Anh chị suy nghĩ gì về câu chuyện ngụ ngôn về ngọn nến bài văn của Việt Trinh chuyên văn
Anh chị suy nghĩ gì về câu chuyện ngụ ngôn về ngọn nến bài văn của Việt Trinh chuyên văn
Hướng dẫn
Câu chuyện ngụ ngôn về Ngọn nến gửi gắm đến người đọc những bài học ý nghĩa về sự ích kỉ, tự mãn, qua đó răn dạy con người về thái độ sống, cách làm người trong cuộc sống. Hãy dựa vào những hiểu biết của mình sau khi học xong câu chuyện Ngọn nến, anh chị hãy trình bàysuy nghĩ của mình về truyện ngụ ngôn Ngọn nến.
I. Dàn ý chi tiết cho đề suy nghĩ về truyện ngụ ngôn Ngọn nến
1. Mở bài cho đề suy nghĩ về truyện ngụ ngôn Ngọn nến
Bài học về sự ích kỉ, tự mãn của số Không cũng khiến tôi nhớ về câu chuyện ngụ ngôn “Ngọn nến”.
2. Thân bài cho đề suy nghĩ về truyện ngụ ngôn Ngọn nến
– Câu chuyện kể về một cây nến tỏa sáng lung linh khi bỗng dưng mất điện.
– Sau đó nến mượn cơn gió nhẹ tắt phụt ngọn lửa đi–> Thế nhưng mọi người lại tìm thấy một ngọn đèn dầu thay thế–> Nến hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù là ánh lửa nhỏ.
– Câu chuyện kể về ngọn nến nhưng cũng mang lại bài học nhân sinh cho con người:
+ Khi được “cháy” chính là lúc con người được tỏa sáng, khi ngọn nến “tàn” cũng là lúc con người phải hi sinh bản thân mình.
+ Đó cũng được coi là một sự “trả giá” cho việc được tỏa sáng.
– Câu chuyện về ngọn nến mang đến những suy ngẫm, nhìn nhận lại về thói sống ích kỉ của con người: chỉ muốn được tỏa sáng mà không muốn phải hi sinh.
– “Thói ích kỉ” được hiểu là lối sống thực dụng, vụ lợi, đặt quyền lợi, địa vị của bản thân lên trên hết, mà không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác
– Con người sống trong đời, ai cũng đều có nhu cầu được khẳng định sự tồn tại của bản thân, dù là theo cách này hay cách khác.
– Nhưng khẳng định bản thân không đồng nghĩa với ích kỉ, vị kỉ.
– Sự tự mãn, ích kỉ sẽ giết chết chính mình. Nó khiến cho bản thân chúng ta luôn trong trạng thái phải suy nghĩ, luôn bị áp lực về mặt tinh thần rằng làm thế nào để bản thân được tỏa sáng.
– Mọi người cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào con người cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho mọi người.
3. Kết bài cho đề suy nghĩ về truyện ngụ ngôn Ngọn nến
Xung quanh chúng ta còn biết bao người biết hi sinh, biết cống hiến thầm lặng vì sự nghiệp chung, đó mới là những người đáng được trân quý. Sẽ thật đẹp, nếu con người biết sống vì nhau!
II. Bài tham khảo cho đề suy nghĩ về truyện ngụ ngôn Ngọn nến
Nhờ rất nhiều số 0 đi theo mà số 1 trở thành khổng lồ. Thành khổng lồ, những số 0 vinh dự và tự hào lắm, đi đâu cũng kể lể, vỗ ngực rằng: “Ta là khổng lồ”, nhưng chúng quên mất rằng, nếu mất đi số Một thì chúng thậm chí còn trở nên vô nghĩa. Bài học về sự ích kỉ,tự mãn của số Không cũng khiến tôi nhớ về câu chuyện ngụ ngôn “Ngọn nến”.
Câu chuyện kể về một cây nến tỏa sáng lung linh khi bỗng dưng mất điện. Nến thấy hân hoan khi mọi người trầm trồ: “May quá nếu không có cây nến thì chúng ta sẽ không thấy gì mất”. Thế rồi sáp nến chảy ra, nến ngắn dần. Nến thầm nghĩ tại sao mình phải thiệt thòi như vậy. Sau đó nến mượn cơn gió nhẹ tắt phụt ngọn lửa đi. Thế nhưng mọi người lại tìm thấy một ngọn đèn dầu thay thế. Và cây nến bị vứt vào trong ngăn kéo không ai nhớ đến nó nữa. Nến hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù là ánh lửa nhỏ. Bởi vì nó là ngọn nến.
Câu chuyện kể về ngọn nến nhưng cũng mang lại bài học nhân sinh cho con người. Ngọn nến hay ngọn đèn dầu cũng đều là ẩn dụ cho mỗi con người trong xã hội, khi được “cháy” chính là lúc con người được tỏa sáng, khi ngọn nến “tàn” cũng là lúc con người phải hi sinh bản thân mình; đó cũng được coi là một sự “trả giá” cho việc được tỏa sáng. Từ câu chuyện về ngọn nến khiến chúng ta suy ngẫm, nhìn nhận lại về thói sống ích kỉ của con người: chỉ muốn được tỏa sáng mà không muốn phải hi sinh. Và khi ngọn nến bị rơi vào quên lãng rồi, cả ngọn nến, cả con người mới rút ra được bài học quý báu rằng: hạnh phúc chính là được cống hiến theo khả năng vốn có của bản thân mình. Với ý nghĩa đó, câu chuyện đã phê phán thói sống ích kỉ của con người.
“Thói ích kỉ” được hiểu là lối sống thực dụng, vụ lợi, đặt quyền lợi, địa vị của bản thân lên trên hết, mà không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác. Những người nhiễm “thói ích kỷ” nhất định thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh. Họ sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, hoặc thậm chí là gây tổn hại cho người khác.
Xét đến cùng, con người sống trong đời, ai cũng đều có nhu cầu được khẳng định sự tồn tại của bản thân, dù là theo cách này hay cách khác. Thuở còn nhở, chơi trò chơi với mấy bạn cùng xóm, ai trong chúng ta cũng muốn giành phần thắng, dù thắng hay thua cũng chả được thưởng phạt gì cả, nhưng chiến thắng có nghĩa là được ghi nhận, chỉ cần thắng là được. Khi lớn lên đi học, tâm lí bất cứ ai cũng muốn học tốt hơn, điểm cao hơn, mục đích cũng chính là để khẳng định mình. Hay thậm chí nhiều bạn học kém, sa đà điện tử, xét đến cùng cũng là bởi trong môi trường học tập bạn vốn không được ghi nhận nên khao khát được trở thành kẻ chiến thắng, thành thủ lĩnh ở một môi trường khác, không gian khác mà thôi. Thậm chí cả việc “lánh đời”, trở thành “ẩn sĩ” của các nhà Nho xưa cũng là một cách để khẳng định mình đấy thôi. Khẳng định rằng ta khác đời, không níu kéo, bon chen.
Như vậy, việc khẳng định sự tồn tại của bản thân là một nhu cầu vốn có của con người. Nhưng khẳng định bản thân không đồng nghĩa với ích kỉ, vị kỉ. Bạn cố gắng để đạt điểm cao trong học tập là một điều tốt. Nhưng nếu bạn không chịu chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình, không giúp đỡ những bạn học yếu hơn khi họ cần, đấy lại là ích kỉ. Bạn trở thành nhà khoa học, có nhiều phát kiến vĩ đại, nhưng nếu những phát kiến ấy không được chia sẻ, nhân rộng trong nhân loại, thì phát kiến vĩ đại đến mấy cũng là vô nghĩa.
Sự tự mãn, ích kỉ sẽ giết chết chính mình. Nó khiến cho bản thân chúng ta luôn trong trạng thái phải suy nghĩ, luôn bị áp lực về mặt tinh thần rằng làm thế nào để bản thân được tỏa sáng, và làm thế nào để những người xung quanh phải thán phục, phải “kiêng nể” mình mà mình lại không phải chịu mất mát, hi sinh. Ý nghĩ tốt đẹp sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ, còn những ý nghĩ vị kỉ sẽ luôn khiến chúng ta mỏi mệt, cô độc. Gặp bài toán khó, bạn không dám chia sẻ với người bên cạnh vì sợ họ sẽ tìm ra được lời giải cùng mình, bạn mất vị trí độc tôn, nhưng suy nghĩ một mình chắc chắn sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn gấp bội. Thấy người khác gặp khó khăn, bạn không giúp đỡ vì sợ giúp đỡ họ xong cũng chẳng ai ghi nhận cho mình, giúp đỡ với bạn cũng là vô nghĩa; nhưng bạn có chắc mình sẽ được thanh thản trong tâm hồn?
Sự ích kỉ còn kéo theo một hệ quả đáng sợ khác, đó chính là sự cô lập của mọi người xung quanh dành cho chúng ta. Bạn tài đến mấy, nhưng khi bạn ích kỉ, chắc chắn sẽ chẳng ai có thể ở bên bạn được. Muốn nhà mình sạch, nhưng không chịu vứt rác, dọn dẹp xong lại dồn rác sang cổng nhà hàng xóm, lối sống ích kỉ ấy chắc chắn sẽ khiến bạn mất đi hàng xóm, mất đi sự quý trọng của cả thôn xóm mà bạn đang sinh sống. Bạn học giỏi, nhưng không giúp đỡ bạn bè, sự tài giỏi của bạn cũng không được bạn bè ghi nhận và quý trọng. Bạn có vị thế trong xã hội nhưng nếu vị thế ấy không được dùng để làm việc phục vụ cho lợi ích tập thể thì sớm muộn gì, vị thế ấy của bạn cũng sẽ mất. Lần đầu tiên trong lịch sử, một bị cáo lại được cả luật sư, cả người bị hại và công luận bảo vệ đến cùng, đó là vụ ấn của bác sĩ Hoàng Công Lương. Vốn dĩ, anh được bảo vệ như vậy, cũng bởi vì, cho đến phút cuối cùng, những điều anh được nói vẫn là vì ân hận đã không cứu hết được bệnh nhân, cũng là vì niềm tin của những người làm nghề. Chính sự vị tha, tấm lòng nhân hậu của anh, mới là điều đáng quý để tất cả mọi người muốn dốc sức bảo vệ cho anh. Chắc chắn anh sẽ được tuyên trắng án, ít nhất là trắng án trong toà án lương tâm con người.
Như vậy, lối sống ích kỉ là một lối sống không lành mạnh. Tất nhiên, “thói ích kỉ” không thuộc về bản chất ban sơ của chúng ta, và “hi sinh” cũng không là bản tính của ta. Chúng chỉ là những phẩm chất khả dĩ mà ta tiếp thu và bộc lộ trong quá trình sống. Bên trong một người ích kỉ – nếu chưa đi đến lãnh cảm – thường khởi lên những “tiếng nói nội tâm” khi anh ta làm điều gì đó trái với bản tính của mình. Và “tiếng nói” ấy rất nhỏ bé, tinh tế. Anh ta có thể đối diện với nó hoặc phớt lờ nó. Và dù anh ta có nhận ra hay không thì nó vẫn có đó. Nắm bắt được “tiếng nói nội tâm” là dần bắt đầu sống thuận với bản chất của mình. Sống thuận với bản chất của mình thì những phẩm chất đẹp đẽ trong ta cũng tự nhiên hiển lộ.
Mọi người cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào con người cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho mọi người. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.
Tôi lại nhớ câu chuyện về bài học mà bác tài xế dành cho người mẹ dắt con trên cầu xin đi nhờ xe, trông chờ đồng tiền thương cảm của mọi người mà đến mấy năm trời vẫn chưa về được đến nhà. Không phải vì chị không về được, mà là bởi chị ích kỉ, quên đi thiên chức của chính mình, quên đi bản thân là một người còn trẻ khỏe, lại lợi dụng đứa trẻ – là chính con gái của mình để lừa dối lòng thương của mọi người. Tôi tin, trong xã hội này, số người như chị không nhiều. Xung quanh chúng ta còn biết bao người biết hi sinh, biết cống hiến thầm lặng vì sự nghiệp chung, đó mới là những người đáng được trân quý. Sẽ thật đẹp, nếu con người biết sống vì nhau!
Theo Nhungbaivanhay.vn