Phân tích khổ 1 bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ | Làm văn mẫu
Phân tích khổ 1 bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ | Làm văn mẫu
Hướng dẫn
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy Phân tích khổ 1 bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử
(Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Lê Thị Hoài lớp 11A5 trường THPT Ân Thi, Hưng Yên)
BÀI LÀM
Thơ Mới – dàn hợp xướng của những cái “tôi” đỉnh cao. Đọc thơ Mới, tôi ám ảnh nhất là Hàn Mặc Tử. Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn được xây lên bằng máu, lệ ngàn, bằng nỗi dằn vặt thể xác và trăn trở tinh thần. Thế nhưng, những vần thơ ấy được cất lên bằng thanh âm trong trẻo và tinh khiết lạ thường. Điều đó kết tinh trọn vẹn trong khổ đầu tiên của bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Nói về Hàn Mặc Tử, đây được coi là một trong ba đỉnh cao thơ Mới, là chủ soái trường thơ loạn. Thi sĩ là hiện tượng kì dị và ám ảnh nhất trong thơ ca hiện đại. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được Hàn Mặc Tử sáng tác năm 1938, sau in trong tập “Thơ điên”. Bài thơ được sáng tác trong quãng thời gian cuối đời của tác giả. Khổ thơ đầu tiên trong bài thơ là không gian thôn Vĩ Dạ trong kí ức, ẩn chứa sau đó là khao khát được trở về “chốn nước non thanh tú”.
Tác giả bắt đầu lời tỏ tình với thôn Vĩ bằng tiếng gọi mời mọc trở về:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Vĩ Dạ là một ngôi làng nhỏ nằm sát thành phố Huế, bên bờ sông Hương thơ mộng. Vĩ Dạ có những ngôi nhà tranh xinh xắn ẩn hiện sau sắc xanh tươi tắn của vườn tược cây trái và những hàng cau. Bức ảnh chụp Vĩ Dạ mà nàng thơ Hoàng Thị Kim Cúc gửi về cho Hàn khi Hàn nằm trên giường bệnh như một lời mời, lời động viên và lời trách cứ nhẹ nhàng. Anh đã quên Vĩ Dạ chăng? Câu thơ đầu tiên đồng thời là câu hỏi tu từ có 6/7 thanh bằng. Nhờ đó lời trách cứ nhẹ hơn, tình tứ hơn.
Với Hàn, về Vĩ Dạ phải là về “chơi” chứ không phải về thăm. Hàn không về thăm hỏi người thân, bạn bè. Hàn về Vĩ Dạ để thưởng thức nét đẹp, để được chạm vào nhành lá, ngọn cây, nắm cát… nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn Hàn suốt những năm tháng tuổi trẻ.
Làm rõ hơn cảnh đẹp đó, Hàn dùng tới 2 câu thơ tả cảnh Vĩ Dạ trong sớm mai:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Hàn Mặc Tử đã khởi động hành trình tâm tưởng vượt mọi thời gian và không gian để thêm một lần về với Vĩ Dạ. Thứ đầu tiên anh bắt gặp ở đây là nắng. Nắng là hình ảnh nghệ thuật xuất hiện nhiều và có sưc ám ảnh trong thơ Hàn. Nắng luôn tượng trưng cho thế giới đáng sống, thế giới khác với “lòng giếng lạnh” mà Hàn bị giam hãm:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”
Tuy nhiên, nắng nơi Vĩ Dạ còn tốn nhiều “tinh lực” của Hàn hơn tất cả. Cùng một dòng thơ có tới hai từ “nắng”. Cũng chỉ là “nắng” thôi, ấy vậy mà anh còn dùng tới 6 tiếng để tả. “Nắng mới” bổ sung cho “nắng hàng cau” và cụ thể hóa bằng màu “mướt” “như ngọc”. Nắng sớm tinh khôi rọi qua những kẽ lá cau tăm tắp, đổ bóng ánh vàng xuống mặt đắt. Nắng tràn trên thân cây cau bóng nhẵn, đổ dài trên mặt đất. Bóng cau dưới mặt đất tựa cây thước khổng lồ đang đo mực nắng. Những tính từ như “mướt quá” hay “xanh như ngọc” càng làm nổi bật hơn bức tranh thiên nhiên mơn mởn, non tơ, rực rỡ, đầy sức sống.
Khổ thơ khép lại bằng hình ảnh con người Vĩ Dạ:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Ta thấy thấp thoáng bóng khuôn mặt chữ điền nào đó đang đứng sau cành trúc. Hình ảnh lá trúc và khuôn mặt chữ điền khá quen thuộc với mảnh đất xứ Huế. Ca dao Huế có câu:
“Anh thương em không thương bạc thương tiền
Mà anh thương khuôn mặt chữ điền của em”
Như vậy, “mặt chữ điền” ở bài thơ có thể là người con gái Huế đôn hậu. Tuy nhiên, xét trong logic tư tưởng chung và hồn thơ Hàn, “mặt chữ điền” cũng có thể là chính tác giả. Tác giả như người thuộc về thế giới khác, chỉ dám đứng từ xa, lấp bóng cành trúc mà ngắm ngía Vĩ Dạ.
Tóm lại, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” thành công trong cách sử dụng ngôn từ độc đáo, cách diễn đạt sáng tạo và giọng thơ chân thành, thể hiện tâm hồn của một con người khao khát được sống và yêu cái đẹp nhưng hoàn toàn bất lực trước thực tại. Liệu giờ đây, linh hồn người có được an yên nơi Vĩ Dạ?
>>> XEM THÊM:
-
phân tích bài thơ thương vợ
-
phân tích tâm trạng của hồ xuân hương trong tự tình 2
-
phân tích bài thơ thu điếu
Theo Nhungbaivanhay.vn