Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao
Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao
Hướng dẫn
Đề bài: Trong truyện ngắn Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã tập trung thể hiện bi kịch tha hóa của Chí Phèo, đại diện tiêu biểu cho những con người cùng khổ trong xã hội xưa. Dựa vào văn bản đã được học, anh chị hãy phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm và nhân vật Chí Phèo: Thông qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện vô cùng chân thực bi kịch tha hóa của người nông dân trước sự thống trị, bóc lột tàn nhẫn, vô nhân tính của xã hội phong kiến thực dân nửa phong kiến.
2. Thân bài
– Nếu bi kịch của chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ” là do sưu thuế thì bi kịch của Chí Phèo lại là bi kịch của một con người bị đẩy đến mức đường cùng, bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính.
– Từ nhỏ Chí Phèo đã sống trong cảnh bơ vơ, không có sự chăm sóc, quan tâm của bố mẹ mà phỉa đi ở cho hết nhà này đến nhà khác.
– Bi kịch của Chí Phèo bắt đầu từ sự kiện bà Ba Bá Kiến gọi vào bóp chân
–> Bá Kiến đã âm thầm cấu kết với quan huyện để giá họa cho Chí Phèo, kết quả là Chí phải đi tù bảy tám năm trời.
– Nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo từ một người nông dân chất phác, lương thiện trở thành một tên lưu manh.
– Ngay khi ra tù, Chí Phèo đã đến nhà Bá Kiến với mục đích trả thù, bằng sự khôn khéo mình Bá Kiến không những dập tắt được ý định trả thù của Chí Phèo mà còn mua chuộc được Chí, đẩy Chí vào con đường lưu manh khi buộc Chí trở thành tay sai.
–> Chí Phèo bị mua chuộc, xô đẩy đến con đường lưu manh hóa để trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại.
– Chí Phèo bị cả xã hội ruồng bỏ, đáp lại những lời chửi của Chí là sự im lặng đến đáng sợ, sự im lặng này như sự chối từ công nhận sự xuất hiện của Chí.
– Ngay cả khi khát khao lương thiện trong con người Chí trỗi dậy,Chí muốn làm lại cuộc đời nhưng cái diện mạo của con quỷ dữ vẫn mãi đeo bám khiến Chí không còn cách nào khác mà phải lựa chọn cái chết để giải phóng cho bản thân
– Bi kịch của Chí Phèo không dừng lại ở việc tha hóa nhân cách mà ngay khi đã thức tỉnh thì CHí lại phải đối mặt với bi kịch khủng khiếp hơn khi bị chối từ quyền làm người.
– Quá tuyệt vọng khi con đường trở về với cuộc sống lương thiện bị chặn đứng, Chí Phèo đã lựa chọn cái chết để giải phóng cho mọi bi kịch.
3. Kết bài
Qua tác phẩm này người đọc cũng nhận thức sâu sắc về nỗi khổ của người nông dân xưa không chỉ là đói khổ mà còn là bi kịch về sự tha hóa con người.
Bài liên quan đến truyện ngắn Chí Phèo:
>>Phân tích bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
>>Phân tích giá trị nhân đạo được nhà văn Nam Cao thể hiện thông qua truyện ngắn Chí Phèo
>>Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
II. Bài tham khảo
Chí Phèo là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nam Cao viết về tài nông thôn, nông dân trước cách mạng tháng Tám. Thông qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện vô cùng chân thực bi kịch tha hóa của người nông dân trước sự thống trị, bóc lột tàn nhẫn, vô nhân tính của xã hội phong kiến thực dân nửa phong kiến.
Nếu bi kịch của chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ” là do sưu thuế thì bi kịch của Chí Phèo lại là bi kịch của một con người bị đẩy đến mức đường cùng, bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. Chí Phèo là đứa bé bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng “ trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cạnh cái lò gạch bỏ không”. Từ nhỏ Chí Phèo đã sống trong cảnh bơ vơ, không có sự chăm sóc, quan tâm của bố mẹ mà phỉa đi ở cho hết nhà này đến nhà khác.
Trước khi đi tù, Chí Phèo vốn là một anh canh điền hiền lành, chất phác với giấc mơ giản dị “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải”. Bi kịch của Chí Phèo bắt đầu từ sự kiện bà Ba Bá Kiến gọi vào bóp chân, là người ở Chí vốn chẳng thể cãi lời chủ nhưng phải làm việc không chính đáng, Chí thấy “nhục hơn là thích, huống hồ là sợ”. Việc đến tai Bá Kiến, hắn đã âm thầm cấu kết với quan huyện để giá họa cho Chí Phèo, kết quả là Chí phải đi tù bảy tám năm trời.
Nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo từ một người nông dân chất phác, lương thiện trở thành một tên lưu manh với cái đầu trọc lóc, hàm răng cạo trắng phát gớm, mình đầy những hình xăm trổ. Dấu vết của nhà tù thực dân in hằn lên thân hình của Chí Phèo. Ngay khi ra tù, Chí Phèo đã đến nhà Bá Kiến với mục đích trả thù, tuy nhiên bằng sự khôn khéo mình Bá Kiến không những dập tắt được ý định trả thù của Chí Phèo mà còn mua chuộc được Chí, một lần nữa đẩy Chí vào con đường lưu manh khi buộc Chí trở thành tay sai, công cụ thực hiện tội ác của mình.
Chí Phèo bị mua chuộc, xô đẩy đến con đường lưu manh hóa để trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Chí chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ, một mình Chí đã phá biết bao nhiêu cơ nghiệp, đạp nát bao nhiêu cảnh yên vui.
Chí Phèo bị cả xã hội ruồng bỏ, đáp lại những lời chửi của Chí là sự im lặng đến đáng sợ, sự im lặng này như sự chối từ công nhận sự xuất hiện của Chí. Cái thẻ có tên tuổi của Chí Phèo cũng không có trong sổ làng, người ta vẫn khai hắn vào hạng dân lưu tán. Mọi người dân trong làng cũng đều sợ hắn, “tránh mặt hắn mỗi khi hắn đi qua”
Ngay cả khi khát khao lương thiện trong con người Chí trỗi dậy,Chí muốn làm lại cuộc đời nhưng cái diện mạo của con quỷ dữ vẫn mãi đeo bám khiến Chí không còn cách nào khác mà phải lựa chọn cái chết để giải phóng cho bản thân, hóa giải bi kịch cho cuộc đời mình.
Chí Phèo thức tỉnh nhân tính sau một cơn rượu say, trải qua cơn ốm thập tử nhất sinh Chí bỗng nhận ra bi kịch lớn nhất cuộc đời chính là sự cô đơn, và chí cũng đã bước đến ngã ba của cuộc đời. Lắng nghe những âm thanh bình dị của cuộc sống, Chí bỗng trở lại với mơ ước “chồng cày thuê, vợ dệt vải”. Bát cháo hành của Thị nở đã mang đến ngọn lửa ấm áp, xua đi bóng tối của tha hóa, tội ác bên trong con người Chí.
Tuy nhiên, bi kịch của Chí Phèo không dừng lại ở việc tha hóa nhân cách mà ngay khi đã thức tỉnh thì CHí lại phải đối mặt với bi kịch khủng khiếp hơn khi bị chối từ quyền làm người. Trong mắt mọi người Chí chỉ là con quỷ dữ, ngay cả Thị Nở, người mà Chí tin tưởng sẽ là cầu nối giúp Chí trở về với con đường lương thiện, làm hòa với mọi người cũng vì nghe lời bà cô mà miệt thị, mắng chửi, coi thường Chí.
Quá tuyệt vọng khi con đường trở về với cuộc sống lương thiện bị chặn đứng, Chí Phèo đã lựa chọn cái chết để giải phóng cho mọi bi kịch. TRước khi tự tử, Chí đã mang dao đến và chém chết Bá kiến như cách trả thù cho mọi bi kịch của cuộc đời.
Như vậy, thông qua nhân vật Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã tái hiện sinh động về bi kịch tha hóa của người nông dân. Qua tác phẩm này người đọc cũng nhận thức sâu sắc về nỗi khổ của người nông dân xưa không chỉ là đói khổ mà còn là bi kịch về sự tha hóa con người.
Theo Nhungbaivanhay.vn