Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa và liên hệ với số phận nghèo khổ của người dân phố huyện trong Hai đứa trẻ
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa và liên hệ với số phận nghèo khổ của người dân phố huyện trong Hai đứa trẻ
Hướng dẫn
Đề bài: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu để thấy cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của những người lao động vùng biển. Từ đó liên hệ với số phận của những người dân phố huyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: Thông qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy những góc khuất của cuộc sống cùng những bế tắc, nghèo khổ của người lao động vùng biển.
2. Thân bài
– Nhân vật người đàn bà hàng chài được xây dựng bằng bút pháp hiện thực với sự đối lập giữa dáng vẻ xấu xí, xù xì bên ngoài với vẻ đẹp khuất lấp, đáng trân trọng bên trong.
– Người đàn bà hàng chài xuất hiện hình dáng thô kệch, xấu xí với “khuôn mặt mệt mỏi” “tấm lưng áo bạc phếch,rách rưới”.
– Sống trong cuộc sống như địa ngục cùng cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng vũ phu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.
– Dù bị chồng đánh đập tàn nhẫn, vô tình nhưng người đàn bà hàng chài vẫn cảm thông cho những vất vả, gánh nặng mà người đàn ông ấy phải gánh vác.
– Đằng sau dáng vẻ xấu xí, cam chịu đấy là người đàn bà sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời.
=> Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự đồng cảm với cuộc sống khổ đau của người lao động, đồng thời thể hiện sự trân trọng những giá trị tốt đẹp bên trong những con người nghèo khổ
– Khám phá nhân vật người đàn bà hàng chài cùng cuộc sống nghèo khổ, đọa đầy gợi cho ta liên tưởng đến cuộc sống của hai chị em Liên và những người dân nghèo tại phố huyện.
– Hai đứa trẻ là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Thạch Lam khi viết về cuộc sống tẻ nhạt, u buồn của người dân phố huyện và số phận của những người dân phố huyện nghèo.
– Hiện lên trong tác phẩm là hình ảnh của chị em Liên, những đứa trẻ nghèo sống ở phố huyện Cẩm Giàng:
+ Chị em Liên đã phải bươn chải, lăn lộn với cuộc sống mưu sinh.
+ Những đứa con của chị Tí cũng phải theo mẹ mò cua bắt ốc, đến tối lại cùng mẹ chông hành đêm.
+ Những đứa trẻ lang thang ở bãi chợ, lầm lũi nhặt rác kiếm sống.
– Bức tranh phố huyện ấy còn nổi bật lên với hình ảnh của những người lao động nghèo khổ, lam lũ như chị Tí, gia cảnh đáng thương của gia đình bác Sẩm,…
3. Kết bài
Cả Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam đều hướng ngòi bút đến hiện thực tối tăm của cuộc sống đói nghèo, qua đó thể hiện được tinh thần nhân văn sâu sắc khi hướng về con người, đồng cảm với cuộc đời khổ đau của họ.
II. Bài tham khảo
Nguyễn Minh Châu là người mở đường tinh anh và tài hoa của nền văn học Việt Nam hiện đại. Từ sau năm 1975, nhận thấy nhu cầu đổi mới của văn chương, Nguyễn Minh Châu đã chuyển từ khuynh hướng sử thi chuyển sang khám phá đời thường với những vấn đề quẩn quanh, bế tắc. Thông qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy những góc khuất của cuộc sống cùng những bế tắc, nghèo khổ của người lao động vùng biển.
Nhân vật người đàn bà hàng chài được xây dựng bằng bút pháp hiện thực với sự đối lập giữa dáng vẻ xấu xí, xù xì bên ngoài với vẻ đẹp khuất lấp, đáng trân trọng bên trong. Là nhân vật chính trong tình huống éo le, nghịch lí mà anh Phùng phát hiện, người đàn bà dần bộc lộ những vẻ đẹp khuất lấp bên trong khiến cho người đọc không khỏi xót xa, trăn trở.
Trước tiên, người đàn bà hàng chài xuất hiện hình dáng thô kệch, xấu xí với “khuôn mặt mệt mỏi” “tấm lưng áo bạc phếch,rách rưới”. Cùng với dáng vẻ khắc khổ bên ngoài, chị ta phải sống trong cuộc sống như địa ngục cùng cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng vũ phu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Hoàn cảnh đáng thương của người đàn bà đã khơi dậy nỗi đồng cảm mạnh mẽ nhưng cũng gây nên cảm xúc bất bình trước sự cam chịu, nhẫn nhục một cách vô nghĩa lí của chị ta.
Tuy nhiên, đằng sau ngoại hình xấu xí, dáng vẻ cam chịu của người đàn bà hàng chài ấy lại là người phụ nữ hiểu biết, giàu hi sinh cùng những phẩm chất đáng quý. Lắng nghe câu chuyện của người đàn bà tại tòa án huyện, Phùng, Đẩu cũng như hàng triệu độc giả đã ngỡ ngàng nhận ra rằng, sự cam chịu của người đàn bà ấy không hề vô nghĩa lí, nó xuất phát từ tấm lòng giàu yêu thương, hiểu biết, chị ta chấp nhận cuộc sống như địa ngục vì mong muốn các con có một cuộc sống đầy đủ, được ăn no và cũng bởi chị ta hiểu và tin tưởng vào bản chất vốn hiền lành của người chồng.
Dù bị chồng đánh đập tàn nhẫn, vô tình nhưng người đàn bà hàng chài vẫn cảm thông cho những vất vả, gánh nặng mà người đàn ông ấy phải gánh vác, để cho chồng đánh mà không phản kháng như một cách thức người đàn bà ấy giúp chồng giải tỏa mọi đau khổ, ấm ức của cuộc sống. Như vậy, đằng sau dáng vẻ xấu xí, cam chịu đấy là người đàn bà sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Câu chuyện của người đàn bà không chỉ khiến Phùng, Đẩu và bao độc giả cảm động mà còn khiến ta phải ngạc nhiên, cảm phục về sự sâu sắc, am hiểu đó.
Thông qua tình huống độc đáo, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự đồng cảm với cuộc sống khổ đau của người lao động nghèo, đồng thời thể hiện sự trân trọng những giá trị tốt đẹp bên trong những con người nghèo khổ ấy. Khám phá nhân vật người đàn bà hàng chài cùng cuộc sống nghèo khổ, đọa đầy gợi cho ta liên tưởng đến cuộc sống của hai chị em Liên và những người dân nghèo tại phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Thạch Lam khi viết về cuộc sống tẻ nhạt, u buồn của người dân phố huyện và số phận của những người dân phố huyện nghèo. Hiện lên trong tác phẩm là hình ảnh của chị em Liên, những đứa trẻ nghèo sống ở phố huyện Cẩm Giàng. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chị em Liên đã phải bươn chải, lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Cũng giống như chị em Liên, những đứa con của chị Tí cũng phải theo mẹ mò cua bắt ốc, đến tối lại cùng mẹ chông hành đêm. Đó còn là những đứa trẻ lang thang ở bãi chợ, lầm lũi nhặt rác kiếm sống.
Bức tranh phố huyện ấy còn nổi bật lên với hình ảnh của những người lao động nghèo khổ, lam lũ như chị Tí, người đàn và tần tảo suốt ngày cong lưng trên cánh đồng, đến tối lại tất bật với công việc hàng quán. Đó là gia cảnh đáng thương của gia đình bác Sẩm, cả gia đình lớn bé trên manh chiếu rách mang đến bao xót xa cho độc giả.
Hình ảnh cụ Thi điên ngửa cổ tu hết rượu cùng bước chân loạng choạng, tiếng cười khanh khách trong bóng tối mang đến ám ảnh khủng khiếp về cuộc đời nghèo khổ, tàn tạ.
Cả Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam đều hướng ngòi bút đến hiện thực tối tăm của cuộc sống đói nghèo, qua đó thể hiện được tinh thần nhân văn sâu sắc khi hướng về con người, đồng cảm với cuộc đời khổ đau của họ.
Theo Nhungbaivanhay.vn