Về vấn đề nước sạch ở nước ta trong cuộc sống hiện nay – Bài văn hay lớp 8
Về vấn đề nước sạch ở nước ta trong cuộc sống hiện nay – Bài văn hay lớp 8
Hướng dẫn
Về vấn đề nước sạch
Bài làm
Từ khi có trái đất, loài người đã sinh sống được nhờ vào môi trường sinh thái xung quanh mình. Trong đó, nước là tài nguyên quý giá nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho trái đất. Vậy mà con người chúng ta lại đang vô tình hoặc hữu ý, tàn phá và huỷ hoại đi chính nguồn tài nguyên vô giá nhưng không vô tận ấy.
Mọi sự sống trên hành tinh đều phụ thuộc vào nước và vòng tuần hoàn nước. Nước có ảnh hưởng quan trọng đến khí hậu và là nguyên nhân cơ bản tạo ra thời tiết. Nước cũng cần thiết cho các hoạt động kinh tế, xã hội của con người. Nó góp phần quan trọng trong các tiến trình trao đổi chất và trao đổi năng lượng của các tế bào trong cơ thể sống. Nước tinh khiết là một yếu tố của đời sống khoẻ mạnh, vì nước chiếm tới 70% trọng lượng cơ thể, giúp vận chuyển các khoáng chất cần thiết và ảnh hưởng tới mọi mặt của sức khoẻ. 3/4 bề mặt trái đất của chúng ta là nước, song 97,4% lượng nước trên trái đất lại là nước mặn. Với 2,6% nước ngọt ít ỏi còn lại, tồn tại đến 2,3% lượng nước dưới dạng băng tuyết đóng ở hai cực và trên các đỉnh núi thì con người chỉ có thể sống sót với trên dưới 3,6 triệunước sạch.
Tuy nhiên thay vì ý thức được điều đó và chung tay bảo vệ nguồn nước, chúng ta lại đang cố tình can thiệp một cách thô bạo và vô trách nhiệm vào nguồn nước sử dụng của chính bản thân mình. Việt Nam không nằm trong danh sách nhũng quốc gia hiếm nước hay thiếu nước song sự gia tăng về dân số cùng với sự phát triển kinh tế, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất khiến khả năng đáp ứng của nguồn tài nguyên này đang ngày một giảm dần. Hằng ngày, xung quanh chúng ta, khí thải của các nhà máy công nghiệp độc hại cùng khói bụi của hàng tỉ phương tiện giao thông đã và đang đầu độc tới nhiều nguồn nước khác nhau. Ở các thành phố lớn, nhiều cơ sở sản xuất cứ vô tư ngày
đêm thải vào nguồn nước không ít các hoá chất độc hại chưa được xử lí hoặc chỉ được xử lí một cách qua loa, cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Một ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn ai trong chúng ta cũng biết, đó là trường hợp của sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất đổ ra từ nhà máy của Công ti bột ngọt Vêđan trong suốt 14 năm liền. Ngay giữa lòng thủ đô, hồ Hoàn Kiếm – biểu tượng của nền văn hoá dân tộc cũng đang dày lên một màu đen đặc, trong khi chỉ còn chưa đầy 200 ngày nữa là kỉ niệm “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Tại khu vực nông thôn, do cơ sở hạ tầng còn lạc hậu nên phần lớn chất thải sinh hoạt, chăn nuôi cũng như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học bị lạm dụng và thấm xuống đất, chảy vào các mạch nước ngầm khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề về mặt hữu cơ và vi sinh vật. Bên cạnh đó, rác sinh hoạt chưa được thu gom đầy đủ nên vẫn còn tình trạng rác rưởi đổ thẳng ra sông, hồ một cách tự do. Một yếu tố khác cũng khiến cho nguồn nước sạch ở Việt Nam bị hao hụt vì lũ lụt và hạn hán. Khi nhìn lên bầu trời, chúng ta khó nhận thấy được độ ô nhiễm nhưng trên đó lại chứa một lượng lớn khói bụi và các loại vi khuẩn. Những vùng gần các khu công nghiệp có nhiều nhà máy lớn, nước mưa lại càng bị nhiễm bẩn vô cùng. Lúc mưa rơi xuống, một phần bụi bặm và vi khuẩn sẽ bám vào những hạt mưa rồi chảy vào những mạch nước ngầm, đổ ra sông, ra hồ và thậm chí chảy vào những giếng nước được người dân trực tiếp sử dụng.Hậu quả của tình trạng ô nhiễm ấy thì chắc ai cũng đều dễ dàng nhận thấy. Nước sạch, đói nghèo và bệnh tật thường có mối quan hệ tỉ lệ thuận với nhau. Theo thống kê, mỗi ngày có 30.000 trẻ em trên thế giới chết vì bệnh tật có liên quan đến nước. Tại Việt Nam, 80% bệnh tật cũng là do con người phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Nước thải không được xử lí kịp thời chính là nguyên nhân bùng phát và lây lan bệnh dịch. Cuộc sống hằng ngày có biết bao nhiêu thứ cần đến nguồn nước, vì vậy nếu thiếu nước sạch thì con người sẽ phải đối mặt với nhiều thảm hoạ không lường trước được. Thử tưởng tượng xem, nếu đến mặt biển cũng nổi váng đen kịt, bập bềnh những ốc, cá, tôm, cua,…chết trôi thì thật là khủng khiếp! Biết vậy nhưng con người vẫn không chừa được thói xấu vứt rác, đổ nước bẩn, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi,…làm cho cảnh quan của đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Ý thức bảo vệ của con người bị giảm sút, nhiều kẻ chỉ biết lo cho bản thân mà hại đến cộng đồng. Thêm nữa, do tài nguyên nước chưa được quan tâm đặc biệt, giá cả chưa hợp lí, sự quản lí lỏng lẻo cũng là nguyên nhân tạo nên thực trạng khai thác bừa bãi và sử dụng lãng phí nước, gây ra tình trạng khan hiếm nước sạch trầm trọng ở một số vùng – đặc biệt là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và những cộng đồng dân cư nông thôn vùng sâu, vùng xa nghèo khó.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nước sạch, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nước ở Việt Nam, trong đó có việc khai thác hợp lí nguồn tài nguyên nước, đồng thời cố gắng nhân rộng diện tích cung cấp nước sạch tới cả những vùng nông thôn và miền núi. Theo ước tính, nếu được tăng cường về cấp nước, điều kiện vệ sinh và quản lí tài nguyên nước thì tương lai có thể tránh được tới 1/10 số bệnh tật cho nhân loại. Mong rằng chúng ta sớm có thêm được những biện pháp và chế tài xử lí nghiêm minh để ngăn chặn việc phá hoại môi trường nước sạch và có những quy định chặt chẽ về nhiệm vụ chống ô nhiễm nguồn nước cho tất cả các nhà máy, xí nghiệp, các nông lâm trường, các phương tiện giao thông,… Nếu như mỗi người trong chúng ta hiểu và có ý thức tự giác thực hiện bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên nước ở nơi cư trú và nơi công cộng thì chắc chắn nước sạch sẽ không còn là một vấn đề nan giải nữa.
Đừng giết chết khởi nguồn của sự sống, đừng để con cháu chúng ta sau này phải gánh chiụ hậu quả, khi mà ốc đảo của Thái dương hệ trở nên khô khan, cằn cỗi. Tạo hoá đã ban tặng cho ta tất cả những điều gì kì diệu nhưng cũng có thể nổi giận mang đi tất cả. Lúc đó, tất yếu nhân loại sẽ phải đối mặt với vô vàn thiên tai ập xuống. Không thể để “nước đến chân mới nhảy”, lúc đó là quá muộn, bởi con người đã tự giết mình.
Nguyễn Diệu Linh
(Trường THCS Lê Ngọc Hân)
Tags:Bài văn hay lớp 8 · Về vấn đề nước sạch
Theo Nhungbaivanhay.vn