Nghị luận xã hội giải thích câu Rừng vàng biển bạc lớp 9 hay


Nghị luận xã hội giải thích câu Rừng vàng biển bạc lớp 9 hay

Hướng dẫn

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ RỪNG VÀNG BIỂN BẠC LỚP 9

Ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, chúng ta đã quá quen thuộc với câu: “Đất nước ta có rừng vàng biển bạc”. Câu thành ngữ “Rừng vàng biển bạc” vẫn luôn là lời khẳng định về sự giàu có, tầm quan trọng của rừng, của biển đối với Việt Nam nói riêng và cũng là của thế giới nói chung.

Để hiểu rõ về câu thành ngữ, trước hết chúng ta cần tìm hiểu thế nào là “rừng”, “biển”, “vàng”, “bạc”. Rừng, biển là các tài nguyên tự nhiên tồn tại trên Trái Đất, là một bộ phận không thể thiếu của thiên nhiên. Trong khi đó, vàng, bạc lại là những kim loại quý có giá trị cao. So sánh rừng, biển với vàng, bạc, cha ông ta muốn đề cao vai trò quan trọng của rừng và biển đối với đời sống con người.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại coi rừng, biển là vàng, là bạc. Từ khi sự sống đầu tiên nhen nhóm trên hành tinh này, rừng và biển đã trở thành nguồn sống của vạn vật. Rừng là “lá phổi xanh” của Trái Đất. Nhờ có “lá phổi” ấy, chúng ta mới có oxi để hít thở, để duy trì sự sống. Cùng với đó, rừng cũng cung cấp cho con người nhiều loại khoáng sản, nguồn nguyên liệu dồi dào cho các ngành công nghiệp: chế biến gỗ, sản xuất giấy, sản xuất đồ mĩ nghệ,…., các loại thuốc quý, thảo dược… Rừng đồng thời cũng giúp cải thiện môi trường đất, giúp đất không bị xói mòn, rừng phòng hộ lại là một lá chắn vững vàng bảo vệ con người khỏi các rủi ro do thiên tai gây ra… Cùng với rừng, biển cũng đóng một vai trò không hề nhỏ đối với con người. Biển góp phần to lớn trong quá trình điều hòa khí hậu, cung cấp cho con người nguồn khoáng sản, thủy hải sản dồi dào như tôm, cá, cua, mực,… ; san hô để trang trí, muối ăn và muối dùng trong công nghiệp hóa chất…

Câu thành ngữ “Rừng vàng biển bạc” thể hiện niềm tự hào của người Việt Nam đối với thiên nhiên giàu có, trù phú của đất nước mình. Nhìn lên bản đồ thế giới, có thể thấy rằng không phải quốc gia nào cũng may mắn có được vị trí địa lí thuận lợi với cả rừng lẫn biển, đặc biệt là bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam như ở nước ta. Từ lịch sử dựng nước và giữ nước xa xưa, rừng đã đóng một vai trò quan trọng như người bạn đồng hành với dân tộc: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, cho đến khi đất nước hòa bình, bước vào thời kì đổi mới công nghiệp hóa hiện đại hóa, rừng và biển vẫn song hành cùng chúng ta trên con đường phát triển. Thế nhưng, chúng ta dường như đang phung phí nguồn tài nguyên vô giá ấy khi tàn phá bừa bãi môi trường tự nhiên, sẵn sàng đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, diện tích rừng đã và đang  bị thu hẹp một cách đáng kể trong những năm gần đây, kèm theo sự suy giảm về chất lượng rừng. Rất nhiều loại khoáng sản rừng cũng đứng trước nguy cơ cạn kiệt, nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ mất môi trường sống hoặc trên bờ vực tuyệt chủng. Nạn khai thác rừng bừa bãi kéo theo những hiểm họa khôn lường đối với toàn nhân loại như  biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, thay đổi khí hậu và gia tăng các thảm họa thiên nhiên… Biển cũng nằm trong tình trạng chung khi môi trường biển đang bị ô nhiễm trầm trọng do các hóa chất độc hại không qua xử lí từ các nhà máy xả thải trực tiếp vào nước, do hàng tấn rác thải chưa được xử lý đổ ra biển mỗi ngày, người dân sống ven biển cũng lấy bờ biển làm nơi đổ rác, do các sự cố đắm tàu, tràn dầu,…tài nguyên biển cũng bị khai thác quá mức. Ô nhiễm môi trường biển để lại nhiều hệ lụy rất nghiêm trọng. Nó gây hại trực tiếp đến sức khỏe còn người, gây ảnh hưởng tồi tệ lên các loài sinh vật biển và dần làm mất đi những nguồn lợi từ biển như hải sản, du lịch biển,…

Xem thêm:  Giải pháp khắc phục hiện tượng vô cảm

Ở đất nước Bhutan nhỏ, người ta vẫn làm ra thủy điện, thậm chí rất nhiều để có thể xuất khẩu, nhưng người dân Bhutan vẫn giữ được rừng, giữ được thiên nhiên. Còn chúng ta, liệu có phải rằng tư tưởng “Đất nước ta có rừng vàng biển bạc” đã thấm vào trí óc, khiến không ít người vô tình xem nhẹ tầm quan trọng của nguồn tài nguyên vô giá ấy. Đó là tài nguyên mà ông cha ta đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ, giữ gìn, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục bảo vệ cho thế hệ mai sau. Để làm được điều đó, cần nâng cao nhận thức của con người về vai trò của rừng và biển. Các cơ quan chức năng có thầm quyển cần tổ chức khai thác một cách hợp lí, mạnh tay hơn nữa trong vấn đề xử lí các sai phạm làm nguy hại đến môi trường tự nhiên.

Hãy hành động khi chưa quá muộn! Đừng để con cháu chúng ta mai sau lại phải khóc mà ca bài ca của Trịnh Công Sơn ngày ấy:“Gia tài của mẹ để lại cho con? Gia tài của Mẹ: một nước Việt buồn”!

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ RỪNG VÀNG BIỂN BẠC LỚP 9

Trái đất đang ngày càng nóng lên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bởi thế nên vấn đề Rừng vàng biển bạc đang càng được mọi người quan tâm. Chúng ta cần phải bảo vệ rừng, biển vì bảo vệ rừng vàng, biển bạc chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Nhờ vào sự thuận lợi về thiên nhiên và được trù phú cho nhiều tài nguyên thiên nhiên khác mà Việt Nam ta được mệnh danh là Rừng vàng biển bạc. Trước hết, chúng ta cần hiểu rừng à gì? Rừng là một bộ phận của thiên nhiên, là một vùng đất rộng lớn mà ở đó có rất nhiều động thực vật sinh sống và phát triển, là chiếc ô lớn tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp bao phủ mặt đất bởi màu xanh của cây cối. Rừng vàng là chỉ sự quan trọng của những cánh rừng, so sánh sự quý gia của rừng giống như vàng, sự che chở, đùm bọc và bảo vệ cuộc sống của chúng ta vô cùng quý giá. Biển bạc là thể hiện sự phong phú về thủy hải sản, nhờ vào biển mà người dân ta đánh bắt và cải thiện đời sống. Câu thành ngữ là cách để ông cha ta thể hiện lòng tự hào về thiên nhiên, trù phú giang sơn gấm vóc Việt Nam.

Như chúng ta đã biết rừng và biển đều có vai trò rất to lớn đối với cuộc sống của con người. Rừng là lá phổi xanh của Trái Đất, điều hòa khí hậu, cung cấp oxi, rừng cung cấp gỗ để làm nhà cửa, các vật dụng cần thiết, ngày nay còn tạo ra các sản phẩm mĩ nghệ cao cấp để trang trí và làm đẹp, cung cấp các loại thuốc quý, các sản vật,lương thực, thực phẩm. Do dân số ngày càng tăng, con người thu hẹp rừng để lấy đất trồng cây, sản xuất, sinh sống dẫn đển rừng ngày càng bị thu hẹp và cạn kiệt. Đối với Việt Nam là một nước có 4000 năm dựng nước và giữ nước, rừng đã góp phần không khó tạo nên thắng lợi giúp ta đánh đuổi kẻ thù xâm lược:

“ Nhớ khi giặc đến giặc lung

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”

Bên cạnh đó thì biển cũng có một vai trò không hề nhỏ. Biển là những kho nước vô tận, cung cấp cho các lục địa một lượng hơi nước rất lớn, sinh ra mây mưa để duy trì cuộc sống của con người, sinh vật trên Trái Đất và có tác dụng điều hoà khí hậu. Biển còn là những kho tài nguyên, thực phẩm vô cùng quý giá. Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng trăm ngàn loài động vật, thực vật và vi sinh vật. Đây là kho thực phẩm vô cùng quý giá, đặc biệt là ở các vùng thềm lục địa. Bên cạnh các loài hải sản quen thuộc dùng làm thực phẩm như cá, tôm, cua, mực…; ở các biển và đại dương vùng cực, còn có các loài động vật lớn như cá voi, cá mập, báo biển, gấu biển…. là nguồn cung cấp thịt, mỡ, da và lông quý cho công nghiệp. Biển là nguồn vô tận muối ăn và muối dùng trong công nghiệp hoá chất.

Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Ánh trăng của Nguyễn Duy – Chương trình Ngữ văn lớp 9

Hiện nay thì vấn đề về rừng vàng biển bạc dường như không còn. Rừng bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng. Ở Việt Nam chúng ta mỗi năm có hàng ngàn ha rừng bị tàn phá là do người dân đốt rừng làm nương rẫy hạn hán nắng nóng làm chy rừng. Những đồi trọc, đất trống được hình thành khắp mọi nơi. Những khu rừng bị thiêu trụi. Chúng ta vẫn hay tự hào về rừng A ma dôn, thế mà trong khoảng ba tháng cũng bị hủy hoại bằng lãnh thổ của nước Pháp. Nguồn nước đang càng ngày càng bị ô nhiễm.Tôm cua cá, thủy hải sản ngày càng khan hiếm. Nồng độ CO2 cao trong không khí sẽ làm lượng CO2 hòa tan trong nước biển tăng. Nhiều chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển làm cho ô nhiễm không khí. Thử hỏi cuộc sống của chúng ta nếu một ngày không có rừng, biển thì sẽ ra sao? Bởi thế ngay từ bây giờ hãy biết cách khắc phục và bảo vệ nó. Tích cực bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Trồng thêm những cánh rừng. Ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Điều quan trọng là ý thức được sự cần thiết phải kết hợp giữa việc phát triển các ngành kinh tế biển với việc bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường biển.

Vạn vật trên Trái Đất là một tổng thể đăng đối và hài hòa, tất cả đều có sự sống và linh hồn. Con người không thể ích kỉ chỉ vì cái lợi của mình mà quên đi sự tồn tại của các sinh vật khác.Con người hãy chung sống, hòa thuận với thiên nhiên, với rừng vàng biển bạc này nhé!

Bài viết liên quan