Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của tác giả Nguyễn Khuyến
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của tác giả Nguyễn Khuyến
Hướng dẫn
Câu cá mùa thu là một trong ba bài thơ nằm trong chùm thơ thu nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Vận dụng những hiểu biết của mình về bài thơ, em hãy phân tích bài thơ Câu cá mùa thuđể thấy được khung cảnh thiên nhiên bình dị, gần gũi mà tác giả khắc họa trong bài thơ.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích bài thơ Câu cá mùa thu
1.Mở bài
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
-Nguyễn Khuyến (1835-1909) hiệu là Quế Sơn, ông sinh ra ở Nam Định nhưng cuộc đời ông chủ yếu lại sống ở Bình Lục, Hà Nam. Nguyễn Khuyến là người tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân, ông kiên quyết đấu tranh không chịu bắt tay với thực dân Pháp. Các sáng tác của ông bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, các tác phẩm chủ yếu là thơ.
-Câu cá mùa thu là một trong ba bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến gồm “thu điếu, thu ẩm, thu vịnh” được viết bằng chữ Nôm. Thể hiện tài năng kiệt xuất của Nguyễn Khuyến trong việc tả cảnh ngụ tình.
2.Thân bài
– Phân tích hai câu thơ đầu (hai câu đề):
+ Ao thu lạnh lẽo” hình ảnh chiếc ao “thu” rộng lớn giữa mùa thu mới “lạnh lẽo” làm sao, nhưng liệu nó có lạnh lẽo thật? mùa thu mùa của sương, mùa có nhưng cơn gió se se lạnh.
+ Nhưng ao thu đâu có lạnh lẽo đâu, mà nó rất trong, trong đúng cả nghĩ đen lẫn nghĩa bóng, làn nước trong vắt, lặng lẽ hay là tâm hồn của người thi sĩ “trong veo” như vậy.
+“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” – chiếc thuyền câu có thể chở được đến ba bố người, nhưng dưới con mắt của Nguyễn Khuyến nó chỉ bé “tẻo teo” mà thôi, một hình ảnh tưởng ngột ngạt, bé nhỏ mà làm người đọc lại cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát bao nhiêu.
– Phân tích hai câu thơ tiếp (hai câu thực):
+ Những làn “sóng biếc” lăn tăn trên mặt ao hòa quyện phố hợp nhịp nhàng với “hơi gợn tí”, bức tranh thu không chỉ có cảnh mà còn có thanh lẫn sắc
+ Phải một người có tâm hồn cảm nhận tuyệt vời mới cảm được những âm thanh bằng tất cả giác quan hay đến như vậy!
+Không chỉ có thanh mà còn sắc, sắc vàng của chiếc lá rụng mùa thu, tí tách được những làn gió se se lạnh của mùa thu đưa đi, đưa người đọc vào bức tranh làng quê yên bình mà tĩnh lặng đến thế.
=> Phải chăng, tình yêu thiên nhiên yêu cây cỏ của Nguyễn Khuyến để đạt đến mức, hồn hòa vào thiên nhiên chăng?
– Phân tích hai câu luận
+ Không gian của bức tranh thu được miêu tả từ gần đến xa.
+ Từ chiếc ao ngay gần con mắt đến bầu trời xanh trong của mùa thu “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”, cho ta cảm giác chơi vơi, lơ lửng trước cảnh đẹp đất trời, bầu trời xanh điển hình của mùa thu làm ta choáng ngợp,…
+ Gần rồi xa, xa lại rồi gần “ngõ trúc” nơi quen thuộc của nhà thơ, ngõ trúc với hàng trúc xanh rì rào, quanh co uốn lượn nhưng lại trống vắng đến thế, “khách vắng teo”, sự trống vắng của khách đến chơi hay sự trống vắng của một thi sĩ yêu nước, mang bao nỗi ưu tư?
– Phân tích hai câu kết
+ Hình ảnh một ông lão câu cá, tựa đầu gối buông cần hồi lâu mà chưa được thành quả, gợi cho người đọc thấy được sự bế tắc chưa tìm được hướng đi cho bản thân
+ Giữa không gian tĩnh lặng đó, chỉ có một tiếng động duy nhất “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo” tiếng cá đớp động đó rồi mà sao ta chưa thể có thành quả, Nguyễn Khuyến có phải là câu cá?
=> Hay nhà thơ đang chỉ muốn cảm nhận hết cái không gian yên bình tĩnh lặng thanh thoát của mùa thu làng quê kia, để tâm không bị nao núng trước những cám dỗ cuộc đời.
– Bút pháp nghệ thuật:
+Bài thơ thể hiện tài năng kiệt xuất của Nguyễn Khuyến với vốn ngôn ngữ sâu rộng, bút pháp nghệ thuật tài tình, nghệ thuật lấy động tả tĩnh thành công, tả cảnh ngụ tình được nhà thơ sử dụng linh hoạt,
+Các dùng từ, điệp từ, láy từ và phối từ linh hoạt tạo hiệu quả nghệ thuật tối đa, đi sâu vào lòng người. đâu chỉ có thiên nhiên mà còn thấy được cả một tâm hồn người thi sĩ.
3. Kết bài
– Nhấn mạnh lại nội dung và bút pháp nghệ thuật đã đạt được của Câu cá mùa thu
Bài thơ Câu cá mùa thu thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc mùa thu của Đồng bằng Bắc Bộ, cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế và tài thơ Nôm của nhà thơ.
Bài liên quan đến bài thơ Mùa thu câu cá:
>>Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài thơ Câu cá mùa thu
>>Cảm nhận của em về bức tranh mùa thu trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến
>>Hướng dẫn soạn văn Câu cá mùa thu của tác giả Nguyễn Khuyến
II. Bài tham khảo
Nguyễn Khuyến (1835-1909) hiệu là Quế Sơn, ông sinh ra ở Nam Định nhưng cuộc đời ông chủ yếu lại sống ở Bình Lục, Hà Nam. Nguyễn Khuyến là người tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân, ông kiên quyết đấu tranh không chịu bắt tay với thực dân Pháp. Các sáng tác của ông bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, các tác phẩm chủ yếu là thơ.
Câu cá mùa thu là một trong ba bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến gồm “thu điếu, thu ẩm, thu vịnh” được viết bằng chữ Nôm. Thể hiện tài năng kiệt xuất của Nguyễn Khuyến trong việc tả cảnh ngụ tình.
Không gian mùa thu hiện lên qua hai câu thơ đầu rất gần gũi, thanh tao:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
“Ao thu lạnh lẽo” hình ảnh chiếc ao “thu” rộng lớn giữa mùa thu mới “lạnh lẽo” làm sao, nhưng liệu nó có lạnh lẽo thật? mùa thu mùa của sương, mùa có nhưng cơn gió se se lạnh. Trải qua mùa hè đầy chói chang của nắng, của sự sôi động của ngày hè oi ả, mùa thu lại mang trong mình chút trầm ổn đôi khi lạnh lẽo đến vậy. Nhưng ao thu đâu có lạnh lẽo đâu, mà nó rất trong, trong đúng cả nghĩ đen lẫn nghĩa bóng, làn nước trong vắt, lặng lẽ hay là tâm hồn của người thi sĩ “trong veo” như vậy. Giữa cái ao thu xuất hiện một vật tưởng quen mà lại rất lạ, được nhà thơ ví von lại càng có điểm nhấn. “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” – chiếc thuyền câu có thể chở được đến ba bố người, nhưng dưới con mắt của Nguyễn Khuyến nó chỉ bé “tẻo teo” mà thôi, một hình ảnh tưởng ngột ngạt, bé nhỏ mà làm người đọc lại cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát bao nhiêu.
Hình ảnh bức tranh của mùa thu dưới cái nhìn của nhà thơ tiếp tục được khắc họa bởi hai câu thơ tiếp:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Những làn “sóng biếc” lăn tăn trên mặt ao hòa quyện phố hợp nhịp nhàng với “hơi gợn tí”, bức tranh thu không chỉ có cảnh mà còn có thanh lẫn sắc, đưa ta vào sự chuyển động của đất trời, mọi vật chuyển động tương tác với nhau vô cùng nhẹ nhàng, có chút gì đó ăn ý càng làm cho bức tranh thêm sinh động hơn. Biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh, nhà thơ đã miêu tả cho chúng ta thấy, cảnh vật xung quanh thật tĩnh lặng mới cảm được những chuyển động tưởng chừng như không có âm thanh đó. Phải một người có tâm hồn cảm nhận tuyệt vời mới cảm được những âm thanh bằng tất cả giác quan hay đến như vậy! Không chỉ có thanh mà còn sắc, sắc vàng của chiếc lá rụng mùa thu, tí tách được những làn gió se se lạnh của mùa thu đưa đi, đưa người đọc vào bức tranh làng quê yên bình mà tĩnh lặng đến thế. Phải chăng, tình yêu thiên nhiên yêu cây cỏ của Nguyễn Khuyến để đạt đến mức, hồn hòa vào thiên nhiên chăng?
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Không gian của bức tranh thu được miêu tả từ gần đến xa. Từ chiếc ao ngay gần con mắt đến bầu trời xanh trong của mùa thu “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”, động từ lơ lửng được nhà thơ sử dụng rất đắt, cho ta cảm giác chơi vơi, lơ lửng trước cảnh đẹp đất trời, bầu trời xanh điển hình của mùa thu làm ta choáng ngợp, sau những cơn mưa giông với bầu trời xám xịt của mùa hè, hình ảnh bầu trời xanh ngắt một màu của mùa thu cho ta chút gì đó thảnh thơi, tĩnh lặng, nhẹ nhàng, lơ lửng trước sự bình yên đó.
Gần rồi xa, xa lại rồi gần “ngõ trúc” nơi quen thuộc của nhà thơ, ngõ trúc với hàng trúc xanh rì rào, quanh co uốn lượn nhưng lại trống vắng đến thế, “khách vắng teo”, sự trống vắng của khách đến chơi hay sự trống vắng của một thi sĩ yêu nước, mang bao nỗi ưu tư?
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu khẽ động dưới chân bèo
Hình ảnh một ông lão câu cá, tựa đầu gối buông cần hồi lâu mà chưa được thành quả, gợi cho người đọc thấy được sự bế tắc chưa tìm được hướng đi cho bản thân hay cho một tấm lòng yêu nước thương dân, tìm cách giải phóng những tâm hồn đang bị gông cùm? Giữa không gian tĩnh lặng đó, chỉ có một tiếng động duy nhất “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo” tiếng cá đớp động đó rồi mà sao ta chưa thể có thành quả, Nguyễn Khuyến có phải là câu cá? Hay ông đang chỉ muốn cảm nhận hết cái không gian yên bình tĩnh lặng thanh thoát của mùa thu làng quê kia, để tâm không bị nao núng trước những cám dỗ cuộc đời.
Câu cá mùa thu, là bức tranh tả cảnh ngụ tình thành công rực rỡ của Nguyễn Khuyến. nhà thơ hẳn phải có một tâm hồn đến mức xuất thần mới có thể cảm nhận được những âm thanh nhỏ bé đến vậy. “Tĩnh” của cảnh vật hay chính là tĩnh trong tâm hồn nhà thơ, đâu có có chút xao động của cuộc sống, “tiếng sóng, tiếng lá rơi, tiếng cá đớp” nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn những lại có những va đập không hề nhỏ…
Bài thơ thể hiện tài năng kiệt xuất của Nguyễn Khuyến với vốn ngôn ngữ sâu rộng, bút pháp nghệ thuật tài tình, nghệ thuật lấy động tả tĩnh thành công, tả cảnh ngụ tình được nhà thơ sử dụng linh hoạt, các dùng từ, điệp từ và phối từ linh hoạt tạo hiệu quả nghệ thuật tối đa, đi sâu vào lòng người. đâu chỉ có thiên nhiên mà còn thấy được cả một tâm hồn người thi sĩ.
Bài thơ Câu cá mùa thu thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc mùa thu của Đồng bằng Bắc Bộ, cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế và tài thơ Nôm của nhà thơ.
Theo Nhungbaivanhay.vn