Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân- người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân- người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp
Hướng dẫn
Nguyễn Tuân là gương mặt nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với vốn tri thức uyên bác cùng tài năng nghệ thuật bậc thầy, Nguyễn Tuân đã để lại rất nhiều những tác phẩm có giá trị cho nền văn học Việt Nam. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân dưới đây sẽ cung cấp thêm những hiểu biết cho người học về tác gia tiêu biểu này.
1. Vài nét về tiểu sử con người
Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 ở phố Hàng Bạc, Hà Nội trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã suy tàn. Quê ông ở làng Nhân Mục (thường gọi nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội Thân sinh của nhà văn là cụ Nguyễn An Lan (tức cụ Tú Hải Văn), “một nhà nho tài hoa đậu thi khoa Hán học cuối cùng, rồi suốt đời ôm nỗi bất đắc chí trong cảnh đi làm một viên chức nhỏ ở tòa sứ các tỉnh dưới chế độ thuộc địa của Tây”. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Tuân “đã được nuôi trong nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, với những phong tục nề nếp, với cách ăn ở vui chơi từ một thời xưa đang tàn dần và biến đổi, ngổn ngang vì sự xâm nhập của văn minh máy móc và hàng hóa từ phương Tây ào đến”. Hoàn cảnh gia đình và môi trường ấy đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng, cá tính và sáng tác của nhà văn sau này.
Nguyễn Tuân tuy quê ở Hà Nội nhưng từ nhỏ ông đã theo gia đình (cụ Nguyễn An Lan làm thư kí Tòa sứ) sống nhiều năm ở các tỉnh và thành phố miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa. Chính hoàn cảnh sống của gia đình đã tạo điều kiện cho ông ngay từ thời niên thiếu đã được “xê dịch” qua nhiều nơi. Những vùng đất nói trên, đặc biệt là Thanh Hóa (nơi lâu nhất), đã để lại nhiều dấu ấn trong những trang viết về đề tài “chủ nghĩa xê dịch” của ông.
Bài liên quan đến tác phẩm Chữ người tử tù:
>>Hướng dẫn soạn văn Chữ người tử tù – Chương trình Ngữ văn lớp 11
>>Hướng dẫn soạn văn Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân – Chương trình Ngữ văn lớp 11
>>Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân- Văn mẫu tuyển chọn lớp 11
>>Giới thiệu về tác phẩm Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung (tương đương với bậc Trung học cơ sở hiện nay) ở thành phố Nam Định, đến năm 1929 thì bị đuổi học và không được nhận vào bất cứ công sở nào vì tham gia vào một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên người Pháp nói xấu người Việt Nam. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Nguyễn Tuân đến với cách mạng và tham gia kháng chiến, trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ 1948 đến 1958, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông mất ngày 28 tháng 7 năm 1987 tại Hà Nội.
2. Quá trình sáng tác và thành tựu văn học
a. Thời kì trước Cách mạng Tháng Tám 1945
Nguyễn Tuân bắt đầu sáng tác từ những năm 30 của thế kỉ XX. Trước cách mạng sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh ba đề tài “chủ nghĩa xê dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời”, và đời sống trụy lạc. Cá tính cùng với tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc của Nguyễn Tuân đã khiến ông tìm lối thoát trong cái thú giang hồ, xê dịch. “chủ nghĩ xê dịch” trở thành một đề tài quen thuộc trong các sáng tác trước cách mạng của Nguyễn Tuân, xuyên suốt qua các tác phẩm: Một chuyến đi, Thiếu quê hương, Tùy bút I, Tùy bút II.
Tập truyện Vang bóng một thời (1940) và tùy bút Tóc chị Hoài (1943)… là những tác phẩm viết về đề tài vẻ đẹp “vang bóng một thời”. Vang bóng một thời gồm 11 truyện ngắn lần lượt đăng trên các tạp chí Tao đàn và Tiểu thuyết thứ bảy từ năm 1939, Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội in lần đầu năm 1940. Vang bóng một thời thuộc xu hướng thoát li, hoài cổ phát triển khá mạnh mẽ, nhất là từ năm 1939 đến 1945 trong bộ phận văn học công khai.
b. Thời kì sau Cách mạng tháng Tám 1945
Vào những ngày cuối cùng của chế độ thuộc địa Pháp và Nhật, cũng như nhiều nghệ sĩ lúc bấy giờ, Nguyễn Tuân rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về quan điểm nghệ thuật. Ông không viết được nữa. Chính Cách mạng Tháng Tám đã giúp Nguyễn Tuân thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống và trong sáng tác nghệ thuật, đem đến cho ông một nguồn cảm hứng sáng tạo mới. Nguyễn Tuân đã hồi sinh, say mê trong niềm vui lớn của đất nước. Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến, hăng hái đi thực tế, dùng ngòi bút để ca ngợi đất nước và con người Việt Nam trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Nếu như nhân vật trung tâm trong tác phẩm trước cách mạng là những ông Nghè, ông Cử, ông Tú, những con người tài hoa bất đắc chí, thì giờ đây, hình tượng chính trong sáng tác của ông là nhân dân lao động và chiến sĩ trên mặt trận vũ trang, những con người bình thường mà vĩ đại: Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (tập I – 1955, tập II – 1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972),.. đánh dấu những chặng đường mới của Nguyễn Tuân trên con đường nghệ thuật gắn bó với dân tộc, với nhân dân và đất nước.
3. Phong cách nghệ thuật
Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Môi trường, hoàn cảnh sống và cá tính của Nguyễn Tuân thời kì trước cách mạng đương nhiên đưa ông đến con đường nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa.
Thuở nhỏ, Nguyễn Tuân được nuôi dưỡng trong nền văn hóa cổ truyền dân tộc với những phong tục đẹp, những nề nếp, cách ứng xử giữa người với người đầy nghi lễ và có văn hóa, với cách ăn ở vui chơi từ một thời xa xưa đang tàn dần do thời thế đổi thay. Chính điều đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn Nguyễn Tuân và đến khi ông cầm bút đã góp phần tạo nên cái nhìn độc đáo của ông đối với con người và cuộc sống. Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp.
Cái nhìn văn hóa là một nét bền vững của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Trước cách mạng, tuy tự nhìn nhận mình là một kẻ giang hồ, nhưng chỉ khi viết về cái đẹp “vang bóng một thời”, vẻ đẹp của cái xưa cũ, vẻ đẹp của phong cảnh quê hương đất nước, viết về những gì thuộc về dân tộc, ngòi bút ông mới thật sự tài hoa, tinh vi và sâu sắc.
Nguyễn Tuân là một cây bút tài hoa và uyên bác. Tài hoa trong việc dựng người, dựng cảnh, tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, trong những so sánh, liên tưởng táo bạo, bất ngờ với những hình ảnh đẹp đầy gợi cảm; uyên bác trong việc vận dụng những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để làm phong phú và giàu có thêm khả năng diễn tả của nghệ thuật văn chương.
Nguyễn Tuân là người có cá tính mạnh mẽ, có lối sống tự do phóng túng và sự ý thức sâu sắc về “cái tôi” cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu.
Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Ông có một kho từ vựng phong phú, có khả năng tổ chức câu văn xuôi giàu giá trị tạo hình, có nhạc điệu và biết “co duỗi nhịp nhàng”.
Nguyễn Tuân là nhà văn có giọng điệu riêng. Giọng văn của Nguyễn Tuân vừa trang nhã, cổ kính, vừa sắc sảo, hiện đại.
4. Kết luận
Với gần năm mươi năm hoạt động văn học liên tục, bằng ngòi bút đầy tài năng của mình, Nguyễn Tuân đã có những đóng góp to lớn, có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam: thúc đẩy thể tùy bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi văn Việt Nam hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo.
Theo Nhungbaivanhay.vn