Phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Bài làm
“Tràng giang” là một trong những bài thơ tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ chính là một cái tôi cô đơn, lạc lõng và đầy nỗi ưu phiền.
Nhan đề và lời đề tự đã thâu tóm cảm xúc cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ. Từ Hán Việt “tràng giang” với vần “ang” tạo sự lan tỏa đến mọi khía cạnh của ko gian. Bài thơ mở đầu bằng cảnh sông nước mênh mông vô tận:
“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.”
Từ láy “điệp điệp” gợi cảm xúc buồn vô tận của lòng người, “song song” gợi ta liên tưởng đến những đợt sóng trải dài. Nỗi buồn của cái tôi trữ tình cứ thế trải dài theo sông nước miên man, trùng trùng lớp lớp nối tiếp nhau vô tận.
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Con thuyền cùng dòng nước vốn thươfng bên nhau mà nay cũng có sự xa cách: Thuyền đi để nước ở lại. Cành củi nhỏ không biết đi đâu về đâu để rồi lại trôi nổi đến “lạc”. Cảnh sông nước mênh mông đã gợi tâm trạng cô đơn lạc lõng của một cái tôi trữ tình giàu nhạy cảm..
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Cặp từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu” gợi lên được sự buồn bã, quạnh vắng, cô đơn. Đã bắt đầu xuất hiện con người trong buổi chợ chiều nhưng đó cũng chỉ là một sự nghi vấn của nhà thơ. Từ đằng xa, tiếng chợ chiều vẳng lại nhưng cũng sắp “vãn”. Không gian vẫn mang một nỗi buồn u uất. Đến khổ ba, ấn tượng về cảnh tượng chia li lại một lần nữa được nhắc lại:
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Cái tôi trữ tình càng trở nên lạc lõng giữa dòng sông không một chuyến đò, xung quanh chỉ là những cánh bèo trôi dạt. Vừa có ý tả cảnh, nhưng đồng thời nhà thơ cũng như đang ví mình giống như cánh bèo kia: trôi nổi, vô định. Cảnh vật đã mang chút sắc màu tươi tốt: “bờ xanh”, “bãi vàng” nhưng cũng vẫn còn hoang sơ. Nỗi mong mỏi lớn nhất của Huy Cận lúc này đây là được giao cảm, chuyện trò nhưng không một ai “gợi chút niềm thân mật”. Cái tôi trữ tình trở nên cô đơn, lạc lõng. Từ đó, thi sĩ bày tỏ nỗi niềm thầm kín:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa,”
Giữa khung cảnh thiên nhiên hung vĩ, cánh chim bay giữa trời trong buổi chiều tà như bị nuốt chửng bởi không gian bao la đó. Dường nhưu không gian càng rộng lớn lại càng khiến ông cảm thấy rợn ngợp bấy nhiêu.
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Khát khao lớn nhất của cái tôi trữ tình giờ mới được bộc lộ: đó là niềm mong ước, khát khao trở về với quê hương. Bài thơ lúc này bỗng trở nên thấm đượm tình yêu đất nước.
Mang chất liệu cổ điển đến với thơ mới, Huy Cận đã đem đến cho người đọc một cảm giác vừa lạ vừa thân thuộc. Khác với cái tôi trữ tình của Xuân Diệu, cái tôi trữ tình của Huy Cận chất chứa những nỗi buồn, nhớ nhung da diết về quê hương đất nước. Nó cho tháy một tình yêu quê hương âm ỉ trong trái tim của người thi sĩ tài năng này.