Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Hướng dẫn
Đề bài: Vợ nhặt của Kim Lân được đánh giá là truyện ngắn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Bằng những dẫn chứng cụ thể, anh chị hãy phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm: Vợ nhặt là truyện ngắn viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945, tuy nhiên mục đích mà nhà văn Kim Lân hướng đến không phải là phơi bày hiện thực đau thương, bi thảm của con người mà nhằm khẳng định sức sống mạnh mẽ bên trong con người.
2. Thân bài
– Cảm hứng nhân đạo đã chi phối ngòi bút của Kim Lân nên từng chi tiết, sự kiện trong tác phẩm đều thể hiện được sự thương yêu, đồng cả trân trọng của tác giả đối với số phận của con người.
– Truyện ngắn Vợ nhặt đã thể hiện chân thực đến mức ám ảnh hiện thực của nạn đói, cái nghèo cái đói vây hãm cuộc sống của con người.
– Không gian của nạn đói cũng thật khủng khiếp với những người sống nằm ngổn ngang khắp lều chợ, người chết đói như ngả rạ, mùi gây của xác người tràn ngập trong không gian
– Là những người sống tại xóm Ngụ cư, cuộc sống của mẹ con Tràng cũng bị cái đói, cái nghèo vắt kiệt sự sống.
– Bên cạnh những miêu tả chân thực có phần trần trụi về nạn đói,nhà văn Kim Lân cũng thể hiện được thái độ thương yêu, trân trọng đối với sự sống của con người.:
+ Chị vợ nhặt cũng là một nạn nhân của nạn đói, hình hài tiều tụy, khuôn mặt lưỡi càu xám xịt của chị cũng hiện lên thật đáng thương.
+ Bà cụ Tứ là một người mẹ thương con với tấm lòng ấm áp.
+ Đối với hạnh phúc “nhặt” được, anh Tràng không những không coi thường người đàn bà chấp nhận đi theo mình mà còn bỏ ra hai hào dầu để thắp sáng trong đêm đầu tiên vợ về nhà.
3. Kết luận
Như vậy, qua truyện ngắn Vợ nhặt, tác giả Kim Lân đã cho người đọc thấy được sự dữ dội, khủng khiếp của nạn đói. Tuy nhiên bằng tấm lòng nhân văn cao cả, nhà văn đã cho người đọc thấy được ánh sáng của tình thương vẫn tỏa rạng, tình người vẫn ấp áp ngay cả khi cái chết cận kề.
Bài liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt:
>>Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
>>Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài
>>Phân tích sức mạnh của tình thương yêu con người qua đoạn trích Mị cứu A Phủ và Tràng đối với cô vợ nhặt
II. Bài tham khảo
Vợ nhặt là truyện ngắn viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945, tuy nhiên mục đích mà nhà văn Kim Lân hướng đến không phải là phơi bày hiện thực đau thương, bi thảm của con người mà nhằm khẳng định sức sống mạnh mẽ bên trong con người. Sức sống đó có thể vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết và làm cho bức tranh xã hội trong nạn đói trở nên ấm áp lạ thường. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo sâu sắc mà nhà văn Kim Lân thể hiện trong tác phẩm của mình.
Có thể nói, Vợ nhặt là một trong những tác phẩm hay nhất, đặc sắc nhất và cũng cảm động nhất viết về nạn đói năm 1945. Cảm hứng nhân đạo đã chi phối ngòi bút của Kim Lân nên từng chi tiết, sự kiện trong tác phẩm đều thể hiện được sự thương yêu, đồng cả trân trọng của tác giả đối với số phận của con người. Và cũng chính trong bức tranh nạn đói u ám, nặng nề ấy, ánh sáng của tình người vẫn tỏa rạng.
Truyện ngắn Vợ nhặt đã thể hiện chân thực đến mức ám ảnh hiện thực của nạn đói, cái nghèo cái đói vây hãm cuộc sống của con người. Đó là hình ảnh của những đoàn người đói từ Thái Bình, Nam Định bồng bế, dắt díu nhau mà trong miêu tả của Kim Lân thì dường như sức sống của họ đã bị vắt kiệt đến nỗi “xanh xám như những bóng ma”.
Không gian của nạn đói cũng thật khủng khiếp với những người sống nằm ngổn ngang khắp lều chợ, người chết đói như ngả rạ, mùi gây của xác người tràn ngập trong không gian, những con quạ đen dấu hiệu của sự chết chóc cũng xuất hiện càng làm cho bức tranh nạn đói trở nên ám ảnh khủng khiếp.
Là những người sống tại xóm Ngụ cư, cuộc sống của mẹ con Tràng cũng bị cái đói, cái nghèo vắt kiệt sự sống. Hình ảnh ngôi nhà lụp xụp với tấm phên rách, niêu bát, quần áo bừa bộn. Cái nghèo, cái đói không chỉ thể hiện trong gia cảnh mà dường như còn ám ảnh trên chính khuôn mặt “bủng beo u ám” của bà cụ Tứ.
Chị vợ nhặt cũng là một nạn nhân của nạn đói, hình hài tiều tụy, khuôn mặt lưỡi càu xám xịt của chị cũng hiện lên thật đáng thương. Chị trốn tránh cái nghèo bằng cách theo không một người đàn ông mới hai lần gặp mặt nhưng gia cảnh nghèo khó của anh ta ít nhiều làm chị thất vọng, tiếng thở dài cố nén, khuôn mặt khi xám lại.
Bên cạnh những miêu tả chân thực có phần trần trụi về nạn đói,nhà văn Kim Lân cũng thể hiện được thái độ thương yêu, trân trọng đối với sự sống của con người. Anh Tràng tuy ngờ nghệch nhưng lại là người giàu lòng yêu thương và khát khao hạnh phúc. Đối với hạnh phúc “nhặt” được, anh Tràng không những không coi thường người đàn bà chấp nhận đi theo mình mà còn bỏ ra hai hào dầu để thắp sáng trong đêm đầu tiên vợ về nhà. Hành động ngỡ như bình thường của anh Tràng trong nạn đói khủng khiếp được coi là vô cùng “hào phóng” vì khi cái đói, cái nghèo vây hãm, nhu cầu trước hết của con người là miếng ăn thì anh Tràng lại để dành tiền mua dầu như sự trân trọng đối với hạnh phúc bất ngờ mà anh vừa có được.
Bà cụ Tứ là một người mẹ thương con với tấm lòng ấm áp. Trước sự xuất hiện của cô vợ nhặt bà cụ Tứ đã niềm nở đón nhận như dâu con trong nhà,. Không những thế trong bữa ăn đầu tiên mà còn khuyên bảo các con việc làm ăn, động viên và hướng các con về một tương lai tươi sáng.
Chị vợ nhặt gây ấn tượng với anh Tràng cũng như độc giả bởi vẻ đanh đá, chua ngoa nhưng sâu trong bản chất đây lại là người phụ nữ hiền lành với những phẩm chất đáng quý. Những gì chị thể hiện ra bên ngoài như cách để phản ứng lại với xã hội đen tối, dữ dội đẩy con người vào bất hạnh. Chứng kiến gia cảnh nghèo khó của anh Tràng, dù thất vọng nhưng chị vẫn cố nén tiếng thở dài. Trong buổi sáng đầu tiên về làm vợ chị cũng dậy sớm cùng bà cụ Tứ quét dọn và chuẩn bị bữa cơm sáng. Có thể thấy người đàn bà này đã dành sự trân trọng trân thành nhất cho hạnh phúc bất ngờ này của mình.
Như vậy, qua truyện ngắn Vợ nhặt, tác giả Kim Lân đã cho người đọc thấy được sự dữ dội, khủng khiếp của nạn đói. Tuy nhiên bằng tấm lòng nhân văn cao cả, nhà văn đã cho người đọc thấy được ánh sáng của tình thương vẫn tỏa rạng, tình người vẫn ấp áp ngay cả khi cái chết cận kề, thứ tình cảm thiêng liêng ấy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Theo Nhungbaivanhay.vn