Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà (bài 3)


Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà (bài 3)

Hướng dẫn

* Mở bài:

Với hơn 50 năm cầm bút lao động sáng tạo nghệ thuật miệt mài, Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho nền văn học Việt Nam một sự nghiệp văn học khá đồ sộ. Đóng góp lớn của Nguyễn Quang Sáng cho văn học Việt Nam là nhà văn đã ca ngợi những con người bình dị và anh hùng mang đậm tính sử thi và cảm thông cho những phận người nhỏ nhoi cả trong và sau cuộc chiến.

Truyện ngắn Chiếc lược ngà thể hiện sâu sắc đặc điểm nghệ thuật ấy trong sáng tác của ông. Qua đời sống và chiến đấu của anh Sáu – người cán bộ kháng chiến – tác phẩm đã thể hiện vô cùng cảm động về đời sống tình cảm gia đình của con người trong chiến tranh. Nhà văn viết về những điều đó bằng tất cả sự ngưỡng mộ và cảm thông sâu sắc.

* Thân bài:

Năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất, tập truyện ngắn Chiếc lược ngà ra đời, kịp thời phục vụ cho đời sống kháng chiến của quân và dân miền Nam. Toàn truyện đẹp như một bài thơ, vừa nhẹ nhàng đi thẳng vào lòng người vừa mạnh mẽ cuộn trào dữ dội. Trong đó, chất hùng ca quyện chặt với chất trữ tình làm nên cái hồn riêng của tác giả lẩn kín trong cái khách quan của câu chuyện. Có thể nói, qua Chiếc lược ngà, bản lĩnh viết văn của Nguyễn Quang Sáng được bộc lộ ở nhiều mặt đặc sắc, thật đáng trân trọng.

Trọng tâm của câu chuyện cảm động này là ca ngợi tình cảm cha con sâu đậm, thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Cái khó nhất của tình huống này là làm sao khắc họa thành công hình ảnh con người kháng chiến vừa đầy ắp yêu thương trong tình cảm gia đình vừa kiên cường, bất khuất trong chiến đấu? Làm sao để gắn kết cái tình cảm riêng tư và nhiệm vụ kháng chiến bảo vệ đất nước một cách hài hòa, hợp lí?

Anh Sáu được giới thiệu là một người cán bộ kháng chiến, vì nhiệm vụ cao cả mà phải rời xa gia đình lên chiến khu khi con gái đầu lòng chưa tròn một tuổi. Tất nhiên, tình yêu thương và nỗi nhớ con thơ luôn thường trực trong lòng người cha trẻ. Bảy năm trời xa cách biền biệt, sau ngần ấy năm, anh Sáu vẫn luôn nung nấu trong lòng khát khao cháy bỏng mong được gặp, ôm con vào lòng và nghe gọi một tiếng ba tha thiết. Thế nhưng, ngay phút đầu tiên nhìn thấy mặt con, gọi con, đợi chờ thì anh Sáu bị phủ nhận – bé Thu không chịu nhận anh là cha.

Tình huống gây cấn bắt đầu từ đây. Anh Sáu phải làm gì và tại sao lại như thế, anh hoàn toàn không hiểu. Cuộc chiến đã rèn luyện anh mạnh mẽ, nhưng ngay lúc này đây anh trở nên yếu đuối vô cùng. Đôi mắt anh đỏ hoe, chờ đợi. Rồi anh tiến tới tìm hiểu. Anh Sáu càng muốn gần con hơn thì dường như sự lạnh lùng, bướng bỉnh của con bé càng làm cho anh bị tổn thương.

Còn gì đau đớn hơn một người cha giàu lòng yêu thương con mà lại bị chính đứa con gái bé bỏng ấy từu chối mà không biết bởi lí do gì. Dù cho mọi người đã xác nhận anh và cố gắng giải thích cho bé Thu hiểu nhưng không thể nào thuyết phục được nó.

Xem thêm:  Đóng vai người lính trong bài thơ Đồng chí kể lại câu chuyện hay ngắn gọn

Có thể coi việc bé Thu hất cái trứng ra khỏi chén là ngòi nổ làm bùng lên những tình cảm mà bấy lâu anh Sáu đã chất chứa trong lòng. Tình yêu thương con của người cha bị cự tuyệt quyết liệt và anh đã đánh nó. Anh hiểu rằng mình đã không đúng vì suốt bảy năm qua chẳng thể về thăm con, gần gũi với con, thực hiện trách nhiệm của người cha tốt.

Anh cố kìm nén bản thân trong lúc này, muốn hành động đúng hơn nhưng dường như càng cố kìm nén thì hoàn cảnh lại cố tình tiêm chích vào lòng anh. Cái đánh chất chứa tình yêu thương vô bờ bến và cả nỗi giận dữ của một người cha đang khao khát đoàn tụ, sum vầy trong tình yêu thương thắm thiết.

Cái tác nghiêm khắc nhắc nhở bé Thu về hành động ngang ngược, vô lễ và bướng bỉnh mà nó vừa gây ra. Bé Thu cũng cảm thấy bức bối. Nó không hiểu chuyên gì đang xảy ra ở đây. Cũng không ai hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Tất cả bị đặt trong một tình huống mơ hồ, không ai biết làm gì hơn nữa.

Nhưng người đọc nhận ra, ẩn sau cái tình huống trớ trêu ấy là hình ảnh chiến tranh, kẻ thù của tình thương, hòa bình, tự do và hạnh phúc. không một tiếng súng, không đạn bom, không tiếng gầm thét, chiến tranh giống như một bóng ma lẩn lút hiện hình trong mỗi ngôi nhà, trong mỗi trái tim, trong từng số phận. Ta lắng nghe được tiếng khóc âm ỉ trong lòng anh Sáu, tiếng khóc ấm ức của bé Thu khi bị anh Sáu đánh, tiếng thở dài của chị Sáu trước nghịch cảnh.

Chỉ tại chiến tranh mà anh Sáu phải rời xa gia đình khi bé Thu còn chưa đầy một tuổi. Đó là mất mát đầu tiên. Bé Thu đã phải rất khó khăn khi lớn lên không có sự chăm sóc, che chở của người cha. Từng đêm em mong mỏi điều đó. Tâm hồn thơ dại của con bé tin rằng cha hiện diên trong bức ảnh và luôn ở bên mình.

Chỉ tại chiến tranh gây nên vết thương trên khuôn mặt anh Sau và làm nảy sinh ngộ nhận của bé Thu vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Thật đau đớn thay, chỉ tại vết sẹo ấy mà gây nên nghịch cảnh đẫm đầy nước mắt. Nhà văn không lên tiếng tố cáo chiến tranh nhưng thông qua câu chuyện, ông đã gián tiếp thể hiện sự phẫn nộ của mình trước sự tàn khốc, ác nghiệt do chiến tranh gây ra. Ông tạo nên một nhận thức mới trong tâm trí người đọc: chiến tranh đâu chỉ hiển hiện qua đạn bom và và chết chóc; chiến tranh còn ẩn mình trong từng số phận con người, gây nên biết bao thương đau, mất mát. Nó còn đáng sợ hơn cả khi ta đối mặt với kẻ thù trên trận tuyến.

Giá gì bé Thu sớm nhận ra điều đó, hoặc anh Sáu bình tĩnh hơn để suy nghĩ, tìm lấy lí do. Nhưng, niềm mong mỏi và hạnh phúc quá lớn khiến họ không còn suy nghĩ nhiều. Câu chuyện được bày tỏ chỉ qua sự giải thích của người bà. Bé Thu hiểu ra tất cả. Dù là muộn màng nhưng cũng đủ để cha con anh Sáu tìm lấy cái chung trong tình yêu thương thắm thiết.

Buổi sáng chia tay trên bến sông thật là một cảnh tượng cảm động. Lúc sắp rời xa, anh Sáu đã hoàn toàn thất vọng. Nhưng bất ngờ, bé Thu cất tiếng gọi “ba” và chạy đến ôm lấy anh, hôn lên vết sẹo khiến anh vô cùng xúc động. Niềm hạnh phúc quá lớn đột ngột đến, anh Sau đã khóc, vết thương trên mặt anh giật giật. Anh ôm con bé vào lòng như ôm cả tâm hồn mình, ôm cả cuộc đời mình. Tiếng “ba” nghẹn ngào chạm đến sâu thẳm trái tim anh, như một sự xoa dịu mơn man khắp da thịt, khơi bùng niềm rung cảm mãnh liệt thiêng liêng nhất. Hình ảnh chiến tranh tạm thời bị đẩy lùi ra xa nhường chỗ cho sự đoàn tụ.

Xem thêm:  Cảm nghĩ về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi

Niềm hạnh phúc quyện tròn trong trái tim, bừng nở trên khuôn mặt và nghẹn ngào trong tiếng khóc, lấp đầy những khoảng trong mênh mong trong tâm hồn con người tưởng chừng đã khô khan, rạn vỡ. Niềm hạnh phúc như cơn mưa tưới đầy làm tươi xanh những mầm sống gần như đã kiệt sức, hàn gắn vết thương lòng, đem lại cho con người tình yêu cuộc sống và quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

Trên chiến khu, anh Sáu dành hết tình yêu thương vào việc tự tay làm mọt chiếc lược ngà làm quà cho con gái như bé Thu mong mỏi. Anh tỉ mỉ chạm khắc từng nét như dồn hết tình yêu của mình vào trong đó. Anh nâng niu, quý trọng chiếu lược như nâng niu đứa con bé bỏng của mình. Lòng yêu thương con khiến người chiến sĩ trở thành một nghệ sĩ sáng tạo tài tình dù là chỉ một lần duy nhất trong đời. Và khi làm xong, anh chải lên đầu cho lược thêm bóng sáng và tưởng tượng con gái sẽ rất hạnh phúc khi chải nó trên đầu. Tình yêu con của anh Sáu khiến cho người đọc thấy ấm lòng và cảm động sâu sắc.

Thế nhưng, cái chết của anh Sáu làm người đọc sực tỉnh nhận ra bộ mặt tàn khốc của chiến tranh. Có lúc nó im lặng đến đáng sợ. Và khi nó hiện hình thì con người lại gánh lấy đau thương. Một câu chuyện đẹp sắp đến hồi kết bỗng dưng bị cụp tắt, niềm hi vọng bị cắt rời ra từng mảnh.

Người đọc không khỏi hụt hẫng rồi quằn quại xót đau và không cầm được nước mắt khi anh Sáu móc cây lược trao lại cho người đồng chí và gửi gắm ý nguyện cuối cùng. Người mất, người còn nhưng kỉ vật duy nhất, cái gạch nối của hai thế hệ vẫn còn ở đây. Chiếc lược ngà là kết tinh của tình phụ tử bất diệt trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, là vật chứng tố cáo sự thảm khốc, phi nghĩa và tàn nhẫn của nó.

Chiếc lược đơn sơ, đằm thắm, là biểu tượng của tinh thần bất khuất của con người. Nó minh chứng hùng hồn rằng chiến tranh có thể chia cách họ, giết chết họ nhưng không thể nào hủy diệt được tình yêu thương trong họ.

Chiếc lược ấy chưa một lần được chải lên mái tóc rối của bé thu nhưng đã gỡ được của cha con anh Sáu. Nó còn là một niềm an ủi đối với người đọc, làm cho người đọc tin tưởng rằng học đã sống mạnh mẽ, tình yêu luôn bất tử dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và nhận ra nguồn sống đang dần kết tụ và lớn lên trong tâm hồn bé Thu, trở thành sức mạnh quật cường trong cô giao liên tài giỏi sau này.

Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng đã có một cách tiếp cận hiện thực khá mới mẻ và hiệu quả. Ông không đi thẳng ra tiền tuyến mà trở về với hậu phương, quan sát, phát hiện và ngợi ca những phẩm chất quý giá của con người. Chiến tranh tuy không hiện hình nhưng tội ác đang hoành hành. Chính cuộc chiến đã làm hai cha con phải cách biệt, làm khuôn mặt anh Sáu biến dạng, cuộc gặp gỡ của hai cha con bị đặt trong một hoàn cảnh trớ trêu đẫm đầy nước mắt. Cái mất mát lớn nhất chính là những con người đã ngã xuống, tổ ấm gia đình không trọn vẹn, nỗi đau thương không bao giờ bù đắp nổi.

Xem thêm:  Thuyết minh về đàn gà quê em

Cuộc tái ngộ của hai cha con có vai trò khẳng định tình cảm thiêng liêng, cao quý, phơi bày rõ ràng bộ mặt tàn khốc của chiến tranh. Trong cuộc chiến, nó bị thử thách cao độ, nhiều khi vượt quá mức chịu đựng của con người. Rồi một lần nữa anh Sáu ra đi. Một lần nữa chiến tranh lại chia cách cha con anh mãi mãi khi anh chưa kịp trao đến tận tay con gái món quà ý nghĩa – chiếc lược ngà – mà anh đã tỉ mỉ tạc khắc và kí thác vào đó biết bao tình thương mến.

Sự hi sinh của anh Sáu và hình ảnh chiếc lược ngà là nhân chứng tố cáo mạnh mẽ cuộc chiến phi nghĩa và tàn khốc mà kẻ thù đã gây ra. Song cái chúng ta thấy không phải là sự bi lụy, yếu đuối mà là tâm hồn cao đẹp và sức mạnh quật cường của con người ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Tình yêu thương cha và lòng căm thù giặc đã biến bé Thu trở thành một cô giao liên dũng cảm, tài giỏi, tiếp tục gắn bó cuộc đời với nhiệm vụ chiến đấu vì lẽ sống, tiếp nối ngọn lửa cách mạng của cha.

Tình cảm gia đình đã trở thành nguồn cội của sức mạnh, đưa con người đứng lên trên nghịch cảnh, chiến thắng nghịch cảnh và tỏa sáng, trở nên đẹp đẽ, phi thường.

Chiếc lược ngà đẹp như một câu chuyện cổ tích hiện đại. Nhà văn đã rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh bé Thu và tình cảm cha con bất diệt. Phải là người từng trải, phải là người có trái tim đầy rung cảm và quý trọng từng khoảnh khắc, sống hết mình vì cách mạng, gắn bó máu thịt với người dân Nam Bộ kiên cường thì nhà văn mới có thể nhập hồn vào các nhân vật, sáng tạo ra nhiều hình tượng có sức biểu tượng cao độ đến như vậy

* Kết bài:

Chiến tranh luôn là điều khủng khiếp đối với nhân loại. Nhưng từ chính trong hiện thực đen tối ấy, có những giá trị được nảy nở, khẳng định và tỏa sáng. Chiếc lược ngà xứng đáng là một bài ca hào hùng, tha thiết, ngợi ca tình cảm cha con thiêng liêng, bất diệt trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Tác phẩm đã chạm đến trái tim của người đọc, khơi gợi được sự đồng cảm, sẻ chia, có sức mạnh cỗ vũ và nâng cao tâm hồn con người. Dù cuộc chiến đã đi qua, tiếng súng đã không còn, nỗi đau thương đã dịu bớt nhưng mỗi lần đọc lại tác phẩm này ta vẫn không nguôi trăn trở là làm sao để trên mặt đất này không còn những cuộc chiến phi nghĩa, không còn những tiếng khóc âm ỉ trong đêm trường li biệt, không còn những em bé sớm gánh chịu mất mát, đau thương như nhân vật bé Thu nữa.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan