Cảm nhận của em về Sự tích Bánh chưng bánh giày
Cảm nhận của em về Sự tích Bánh chưng bánh giày
Hướng dẫn
Đề bài: Sự tích bánh chưng bánh giày là câu chuyện dân gian lí giải về nguồn gốc của bánh chưng bánh giày trong cuộc sống sinh hoạt và văn hóa của người Việt Nam. Sau khi học xong câu chuyện, em hãy trình bày cảm nhận về sự tích “Bánh chưng bánh giày”.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về sự tích “Bánh chưng bánh giầy”
2. Thân bài
– Tóm tắt sự tích
– Giải thích ý nghĩa của hai loại bánh:
+ Bánh chưng: tượng trưng cho trời
+ Bánh giầy: tượng trưng cho đất
– Hai loại bánh vừa chứa đựng trong đó mồ hôi, công sức của nhân dân lao động, vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa → Lang Liêu xứng đáng được nối nghiệp vua cha
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của sự tích: giải thích xuất xứ, ý nghĩa của hai loại bánh và thể hiện tấm lòng hồn hậu, chân thành của người dân Việt Nam.
II. Bài tham khảo
Mỗi dịp tết đến xuân về chúng ta lại bắt gặp hình ảnh cả gia đình cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng đượm khói thơm nồng. Đằng sau chiếc bánh chưng là cả một câu chuyện vô cùng thú vị sau nó.
Chuyện kể rằng khi vua Hùng Vương về già, muốn tìm người nối ngôi vừa có đức vừa có tài nên truyền cho các con làm cỗ lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý vua người đó sẽ được truyền ngôi. Trong số những người con của vua có Lang Liêu là người con chịu nhiều thiệt thòi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống gắn với nghề nông, không thể tìm được của quý trên rừng dưới biển như các anh của mình. Nhờ ăn ở hiền lành lại tốt bụng, Lang Liêu được một vị thần giúp đỡ và báo mộng trong giấc mơ của mình: “Trong trời đất không có thứ gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có hạt gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon nhưng hiếm, mà con người không làm ra được. Còn lúa gạo thì tự tay ta trồng lấy, trồng nhiều thì được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương”.
Nhờ sự gợi ý của vị thần Lang Liêu đã làm ra hai loại bánh có hình vuông và hình tròn. Nguyên liệu làm bánh là những hạt gạo trắng ngần chưa đựng mồ hôi, công sức của nhân dân lao động. Bánh vuông là bánh có lá dong xanh biếc bọc ở bên ngoài, bên trong là những hạt lúa nếp thơm nồng, sau đó là một lớp đỗ và trong cùng là thịt lợn. Còn bánh tròn là bánh được dùng những hạt gạo nếp giã nhuyễn và nặn thành hình tròn. Bánh tròn tượng trưng cho trời là bánh giầy, bánh vuông tượng trưng cho đất gọi là bánh chưng. Thiên nhiên, trời đất được gói ghém trong chiếc bánh chứa đựng mồ hôi, công sức của người lao động đã tượng trưng cho một đất nước ấm no, đủ đầy, yên bình, nơi ấy còn người sống chan hoà với thiên nhiên, cùng nhau vui vẻ đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Cuối cùng, Lang Liêu đã được chọn làm người nối nghiệp vua cha.
Chỉ qua hai món bánh của Lang Liêu chúng ta có thể thấy được truyền thống trồng lúa nước của dân tộc đồng thời cũng thấy được tinh thần đoàn kết của nhân dân ta.Vua Hùng qua chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá dong muốn nêu cao bài học thương yêu, đoàn kết. Nhà vua ngầm nhắc các hoàng tử và quần thần bài học giữ nước. Bánh chưng bánh giày với biểu tượng cao quý ấy đã thể hiện cái tâm, cái tài, nhất là lòng trung hiếu của Lang Liêu. Sơn hào hải vị, của quý trên trời dưới biển dù có đẹp, có sang cũng đâu thể hàm chứa trong đó nhiều ý nghĩa như vậy. Bởi thế, Lang Liêu xứng đáng được vua Hùng truyền ngôi báu, có Tiên Vương chứng giám.
Có thể nói truyền thuyết “Bánh chưng bánh giầy” đã giải thích về nguồn gốc, ý nghĩa của hai loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp tết đến xuân về. Đồng thời sự tích còn thể hiện ý thức lấy nước, lấy dân làm gốc, coi trọng nghề nông, quý hạt gạo, biết ơn tổ tiên, kính Trời, Đất với tất cả tấm lòng hồn hậu, chân thành của con người Việt Nam chúng ta.
* Mỗi bài viết là sản phẩm tinh thần của người viết để thỏa mãn đam mê và nhằm giúp đỡ cho các bạn học sinh trong quá trình học tập. Hi vọng rằng bài viết sẽ hỗ trợ tốt cho người học và không bị mang ra ngoài Nhungbaivanhay.vn với mục đích thương mại.
Theo Nhungbaivanhay.vn