Phân tích khổ thơ cuối của bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng


Phân tích khổ thơ cuối của bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Hướng dẫn

Đề bài: Khổ thơ cuối của bài thơ Tây Tiến đã thể hiện nguyện ước cao đẹp của nhà thơ Quang Dũng cũng như những người lính Tây Tiến. Anh chị hãy phân tích khổ thơ cuối của bài thơ Tây Tiến.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ là nỗi nhớ về Tây Tiến, về những tháng ngày đã qua đồng thời cũng thể hiện ý chí quyết tâm, và tinh thần hi sinh cao đẹp của của người lính, tinh thần ấy được thể hiện rõ nét qua khổ thơ cuối của bài thơ.

2. Thân bài

– Hai câu thơ đầu, nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện quyết tâm, lí tưởng chung của những người lính trong binh đoàn Tây Tiến.

+ “Người đi không hẹn ước” là tinh thần chiến đấu tự nguyện, quả cảm.

+ Lí tưởng cứu nước, tinh thần xả thân ấy thật đẹp đẽ, thật thiêng liêng biết bao, vì dân tộc, tổ quốc họ chấp nhận dâng hiến trọn vẹn mà không chút tính toán cho mình “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

– “Đường lên thăm thẳm một chia phôi” bước chân của người lính Tây Tiến bước qua bao núi, bao đèo và cuộc hành quân càng tiến lên phía trước thì những bản làng mờ sương cũng mờ ảo và lùi dần về phía sau.

– Cuộc chiến đấu căng thẳng, khốc liệt lại thêm điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn khiến cho hành trình chiến đấu khó khăn, tử thần rình rập làm cho hi vọng trở về càng mong manh.

Xem thêm:  Phân tích hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

– Hai câu thơ cuối càng khắc sâu hơn về tinh thần bi tráng, sẵn sàng hi sinh cho nghiệp lớn của binh đoàn Tây Tiến

+ “Mùa xuân ấy” là mùa xuân năm 1947 khi binh đoàn Tây Tiến được thành lập, cũng có thể là mùa xuân sáng lạn của đất nước khi hòa bình.

+ “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” những người lính dẫu hi sinh nhưng vẫn mang nguyện ước thật đẹp, hòa vào khí thiêng sông núi để mãi bảo vệ cho tổ quốc, non sông.

3. Kết bài

Khổ thơ đã sử dụng bút pháp lãng mạn để nói về lí tưởng và tinh thần hi sinh cao đẹp của những người lính Tây Tiến đồng thời hoàn thiện cho bức chân dung đẹp đẽ, đáng trân trọng của những người lính trong kháng chiến.

II. Bài tham khảo

Binh đoàn Tây Tiến được thành lập năm 1947 với nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống Pháp. Nhà thơ Quang Dũng từng hoạt động trong binh đoàn Tây Tiến nên ông có những trải nghiệm sâu sắc về những tháng ngày chiến đấu gian khổ nhưng đầy ắp kỉ niệm của người lính. Năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ chuẩn bị nhận công tác ở đơn vị mới, ông đã viết bài thơ Tây Tiến. Bài thơ là nỗi nhớ về Tây Tiến, về những tháng ngày đã qua đồng thời cũng thể hiện ý chí quyết tâm, và tinh thần hi sinh cao đẹp của của người lính, tinh thần ấy được thể hiện rõ nét qua khổ thơ cuối của bài thơ.

Hai câu thơ đầu, nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện quyết tâm, lí tưởng chung của những người lính trong binh đoàn Tây Tiến:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi”

“Người đi không hẹn ước” là tinh thần chiến đấu tự nguyện, quả cảm. Những người lính ra đi vì lí tưởng cứu nước cao đẹp, họ sẵn sàng hi sinh cả tuổi xuân, cả mạng sống của bản thân cho lí tưởng ấy nên ra đi không hẹn ước ngày trở về. Những người lính hiểu được sự khốc liệt của chiến trường, sự cam go đầy khó khăn, mất mát của cuộc kháng chiến trường kì. Lí tưởng cứu nước, tinh thần xả thân ấy thật đẹp đẽ, thật thiêng liêng biết bao, vì dân tộc, tổ quốc họ chấp nhận dâng hiến trọn vẹn mà không chút tính toán cho mình “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

“Đường lên thăm thẳm một chia phôi” bước chân của người lính Tây Tiến bước qua bao núi, bao đèo và cuộc hành quân càng tiến lên phía trước thì những bản làng mờ sương cũng mờ ảo và lùi dần về phía sau. Cuộc chiến đấu căng thẳng, khốc liệt lại thêm điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn khiến cho hành trình chiến đấu khó khăn, tử thần rình rập làm cho hi vọng trở về càng mong manh.

Hai câu thơ cuối càng khắc sâu hơn về tinh thần bi tráng, sẵn sàng hi sinh cho nghiệp lớn của binh đoàn Tây Tiến:

Xem thêm:  Tóm tắt tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

Mang theo mình tình yêu nước, lí tưởng xả thân cao đẹp, những người lính Tây Tiến muốn sống hết mình cho cuộc chiến đấu, cả khi hi sinh họ cũng mong muốn tan vào với hồn thiêng sông núi để lí tưởng, tình yêu ấy sẽ bất tử với thời gian. “Mùa xuân ấy” là mùa xuân năm 1947 khi binh đoàn Tây Tiến được thành lập, cũng có thể là mùa xuân sáng lạn của đất nước khi hòa bình. “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” những người lính dẫu hi sinh nhưng vẫn mang nguyện ước thật đẹp, hòa vào khí thiêng sông núi để mãi bảo vệ cho tổ quốc, non sông.

Nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng hàng loạt từ mang sắc thái trang trọng “không hẹn ước, chia phôi, hồn cùng giọng thơ nhẹ nhàng, mềm mại nên dù nói đến sự hi sinh, mất mát nhưng khổ thơ không gieo vào lòng người đọc những mất mát, bi lụy mà thấm đẫm chất lãng mạn, gợi ra niềm tin và tinh thần lạc quan.

Khổ thơ đã sử dụng bút pháp lãng mạn để nói về lí tưởng và tinh thần hi sinh cao đẹp của những người lính Tây Tiến đồng thời hoàn thiện cho bức chân dung đẹp đẽ, đáng trân trọng của những người lính trong kháng chiến.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan