Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy
Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy
Bài làm
Nếu trong thơ của Bằng Việt hình ảnh người bà được gắn với hình ảnh bếp lửa thì trong thơ Nguyễn Duy hình ảnh người bà lại gắn với những vất vả, cơ cực của cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh ấy đã gợi nhắc cho chúng ta nhớ về mối tình cảm thiêng liêng đó chính là tình bà cháu.
“Đò Lèn” được Nguyễn Duy sáng tác năm 1983 trong một lần nhà thơ trở về quê hương , sống với những kí ức đan xen nhiều buồn vui thời thơ ấu. Hình ảnh người bà hiện lên là một người yêu thương cháu tha thiết. Ngay từ thuở nhỏ, nhà thơ đã níu váy bà đi chợ và đi đến những nơi chùa chiền để cầu mong những điều tốt đẹp. Người bà luôn giữ cho mình cái tâm hướng thiện. Chẳng vậy mà tác giả ngay từ nhỏ đã rất quen thuộc với việc:
“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”
Nhờ có bà mà người cháu không chỉ biết đền Cây Thị, đền Sòng, biết mùi huệ trắng, khói trầm mà còn biết cả điệu hát văn của cô đồng. Đó là những kí ức về tuổi thơ tuy gian khó, thiếu thốn về mặt vật chất nhưng đời sống tinh thần thì khá phong phú.
Hình ảnh người bà còn hiện lên qua những công việc vất vả như “bà mò cua xúc tép ở đồng Quan”, đi “gánh chè ở Ba Trại”, “bán trứng ở ga Lèn”,…Người bà ấy như gánh thêm cả phần trách nhiệm của cha mẹ đứa cháu, gánh bao nỗi cơ cực, đắng cay trên đôi vai đã yếu dần đi theo thời gian. Tác giả vì mải chơi, vô lo vô nghĩ nên không biết bà cơ cực thế, bà đã hi sinh rất nhiều cho cậu vậy mà cậu lại trả ơn bà bằng sự vô tâm. Người bà thật giống với tiên, Phật, thánh, thần bởi tình yêu thương bao la, sự nhân hậu, hiền từ đối với người cháu nhỏ.
Không chỉ vậy, bà còn là một người phụ nữ kiên cường, anh hùng biết nhường nào:
“Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”
Những năm chiến tranh, bom Mĩ dội xuống nước ta rất khốc liệt, nó đã làm bay căn nhà của bà , bay cả đền, chùa, cả thánh với Phật, đời sống tinh thần, tâm linh của bà cũng bị bay theo bom đạn của Mĩ. Vậy mà bằng sức mạnh của mình, bà vẫn đi bán trứng ở ga Lèn. Mất mát, sự phá hủy của cuộc chiến tranh phi nghĩa không làm bà chùn bước mà ngược lại, nó tiếp thêm cho bà sức mạnh để bà kiên cường đấu tranh với chính cuộc sống nghèo khó này. Bà đi bán trứng để tiếp tục cuộc sống mưu sinh nhưng cũng là để chăm sóc, lo cho từng bữa ăn của người cháu.
Và đến cuối bài thơ, người bà hiện lên trong sự tiếc nuối ngậm ngùi của tác giả. Khi tác giả biết thương bà, nhận ra được sự vất vả của bà thì đã quá muộn, vì lúc đó “bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Còn gì đau xót hơn như thế khi chúng ta không biết yêu thương, trân trọng, hiểu ra nỗi cơ cực của bà để đến khi bà đã xa về một thế giới khác.