay chậm lại, và chúng tác động lên tư duy, hành động của chúng ta, khiến chúng ta sợ hãi cũng như tìm cách tránh né.
Để có thể thấu hiểu về sự sợ hãi ta cần phải tìm hiểu về nó bằng nhiều phương cách khác nhau. Ta phải đi vào nơi sâu thẳm nhất của nó vì sợ hãi không phải chỉ là một vấn đề hời hợt ở bề ngoài của suy tư. Ta cũng có thể có nhiều cách để trốn tránh sự sợ hãi nhưng nếu ta trốn tránh, bỏ chạy, sự sợ hãi sẽ mãi mãi theo chân chúng ta. Đừng tìm cách chạy trốn, hãy quan sát, nhìn ngắm một cách trực tiếp để cảm nhận chính sự kiện sự lo âu và sợ hãi đang diễn ra nơi tâm mình. Một lúc nào đó có thể phát hiện ra rằng chúng ta lo âu và sợ hãi vì luôn lựa chọn lấy bỏ; chúng ta luôn mong muốn sự an lạc, hạnh phúc cho chính chúng ta, cho những người chúng ta yêu thương. Mong muốn an lạc, hạnh phúc là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và bình thường của mỗi người nhưng trong một thế giới luôn luôn biến động và bất toàn mà ta chỉ chọn cái an lạc, không chọn cái biến động, cái khổ đau thì ta phải lo âu và sợ hãi là điều hiển nhiên.
Nỗi lo âu và sợ hãi luôn thường trực nơi tâm thức và đồng hành với đời sống, tất cả chỉ có thể chấm dứt khi ta thấy ra toàn bộ “sự thật” về mình, về sự vận hành của đời sống và chấm dứt vô minh. Ta phải trực diện với nỗi niềm hoàn toàn trống vắng, cô đơn, hiu quạnh trong nội tâm, và không tự cho phép mình trốn tránh sự thực. Điều đặc biệt được gọi là sự “cô độc” đó chính là cốt tủy của “Bản ngã”, với tất cả mánh lới, sự xảo trá, đảo điên và mạng lưới của nó, khiến cho tâm trí bị mắc vào bẫy. Chỉ khi nào cái tâm có khả năng vượt qua được sự cô đơn, hiu quạnh tối hậu ấy thì mới có tự do, sự tự do tuyệt đối giúp giải phóng hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi. Và chỉ khi đó ta mới tự thấy được thế nào là thực tại, là cái sức sống vô lượng, vô biên, vô thủy, vô chung.
Lo âu và sợ hãi là cũng điều bình thường trong cuộc sống con người. Không ai thoát khỏi tình trạng bất hạnh này của tinh thần chừng nào còn ở trong cuộc sống thế tục. Tuy nhiên, sợ hãi cũng mang lại những lợi ích cho chúng ta trong bước đầu của quá trình thay đổi nhận thức và hành vi, nó giúp ta chuyển hoá khi biết sợ những điều bất thiện như: Sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, uống rượu và các chất gây nghiện, sợ gieo nhân bất thiện, sợ không thấy ra được ý nghĩa của cuộc đời này, sợ không học gì từ cuộc sống, sợ sự tham lam, sân hận và si mê, sợ sự đố kỵ, cố chấp, sợ không biết về cái không biết (vô minh) của mình v.v…
Tuy nhiên, khi bước lên mức độ cao hơn của nhận thức và trí tuệ thì ta có thể sẽ đủ “nội lực” để đón nhận tất cả mà không còn bị kẹt vào cái sợ hoặc không sợ. Nó chỉ là những diễn biến của tâm khi ta ở vào hoàn cảnh nào đó. Chúng ta đừng vì sợ hãi mà không dám khám phá đời sống, khám phá chính mình. Nếu ta thực sự có “ước nguyện” tìm hiểu một cách chân thành thì ngay nơi mình đã là một thế giới có đầy đủ tất cả, chỉ cần ta mạnh dạn bước vào, lặng lẽ ngắm nhìn và cùng trôi chảy theo sự vận hành của đời sống tự nhiên. Đến một lúc nào đó ta có thể chợt nhận ra rằng cái gì đến vì nó phải đến, cái gì đi hãy để nó đi một cách tuỳ nghi. Chỉ khi đó ta mới thực sự được giải thoát.
Vũ Hường tổng hợp