Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích văn lớp 9


Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích văn lớp 9

Hướng dẫn

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc”. Để có tiền chuộc cha, Kiều phải bán mình, rơi vào tay Mã Giám Sinh và bị bán vào lầu xanh. Quá ê chề, nhục nhã, Kiều tự tử nhưng không thành. Tú Bà giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích với lời hẹn xuông để thực hiện một âm mưu mới. Đoạn thơ là bức tranh tâm tình đầy xúc động, bi kịch nội tâm của Thúy Kiều được tác giả miêu tả qua bút pháp tả cảnh ngụ tình và ngôn ngữ độc thoại. Mỗi nét cảnh là một nét tâm trạng buồn đau.

Đoạn trích được chia làm ba phần. Phần đầu là cảnh ngộ cô đơn, tội nghiệp của Kiều khi nàng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. 6 câu thơ đầu mở ra bức tranh buồn về cảnh ngộ éo le, bẽ bàng:

  • “Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
  • Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
  • Bốn bề bát ngát xa trông
  • Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
  • Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
  • Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

Lầu Ngưng Bích chỉ nghe thấy tên đã thấy đẹp, là nơi non xanh nước biếc, phong thủy hữu tình. Nhưng cái lầu cao ấy lại là nơi giam lỏng Thúy Kiều cả về tâm hồn lẫn thể xác. Bị Tú Bà “khóa xuân” ở lầu Ngưng Bích, Kiều da diết nhớ người thân, đồng thời lại đau xót cho thân phận của mình. Cảnh vật do đó nhuốm màu tâm trạng. Bởi vậy dù có cả “vẻ non xa” lẫn “tấm trăng gần” nhưng cảnh cũng chẳng thể nào gợi nên một chút tươi vui hay ấm áp. Kiều và thiên nhiên “ở chung” một bầu trời nhưng Kiều vẫn cô đơn. Nhìn ra bốn phía chỉ có cát vàng cồn nọ bụi hồng đặm kia trải dài bát ngát, không một nét thân mật, không một sự gần gũi, không hề có bóng dáng của sự sống. Ba từ “bốn bề, bát ngát, xa trông” chỉ độ rộng, độ xa được sử dụng liên tiếp trong một câu thơ vừa gợi về một không gian mênh mông, hoang vắng đến rợn ngợp, vừa khắc sâu thêm sự lẻ loi, cô độc của Kiều.

Xem thêm:  Phân tích tâm trạng nhà thơ Lý Bạch trong đường đi khó

Không gian, thời gian giam hãm Kiều trong một vòng luẩn quẩn, hết sáng lại chiều, từ ngày này qua ngày khác khiến Kiều càng tan nát đớn đau.

  • “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
  • Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.

Cái vắng lặng của thiên nhiên và cái mênh mông của vũ trụ khắc sâu thêm cảm giác cô đơn trong tâm hồn Thúy Kiều và dồn tới lớp lớp những nỗi niềm chua xót, đau thương. Ngắm “mây sớm, đèn khuya”, những sự vật gợi lên sự trong trắng tinh khiết – Kiều càng thêm tủi phận, “bẽ bàng” khi nhận ra cái “chân dung biến dạng” của mình. Tình ấy, cảnh ấy “như chia tấm lòng”.

Sau nỗi niềm cô đơn buồn tủi là nỗi nhớ người thân, nhớ nhà. Trước hết Kiều nhớ đến Kim Trọng.

  • “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
  • Tin sương luống những rày trông mai chờ
  • Bên trời góc bể bơ vơ
  • Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.

Nhớ tới người yêu là một chữ “tưởng” – bao yêu thương nhung nhớ vào trong chữ “tưởng” ấy. Nàng thương Kim Trọng mong chờ tin của mình một cách vô vọng. Nàng nhớ đến đêm uống rượu thề nguyền dưới trăng, càng nhớ thì càng khẳng định tấm lòng thủy chung son sắc: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.  Nhưng đằng sau đó là một sự xót xa, day dứt khôn nguôi về một thân phận, về một con người đã ô uế, nhơ nhớp, không thể nào gột rửa được.

Sau nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ cha mẹ. Việc Nguyễn Du miêu tả nỗi nhớ Kim Trọng trước nỗi nhớ cha mẹ là hoàn toàn hợp lí. Kiều đã lựa chọn chữ “hiếu” mà quên đi chữ “tình” nên người nàng cảm thấy có lỗi nhất chính là Kim Trọng. Nhưng không vì thế mà nỗi nhớ cha mẹ kém phần day dứt.

  • “Xót người tựa cửa hôm mai
  • Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
  • Sân Lai cách mấy nắng mưa
  • Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.

Khi nhớ người yêu thì Nguyễn Du sử dụng từ “tưởng”, còn khi nghĩ về cha mẹ lại là “xót”. Cách sử dụng từ ngữ ấy rất hợp lí. Từ “xót” thể hiện tâm trạng lo lắng khôn nguôi của kiều dành cho cha mẹ. Nàng xót thương cho người mẹ tựa cửa ngóng chờ con. Xót thương cho cảnh cha mẹ già yếu không biết ai chăm sóc. Câu hỏi tu từ cùng điển cố “quạt nồng ấp lạnh” đã xoáy sâu vào nỗi lòng, nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ. Sử dụng liên tiếp các hình ảnh ước lệ “Sân Lai cách mấy nắng mưa, gốc tử” càng khắc sâu hơn tâm trạng nhớ gia đình, nhớ nhà. Nàng tưởng đến những thay đổi của quê hương, những thay đổi khá nhanh. Mới xa gia đình được một tháng nhưng nàng tưởng như đã cả năm, những tháng ngày dài dằng dặc cứ lặng lẽ qua chậm chạp. Đối với nàng, hi sinh chữ “tình” để báo đáp chữ “hiếu” vẫn là chưa đủ. Nàng muốn được làm nhiều hơn, muốn chăm sóc nhiều hơn cho cha mẹ nhưng không thể. Thông qua bốn câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Du muốn nói về tấm lòng của Kiều nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung là sự thủy chung son sắt, lòng hiếu thảo, tấm lòng vị tha.

Xem thêm:  Phân tích tâm lý và tình cảm tích cách của bé Thu trong lần gặp cha lần cuối khi ông Sáu về thăm nhà

Tiếp sau nỗi nhớ người thân là nỗi buồn trùng điệp mênh mang, dồn dập như các lớp sóng được thể hiện qua ngòi bút tả cảnh ngụ tình. Mỗi bức tranh là một nỗi buồn. Bốn bức tranh ấy thấm đẫm nỗi buồn của người con gái xa quê hương. Mở đầu mỗi bức tranh là điệp ngữ “buồn trông”:

  • “Buồn trông cửa bể chiều hôm
  • Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
  • Buồn trông ngọn nước mới sa
  • Hoa trôi man mác biết là về đâu 
  • Buồn trông nội cỏ rầu rầu
  • Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
  • Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
  • Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Bức tranh 1: cửa biển hoàng hôn: trong cảnh chiều hôm bát ngát; nước, trời thấm đẫm một màu tím buồn. Giữa trời, nước mênh mông, trong bóng chiều bảng lảng, thấp thoáng một con thuyền khi ẩn khi hiện, xa xa. Cánh buồm ấy, con thuyền ấy gợi lên cho Kiều nỗi nhớ nhà tha thiết và nỗi buồn thương khi liên tưởng mình cũng như cánh buồm kia lênh đênh trên biển lớn không có bến bờ.

Bức tranh 2: Sau câu hỏi “thuyền ai” lại đến câu hỏi “hoa trôi về đâu?”. Cánh hoa trôi nổi tan tác trên dòng nước mới sa khiến Kiều nghĩ đến kiếp đời lênh đênh, nổi trôi vô định không biết dạt về đâu của mình. Hai câu hỏi tu từ khắc khoải bồn chồn như xoáy sâu vào những dự cảm mà Kiều linh cảm về tương lai.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Viếng lãng Bác của Viễn Phương văn 9

Bức tranh 3: Nhìn sang phía khác vẫn một màu “buồn trông” từ chân mây đến mặt đất chỉ là một màu xanh xanh, nhạt nhòa. Màu “xanh xanh” làm cho cỏ cây không còn nét tươi sáng lại thêm vẻ “rầu rầu” làm cho sự sống thêm cạn kiệt, bức tranh phong cảnh héo tàn. Khung cảnh ảm đạm, thê lương phản ánh nỗi mệt mỏi, chán chường, tủi thân về một cuộc sống vô vị. Màu cỏ trên mộ Đạm Tiên hiện ra trước mắt trong khung cảnh trở thành một thứ ám ảnh ghê gớm đối với người con gái đang tuyệt vọng.

Bức tranh 4: Gió cuốn sóng gào: là bức tranh dữ dội nhất, có âm thanh nhưng lại là âm thanh gào thét đầy bão tố. Sóng gió ầm ầm bủa vây quanh ghế ngồi như muốn ập xuống, cuốn phăng Kiều, khiến Kiều hãi hùng, tuyệt vọng khi linh cảm thấy bão tố cuộc đời sắp đổ sập xuống đầu mình.

8 câu thơ đều xoay tròn trong nỗi buồn mênh mang, tuyệt vọng của Kiều. Bút pháp tả cảnh ngụ tình; điệp ngữ liên hoàn “buồn trông”; cùng với hệ thống từ láy đã gợi tả tinh tế tâm trạng buồn thương, tê tái của Thúy Kiều. Tình và cảnh có sự vận động từ mờ nhạt đến rõ đậm; từ xa đến gần; từ tĩnh đến động; từ phấp phỏng đến kinh sợ, hãi hùng.

“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc nhất trong “Truyện Kiều”, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn buồn tủi và tấm lòng hiếu thảo, chung thủy của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

Bài viết liên quan