Phân tích một khổ thơ yêu thích nhất trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh (bài viết hay)
Phân tích một khổ thơ yêu thích nhất trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
Bài làm
Nhà thơ Xuân Quỳnh, một nhà thơ trẻ trung, sôi nổi và giàu chất trữ tình, xuất thân từ nông thôn nên đề tài thơ của Xuân Quỳnh thường gần gũi, bình dị như tình bà cháu, tình yêu, tình quê hương, đất nước. Trong đó có bài thơ “Tiếng gà trưa” đã gợi nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu, chính tình cảm gia đình, quê hương đã làm sâu sắc thêm tình yêu đất nước trong người lính trẻ.
Bài thơ “Tiếng gà trưa” được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên phạm vi cả nước. Sau khi bị thua ở chiến trường miền Nam, quân Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm ngăn cản hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trước hoàn cảnh đất nước lâm nguy, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường mang trong mình khí thế “xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ. Nhà thơ Xuân Quỳnh hay chính nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng là một trong số những thanh niên đó, là một người chiến sĩ trẻ đang cùng đồng đội đi vào miền Nam chiến đấu. Bao trùm cả bài thơ là nỗi nhớ cồn cào và da diết của tác giả về nơi quê nhà, ngay trong khổ thơ đầu của bài thơ ta đã cảm nhận được sự rung cảm cao độ trong tâm hồn của người lính trẻ khi nghe tiếng gà trưa hay chính là tiếng của quê hương:
“Trên đường hành quân xa…
Nghe gọi về tuổi thơ”
Nỗi nhớ nhà là tâm trạng không thể tránh khỏi của những người lính mới ngày đầu ra trận, họ đều là những thanh niên đã hoặc chưa bước qua tuổi học trò, tạm ngừng cây bút để cầm súng chiến đấu. Trên đường hành quân vào miền Nam, chợt tiếng gà trưa văng vẳng vang lên bên xóm nhỏ đã làm tâm hồn người chiến sĩ trỗi dậy cả một trời thương nhớ. Nỗi nhớ được thể hiện vừa giản dị lại vừa cụ thể, chỉ là một tiếng gà nhảy ổ nhưng lại làm xao động cả nắng trưa và xao xuyến cả lòng người. Người chiến sĩ đang ở một nơi xa quê hương khi nghe thấy tiếng gà như nghe thấy tiếng của quê nhà an ủi, vỗ về và củng cố thêm niềm tin, sức mạnh chiến đấu. Trong ba câu cuối của khổ thơ, điệp từ “nghe” được lặp lại đến ba lần:
“Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đờ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
Thông qua tiếng gà trưa nhảy ổ, hình ảnh về quê nhà hiện lên rất rõ nét trong tâm tưởng của người lính, đồng thời những kỉ niệm tuổi thơ cũng theo đó mà sống dậy mạnh mẽ. Tiếng gà gợi nhớ đến ổ rơm với những quả trứng hồng của chị gà mái mơ, mái vàng, tiếng gà “cục…cục tác cục ta” còn khiến cháu nhớ đến bà, người bà kính yêu và suốt một đời tần tảo. Tiếng gà nhảy ổ như một phép màu, truyền cho người chiến sĩ bao niềm vui, bao tinh thần và nghị lực mới, xua tan mệt mỏi và gia tăng sức mạnh vượt qua chặng đường chông gai.
Như vậy, qua khổ thơ đầu của bài thơ “Tiếng gà trưa” người đọc đã cảm nhận được tình hậu phương êm đềm và sâu nặng như dạt dào trào dâng trong lòng người chiến sĩ trẻ. Đồng thời tiếng gà nhảy ổ đã trở thành tiếng của quê nhà, của hậu phương đang chào đón và vẫy gọi.