Bình giảng bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu (bài viết hay)


Bình giảng bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

Bài làm

Người ta nói thu là thơ của lòng người còn thơ chính là thu của đất trời. Nói như vậy để gắn chặt mối quan hệ giữa thu và thơ. Thơ trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho người nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm để đời. Trong văn học 1930 – 1945, “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu là một trong những bài thơ thu hay nhất.

Người ta nhắc đến Xuân Diệu với danh xưng “Ông Hoàng thơ tình” đặc biệt là thơ tình về mùa xuân. Tuy nhiên nếu ai đó đã đọc thơ tình về mùa thu của Xuân Diệu sẽ càng thấu hiểu được tấm lòng của một người nghệ sĩ luôn hết mình giao cảm với đời và đầy triết lý sống tiến bộ. Bài thơ “Đây mùa thu tới” đứng ở nhiều thời điểm và không gian khác nhau tuy nhiên vẫn có một âm điệu chung đó là buồn.

Mùa thu trong thơ Xuân Diệu được bắt đầu từ không gian rất đặc biệt. Tác giả đã đưa mình vào cảnh vật để thể hiện tâm trạng:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”

Các nhà thơ xưa mượn liễu để nói về hình ảnh người con gái đẹp thướt tha, còn trong thơ Xuân Diệu người nhắc tên “liễu” để nói nỗi bi thương. Rặng liễu ven hồ buông xuống khiến nhà thơ liên tưởng tới hình ảnh một cô gái đứng chịu tang. Rặng liễu đứng chịu tang tiếc nuối mùa hè rực rỡ chăng? Những cành liễu rủ bóng còn gợi liên tưởng về một mái tóc dài của người phụ nữ khóc buồn rười rượi. “Chịu” tức là chấp nhận. Thiên nhiên giống như một cô gái tuổi trẻ phải chịu héo buồn tàn tạ của thời gian. Nhận ra mùa thu tới, chữ “đây” như để báo tin và cũng chứng minh nhà thơ đang chờ đợi mùa thu từ rất lâu. Người đón mùa thu bằng một chiếc “áo mơ phai dệt lá vàng”, tức là chào đón trong niềm trông ngóng bao ngày.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư

binh giang bai tho day mua thu toi cua xuan dieu - Bình giảng bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu (bài viết hay)

Tiếp theo, bức tranh mùa thu được thể hiện cụ thể hơn với những sự đổi thay từ một loài hoa rụng, sắc đỏ trong vườn lấn lướt màu xanh, luồng gió lạnh…

“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.”

Mùa thu khiến vạn vật thay đổi và Xuân Diệu đã bắt được những cái thay đổi rất nhỏ đó. Cảnh vật rơi vào trạng thái “nửa nọ nửa kia”, vẫn còn một chút sắc của mùa hè và mùa thu thì đang chiếm lĩnh dần dần. Mùa thu dường như có vị thế chiếm lĩnh hơn ở những từ “hơn một”, “rũa”, “đôi nhánh”… Mùa thu chủ động lan ra, tràn và choáng lấy mùa hè. Sự thất thế của hoa, sắc xanh, nắng gió… được miêu tả thật độc đáo. Chỉ có một tâm hồn rất nhạy cảm mới có thể nhìn ra thiên nhiên đang vận động.

Không gian dần được mở rộng hơn:

“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…”

Thi sĩ dùng đôi mắt mơ màng nhìn ra viễn cảnh xa xa. Cành cây khẳng khiu buồn nặng khiến cho “nàng trăng tự ngẩn ngơ” khi soi bóng mình. Chủ thể trữ tình như biến thành một dạng khác để bày tỏ tâm trạng. Không còn bộc lộ trực tiếp qua niềm vui khám phá mà dường như thi sĩ khép mình lại ý tứ của nàng trăng non, luồng gió hay bến đò. Xuân Diệu đã phô hết mọi giác quan để cảm nhận bức tranh thiên nhiên.

Xem thêm:  Văn 11 bình giảng bài thơ Hương sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Chinh

Khổ cuối của bài thơ thể hiện mối quan hệ giữa cảnh vật và tâm trạng thiên nhiên:

“Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.”

Thiên nhiên ngưng tụ lại ở trong sự “u uất”, bức bối vì rơi vào một cuộc chia ly lớn: chia tay mùa hè. Cánh chim bay đi cũng mang theo mùa hè ra đi. Từ “ít nhiều” rất đa nghĩa. Có thể là nhiều cô gái, nếu thế thì đông người càng vui chứ sao? Hay “ít nhiều” là đang miêu tả tâm trạng người thiếu nữ có chút buồn mơ hồ, loáng thoáng bất an? Thiếu nữ là cô gái trẻ mà lại được gắn với nỗi buồn. Thi sĩ đang đồng cảm với người thiếu nữ kia hay đã nhập và cô gái để nói lên tiếng lòng mình? Dù ý tứ Xuân Diệu là gì, ta vẫn có chung cảm nhận về sự nuối tiếc, buồn bã trước thời gian, tuổi trẻ đang từng giây phút trôi đi mãi mãi.

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu được thể hiện bằng ngôn từ, nhịp điệu, gieo vần… đầy sáng tạo và giàu sức gợi. Qua đó ta cảm nhận được một cái tôi có chỗ đứng độc lập, chất chứa nỗi buồn nhưng giàu khát vọng được hòa mình vào thiên nhiên. Bài thơ tiêu biểu cho thơ ca lãng mạn 1930 – 1945, thể hiện sự giải phóng cá nhân hướng tâm hồn tới tự do.

Bài viết liên quan