Chứng minh: Với bài thơ ông đồ Vũ Đình Liên đã chạm được vào những rung cảm tâm linh của giống nòi nên nó còn tha thiết mãi
Chứng minh: Với bài thơ ông đồ Vũ Đình Liên đã chạm được vào những rung cảm tâm linh của giống nòi nên nó còn tha thiết mãi
Hướng dẫn
Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ thuộc lớp đầu tiên của phong trào thơ Mới. Thơ ông mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Với bài thơ "Ông đồ" được sáng tác năm 1935-1936 đã chạm được vào những rung cảm tâm linh của giống nòi nên nó còn tha thiết mãi.
Hai khổ thơ đầu là cảm nhận của nhà thơ về hình ảnh ông đồ thời huy hoàng. Mở đầu bài thơ nhà thơ đưa chúng ta về với không gian của những ngày Tết cổ truyền:
- "Mỗi năm hoa đào nở
- Lại thấy ông đồ già
- Bày mực tàu giấy đỏ
- Bên phố đông người qua"
Ở đó có màu sắc tươi thắm của hoa đào song có lẽ nổi bật nhất trong bức tranh đầy màu sắc ấy là hình ảnh "ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua". Sự có mặt của ông cùng mực tàu giấy đỏ như góp vào cái đông vui, náo nhiệt của phố phường. Các từ ngữ "mỗi năm, lại thấy" ở đầu hai câu thơ chứng tỏ hình ảnh ông đồ ngồi viết thuê câu đối bên lề phố đã trở thành thân quen như không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Sự xuất hiện của ông đã trở thành trung tâm sự chú ý của mọi người:
- "Bao nhiêu người thuê viết
- Tấm tắc ngợi khen tài
- Hoa tay thảo những nét
- Như phượng múa rồng bay"
Người ta xúm xít quanh ông để thuê ông viết, để chiêm ngưỡng tài năng viết chữ đẹp như phượng múa rồng bay và không ngớt lời tấm tắc ngợi khen. Những câu thơ với nhịp điệu dồn dập như một tiếng reo vui khiến người đọc cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị mà tràn đầy của ông đồ. Lúc này ông trở thành người nghệ sĩ trổ tài trước công chúng và quan trọng hơn là được góp mặt trong cuộc đời, được có ích cho mọi người. Như vậy với những hình ảnh thơ bình dị, gợi cảm hai khổ thơ đã tái hiện một thời vàng son của ông đồ, của một thế hệ nhà nho. Qua đó nhà thơ cũng đã kín đáo bộc lộ niềm tự hào của mình về một giá trị văn hóa của dân tộc- văn hóa chứ nho.
Khổ thơ thứ ba là cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về thời tàn tạ, đáng thương của ông đồ và là niềm cảm thương chân thành của tác giả:
- "Nhưng mỗi năm mỗi vắng
- Người thuê viết nay đâu?
- Giấy đỏ buồn không thắm
- Mực đọng trong nghiên sầu"
Vẫn hiện lên hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ bên lề phố ngày Tết nhưng tất cả đã khác xưa, hoàn toàn đối lập với những ngày đã qua. Điệp từ "mỗi" cùng câu hỏi tu từ gợi lên ám ảnh: theo thời gian người thuê viết cứ thưa vắng dần để lại nỗi hẫng hụt, bàng hoàng, buồn tủi trong lòng người viết thuê và khơi sâu vào nỗi xa vắng, ngậm ngùi, xót xa, nuối tiếc. Đọc câu thơ, ta dễ dàng tưởng tượng ra cảnh: bên lề phố, một con người già nua, đơn độc đang ngơ ngác kiếm tìm trong dòng người tấp nập đi sắm tết xem có còn ai biết đến sự có mặt của mình. Ông đồ ngồi lặng lẽ buồn trong cảnh vắng vẻ. Nỗi buồn tủi dường như thấm vào cả những vật vô tri vô giác. Màu giấy điều vốn đỏ thắm giờ vẫn đỏ mà không thắm lên được vì chẳng ai động đến nên trở thành vô duyên, bẽ bàng. Nghiên mực không hề được chiếc bút lông thấm vào nên mực đọng lại bao sầu tủi. Biện pháp nhân hóa "giấy buồn, nghiên sầu" đã đem nỗi buồn tủi của con người phú cho giấy mực làm cho nỗi buồn càng sâu sắc, thấm thía. Tóm lại, những câu thơ bình dị, hình ảnh thơ chắt lọc, hàm súc không chỉ tái hiện tình cảnh đáng thương của ông đồ mà qua mỗi chữ mỗi lời nhà thơ đã gửi vào đó viêta bao ngậm ngùi, thương cảm trước một lớp người sinh ra không gặp thời nên bị lạnh nhạt, lãng quên.
Khổ thơ thứ tư là cảm nhận sâu sắc và niềm thương cảm chân thành của nhà thơ về số phận tàn tạ của ông đồ trong buổi nho học suy tàn.
- "Ông đồ vẫn ngồi đấy
- Qua đường không ai hay
- Lá vàng rơi trên giấy
- Ngoài trời mưa bụi bay"
Hai câu thơ đầu có sự đối lập xót xa giữa cái không thay đổi và cái đã đổi thay: ông đồ vẫn ngồi đấy như xưa nhưng cuộc đời đã khác xưa. Đường phố vẫn đông người qua lại nhưng không ai biết đến sự có mặt của ông mặc dù ông vẫn kiên trì cố bám lấy cuộc sống, vẫn muốn có mặt với cuộc đời. Ông đồ ngồi giữa phố đông mà trong lòng là cả một tấn bi kịch, một sự sụp đổ bởi ông đã bị cuộc đời, bị mọi người lãng quên. Lòng ông trống vắng, sụp đổ nên trời đất cũng lạnh lẽo, thê lương. Hai câu thơ tả cảnh nhưng chính là tả nỗi lòng. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh ông đồ ngồi bó gối trên vỉa hè, lá vàng rơi trên giấy đỏ mà không buồn nhặt, mặt ngơ ngác buồn rầu nhìn ra màn mưa bụi mịt mờ. Lá vàng rơi bao giờ cũng gợi lên cảm giác buồn bã, tàn lụi cũng như vận ông đồ đã đến lúc tàn suy. Mưa bụi nhẹ bay lất phất ngoài trời gợi sự ảm đạm, lạnh lẽo hay là mưa trong cõi lòng ông tan nát. Giọng thơ trầm lắng, ngậm ngùi, hình ảnh hơ gợi cảm cùng với lòng cảm thương chân thành của nhà thơ đối với một lớp người sinh ra không gặp thời đã cho ra đời những câu thơ có cánh đậu nhẹ vài tâm hồn người để rồi càng đọc càng thấy bâng khuâng, ngậm ngùi, thương cảm.
Khổ thơ cuối cùng là sự vắng bóng của ông đồ và bộc lộ trực tiếp tình cảm nhà thơ:
- "Năm nay đào lại nở
- Không thấy ông đồ xưa
- Những người muôn năm cũ
- Hồn ở đâu bây giờ?"
Tứ thơ "cảnh cũ người đâu" cái còn gợi nhớ về cái mất tạo nên cảm giác hẫng hụt, chơi vơi, xót xa, thương cảm. Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi bâng khuâng, tiếc nhớ đã trực tiếp bày tỏ tâm tư của nhà thơ. Những từ "xưa, muôn năm cũ" khơi sâu vào nỗi xa vắng, ngậm ngùi. Từ sự vắng bóng của ông đồ xưa, nhà thơ xót xa nghĩ đến bao thế hệ nhà nho đã bị vùi sâu vài quên lãng trong buổi nho học suy tàn. Trong tâm sự của nhà thơ có niềm cảm thương chân thành trước những số phận hẩm hiu, bất hạnh, có niềm hoài cổ, ngưỡng mộ và tiếc nhớ một nét đẹp trong quá khứ. Nhà thơ không phải bảo thủ đến mức cứ khư khư với mực tàu, giấy đỏ mà điều chủ yếu là nhà thơ biết gắn bó và trân trọng một lớp người đáng kính, một nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt Nam- một tình cảm một thái độ giàu chất nhân văn. Chính vì vậy, nhà thơ chạm vào những rung động tâm linh của giống nòi nên tác phẩm sẽ bất diệt mãi với thời gian.