Phân tích tính đa nghĩa của nhan đề Ánh trăng


Phân tích tính đa nghĩa của nhan đề Ánh trăng

Hướng dẫn

Nhan đề Ánh trăng là nhan đề mang tính đa nghĩa, không chỉ đơn thuần là tên gọi mà còn khái quát được nội dung, tư tưởng của bài thơ. Em hãy phân tích tính đa nghĩa của nhan đề Ánh trăng.

Bài tham khảo

Trăng là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân xưa. Chúng ta từng bắt gặp ánh trăng sáng soi rọi tình yêu, nỗi nhớ quê hương trong “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch hay ánh trăng huyền ảo, người bạn tri âm với người tù cộng sản qua bài Ngắm trăng của Hồ Chí Minh. Vẫn lựa chọn đề tài ánh trăng ngỡ như đã rất quen thuộc đó, nhà văn NGuyễn Duy đã sáng tạo và làm phong phú hơn cho vẻ đẹp và ý nghĩa của vầng trăng.

“Ánh trăng” là nhan đề bài thơ đồng thời cũng là hình ảnh xuyên suốt bài thơ và là đối tượng để nhà thơ Nguyễn Duy thể hiện những quan niệm, triết lí về cuộc đời. Bởi vậy có thể nói “Ánh trăng” là nhan đề mang tính đa nghĩa.

Trước hết, “Ánh trăng” xuất hiện với tư cách là hình ảnh thực, một hiện tượng, biểu tượng của thiên nhiên. Ánh trăng gắn liền với cái thi vị, lãng mạn, tươi mát. Trong bài thơ ánh trăng, vầng trăng lại là người bạn gắn bó với những kỉ niệm tuổi thơ, ánh trăng cũng dịu dàng, trong sáng như chính mây nước, đất trời.

Tuy nhiên, nếu bài thơ chỉ tái hiện hình ảnh thực của vầng trăng thì “Ánh trăng” của Nguyễn Duy sẽ dễ dàng bị lẩn khuất giữa muôn vàn bài thơ trăng khác. Cái sáng tạo, nét độc đáo trong phong cách của Nguyễn Duy là ở chỗ mượn hình ảnh vầng trăng để nói về những ân tình, kỉ niệm của quá khứ. Vầng trăng trong cảm nhận của Nguyễn Duy không chỉ là hình ảnh của tự nhiên mà còn là người bạn tri kỉ nặng ân tình.

Ánh trăng đã cùng nhà thơ trải qua những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng như cây cỏ, đó cũng là người đồng đội, người đồng chí cùng trải qua những tháng ngày chiến đấu gian khổ ở rừng, và hơn hết đó là người tri kỉ cùng nhà thơ trải qua bao cay đắng, ngọt bùi của cuộc sống. Vầng trăng tình nghĩa trong “Ánh trăng” là dấu ấn của một thời không bao giờ quên mà ngay nhà thơ cũng phải thừa nhận trong “ngỡ không bao giờ quên”.

Cái sâu sắc, mới mẻ của nhan đề ánh trăng là ở chỗ nó biểu tượng cho những ân tình, kỉ niệm gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ mà hào hùng. Khi chiến tranh đã lùi xa, con người bước vào cuộc sống mới với “ánh điện cửa gương” làm con người vô tình quên đi những ân tình đã có với quá khứ, nhà thơ đã nhìn ánh trăng như “người dưng qua đường”. Khi đèn điện tắt, khi cuộc sống hiện đại bỗng ngưng lại trong khoảnh khắc đã làm nhà thơ ngỡ ngàng nhận ra những thứ quý giá mình đã vô tình quên. Ánh trăng ấy đã gọi về những kí ức, làm sống dậy những kỉ niệm của tác giả, của thế hệ trẻ Việt Nam trong những ngày chống Mĩ.

Xem thêm:  Cảm nhận về cảnh mùa xuân trong 4 câu thơ đầu và 6 câu thơ cuối trong bài thơ Cảnh ngày xuân

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan