Phân tích đoạn thơ giữa trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy


Phân tích đoạn thơ giữa trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Hướng dẫn

Phân tích vẻ đẹp của các khổ thơ sau:

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đầu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Tôi trong suốt giữa đôi bờ hư thực

Giữa bà tôi và tiên phật thánh thần

Cái năm đỏi củ dong riềng luộc sượng

Cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Mở bài Phân tích đoạn thơ giữa trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Tuổi thơ với những kỉ niệm ngọt ngào luôn là nơi ngưỡng vọng của những con người không quên quá khứ. Với Nguyễn Duy, tuổi thơ không chỉ là nơi tìm lại được kỉ niệm ấu thơ mà còn là nơi nhà thơ được lắng hồn chiêm nghiệm về nỗi nhọc nhằn, chịu đựng của người bà kính yêu. Đò Lèn là bài thơ cảm động bởi những kí ức không thể mờ phai về tuổi thơ có bà che chở:

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

……

Cái năm đỏi củ dong riềng luộc sượng

Cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Thân bài Phân tích đoạn thơ giữa trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Bài thơ có sáu khổ, đoạn được trích trên đây là ba khổ thơ giữa, nắm giữ mạch nguồn tình cảm chính trong toàn bài. Đoạn thơ bắt đầu bằng dòng hồi ức về những lần đi chơi của nhân vật trữ tình. Thuở nhỏ” là trạng ngữ chỉ thời gian, hé mở cho chúng ta hình ảnh một cậu thiếu niên. Chú bé này không ra sông tắm, không đi bắt chuồn chuồn, không tha thẩn trưa hè mà trốn bà đi đánh trận giả, thích thú đến chơi các đền, chùa, mải mê xem lễ Thánh. Hẳn là cậu ta đã rất hay theo bà đi đến những nơi này. Hình ảnh “chân đất đi xem lễ đền Sòng” vừa gợi cái say mê, thích thú của con trẻ, vừa gợi cái láu lỉnh, nghịch ngợm đáng yêu. Hằn sâu trong tâm trí nhân vật tôi không phải là hình ảnh ông Bụt đang trầm ngâm nghĩ ngợi như trong thơ Trần Đăng Khoa mà là hương thơm thanh khiết của huệ trắng và khói trầm cùng điệu hát cô đồng. Có lẽ đôi mắt cậu bé còn đang mải miết theo nhìn một chùm nhãn hay một con chim sẻ nào đó nên chỉ có khứu giác và thính giác chịu nhận biết không gian. Kì diệu thay, bao nhiêu năm trôi qua, những gì còn lưu đọng lại trong trí nhớ nhân vật trữ tình lại chính là “mùi hoa huệ quyện khói trầm” và “điệu hát văn” thuở nào. Tất cả không rõ ràng, cụ thể mà chỉ là những mường tượng mơ hồ bởi nhớ về hương thơm nhưng đó chỉ là mùi hương “thơm lắm”, không quên được điệu hát nhưng cũng chỉ nhớ “điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”. Bao nhiêu cái phai nhòa chỉ để cho nỗi nhớ hướng trọn về không gian thanh tịnh đó. Phải là người có tâm hồn nhạy cảm mới có thể nắm bắt và lưu giữ những điều linh diệu như thế.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về quan niệm sống của Lưu Quang Vũ: Không thể bên trong một đằng, ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn - Văn mẫu lớp 12

Nỗi nhớ “những chuyến hành hương lên đất Phật” thuở bé thơ không che khuất được kí ức về bà ngoại. Tất cả những gì ngày thơ trẻ vô tình giờ sống dậy thật rõ ràng:

Tôi đâu biết bà cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan.

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Cụm từ “tôi đâu biết” chứng tỏ sự thực là cho đến giờ, khi đã trưởng thành, nhân vật trữ tình mới ý thức được về những “cơ cực” bà ngoại phải chịu đựng trong suốt những năm tháng xưa. Lời thơ hàm chứa sự tự trách về thái độ vô tâm của mình. Trong nhận thức của nhân vật tôi lúc này, những lam lũ bà phải một mình chịu đựng nhiều vô kể. Phép liệt kê được nhà thơ sử dụng để khắc họa những cơ nhọc của bà. Hàng loạt cụm động từ chỉ hành động được đưa ra: “mò cua”, “xúc tép”, “gánh chè xanh”. Tuổi già phải được nghỉ ngơi, thư thái bên các con cháu, những người bà của nhân vật tôi vẫn một mình tảo tần hôm sớm. Câu thơ Nguyễn Duy làm ta nhớ tới hình ảnh bà cụ già lầm lụi “quẩy gánh hàng rong” trong bài thơ Ben kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Đã có cả một thế hệ những bà cụ già phải vất vả như thế trong những năm tháng đau thương của dân tộc. Và không thương sao được, không nghẹn ngào sao được trước những con người đó. Những nhọc nhằn của người bà còn được Nguyễn Duy khắc sâu trong bằng những tên đất – nơi đôi chân trần chai sạn của bà đã đi qua. Đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao – bốn địa danh cụ thể – mở ra những hướng không gian bất tận. Nỗi khó nhọc theo đó được căng trải, mênh mông thêm. Từ láy “thập thững” cùng kết hợp từ độc đáo “những đêm hạn” gợi tả dáng đi dò dẫm mà tất tả của bà cụ trong đêm giá rét. Tưởng chừng như bao cơ nhọc của cuộc đời đều hiện hết trong dáng đi ấy. Lại một lần nữa ta bắt gặp trong thơ ca hình ảnh tỉ lần cò lặn lội, nhưng không phải lặn lội vì con mà lặn lội vì cháu – vì thế hệ thứ ba.

Xem thêm:  Nêu ý nghĩa và bài học được rút ra từ truyện cười Lợn cưới áo mới

Nỗi xúc động nghẹn ngào khi nhận ra những toan lo âm thầm của bà ngoại đã khiến nhân vật trữ tình không thể thốt lên một lời cảm thán trực tiếp nào. Bất ngờ trước sự hi sinh quá đỗi to lớn của bà, nhân vật tôi không thể định hình được cảm xúc, tâm trang của mình lúc này:

Tôi trong suốt giữa đôi bờ hư thực

giữa bà tôi và tiên phật thánh thần

cái năm đối củ dong riềng luộc sượng

cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Khó có thể diễn giải cho chính xác trạng thái “trong suốt” trong tâm hồn tác giả là như thế nào. Nếu cho khổ thơ này là sự kết đọng, hợp lưu cảm thức của hai khổ thơ trên thì trong suốt là trạng thái phân vân khó tả khi nhân vật tôi đang cố gắng phân giới hai bờ hư – thực. Trước những hi sinh thầm lặng của bà ngoại, người cháu ngỡ như bà ngoại mình cũng là một vị tiên. Cảm thức tiên phật từ những ngày thơ ấu cùng những khám phá bất ngờ về công ơn của bà là nguyên do đẩy nhân vật trữ tình vào trạng thái “trong suốt” kì lạ. Thực hay là mơ đây? Lời thơ không hề mông lung, khó hiểu nhưng những hoài nghi của nhân vật trữ tình đã dẫn ta vào một thế giới hư huyền. Kí ức lại dội về “cái năm đói” khốn khổ, nhưng át đi bao“cơ cực” đó là hương thơm hoa huệ và hương trầm. Lần thứ hai hương thơm đó trở lại trong lời thơ. Không phải là nỗi ám ảnh khó chịu mà là sự quấn quýt của mùi hương kí ức. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận của nhân vật trữ tình. Hương thơm được “nghe” như thể nó là thanh âm từ xa xôi vọng về vậy. Nếu chỉ nói hương thơm đó “thoang thoảng” thì đó là thứ hương thơm của hiện tại, rồi nó sẽ mất đi. Chứ “nghe” cho thấy hương thơm đó gắn bó với những kỉ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ.

Xem thêm:  Nghị luận về tác hại của rượu

Nét nghệ thuật chủ đạo của đoạn thơ này là phép đối. Phép đối được sử dung rất linh hoạt. Có khi là phép đối tương phản: giữa vị giác và khứu giác, giữa thực tế cuộc sống nghèo nàn và hương vị tinh thần phong phú. Có khi là phép đối tương hỗ: “giữa bà tôi và tiên phật thánh thần”. Tất cả chung một mục đích tô đậm cái cao cả, thanh khiết của con người.

Nếu coi ba khổ thơ là ba sự kiện thì sợi dây xuyên suốt chúng là tình yêu, là sự kính mến và biết ơn chân thành mà nhân vật trữ tình dành cho bà ngoại. Nhớ gì, nghĩ gì đi nữa, tất cả đều hướng về người bà kính yêu. Kỉ niệm về bà cũng chính là những kỉ niệm về một cõi thần tiên thuở thơ ngây. Vậy nên cảm thức về tiên Phật luôn gắn kết với tình yêu con trẻ.

Kết bài Phân tích đoạn thơ giữa trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Đò Lèn là bài thơ cảm động về tình yêu cháu dành cho bà. Tình cảm đó đạt đến độ sâu sắc bởi nó là tình cảm đã được ý thức bởi một người trưởng thành. Đoạn thơ trên đây đà kết đọng những yêu thương chân thành nhất của người cháu khi đã lớn khôn, trở về thì bà ngoại đã mãi mãi xa khuất.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan