Nghị luận xã hội về văn hóa cảm ơn
Nghị luận xã hội về văn hóa cảm ơn
Bài làm
Trong cuộc sống có hai điều tưởng chừng như đơn giản, mà con người lại mất rất nhiều thời gian để học đó chính là văn hóa cảm ơn và xin lỗi. Nghe tưởng như khó tin nhưng đó lại là sự thật trong cuộc sống bây giờ. Hôm nay, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về văn hóa đầu tiên chính là văn hóa cảm ơn. Văn hóa cảm ơn có ý nghĩa gì chúng ta cùng đi tìm hiểu nha.
Từ trước đến nay, chúng ta hay nghe nói đến hai từ “cảm ơn”, vậy tại sao phải cảm ơn? Cảm ơn chính là một truyền thống đạo lí của dân tộc ta từ bao đời nay. Cảm ơn là hai từ dùng để bày tỏ sự biết ơn của mình đối với người khác, đó có thể là đối với những người đã nuôi dưỡng sinh thành ra chúng ta, có thể là những người đã giúp đỡ, bảo vệ hay dạy dỗ cho chúng ta trưởng thành, nên người,…tất cả chúng ta đều phải nói cảm ơn. Mọi người cứ nghĩ lời cảm ơn nói rất đơn giản ai cũng nói được, nhưng không, không phải ai cũng biết nói hai tiếng cảm ơn đối với những người đã vì mình. Nói câu cảm ơn phải làm sao cho người nhận thấy rõ được sự chân thành của mình trong câu nói ấy là một điều chúng ta cần phải học.
Có khi nào mẹ nói hai tiếng cảm ơn tới cha mẹ mình một cách nghiêm túc và chân thành hay chưa? Hay bạn nghĩ rằng, cha mẹ sinh ra ta, nuôi dưỡng chúng ta đó là trách nhiệm của cha mẹ, chúng ta không cần cảm ơn, đó là điều tất yếu rồi, cảm ơn làm gì. Nếu nghĩ như vậy thì quả là một sai lầm, cha mẹ đã dành cả cuộc đời của mình để hy sinh cho con cái nên người, dù bao vất vả, cực nhọc cha mẹ vẫn cam chịu chỉ mong sao con cái trưởng thành, không chịu thiệt thòi. Vậy còn các bạn, các bạn đã làm gì được cho cha mẹ hay chưa? Câu trả lời đa phần là chưa. Cha mẹ cũng không cần các bạn làm gì, chỉ cần các bạn biết trưởng thành nên người. Vậy làm con, một lời cảm ơn trân thành để thể hiện sự biết ơn với cha mẹ liệu có khó không. Có rất nhiều các bạn trẻ ngày nay, mải chơi, mà quên đi sự hy sinh của cha mẹ, không những không biết ơn cha mẹ mà còn có hành vi bất hiếu, đến khi hối hận thì nhận ra đã không kịp nữa rồi.
Những người thầy, những người giúp đỡ chúng ta dù chỉ là một chuyện nhỏ nhất chúng ta cũng cần nói câu cảm ơn. Khi chúng ta nói câu cảm ơn, là khi chúng ta đã biết trưởng thành, biết tôn trọng người khác, có thái độ biết ơn với những người xung quanh, khi nói câu cảm ơn bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản hơn. Và người nhận được câu cảm ơn của các bạn sẽ thấy được sự chân thành của bạn và thấy sự giúp đỡ của mình là có ích. Chỉ cần như vậy thôi, xã hội của chúng ta đã tốt đẹp lên rất nhiều.
Lời cảm ơn không mang giá trị vật chất, nhưng nó lại mang giá trị tinh thần to lớn mà con người không thể mua được bằng vật chất. Nó giúp gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Có khi nào bạn tưởng tượng, một ngày nào đó, xã hội chúng ta vắng đi lời cảm ơn thì sẽ như thế nào không? Ắt hẳn cái xã hội ấy thật nhạt nhẽo, con người cũng chẳng buồn giúp đỡ lẫn nhau. Sự gắn bó giữa người với người cũng dần mất đi thay vào đó sẽ là sự thờ ơ, xa lánh.
Hiện nay, văn hóa xin lỗi và văn hóa cảm ơn đang ngày càng mai một. Nguyên nhân cũng là do cơ chế thị trường, khiến con người tính toán nhiều hơn, vụ lợi hơn và ít quan tâm nhau hơn. Vì vậy, những người trẻ lại càng bị ảnh hưởng nặng nề về thực trạng này.
Trước thực trạng này, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn. Không nên tiết kiệm lời cảm ơn, mà cũng không nên cảm ơn quá nhiều, hãy biết cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm và hơn nữa là phải có một thái độ chân thành khi cảm ơn. Đừng nói lời cảm ơn một cách sáo rỗng như vậy sẽ mất đi hết giá trị của lời cảm ơn.
Theo tôi, chúng ta nên rèn cho mình thói quen biết cảm ơn, biết xin lỗi để nó trở thành một thói quen, taọ nên cách cư xử có văn hóa giữa người với người. Có như vậy, xã hội của chúng ta mới có thể tốt đẹp, văn minh hơn, con người mới đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.