Cảm nhận về tình yêu thương của mẹ trong bài Mây và sóng và bài thơ Con cò
Cảm nhận về tình yêu thương của mẹ trong bài Mây và sóng và bài thơ Con cò
Hướng dẫn
Đề bài: Trình bày cảm nhận của em về tình yêu thương của mẹ trong bài thơ Mây và sóng của Ta-go và bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu hai tác phẩm: “Mây và sóng” của Ta-go và biểu tượng lòng mẹ, sự dìu dắt, nâng niu qua hình ảnh con cò trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.
2. Thân bài
-Tình cảm của mẹ trong tác phẩm “Mây và sóng”
+ Tình mẫu tử bất diệt, một thứ tình cảm không có gì có thể thay thế được, tình cảm mà cậu bé dành cho mẹ rất sâu đậm
+ Một cậu bé mong muốn được rong chơi, được tìm hiểu về thế giới xung quanh là điều tuyệt vời nhất, nhưng không thể dời xa mẹ để đi chơi
+ Tình cảm mà mẹ dành cho cậu đã khiến cho cậu bé đã níu giữ bước chân cậu trước những lời mời từ mây, sóng.
-Tình cảm của mẹ trong bài thơ “Con cò”
+ Người mẹ ở đây nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, là người tạo dựng tinh thần cho con bằng những lời ru nhẹ nhàng, êm ái, ấm áp
+ Lời ru chứa đựng nỗi sót thương qua thân phận vất vả, khó khăn, nhọc nhằn, dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái.
+ Người mẹ là mong cho con mình khôn lớn, trưởng thành, làm nên sự nghiệp
+ Cánh cò chỉ giúp con chìm vào giấc ngủ sâu, nhưng cánh cò luôn che chở cho con, bảo vệ con và là động lực cho con bước đi mạnh mẽ trên quãng đường đời
+Mẹ là vậy, thầm lặng nhưng vô cùng bao la
3. Kết bài
Cảm nghĩ về hai bài thơ: Qua hai bài thơ với hai tác giả khác nhau, hai thời đại khác nhau, hai phương trời khác nhau nhưng người đọc có thể thấy được tình mẫu tử trên thế gian này là quý giá như thế nào, chính vì nó luôn hiện diện và sống trong lòng mỗi con người nên những tác phẩm viết ra vô cùng da diết, sâu lắng
II. Bài tham khảo
Tình mẫu tử thiêng liêng bao đời nay vẫn là mạch cảm xúc để các nhà văn nhà thơ lấy cảm hứng sáng tác, trong mỗi tác phẩm tình yêu thương lại được thể hiện một cách khác nhau khiến cho nội dung của mỗi tác phẩm đều có nét đặc trưng và nổi bật riêng. Chẳng đâu xa lạ đó là tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt trong bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go và biểu tượng lòng mẹ, sự dìu dắt, nâng niu qua hình ảnh con cò trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.
Qua những câu chuyện li kì, hài hước của cậu bé ở tác phẩm “Mây và sóng” người đọc đã thấy được một tình mẫu tử bất diệt, một thứ tình cảm không có gì có thể thay thế được, người dành tình cảm sâu đậm, dành hết tình yêu thương dành cho cậu bé khiến cậu luôn hướng bản thân mình về phía mẹ, từ những lời mời gọi thú vị của mây và sóng mời cậu đi chơi, mời cậu vui đùa suốt cả ngày, ca hát từ bình minh cho đến lúc hoàng hôn “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc” “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”, rồi hướng dẫn cậu cách để đến với mây, với sóng.
Với cương vị là một cậu bé thì việc được rong chơi, được tìm hiểu về thế giới xung quanh là điều tuyệt vời nhất, chẳng ai có thể cưỡng lại những lời mời tuyệt vời như vậy thế nhưng khi chuẩn bị nghĩ đến việc đi chơi xa thì hình ảnh người mẹ lại hiện lên, và việc đó khiến cậu do dự, trong cậu bé lúc nào nghĩ làm sao để đi chơi khi mẹ còn đang chờ ở nhà “Mẹ mình đang đợi ở nhà” để rồi tự cậu nghĩ ra những trò chơi mới, trò chơi bên cạnh mẹ, được vui chơi mà không phải rời xa người mẹ của mình. Chính tình cảm mà mẹ dành cho cậu đã khiến cho cậu bé trở nên hôn nhiên, đáng yêu như vậy, tình cảm đó đã níu giữ bước chân cậu trước những lời mời từ mây, sóng. Tình mẫu tử trong “Mây và sóng” thể hiện thật tuyệt vời thì sang đến “Con cò” của Chế Lan Viên tình cảm lại được bộc lộ qua phương diện tình yêu thương của mẹ rõ ràng hơn.
Người mẹ ở đây nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, là người tạo dựng tinh thần cho con bằng những lời ru nhẹ nhàng, êm ái, ấm áp qua hình ảnh con cò mò mẫm kiếm ăn, mở đầu tác phẩm hình ảnh con cò hiện lên là lời ru quen thuộc của bất cứ bà mẹ Việt Nam nào, rồi đến những đêm lặn lội, đương đầu với khó khăn để nuôi con. Lời ru chứa đựng nỗi sót thương qua thân phận vất vả, khó khăn, nhọc nhằn, quên đi bản thân mình để dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Tiếp đến Chế Lan Viên đã đề cập đến quy luật tự nhiên không thể thay đổi, tâm lí chung của người mẹ là mong cho con mình khôn lớn, trưởng thành, làm nên sự nghiệp, chỉ những thứ đó thôi cũng làm cho người mẹ có thêm động lực trong cuộc sống và dù cho con có ra sao đi nữa người mẹ vẫn luôn mong con của mình không bao giờ quên đi cội nguồn của bản thân.
“Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”
Cánh cò trong câu hát rủ con có thể không hiểu khi còn nằm trong nôi, cánh cò chỉ giúp con chìm vào giấc ngủ sâu, nhưng cánh cò luôn che chở cho con, bảo vệ con và là động lực cho con bước đi mạnh mẽ trên quãng đường đời của con sau này, dù sau này con có cuộc sống riêng thì tình yêu thương mà người mẹ dành cho con sẽ không bao giờ thay đổi.
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Mẹ là vậy, thầm lặng nhưng vô cùng bao la, đọc qua những câu thơ đó chẳng ai là không xúc động trước những gì mà mẹ đã làm cho con, ban cho con cuộc sống trên cuộc đời này rồi dùng tất cả tình thương mẹ có dành cho con. Mỗi bài thơ mang một nội dung riêng nhưng chung quy lại đều thể hiện tình thương mà mẹ dành cho con là lớn lao đến nhường nào và chẳng có điều gì trên thế gian này có thể thay thế được tình cảm đó của mẹ.
Qua hai bài thơ với hai tác giả khác nhau, hai thời đại khác nhau, hai phương trời khác nhau nhưng người đọc có thể thấy được tình mẫu tử trên thế gian này là quý giá như thế nào, chính vì nó luôn hiện diện và sống trong lòng mỗi con người nên những tác phẩm viết ra vô cùng da diết, sâu lắng.
Theo Nhungbaivanhay.vn