Bình bài ca người thợ mộc


Đề bài: Em hãy bình giảng bài ca dao Bài ca người thợ mộc của dân tộc ta- văn mẫu 10

Ca dao là một thể loại tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam, đó là các tác phẩm viết về các đề tài quen thuộc, như cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày…nhưng nhiều nhất phải kể đến đề tài tình yêu lứa đôi, hơn sáu mươi phần trăm các bài ca dao là viết về đề tài này. Ông cha ta xưa nay thường mượn những sự vật, những sự kiện thông thường của đời sống để làm duyên cớ để tỏ tình, để cầu hôn. Là một bài ca dao thuộc đề tài quen thuộc ấy của ca dao, “Bài ca người thợ mộc” là lời tỏ tình của chàng trai làm nghề thợ mộc với người con gái mà mình thầm thương, trộm nhớ. Những tình cảm chân thành, da diết nhưng được thể hiện rất ý nhị, kín đáo.

Đặc trưng của ca dao dân gian, đặc biệt là ca dao Bắc Bộ là vậy, các tác giả dân gian thường dùng các bài ca dao để dãi bày, bộc lộ tâm tình, đôi khi là lời tỏ tình, cầu hôn. Nhưng những lời ỏ tình này không được dãi bày một cách thông thường mà thường được truyền tải những lời thơ lãng mạn, không bày tỏ một cách trực tiếp mà dãi bày gián tiếp thông qua các lời ca dao tưởng chừng như vu vơ nhưng đầy tình ý. Đây là cách tỏ tình đầy khéo léo, vừa giúp cho nhân vật trữ tình bày tỏ được cảm xúc, vừa là cách thức làm cho nhân vật trữ tình bớt ngượng ngùng, thoải mái bày tỏ, dù có bị từ chối thì cũng giảm đi mức độ tổn thương, bởi ca dao là những lời nói ý nhị, bóng gió, nói một cách vu vơ về thứ tình cảm thiêng liêng nhưng cũng rất thầm kín.

“Anh là thợ mộc Thanh Hoa

Làm cầu, làm quán, làm nhà…khéo thay!

Lựa cột anh dựng đòn tay

Bào trơn đóng bén nó ngay một bề”

Nhân vật trữ tình trong bài ca dao này là một anh thợ mộc, mở đầu bài thơ anh ta đã giới thiệu ngay về nghề nghiệp cũng như quê quán của mình “Anh là thợ mộc Thanh Hoa”, lời giới thiệu tuy mộc mạc nhưng đầy tha thiết, chân tình, nhân vật trữ tình còn thể hiện sự khéo léo của tay nghề khi, anh ta có thể làm cầu, làm quán, làm nhà, đó là những công việc liên quan đến nghề mộc, và sự khéo léo này được chính anh ta thừa nhận, có phần tự hào “khéo tay”, do đăc trưng nghề nghiệp cùng sự khéo léo của đôi bàn tay nên nhân vật trữ tình ấy thể hiện tài năng bản thân trong niềm tự hào “Lựa cột anh dựng đòn tay”, lựa được chất liệu tốt, qua bàn tay của người nghệ nhân thì nó còn mang tính thẩm mĩ, làm cho nó đẹp và có hồn hơn “Bào trơn đóng bén nó ngay một bề”.

Xem thêm:  An Dương Vương tự kể về cuộc đời mình trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

“Bốn cửa anh chạm bốn dê

Bốn con dê đực về chầu tổ tông

Bốn cửa anh chạm bồn rồng

Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo”

Câu ca dao còn thể hiện được tài năng của người thợ mộc, bởi anh ta không chỉ khéo léo trong chọn gỗ, dựng cột mà anh ta còn biết chạm chổ, làm đẹp cho ngôi nhà ấy. “Bốn cửa anh chạm bốn dê”, cũng giống như trong các lĩnh vực khác của đời sống, nghệ thuật kiến trúc cũng đòi hỏi yếu tố cân đối, hài hòa. Dê là một loài vật gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt Nam, nó là một biểu tượng văn hóa lâu đời, biểu tượng cho sự phát tài, phú quý. Hình ảnh bốn con dê đực hướng về tổ tông còn thể hiện được truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân ta “Bốn con dê đực về chầu tổ tông”, như vậy thì nhân vật trữ tình không chỉ khéo léo về tay nghề mà còn là người sống có tình nghĩa, đạo lí. Bên cạnh những con dê là bốn con rồng, hình dạng của chúng cũng rất đa dạng, dưới bàn tay tỉ mẩn, khéo léo của người nghệ nhân “Trên thì dồn ấp, dưới thì rồng leo”.

“Bốn cửa anh chạm bốn mèo

Con thì bắt chuột, con leo xà nhà

Bốn cửa anh chạm bốn gà

Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn”

Đến những câu thơ này thì ta có thể thấy những hình ảnh mà người thợ mộc muốn khắc chỉ là những giả định, thể hiện được tay nghề của anh ta chứ chưa được thực hiện trog thực tiễn. Không chỉ khắc lên cửa những hình tượng cao quý của rồng, con vật có nhiều ý nghĩa biểu tượng văn hóa như dê mà anh ta còn có thể khắc họa lên đó những con vật hết sức dân dã, gần gũi với cuộc sống đời thường của con người “Bốn cửa anh chạm bốn mèo/ Con thì bắt chuột, con leo xà nhà”, đó là những hình ảnh gần gũi, những con vật gần gũi, thân thiết nhưng hết sức hữu ích với cuộc sống của con người, mèo có thể bắt chuột, cũng làm cho ngôi nhà trở nên đẹp đẽ, sinh động. Những chú gà có thể báo thức mỗi sang sớm, cũng có thể làm sạch cho khu vườn. Những hình ảnh này còn gợi ra một cuộc sống tuy giản dị nhưng thật yên bình, ấm áp.

Xem thêm:  Suy nghĩ về câu Hiền dữ đâu phải tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.

“Bốn cửa anh chạm bốn lươn

Con thì thắt khúc, con trườn bò ra

Bốn cửa anh chạm bốn hoa

Trên là hoa sói, dưới là hoa sen”

Những hình ảnh giả tưởng vẫn được nhân vật trữ tình đặt ra, những con vật anh ta muốn khắc lên cánh từ từ những con vật cao sang, tượng trưng cho sự phú quý đến những con vật gần gũi, thân thiết với cuộc sống con người. Đến khổ thơ này, những hình ảnh giả tưởng vẫn tiếp tục được đặt ra, vẫn là những con vật gần gũi, thân thiết « Bốn cửa anh chạm bốn lươn/ Con thì thắt khúc, con trườn bò ra ». Những đường nét như « thắt khúc », « trườn » đều là những đường nét tinh xảo, đòi hỏi sự khéo léo cao độ ở bàn tay người nghệ sĩ, những đường nét ấy không đơn thuần là khắc họa ra được hình ảnh của con lươn mà còn gợi ra sự chuyển động nhịp nhàng, uyển chuyển của chúng.

Ta có thể thấy, từ hình ảnh dê, rồng, gà, mèo và ở đây là lươn thì chúng đều có đôi có cặp, thể hiện được sự cân đối, hài hòa trong nghệ thuật điêu khắc song cũng là lời tâm tình, dãi bày nguyện vọng của nhân vật trữ tình. Anh ta thể hiện một cách kín đáo mong ước của mình, đó là những mong muốn, khát vọng về hạnh phúc lứa đôi. Và đúng như những dự đoán, suy tính của người đọc, đến những câu thơ cuối thì khát vọng của anh ta được bộc lộ rõ nét hơn, trực tiếp hơn:

Xem thêm:  Cảm nghĩ về bài Chức phán sự đền tản viên trong Truyền kì mạn lục

« Bốn cửa anh chạm bốn đèn

Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ

Một đèn đọc sách ngâm thơ

Một đèn anh để đợi chờ nàng đây »

Từ những con vật thân thuộc, đến khổ thơ cuối này thì nhân vật trữ tình muốn khắc họa lên đó những vật dụng gợi liên tưởng đến hanh phúc của lứa đôi, về một cuộc sống yên bình, giản dị, « Bốn cửa anh chạm bốn đèn », hình ảnh đèn thường gợi nhắc người ta về cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, ở đây nhân vật trữ tình muốn vẽ lên những chiếc đèn, chiếc để dệt cửi, chiếc để quay tơ. Ta có thể thấy dệt cửi, quay tơ là công việc thường ngày của những người phụ nữ trong gia đình, đến những câu thơ này, mong muốn của chàng trai được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, mong muốn có một mái ấm, mong muốn có được một nửa kia hạnh phúc. Và khi ấy, một đèn chàng trai tự dành cho mình « Một đèn đọc sách ngâm thơ » và một đèn của tình cảm lứa đôi « một đèn anh để đợi chờ nàng đây », dùng ngọn đèn để nói về tình cảm khá độc đáo, nó gợi đến sự nồng cháy, ấm áp không kém phần nồng nàn của tình yêu.

Như vậy, bài ca dao « Bài ca người thợ mộc » là một bài ca dao dùng để tỏ tình, tuy nhiên vì quá ý nhị, kín đáo nên ở đầu bài ca dao, nếu không chú ý đến những hình ảnh cũng như cách dùng từ thì ta khó có thể nhận biết được, vì đơn thuần trong những câu đầu, nhân vật trữ tình chỉ giới thiệu về mình, nghề nghiệp và tài năng của bản thân. Phải đến cuối bài ca dao thì tính chất giao duyên, cầu hôn mới được bộc lộ rõ nét, chàng trai đã tỏ tình một cách kín đáo, tuy không thể hiện một cách quá ồn ào nhưng ta lại cảm nhận được sự chân thành nơi tình cảm của chàng trai này.

Nguồn: Văn mẫu

Bài viết liên quan