Phân tích bài thơ Thu Điếu của Nguyễn Khuyến
Phân tích bài thơ Thu Điếu của Nguyễn Khuyến
Bài làm
Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc, đem lại nhiều cảm hứng sáng tác cho biết bao thi sĩ. Thu đến thường mang đến cho thi sĩ một nỗi nhớ, nỗi buồn man mác vô hình, vô định. Nhắc đến thơ thu, ta không thể không nhắc đến chum thơ thu của Nguyễn Khuyến, mà trong đó quen thuộc hơn cả là “Thu điếu”.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, ta đã thấy hiện lên trước mắt tiết trời thu của một vùng quê nghèo:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Sử dụng vần chân “eo”, khung cảnh làng quê trở nên bé nhỏ với một chiếc ao có làn nước trong và lạnh, chiếc thuyền nhỏ lại càng hài hòa với cảnh vật xung quanh. Mặt ao gợn sóng lăn tăn chiếc lá vàng bay trong gió khẽ khàng làm cho cảnh thu thêm phần êm đềm, yên bình:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Từ khung cảnh bé nhỏ, thi sĩ đưa con mắt ra tầm nhìn rộng hơn:
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Trời đất bao la mang sắc xanh đặc trưng của trời thu với những đám mây nhẹ, bồng bềnh, lững lờ trôi. Cảnh làng quê thường gắn liền với những con ngõ nhỏ thưa người càng hiện rõ bầu không gian yên lặng đến tuyệt đối: “vắng teo”. Hai câu thơ cuối, xuất hiện bóng dáng của con người – là thi sĩ – đang ngồi ung dung tự tại câu cá:
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Tuy nhiên, cái “đớp” của cá lại khiến cho ông bỗng chốc khẽ giật mình. Dường như ông đang cố gắng để bản thân được thư thái với khung cảnh làng quê đơn sơ, bé nhỏ nhưng rồi tiếng cá đớp lại đưa ông về với những suy tư về đất nước.
“Thu điếu” là bài thơ tả cảnh thu nhưng ẩn chứa trong đó là tâm trạng của nhà thơ cùng với những nỗi niềm về đất nước. Bài thơ hay không chỉ vì đã vẽ nên bức tranh thu làng quê Việt Nam, mà còn bởi sự tinh tế của nhà thơ khi đan xen vào đó những xúc cảm của mình với thời cuộc.