Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến
Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến
Hướng dẫn
Vào nửa cuối thế kỉ XIX là thời kì loạn lạc biến cố trong lịch sử Việt Nam. Quá trình thay đổi lịch sử cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc đổi mới văn học. Văn học thay đổi cũng như cuộc đời một con người vậy. Con người khi trưởng thành thì họ sẽ nhận thức, đủ tài năng trí tuệ, biết những hạn chế của mình và họ đã biết tự cười bản thân mình. Nguyễn Khuyến là như thế đó. Với văn học trào phúng phát triển mạnh mẽ như thời bấy giờ thì Nguyễn Khuyến đã trở thành bậc thầy về thể loại thơ này để mỉa mai, châm biếm những thói hư, tật xấu, những chuyện chướng tai gai mắt. Tiến sĩ giấy là một minh chứng rõ ràng nhất vào xã hội thời loạn lạc nửa thực dân nửa phong kiến:
“ Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.”
Sống và làm quan dưới triều Lê – Mạc, nội chiến kéo dài, sau đó là nửa thực dân nửa phong kiến. Lúc này đạo đức suy đồi, những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm nay bị bẽ gãy, phá vỡ. Nguyễn Khuyến thấy và thấu hiểu được điều đó. Với bài “ Tiến sĩ giấy” khi đọc hai câu đề không ai có thể hình dung rõ được đối tượng:
“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai.”
Chỉ biết đối tượng được ông tả “cũng” có biển, có cờ, cân đai. “Biển là một tấm biển gỗ có in chữ “ân tứ vinh quy”. “Đai” là để thắt vào áo chầu còn “cân đai” là khăn bịt tóc để đội mũ và đai đeo ngang lưng; y phục của quan lại, quý tộc lớn thời phong kiến. Ở đây có thể thấy được toàn là những vật dụng khi làm quan được vua ban để vinh quy bái tổ làm rạng danh dòng họ. Nhưng điệp từ “cũng” xuất hiện ở đây khiến ta có cảm giác nghi ngờ về bản chất của đối tượng được ta. Đối tượng này có gì đó giả dối. Hóa ra là ông tiến sĩ giấy, một hình nộm được làm vào dịp Tết Trung Thu để tặng các em nhỏ khi nhìn vào các em sẽ cố gắng học hành như ông tiến sĩ “cũng gọi ông nghè có kém ai”, những ông tiến sĩ thật. Có một tiếng cười chua cay khi tả nhân vật tiến sĩ giấy mờ mờ ảo ảo. Nguyễn Khuyến không nói thẳng ngay lúc đầu là tiến sĩ giấy mà ông mượn những vật dụng của những người làm quan trang trí lên hình nộm để mở ra một ông tiến sĩ giấy mà vật liệu làm nên rất dễ dàng, dễ làm:
“Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.”
Ở hai câu đề, ông tiến sĩ được tả với các vật trang trí thì hai câu thực này đã nói lên được ông tiến sĩ được làm bằng giấy. Việc sự dùng đối lập “mảnh giấy” với “thân giáp bảng”,” nét son” với “mặt văn khôi” để nhấn mạnh việc làm thành một ông tiến sĩ chỉ cần giấy hay giấy tiền để mua chức tiến sĩ thì rất dễ dàng. Một mảnh giấy làm được ông tiến sĩ giấy, một giấy tiền thì mua được tiến sĩ. Cách so sánh ở đây thật độc đáo vừa mang tính ẩn dụ, châm biếm vừa lấy thật tả giả nhìn giả để nói lên hiện thực. Nguyễn Khuyến quả thật đã rất tài tình. Ông tiến sĩ giấy này cũng rỗng tuếch, cũng nhẹ như chính những ông nghè trong xã hội mà Nguyễn Khuyến đang sống:
“Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời.”
Để có được chức vị tiến sĩ, nhiều người trong đó có cả Nguyễn Khuyến cũng phải “mười năm đèn sách”, học tập cực lực mới có thành quả tiến sĩ, địa vị trong xã hội. Nhưng đến giai đoạn này, việc mua bán chức tước xảy ra như là lẽ đương nhiên coi như là chuyện thường tình. Vì vậy, “tấm thân xiêm áo” “sao mà nhẹ” đến thế. Không học cũng làm quan vậy những người ăn học, đỗ đạt cao như Nguyễn Khuyến phải xứng tầm, ngang hàng với những bọn mua quyền. Ông đã cười bản thân mình, cười việc đời. “Cái giá khoa danh ấy” lúc mua được mới nhẹ nhàng “mới hời” như thế. Hai câu luận như đâm vào những thói hư tật xấu, đâm vào lòng người đến tê tái. Nguyễn Khuyến đã cười, mỉa mai những người được “nét son” “điểm rõ mặt” xem ai sẽ đâu tiến sĩ tùy thuộc vào số tiền thì chức vị sẽ cao hay thấp. Sáu câu thơ trên miêu tả dáng dấp bề ngoài để nói về thực trạng đã làm đòn bẩy đễ hai câu kết như giáng thêm một đòn thật mạnh vào xã hội loạn lạc xưa. Một đòn chí mạng nặng nề như phá tang bức tranh thật giả lẫn lộn mà Nguyễn Khuyến đang đề cập đến:
“Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.”
Hình tượng “ngồi bảnh chọe” ta thấy được một hành động tự mãn vì được ngồi “ghế chéo”, “lọng xanh” oai nghiêm được mọi người nể phục. Nhưng khi miêu tả như vậy, Nguyễn Khuyến đã làm người đọc, người nghe hết sức bất ngờ. Tưởng rằng đang khen nhưng thực chất đang đả kích sâu cay, chua xót cho những ông tiến sĩ được tạo ra từ “giấy” hay chính là “giấy tiền”. Nguyễn Khuyến đưa người đọc dạo một vòng xem ông tiến sĩ rồi lại thốt lên: “ Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Nguyễn Khuyến thấy sao hình nộm giống thật đến kinh ngạc cứ “nghĩ rằng” đồ thật nhưng thực ra chỉ là “đồ chơi” của trẻ em. Nguyễn Khuyến miêu tả chính xác đến từng chi tiết nhưng sâu trong lòng ông là nhiều nỗi lo toan vì nhiều người có vẻ bề ngoài là một ông tiến sĩ đỗ đạt cao hóa ra chỉ là những tiến sĩ “dỏm” học vấn không có, đạo đức suy đồi. Nguyễn Khuyến thương dân thương nước mà trong khi mình là người ăn học cao làm quan trong triều cũng không giúp gì được. Ông tự cười, chê trách bản thân:
“ Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng”
(Tự trào)
Với xã hội mà đồng tiền lên ngôi, đạo đức không còn thì những “tiến sĩ giấy” kia chỉ là những con rối cho bọn thực dân bán nước điều khiển, giật dây. Hiểu được thơ Nguyễn Khuyến, phải xem xét phân tích từng từ, ý một. Vì thơ ông tuy thật mà giả, tuy giả nhưng lại chính là thật. Để đả kích, châm biếm sâu sắc như vậy, chính bản thân Nguyễn Khuyến cũng là người trong cuộc, cũng chán ngán xã hội đương thời. Nguyễn Khuyến trào phúng thâm thúy, ẩn dụ còn như Tú Xương bất mãn triều đình, một con người học mãi thi mãi nhưng không đậu này, ông cũng thấy những tiến sĩ giấy đó nhưng lại không e dè mà nói thẳng:
“ Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào?
Thế mà hoa hốt với tram bào
Mỗi năm ngày tết trung thu đến
Tôi vẫn quen ông chẳng muốn chào.”
Hai nhà thơ trào phúng tuy lối nói khác nhau nhưng đều châm biếm thực trạng mua bán chức tước thời nào cũng có, cũng nhiều. Không riêng thời Nguyễn Khuyến, Tú Xương mà thời hiện đại này đồng tiền cũng có vị thế quan trọng không kém, việc mua bán địa vị cũng xảy ra thường ngày.
Nguyễn Khuyến quả thực là bậc thầy về thể thơ trào phúng với lối tả thật giả lẫn lộn ông đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về xã hội nhốn nháo thời bấy giờ. Ông lấy tiếng cười để nói lên tâm trạng chua xót của mình với đất nước. Ông buồn, đau đớn nhưng biết phải làm gì? Ông tự trách bản thân. Tiến cười của Nguyễn Khuyến thật sâu cay khiến mỗi con người phải thức tỉnh dù họ ở bất cứ xã hội nào. Tiến sĩ giấy bài thơ đã làm ra nhiều điều thú vị về thật giả không tài nào so sánh đoán biết được. Nguyễn Khuyến thật sự tài tình nhưng số phận ông sao mà thương thay.