Phân tích hình tượng nhân vật Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Phân tích hình tượng nhân vật Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Bài làm
“Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn rất thành công của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm được in trong tập truyện Tây Bắc. Truyện Tây Bắc là kết quả của chuyến đi dài ngày của nhà văn thâm nhập thực tế cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Bắc, cũng đánh dấu chín muồi về tư tưởng và tình cảm của nhà văn. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đã thể hiện một cách xúc động cuộc sống tủi nhục của đồng bào miền núi Tây Bắc. Đây là một tác phẩm thể hiện rõ đặc điểm của phong cách nghệ thuật của Tô Hoài. Nhân vật chính trong tác phẩm chính là Mị và A Phủ. Chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu rõ hơn về người con gái vùng Tây Bắc ấy: nhân vật Mị.
Mị là một cô gái dân tộc H’mông xinh đẹp, tài giỏi và hiếu thảo với cha. Với bản chất tốt đẹp như vậy, sẽ hứa hẹn một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng số phận của Mị ngay từ khi sinh ra đã gặp nhiều sự bất hạnh. Mị sinh ra trong một gia đình nghèo khó, chính vì cái nghèo đã đẩy Mị trở thành nạn nhân của món nợ truyền kiếp: “con dâu gạt nợ”. Mang danh nghĩa là con dâu, đi làm dâu ở nhà thống lí Pá Tra nhưng thực chất là đi làm con ở cho nhà người ta. Ở nhà thống lí, Mị bị bóc lột sức lao động, bị giam hãm về tinh thần, đây chính là một hủ tục của dân tộc miền núi Tây Bắc. Khi lấy A Sử về làm chồng, Mị bị A Sử đối sử tàn nhẫn và tệ bạc. Qua đó chúng ta có thể thấy, nhân vật Mị chính là nạn nhân của cường quyền và thần quyền. Số phận của Mị tiêu biểu cho số phận tủi nhục của người phụ nữ nông dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến.
Trong tính cách của nhân vật Mị có hai mặt đối lập. Đầu tiên chính là tính cách cam chịu, nhẫn nhục, buông xuôi, bất lực trước số phận. Tác giả Tô Hoài đã phác họa chân dung bên ngoài của Mị, vẻ bên ngoài lúc nào mặt Mị cũng “buồn rười rượi”, lúc nào cũng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, dù làm gì thì Mị cũng chỉ biết cúi mặt xuống. Từ khi vào nhà thống lí, Mị trở nên vô cảm, vô thức: “Tưởng mình cũng là con trâu con ngựa”. Lúc nào cũng nhớ đi nhớ lại những công việc giống nhau. Lúc nào trong đầu Mị cũng chỉ nhớ đến công việc mà quên đi ý niệm về thời gian về không gian. Mị đã quen lì với cái khổ: mất cả sức sống, làm bạn với những thứ vô tri vô giác (tảng đá, trâu ngựa, ngọn lửa). Lúc này trong Mị chính là cảm giác chán nản, buông xuôi, chán sống.
Nếu mặt tính cách thứ nhất là cam chịu, là buông xuôi đầu hàng số phận, thì tính cách thứ hai của Mị đối lập hẳn, ở tính cách này đó chính là sự phản kháng của Mị, sức sống tiềm tang, mãnh liệt của Mị đã trỗi dậy mạnh mẽ. Mị đã từng muốn tử tự, nếu có nắm lá ngón lúc này, Mị sẽ ăn luôn, bởi bị cảm thấy chán nản trước cuộc sống như vậy. Khi mùa xuân đến, sức sống tiềm tang trong Mị lại trỗi dậy, Mị lại khát khao hạnh phúc. Khi nghe thấy tiếng sáo rủ bạn đi chơi, Mị lại cảm thấy bồi hồi, nhẩm theo những lời hát. Tiếng sáo đầu núi, gọi bạn đầu làng, bay lơ lửng ngoài đường- gọi bạn yêu, rợp rờn trong đầu Mị. Tất cả đã đưa Mị đến khát khao được sống tự do, khát khao được sống hạnh phúc.
Trong đêm hội mùa xuân, Mị cầm bát rượu uống ừng ực từng bát rồi say lịm cả người: cái say ùa về làm Mị quên đi cuộc sống thực tại, Mị nhớ về quá khứ: “Mị vẫn là con người”, lúc này tuy say, nhưng Mị vẫn ý thức được bản thân: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Nhưng rồi khao khát sống trong Mị lại trỗi dậy. Mị lại quấn lại tóc, với lấy chiếc váy hoa, hành động của Mị lúc này giống như hành động của một kẻ mộng du, sức ám ảnh của tuổi xuân đã chiếm hết lấy tâm hồn của Mị. Khi bị A Sử trói, lúc này Mị cũng không biết là mình bị trói, vẫn nghe tiếng sao mà vùng bước đi, lúc này Mị vẫn say trong cơn mộng du. Lúc này, Mị sợ chết, Mị cựa người xem mình còn sống hay đã chết, Mị khát khao được sống, lúc này Mị không còn muốn chết nữa, không còn nghĩ đến nắm lá ngón nữa.
Như vậy, những đêm tình mùa xuân ở quê hương bản Mường, bạn bè là những tác nhân mạnh mẽ, hồi sinh sự sống cho Mị. Nó đánh thứ ở trong tâm hồn của một con người buông xuôi, cam chịu,…trỗi dậy một sức sống mãnh liệt.
Trong lúc chạy trốn khỏi nhà thống lí, Mị bắt gặp A Phủ cũng đang bị trói đứng ở cột. Lúc đầu, Mị thản nhiên, dửng dưng, nhưng khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, lúc này Mị hồi tưởng lại về mình khi bị trói như vậy, Mị cảm thấy thương xót con người cùng cảnh ngộ ấy, và quyết định cắt dây trói cho A Phủ và cùng chàng chạy trốn khỏi mảnh đất ấy. Từ suy nghĩ đến hành động của Mị đều phù hợp với tâm lí của nhân vật. Hành động cởi trói cho A Phủ dù bột phát tự phát song có ý nghĩa của sự vùng dậy, Mị cắt trói cho A Phủ cũng chính là cắt đứt dây trói của cuộc đời mình.
Với ngục thất và sự đày đọa của nhà thống lí Pá Tra, khát vọng hạnh phúc có thể bị lãng quên dưới đáy sâu của tâm hồn, nhưng không thể bị tiêu tan, đây cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Thông qua những nhân vật của mình, đặc biệt nhân vật Mị, Tô Hoài muốn thông qua những số phận bất hạnh và đau khổ của người dân miền núi, để khẳng định những phẩm chất tốt đẹp và những khát vọng của họ, những khả năng tích cực và con đường đi tới cách mạng của họ.